(CTO) - Có một rừng thông non nửa thế kỷ trải dài trên nền đất bazan đỏ mênh mang. Thông không cao vút, mà xòe tán nghiêng nghiêng mang dáng hình bonsai kỳ lạ, tạo nên hàng ngàn tác phẩm thiên nhiên tuyệt đẹp.

Ở phố núi mờ sương trên cao nguyên bazan màu mỡ, rừng thông không phải là hiếm. Người ta có thể nhìn thấy những rừng thông ngút ngàn, cao vút nằm bên đường, trên đồi, ven hồ… tạo nên một không gian xanh mát giữa phố núi cao. Nhưng ở Gia Lai lại có một vùng thông tưởng chừng như còi cọc lại hóa ra độc đáo.

Chạy xe về hướng biển Phú Yên, cách phố núi Pleiku chừng hai mươi lăm cây số là tới rừng thông bonsai. Thông xen lẫn giữa các ngôi làng Bahnar của huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai. Người Bahnar sống gần phố hơn nhưng vẫn giữ nét đẹp của đời sống gắn với thiên nhiên.
Dulichgo
Ngày xưa, vùng đất này bị hoang hóa, chỉ có cỏ và cây bụi mọc dại. Thấy vậy, người ta trồng rừng phủ xanh đồi trọc, vùng đất kém màu mỡ; để vừa cải tạo đất, vừa tạo thêm mảng xanh, những lá phổi thiên nhiên quý giá. Bây giờ, tuổi thông đã non nửa thế kỷ. Trẻ con theo cha trồng thông ngày xưa, giờ đã có con, có cháu.

Lữ khách sẽ phải ngạc nhiên bởi phần lớn trong tổng số nửa triệu hecta rừng thông này, có lẽ một phần do đất hoang hóa và điều kiện tự nhiên đặc thù, nên không có những cây cao lớn như anh em của nó ở công viên Diên Hồng, Biển Hồ… hay xa hơn là Đà Lạt của cao nguyên Lâm Viên. Thông không có dáng thẳng đuột; mà cao chừng năm, bảy mét thì phát tán. Rồi tùy theo vị trí mà chúng nghiêng về một phía, nhánh mọc lòa xòa bên dưới. Dần dà thành những nhánh to, tạo dáng hình bonsai rõ rệt. Hàng ngàn cây như thế mọc thành hàng trải dài tới ngút ngàn. Giữa những lô trồng thông là những thửa đất trống chạy dài. Người ta chừa ra để đề phòng khi hỏa hoạn chúng không bị cháy hết, vừa tiện việc dọn dẹp, chăm sóc cây.
Dulichgo
Mùa sa mưa, thông nở những lộc xanh mơn mởn. Đất như được tô thêm lớp son đậm màu hơn. Trước mùa mưa là mùa bướm. Chúng bay thành từng đàn vài trăm con, như vui đùa dưới tán thông mát rượi.

Lúc chớm đông, cái lành lạnh tràn ngập cao nguyên này, rừng thông bonsai có thêm “hàng xóm” mới là những đám cỏ hồng mượt mà tưởng chừng chỉ có ở vùng đồi núi của cao nguyên Lâm Viên. Đó cũng là lúc rừng thông chào đón nhiều du khách nhất từ khắp nơi đổ về đây thưởng lãm. Địa phương tổ chức hẳn một lễ hội chào đón du khách. Những làng Bahnar quanh rừng thông đổ xô đến chơi cồng chiêng và uống rượu cần.

Sau những danh thắng nổi tiếng, người ta nhắc đến rừng thông bonsai như một phần không thể thiếu khi nhắc đến Gia Lai. Người Bahnar bản địa lấy rừng thông làm sân tổ chức lễ lạc truyền thống. Trẻ con, thanh niên hằng ngày lấy đó làm sân chơi.
Dulichgo
Người dân Pleiku cuối tuần đổ xuống đây như tìm về chốn hoang sơ, tách khỏi phố thị dù chỉ mất nửa giờ đi xe máy. Với lữ khách, rừng thông bonsai như một kiệt tác khổng lồ. Nhìn từng gốc thông, người ta tin có đôi bàn tay huyền bí uốn nắn những từng tác phẩm bonsai này làm quà cho những người Bahnar hiền hậu đang cư ngụ trên mảnh đất này.

Mảnh rừng với những tạo tác của thiên nhiên cũng đã lọt vào tầm ngắm của nhà đầu tư, với ý tưởng đưa rừng thông thành điểm đến đắt giá. Trước đây, đã từng có một dự án tương tự, nhưng vẫn nằm trên giấy. Nay một dự án khác tái khởi động.

Mong là dự án sẽ giữ gìn màu xanh này, nhất là cả một khu rừng bonsai độc đáo không dễ tìm thấy ở nơi khác. Đó là chưa kể những thứ cộng sinh tạo nên bốn mùa khác biệt khi đặt chân đến vùng đất này.

Theo Thụy Du (Báo Cần Thơ)
Du lịch, GO!