(TQO) - Một chuyến đi du lịch thành công cần phải có cả sự cảnh giác để không rơi vào tình trạng “tiền mất tật mang”.
Hãy cùng điểm qua một số trò lừa đảo thông dụng tại nhiều địa điểm du lịch hàng đầu thế giới.

1. Cảnh sát “lởm”

Điều này có thể xảy ra khi bạn đi chung xe taxi, ở trong quán café hay đơn giản là trên phố. Một “nhân viên cảnh sát” xuất hiện và cho biết, hiện đang có một tội phạm/ người nhập cư bất hợp pháp… lẩn trốn trong khu vực, vì vậy anh ta cần phải kiểm tra hộ chiếu và ví của bạn. Sau khi kiểm tra một số người dân địa phương một cách không thể bình thường hơn, viên cảnh sát quay sang phía bạn.

Tất nhiên,  tới 99% đây là một gã cảnh sát giả, và những người dân địa phương ngoan ngoãn kia chính là đồng bọn dàn cảnh. Nếu bạn chìa hộ chiếu và ví tiền ra, có khả năng bạn sẽ không bao giờ nhận lại được đồ của mình.
Dulichgo
2. Ảo thuật gia đường phố

Ai cũng yêu ảo thuật, nhưng nếu ảo thuật diễn ra trên các con phố du lịch đông đúc và liên quan tới cờ bạc, bạn cần phải tránh xa ngay lập tức. Trong hầu hết trường hợp, kẻ lừa đảo không quan tâm tới vài đồng bạc bé nhỏ khi bạn bị thua, tinh vi hơn, chúng sẽ sắp xếp một số tay chuyên móc túi và lợi dụng sự mất cảnh giác của bạn để “khoắng” càng nhiều càng tốt.

3. Bạn mới quen tốt bụng

Quen được bạn mới trong kỳ nghỉ luôn rất thú vị, nhưng hãy cẩn trọng khi người bạn mới gặp muốn giới thiệu cho bạn một quán ăn/quán bar mà chỉ người địa phương mới biết. Kịch bản tiếp theo có thể như sau: bạn mới quen gọi món hoặc đồ uống đắt tiền nhất, nhưng đến khi trả tiền thì lại “tình cờ” quên ví, hoặc đi vệ sinh mà “một đi không trở lại”. Sau tất cả, chỉ còn bạn với tờ hóa đơn khổng lồ.

4. Hãy cầm lấy này

Trò lừa đảo này có nhiều phiên bản khác nhau, nhưng tất cả đều kết thúc với việc túi của bạn “nhẹ” đi một chút.

Một người phụ nữ vòng một chiếc vòng tay tình bạn vào cổ tay bạn, hoặc tặng bạn một lá bùa may mắn… - trước khi lớn tiếng đòi bạn phải trả tiền.
Dulichgo
Hoặc đột nhiên, một chú chim hư hỏng nào đó lại “đi nặng” trên vai bạn. Một người qua đường tốt bụng dừng lại, giúp lau sạch sẽ, vui vẻ nói lời tạm biệt và rời đi cùng cái ví của bạn.

Người ta từng kể lại một trường hợp tại Ý, khi một người phụ nữ bất chợt quăng cả em bé vào người bạn.

5. Đồng hồ taxi? Cái quái gì vậy?

Rất nhiều lần, tình huống xấu xảy đến trước khi bạn kịp nhận ra. Bạn vẫy một chiếc taxi, ngồi yên vị, nói địa điểm cần đến, xe chuyển bánh, và bạn nhận ra chiếc taxi này không hề có đồng hồ tính tiền. Lúc này, độ dày túi tiền của bạn hoàn toàn phụ thuộc vào người lái taxi kia.

Lời khuyên tốt nhất bạn nên thỏa thuận giá tiền trước khi vào xe. Hoặc là chọn các dịch vụ như Grab, Uber… nếu có thể.

6. Ồ, địa điểm đó đóng cửa rồi

Cho dù bạn sử dụng taxi hay dịch vụ đặt xe trước, một trò lừa đảo khá thông dụng trên toàn thế giới đó là người tài xế nói với bạn, khách sạn/ nhà hàng/ điểm tham quan bạn đang muốn đến, giờ đây đã đóng cửa vì lý do nào đó.

