(LĐO) - Những ai biết đến xã Hướng Linh ở vùng miền núi Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị, nơi này có cái tên “cúng cơm” là vùng cửa gió. Một thời, gió được xem là “kẻ thù” của người dân, khiến họ phải tứ tán sang vùng đất khác để sản xuất, sinh sống.
Hiện tại, gió ở vùng này vẫn vậy, vẫn thổi sàn sạt quanh năm, nhưng kỳ diệu là gió đã được biến thành dòng năng lượng, “hái” ra tiền mỗi phút, mỗi giờ suốt 365 ngày.

Trồng cây… cột điện

Tôi hỏi một già làng người đồng bào thiểu số Vân Kiều ở trong ngôi nhà sàn nằm nép bên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây (thuộc xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), rằng đường vào Hướng Linh bao nhiêu cây số (km) nữa?. Già chép miệng trả lời: “Không đếm hết, nhiều cây lắm! Đi khi mô thấy gió thổi vù vù và mấy cây cột điện trắng hếu trên trời là đến”.

Rồi cũng đến nơi gió thổi vù vù là Hướng Linh, nhưng quãng đường không xa lắm, từ trung tâm huyện Hướng Hóa vào đến đây chỉ tầm 10 cây số. Thắc mắc, mới hay “nhiều cây lắm” mà già làng nói, không phải là cây số, mà là… cây xanh dọc đường đi!

Dọc đường vào Hướng Linh, sự khắc nghiệt hiện rõ ở những ngôi nhà sàn kiên cố nhưng trống hoác, nhiều người đã bỏ nhà, rời đi tìm vùng đất khác để định cư. Những ngôi nhà sàn bằng bêtông mái tôn kiên cố, nhưng không ít người dân vào ở chẳng bao lâu, đã nấn ná chuyện rời đi bởi nuôi con gì - gió thổi cho gầy nhom, sinh bệnh; trồng cây gì - gió thổi cho xác xơ.
Dulichgo
Trăn trở làm sao để vùng đất khó Hướng Linh thay đổi, phát triển là câu hỏi khó, bởi bài toán trồng cây gì, nuôi con gì ở đây khó áp dụng thành công. Ông Nguyễn Quân Chính – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị kể rằng, khi ông đang đảm nhận chức chức vụ Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, câu hỏi trên cứ ám ảnh mãi trong đầu.

“Mãi đến năm 2009, khi được điều động về làm Phó chủ tịch tỉnh Quảng Trị, đi đây đi đó, tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư mới nghĩ ra rằng, sự khắc nghiệt ở vùng đất Hướng Linh có thể tiềm năng với cây… cột điện” – ông Quân Chính, chia sẻ.

Tiềm năng mà ông Quân Chính nói, từ năm 2000 đã được kiểm chứng, khi một đơn vị đã có khảo sát và kết quả cho thấy tại Hướng Linh sức gió đạt trung bình/năm từ 6-7m/s. Từ kết quả này, Cty Cổ phần Tổng Cty Tân Hoàn Cầu (gọi tắt Cty Tân Hoàn Cầu) đã bắt tay vào nghiên cứu và được UBND tỉnh Quảng Trị đồng ý chủ trương đầu tư, chấp nhận cho công ty thực hiện dự án Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 với tổng mức đầu tư 1.420 tỉ đồng tại xã Hướng Linh từ tháng 5.2015.
Dulichgo
Là dự án điện gió đầu tiên ở khu vực Bắc Trung Bộ được triển khai, và địa điểm thực hiện ở nơi cơ sở hạ tầng, giao thông chưa phát triển, nên Cty Tân Hoàn Cầu mất khá nhiều thời gian, công sức. Ngoài việc huy động nhiều nhân công, dự án này còn có sự trợ giúp của các chuyên gia nước ngoài trong quá trình xây dựng, lắp đặt các tua-bin điện.

Đến giữa tháng 5.2017, 15 tua-bin cao 82m với 3 cánh quạt, mỗi cánh dài 49m được hoàn thành. Không lâu sau đó, 15 tua-bin với tổng công suất 30MW chính thức đóng điện vào trạm 110kV hòa lưới điện quốc gia. Ông Nguyễn Liêm – Phó tổng Giám đốc Cty Tân Hoàn Cầu nói rằng, với công suất từ 15 tua-bin điện gió này, chỉ riêng tiền thuế mỗi năm sẽ nộp ngân sách địa phương trên 20 tỉ đồng.

Giấc mơ “cánh đồng điện gió”…

Anh Hồ Văn Chiêng (28 tuổi, trú tại thôn Hoong Coóc) kể rằng, hơn 1 năm làm bảo vệ cho Cty Tân Hoàn Cầu tại dự án điện gió Hướng Linh 2, tháng nào anh cũng được trả lương 4 triệu đồng và đóng bảo hiểm đầy đủ. Vui mừng hơn, khi dịp Tết Nguyên đán này, anh Chiêng được thưởng thêm một tháng lương, điều mà ít người đồng bào thiểu số Vân Kiều biết đến.

