(Zing) - Ngọn núi của người Jrai (Gia Rai) - ngọn Cheng Leng là nơi cư trú của hơn 40 con người. Họ chọn cho mình cuộc sống nguyên thủy, dựa vào núi rừng và chối từ ánh sáng "văn minh".

Một mình qua sông, qua núi đồi, đi tìm mặt trời, và tìm lời ru ngàn đời. Câu hát của người con núi rừng Tây Nguyên Y Phôn K'Sor văng vẳng theo từng bước chân nhóm phóng viên Zing.vn trên quãng đường đầy trắc trở lên đỉnh núi.

Vượt qua 50 cây số đường đất ngoằn ngoèo đầy bụi đất nắng cháy của mảnh đất cao nguyên để tới chân núi, chúng tôi đã quyết định bỏ xe máy lại để đi bộ khi nhìn thấy con đường dốc đầy đất bùn cùng đá tảng lởm chởm và được những đồng bào sống dưới chân núi tốt bụng nhắc nhở:
Dulichgo
"Đường khó đi lắm, bọn tao chỉ đi bộ được thôi, người Kinh đi mệt lắm đấy".

May mắn cho chúng tôi đó là Quân đoàn 3 đóng dưới chân núi đã cử một chiến sĩ đi cùng. Đó là trung úy Úy, người lính trinh sát dày dặn kinh nghiệm với vốn tiếng dân tộc của mình đã giúp cả nhóm đi đúng đường qua những đoạn khó khăn nhất.

< Một ngày quay lưng với văn minh ở bản "5 không" Do biệt lập trên núi cao nên điều đặc biệt nhất của bản Plei đó là cuộc sống năm không: không điện, không nước sạch, không đường, không trường, không trạm.
Dulichgo
Ở độ cao 1.000 m, sau 5 cây số đường núi, một khoảng đất rộng bao la bỗng hiện ra trước mắt. "Trước đây đó là cả cánh rừng ngút ngàn, nhưng người dân đã chặt hết để canh tác, cộng với sự phá hoại của lâm tặc, nên giờ đây đã trở thành đất trống đồi trọc, không thể hồi phục", anh Úy lặng lẽ khi bước qua mảnh đất cằn.

< Anh G'a Ri (41 tuổi) đang đợi vợ nấu cơm để đi làm rẫy buổi sớm. Anh có 7 đứa con và chưa có kế hoạch dừng sinh đẻ dù cuộc sống cực kỳ thiếu thốn. Anh cho rằng con là của Giàng cho, cứ đẻ cho tới lúc không đẻ được thì thôi.

< Anh Rmah T’rúi, buôn Cheng Leng, cho biết bà con thích ở đây vì ở trong làng cũ không có đất rẫy. “Cuộc sống ở đây khó khăn lắm, cái gì cũng thiếu, mà thiếu nước là khổ nhất. Trồng trọt không có nước, nước uống cũng thiếu, tắm giặt cũng thiếu”, anh Rmah T’rúi kể.

Từ xa xa, ẩn hiện dưới những tán cây, hơn chục nóc nhà sàn nhấp nhô trên đỉnh núi. Nằm ở khu vực tiếp giáp giữa ba huyện Chư Sê, Phú Thiện và Mang Yang (Gia Lai) là buôn Plei Cheng Leng, đặt theo tên ngọn núi của người Gia Rai - ngọn Cheng Leng.
Dulichgo
Dân làng tại đây là những đồng bào dân tộc Jrai đến từ khu vực lòng hồ Ayun Hạ, khi trẻ con sinh ra ngày càng nhiều, đất rừng thì hết, họ tìm lên đỉnh núi đốn gỗ dựng nhà khai hoang làm rẫy. Do biệt lập trên núi cao nên điều đặc biệt nhất của Cheng Leng đó là cuộc sống năm không: không điện, không nước sạch, không đường, không trường, không trạm.

< Một lễ cúng Giàng để chữa bệnh đau đầu của ông Ksor Puh gồm thịt lợn và rượu cần.

Đàn ông uống rượu, lên nương

Buôn buổi sáng không có bóng đàn ông. Những người trụ cột của gia đình đã sớm lên nương để cắt cỏ, xới cây khoai mì. Với khí hậu nắng nóng và địa hình thổ nhưỡng khá khắc nghiệt, chỉ có cây sắn là tồn tại được ở đây.

< Anh Q'ot cùng con trai đang ăn cơm nguội cùng cá thối từ nhiều bữa trước. Anh cùng người hàng xóm luân phiên mỗi người làm giúp nhau một ngày để có thời gian nghỉ ngơi ở nhà nhiều hơn.