Nhưng may mắn thay, anh ta biết một địa điểm tốt hơn nhiều. Trường hợp tích cực nhất, người lái xe được nhận hoa hồng khi đưa được bạn đến đó bất chấp bạn hài lòng hay không hài lòng với chất lượng dịch vụ. Các trường hợp xấu hơn thì… thực sự rất đa dạng và quá nhiều để có thể liệt kê.
Dulichgo
7. Lừa đảo trên taxi

Chuyện lái xe taxi đưa khách đi vòng vèo không hiếm. Một bí quyết dành cho du khách là hãy tỏ ra bạn biết mình đang đi đâu, ngay cả khi bạn không biết. Nếu có bộ dạng như đang lạc đường, hoặc cắm cúi xem bản đồ, bạn sẽ rất dễ bị lừa.

8. Lừa đảo bán đồ trang sức

Khi đi du lịch, hãy cẩn thận khi mua những món đồ lưu niệm, đặc biệt là đồ trang sức hoặc những món đồ có giá trị mà bạn không thể kiểm chứng. Ở Ấn Độ và Thái Lan, những người bán đồ trang sức thường tiếp cận du khách và chào mời mua hàng. Nhưng khi về đến nhà, bạn mới tá hỏa khi nhận ra đó không phải đá quý mà chỉ là những mẩu thủy tinh bình thường.

9. Đổi ngoại tệ

Một số người thường tiếp cận du khách để chào mời đổi tiền mặt. Nếu không nắm chắc về tỷ giá, bạn sẽ rất dễ bị hớ.

10. Lừa đảo ở sân bay

Nếu có người ở sân bay nhờ bạn trông hành lý hoặc túi xách trong vài phút, hãy cẩn thận. Sau khi họ đi khỏi, cảnh sát có thể ập đến và nói rằng đây là hành lý bị đánh cắp, thậm chí có hàng cấm. Khi đó bạn sẽ gặp rắc rối lớn.
Dulichgo
11. Móc túi

Hãy luôn cẩn thận khi xuất hiện ở các khu du lịch. Bọn lừa đảo có thể làm bạn bị phân tán tư tưởng, khi vờ va vào bạn rồi đánh rơi đồ. Khi bạn đang không chú ý, đồng bọn của chúng nhanh tay nẫng ví tiền. Bởi vậy, nếu bạn là nam, hãy để ví tiền trong túi ngực, hoặc mặc quần bó để dễ cảm giác khi người chạm vào. Phụ nữ nên chia đồ ra các túi khác nhau, không để tất cả cùng một chỗ.

12. Khi bị cướp

Bạn có thể làm ví giả, bỏ vào đó ít tiền lẻ và thẻ mở cửa phòng khách sạn. Thẻ này trông giống thẻ tín dụng nên sẽ không làm bọn trộm cướp nghi ngờ. Khi bị không chế, hãy đưa cho chúng chiếc ví giả này.

13. Quảng cáo đồ ăn

Nếu thấy những tờ thực đơn quảng cáo đồ ăn rao tận nhà dán bên ngoài cửa phòng khách sạn, bạn đừng nên tin vội. Một trường hợp xảy ra ở Florida (Mỹ), một du khách gọi đồ ăn từ tờ quảng cáo và được yêu cầu cung cấp số thẻ tín dụng. Cửa hàng nói sẽ giao trong vòng 30 phút, nhưng đồ ăn không bao giờ được mang đến, còn thẻ tín dụng bị đánh cắp.
Dulichgo
14. Thuê nhà

Khi bạn dự định thuê nhà qua mạng, hãy chắc chắn rằng ngôi nhà đó thực sự tồn tại, vì đây có thể là một quảng cáo lừa đảo.

15. Lừa đảo ở bãi đỗ xe

Nếu có người tỏ ra quá tốt bụng và muốn giúp bạn, đặc biệt khi bạn đang ở một bãi đỗ xe tại Florida (Mỹ), hãy cẩn thận. Khi bạn đỗ xe để vào một cửa hiệu gần đó, xe sẽ bị chọc thủng lốp hoặc lấy đi bugi. Họ sẽ tiếp cận và đề nghị giúp đỡ bạn, sau đó đòi một khoản tiền thù lao.

Du lịch, GO! tổng hợp từ Báo Tổ Quốc, Zing New