(BLC) - Nấu rượu là một nghề truyền thống ở các xã vùng cao của huyện Si Ma Cai. Đặc biệt, một hộ ở xã Lử Thẩn đã có cách làm mới để tạo ra sản phẩm riêng biệt, mang nét đặc trưng cho loại rượu của quê hương.

Đến gia đình anh Tráng A Sử, người có sáng kiến đưa hạt cây tam giác mạch vào nấu rượu, chúng tôi được chứng kiến công đoạn khá phức tạp để chế biến ra những giọt rượu ngon, độc đáo của vùng cao Si Ma Cai. Nấu rượu ngon, ngoài việc chăm chỉ, tỉ mỉ, cần có bí quyết gia truyền trong công thức ngâm trộn, ủ men. Nhất là với rượu tam giác mạch, do nấu bằng nguyên liệu mới, ông Tráng Seo Sử phải mất nhiều công sức và qua nhiều lần thử nghiệm mới cho ra được loại rượu mới, mang nét đặc trưng, không nơi nào có được.

Thường thì gia đình ông Sử sử dụng nguyên liệu theo công thức 1 - 2. Nghĩa là, ông trộn một phần hạt tam giác mạch với hai phần hạt ngô. Hạt tam giác mạch phơi khô, được nấu theo cách bình thường. Sau khi hai loại hạt được nấu chín, ông sẽ tiến hành ủ men. Đây là công đoạn quan trọng nhất. Men phải được ủ đúng liều lượng và trộn đều, nhưng còn tùy thuộc phương pháp ủ, tùy loại men mà chất lượng rượu sẽ khác nhau.
Dulichgo
Nhiều người từng được thưởng thức loại rượu này đều nói rằng, uống rượu tam giác mạch không thể không say, nhưng không phải là cái say mê mệt, vật vã nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng.

Chính vì vậy, rượu nhà ông Sử làm ra đến đâu, bán hết ngay tại nhà đến đó, mặc dù giá 50 nghìn đồng 1 lít, so với các loại rượu khác, cao hơn gấp 2,5 lần. Nhờ nấu loại rượu này mà gia đình ông có thêm một nguồn thu khá ổn định. Bên cạnh đó, khi mùa hoa tam giác mạch nở, gia đình ông còn thu nhập thêm từ việc đón khách du lịch đến xem hoa, ngắm cảnh và mua rượu tam giác mạch về làm quà.
Dulichgo
Việc nấu thành công loại rượu mới này không chỉ giúp người dân xã Lử Thẩn tận dụng được những sản phẩm phụ của cây tam giác mạch, mà còn giúp địa phương có thêm một sản phẩm độc đáo, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Theo Thanh Nhàn, Thảo Loan (Báo Lào Cai)
Du lịch, GO!

Rượu tam giác mạch vùng cao nguyên đá