Thời gian làm việc của những nông dân này rất đúng giờ: Sáng 7-10h, chiều 14-17h. Khoai mì mỗi năm thu hoạch một lần, số tiền có được sẽ để dành ra trả nợ, mua thuốc trừ sâu, mua gạo và đặc biệt không thể thiếu đó là rượu.

Rmah T’rúi là một trong những người mới tới định cư ở núi Cheng Leng. Anh cho biết trước đây ở một ngôi làng dưới núi, do không có đất sản xuất nên dẫn theo vợ con lên định cư trên núi Cheng Leng phát rừng làm rẫy. T’rúi mù chữ, thích uống rượu, con cái ốm đau thì thường để tự khỏi hoặc tìm thầy cúng, lúc nào thầy cúng mãi chưa khỏi, anh T’rúi mới đưa con đi bệnh viện.
Dulichgo
Phương pháp canh tác của người dân làng hầu hết là tự phát và đơn sơ, vì thế năng suất lao động thấp. Sản lượng thu được bán cho các thương lái cũng chỉ đủ mua gạo cho nhà và rượu cho mình chứ chưa nói tới các phương tiện khác.

Cả buôn chỉ có một chiếc xe máy cũ nát, còn lại mọi người đều đi bộ rất xa để lên nương hoặc mua những nhu yếu phẩm cần thiết. Đàn ông dân tộc thích uống rượu, hầu như bất cứ nhà nào dù không có tiền cũng đều có một vò rượu cần, hoặc quá thiếu thốn sẽ là loại rượu pha với cồn tự chế với giá vài nghìn một lít.

Cứ thế một ngày của những người đàn ông Cheng Leng trôi qua trong êm đềm. Chiều đến họ uống rượu rồi đi tắm suối. Thanh niên đến tuổi thì đi bắt vợ ở làng hoặc sang làng bên. Họ không băn khoăn nhiều về cuộc sống thiếu thốn của mình mà cứ để mọi thứ cho Giàng (Trời) quyết định.

Những đứa trẻ của rừng xanh, suối ngàn

Khi đàn ông lên nương hết chỉ còn lại phụ nữ và trẻ em trong buôn. Mọi người ở đây rất rụt rè khi gặp người lạ, đặc biệt là trẻ em. Có lẽ do cuộc sống quá tách biệt và hiếm khi họ ra ngoài khỏi cộng đồng bé nhỏ của mình. Chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn khi tác nghiệp khi lũ trẻ cứ thấy ống kính là chạy trốn. Phải mất cả buổi làm quen để trẻ con không biến mất dưới mỗi gốc cây, còn những người phụ nữ không che mặt khi thấy có người giơ máy ảnh lên.

Không đường, không bệnh viện, không trường học, không chữ, lũ trẻ chỉ biết lang thang quẩn quanh chơi với nhau ở buôn, đôi khi chạy theo mẹ, theo bà ra suối nghịch nước. Không đứa trẻ nào được hỏi mà biết tuổi của mình, đôi khi cả cha mẹ chúng cũng quên mất con mình đã chừng nào tuổi.
Dulichgo
Từ sáng sớm, chị T'Joan cùng con trai đeo gùi ra suối để hứng nước và giặt giũ. Dòng suối nhỏ từ trên núi chảy xuống chính là nguồn sống vô cùng quý giá với người dân Cheng Leng. Mọi sinh hoạt của buôn đều phụ thuộc vào dòng nước này, thế nên khi tới mùa khô hạn, điều họ lo sợ nhất không phải là đói, mà là thiếu nước.

Mọi sinh hoạt, niềm vui của lũ trẻ đều dựa vào dòng suối. Điều kỳ lạ là những vùng nước tù đọng đục ngầu ấy lại không hề làm bất cứ ai trong buôn mắc bệnh nào về đường ruột, mà thậm chí còn khỏe mạnh hơn. Nước múc lên cả nhà chuyền tay nhau uống vui vẻ, dường như người dân tộc Gia Rai là con của Giàng, được Giàng nuôi dưỡng, bảo vệ.

Khí hậu vùng đất Tây Nguyên vô cùng khắc nghiệt, mùa mưa thì dầm dề ngày đêm, mùa nắng thì cháy da cằn đất. Lũ trẻ ở đây sinh ra và lớn lên dưới sự chọn lọc của tự nhiên khi ốm không biết đến thuốc, đói và khát là bạn thân. Như thể được hấp thu năng lượng của núi rừng và đất đỏ, đứa nào cũng đầu trần chân đất chạy như bay trên cát sỏi. Thế nhưng tự nhiên cũng rất khắc nghiệt, cách đây một tuần một em bé bị sốt do không có thuốc uống và đường đi bệnh viện quá xa nên đã qua đời.
Dulichgo
Lũ trẻ ở đây không có những món đồ chơi bằng nhựa màu sắc của mọi đứa trẻ bình thường trên thế giới, mà thay vào đó là cỏ cây và lá rừng. Từ bốn năm tuổi, chúng đã biết ra suối gánh nước, bắt ốc mò cua cải thiện bữa ăn khó khăn của gia đình. Tự bao giờ những đứa trẻ này đã coi mọi khó khăn thiếu thốn như một phần cuộc sống của mình và biến nó thành niềm vui.