Trước kia, anh Chiêng làm nông nghiệp, đất đai khô cằn, gió nhiều nên hai vợ chồng làm quần quật cũng chỉ đủ ăn chứ không khấm khá lên được, nhưng từ ngày ký hợp đồng làm bảo vệ, kinh tế gia đình đã bứt phá lên trông thấy. “Công việc ở công ty nhàn lắm, mình ăn ở đây, áo quần được cấp phát. Hết giờ trực thì về với vợ con, đến tháng nhận lương về sắm sửa trong nhà và dành dụm cho con ăn học” – anh Chiêng khoe.

Hiện tại, có 20 người lao động là đồng bào thiểu số bản địa đã được Cty Tân Hoàn Cầu hợp đồng làm việc tại nhà máy điện gió. Với mức lương từ 4-6 triệu đồng, đây là công việc đáng mơ ước bởi thu nhập của người dân từ ruộng vườn ở vùng đất này rất thấp. Vì vậy, ai cũng mong muốn có nhiều nhà máy điện gió, để mọi người có cơ hội kiếm được việc làm.

Mong muốn đó sẽ không còn xa, vì ngoài dự án Nhà máy điện gió Hướng Linh 2, thì đến cuối quý 2 năm 2018, Nhà máy điện gió Hướng Linh 1 với công suất 30MW, Nhà máy điện gió Hướng Phùng 1 với công suất 30MW và Nhà máy điện gió Hướng Phùng 2 công suất 20MW sẽ được hoàn thiện và đi vào hoạt động.
Dulichgo
Bên cạnh đó, giai đoạn sau năm 2020 Quảng Trị sẽ lập bổ sung quy hoạch và thực hiện đầu tư dự kiến thêm 21 dự án với tổng công suất khoảng 675 MW theo đề nghị của 7 nhà đầu tư hiện đang thực hiện khảo sát đo gió. Lúc đó, người dân bản địa không chỉ có cơ hội làm việc tại các nhà máy điện gió, mà còn rất nhiều công việc cho thu nhập cao nữa.

Trong một chuyến tham quan nhà máy điện gió Hướng Linh lúc đang hoàn thiện các tua-bin, ông Mai Văn Huế - Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Tân Hoàn Cầu đã nói với ông Nguyễn Đức Chính – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị về định hướng phát triển điện gió kết hợp du lịch sinh thái trên “cánh đồng điện gió”. Ở đó, sẽ có cả trăm tua-bin điện gió trải dài theo các con đường mới mở ở trên các sườn đồi. Còn ở bên dưới, là cảnh quan tuyệt đẹp với những ngôi nhà sàn của người dân bản địa và những con suối, điểm nhấn là khu vực lòng hồ thủy điện Khe Nghi…

Để khai thác được du lịch sinh thái, ông Huế cho biết sau khi dự án điện gió hoàn thành thì cơ sở hạ tầng quan trọng nhất là các con đường đã được hình thành, lúc đó chỉ cần trồng thêm cây cảnh quan dọc các tuyến đường, đầu tư xây dựng khu nghỉ mát…

Ông Nguyễn Đức Chính rất tâm đắc với định hướng này và kỳ vọng, khi dự án điện gió kết hợp với du lịch sinh thái thành hiện thực, bộ mặt của Hướng Linh và miền núi huyện Hướng Hóa sẽ đổi khác. Thành công bước đầu của Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 không chỉ góp dòng năng lượng sạch lên lưới điện quốc gia, tạo nguồn thu thuế cho tỉnh nhà mà còn là một đòn bẩy để những dự án điện gió khác tiếp bước.

Sáng đầu xuân, khi sương mù còn ngăn những tia nắng xuống vùng cửa gió, những cánh quạt điện của 15 tua-bin vẫn miệt mài theo vòng quay, từng giây, từng phút biến luồng gió chướng thành điện truyền tải về những đường dây dài, vắt ngang sườn núi.

Đứng ở ngay trụ sở UBND xã Hướng Linh, trên cao nhìn xuống ngôi nhà nào cũng treo cờ tổ quốc mừng năm mới, còn trên đầu là cánh quạt tua-bin điện gió như chạy xém qua đầu. Mùa xuân này, gió ở vùng cửa gió vẫn vậy, vẫn thổi sàn sạt không ngừng nghỉ, nhưng đã bắt đầu mang đến sự kỳ vọng về một tương lai tươi sáng…
Dulichgo
Ngoài điện gió, tại Quảng Trị còn có nhiều tiềm năng về điện mặt trời, nhiệt điện, điện khí với các dự án đã được đưa vào quỹ đạo triển khai. Theo kế hoạch, đến năm 2023 Quảng Trị sẽ có các dự án năng lượng với tổng công suất 5.000MW, lúc đó địa phương sẽ trở thành trung tâm điện lực của khu vực. Song song với các dự án trên, UBND tỉnh Quảng Trị đang đề nghị Tập đoàn Điện lực VN bổ sung, khởi công xây dựng đường dây điện truyền tải. Đặc biệt, tại hội nghị kinh tế hai nước Việt Nam – Lào được tổ chức tại TP. Viêng Chăn (Lào) gần đây, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã đề nghị hai nước kéo đường dây 500kV bán điện từ Lào về Việt Nam qua thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa).

Theo Lâm Hưng Thơ (Báo Lao Động)
Du lịch, GO!