Những người phụ nữ dành cả đời để đẻ và nuôi con

Phụ nữ ở Plei Cheng Leng lấy chồng từ sớm và đẻ con ngay từ khi trở thành thiếu nữ. Không quá khi nói đây là những người đàn bà vất vả nhất Việt Nam, khi mà họ luôn tay làm việc, không dừng đẻ, đặc biệt là luôn đói bụng.

Hàng trăm việc không tên từ chăm sóc đồng áng gần nhà, lo cho trâu bò, đi lấy nước, giặt giũ, nấu cơm. Hầu như mỗi người phụ nữ ở đây đều đẻ ba đứa trở lên. Trong hoàn cảnh sống thiếu thốn nhiều năm chỉ có cơm với rau cùng những cơn sốt rừng, thế nhưng họ vẫn bình thản sống như thể mọi điều là dĩ nhiên.

Những cụ già cũng không hề có khái niệm thảnh thơi tuổi xế chiều. Còn sức là còn làm, họ chỉ dừng lại cho tới khi đôi chân không thể bước, đôi tay không còn lực.
Dulichgo
< Ông Vong (70 tuổi) đang ngồi trong căn bếp của mình. Ông đã bị sốt rét suốt ba ngày hôm nay, cúng Giàng không khỏi, mà tiền mua thuốc thì không có. Thế nhưng ông cho biết sẽ chỉ sống chết ở bản mà không rời đi, vì đi sẽ không có đất để làm ăn.

Khi ánh nắng tắt dần trên những rẫy mì, cũng là lúc các chị, các mẹ tất bật từ trên nương về nhà để kịp lo bữa cơm chiều. Cứ thế năm này qua năm khác suốt bao nhiêu thế hệ, những người phụ nữ Gia Rai với đứa con trên lưng đã trở thành một hình ảnh mang tính biểu tượng.

Thà ở với rừng còn hơn đến với ánh sáng văn minh

< Anh Ksor H'Pơ là con rể ông Vong. Anh đã từng ở Sài Gòn làm việc và nay lại quay về buôn. Anh muốn đưa cả gia đình xuống thôn dưới để có điện và được học chữ, nhưng anh sẽ nghe theo lời cha mình quyết định.
Dulichgo
Không chợ, không hàng quán, người dân ở đây chỉ biết hái vội nắm lá mì nhồi nát bỏ vào nồi canh hay đôi khi là gói mì tôm nấu loãng, tất thảy là đủ cho bữa cơm tối. Thời điểm ấy cũng là lúc những người đàn ông cũng từ rẫy trở về. Bữa ăn diễn ra hoàn toàn trong bóng tối.

Điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt nhưng dân làng lại không muốn xuống núi, họ hài lòng với cuộc sống của mình trên đỉnh Cheng Leng. Có nhiều lý do để ngăn họ đến với sự văn minh, đầu tiên lo lắng lớn nhất của người dân ở buôn vẫn là đất.

Ở lại trên đỉnh Cheng Leng, thiếu đủ thứ, nhưng không thiếu đất, có đất thì có cơm. Dân ở làng cũng sợ, xuống núi là phải cúng Giàng, những nhà không trâu, không lợn thì lấy gì mà cúng cho Giàng.

Ở nơi mà ánh sáng của điện, của văn minh không soi tới được, dường như những người dân ở Plei Cheng Leng sống trong một thế giới khác. Thế giới của núi rừng, của suối ngàn và đất đỏ. Người dân tộc Gia Rai quan niệm còn rừng thì còn thở, còn đất thì còn cơm. Nhưng với tốc độ tăng dân số hiện nay, và những cánh rừng đã bị chặt phá cạn kiệt, không gian sống của họ cũng ngày một thu hẹp rồi sẽ biến mất trong tương lai gần, như lời bài hát của nhạc sĩ Tây Nguyên Yphon K'Sor.

"Tôi như con chim lạc bay trên trời cao Tôi như con thú hoang lang thang trong rừng sâu Như dòng sông khao khát lời, tôi như hạt mưa không có lời"...

Theo Hoàng Việt (New Zing)
Du lịch, GO!