(CMO) - Du lịch phượt là hành trình chinh phục mọi nẻo đường. Một phượt thủ chân chính là người luôn bảo vệ và tôn trọng người dân, các giá trị văn hoá trên hành trình và luôn biết tự trọng với chính mình.

Phượt từng là nỗi ám ảnh và không ít người cảm thấy ngán ngẩm, lắc đầu khi bắt gặp hình ảnh đoàn người đội mũ bảo hiểm kín hết đầu, đeo phản quang, giáp… bởi trước đó không ít những câu chuyện tai tiếng liên quan đến các phượt thủ.
Đơn cử, gần đây nhất chính là vụ lùm xùm giữa 28 phượt thủ với một bà chủ quán cà phê (hơn 70 tuổi) tại TP. Cà Mau. Đoàn phượt đã tố chủ quán chặt chém khách hàng và doạ sẽ đốt quán. Một hành động bị chỉ trích và lên án mạnh mẽ, nhất là đối với người lớn tuổi. Kết quả cuối cùng, đoàn phượt phải đến tận nơi xin lỗi chủ quán. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, ấn tượng về những người tham gia phượt cũng ảnh hưởng ít nhiều khi mạng xã hội lan truyền mạnh mẽ thông tin này.

Phượt an toàn

Đã có rất nhiều sự vụ đáng tiếc xảy ra trong quá trình đi phượt, gần đây nhất là cái chết của một phượt thủ trên cung Tà Năng - Phan Dũng do bị lạc đường và thiếu thiết bị thông tin. Đây chỉ là một trong những rủi ro mà người đi phượt có thể sẽ gặp trong quá trình chinh phục những cung đường mới. Điều mà người đi phượt quan tâm hàng đầu chính là sự an toàn của bản thân và cả đoàn.
Dulichgo
Cơ duyên đến với phượt của anh Nguyễn Hồng Giang, Phường 9, TP. Cà Mau bắt đầu từ chuyến đi thiện nguyện ở vùng cao. Anh Giang bộc bạch, trước đây tôi là người sống khép kín, cô độc. Sau chuyến đi đến trại phong ở Đà Lạt tôi nhận ra rằng cuộc sống thật sự muôn màu muôn vẻ.

Lần đầu chạm mặt chúng tôi, những người mắc bệnh phong rất hoảng loạn vì trước nay họ không giao tiếp với người lạ. Vì thế, chúng tôi phải mất khoảng thời gian mới có thể tiếp cận và trò chuyện với họ. Và bắt đầu từ đó, tôi quyết định thay đổi tư duy và quan niệm sống của bản thân. Khát khao khám phá những điều mới mẻ đã thôi thúc tôi trở thành phượt thủ.

Đồng hành với hành trình đi phượt của anh Giang là chiếc xe gắn máy, vài ba bộ quần áo và đồ dùng cá nhân. Với tư tưởng khám phá những nơi mới, vùng đất còn hoang sơ, nơi còn chưa được khai thác nhiều để làm du lịch, anh Giang đều ghi lại những khoảnh khắc qua chiếc điện thoại cá nhân để làm lưu niệm riêng đánh dấu thời tuổi trẻ của mình. Sau mỗi hành trình, anh Giang đều rút ra cách nhìn mới về con người và sự việc, đồng thời cũng chiêm nghiệm nhiều triết lý thực tế để làm vốn sống cho bản thân mình.Dulichgo

Mất hơn 3 năm trải nghiệm, anh Giang đã nhận lời hướng dẫn đi phượt qua các nhóm phượt trên facebook, zalo… Bằng kinh nghiệm và nhiệt huyết, tận tâm của tuổi trẻ, anh Giang đã tự tin truyền lửa cũng như kinh nghiệm cho mọi người. Anh Giang cho hay, vì trong quá trình di chuyển, khám phá có rất nhiều rủi ro có thể xảy ra như gặp tai nạn, lạc đường, trượt chân… nên để đảm bảo an toàn và kiểm soát được tất cả các thành viên trong đoàn đi, các phượt thủ thường khuyến cáo đội hình đẹp nhất là từ 12-20 người. “Với quan niệm đi phượt là gắn kết, là trải nghiệm cùng nhau trên chuyến đi, điều tôi quan tâm hàng đầu cho các thành viên trên những chặng đường chính là sự an toàn”, anh Giang chia sẻ.

Phượt văn minh
Dulichgo
“Chỉ lấy đi những bức ảnh và để lại những dấu chân” là câu cửa miệng của phần đông phượt thủ. Không chỉ chuẩn bị cho cuộc hành trình những trang thiết bị, người đi phượt còn chuẩn bị cho bản thân mình một ý thức tôn trọng những nơi mình đặt chân đến, tôn trọng các giá trị văn hoá trên đường đi. Và hơn thế nữa, sự hoà nhã trong giao tiếp, tôn trọng luật lệ giao thông, giữ gìn và bảo vệ các giá trị văn hoá, giữ vệ sinh và giữ hình ảnh cá nhân tại các nơi đến… luôn là những điều mà người đi phượt chân chính luôn khắc cốt ghi tâm.

Trước khi bén duyên với phượt, ông Nguyễn Anh Tú, Phường 5, TP. Cà Mau thích đến những nơi lạ để tìm hiểu về nét sống của người dân vùng khó khăn, khám phá những nhân vật nổi cộm với những tài lẻ. Sau thời gian rong ruổi, ông có niềm đam mê chụp ảnh và hành trình đi phượt cũng bắt đầu từ ấy. Mỗi nơi đặt chân đến đều có camera hành trình ghi lại để sau mỗi chuyến đi, ông sẽ chiêm nghiệm lại mọi điều, rút kinh nghiệm cho chuyến đi lần sau một cách văn minh và toàn vẹn nhất.

Anh Trần Hoàng Sang, Khóm 2, Phường 9, TP. Cà Mau, một thành viên trong đoàn phượt, chia sẻ, chuyện va quẹt xe khi đi phượt đôi lúc vẫn xảy ra. Trong trường hợp đó, tôi luôn bình tĩnh và giải quyết vấn đề thấu tình đạt lý. Bất kỳ tình huống hóc búa, khó xử lý như thế nào, tôi cũng luôn thể hiện bản lĩnh của người văn minh để xây dựng và quảng bá hình ảnh của người tham gia vào cộng đồng phượt. Và một nguyên tắc bắt buộc các thành viên trong nhóm không được vi phạm là vứt rác bừa bãi trên đường đi.
Dulichgo
Càng khám phá để có những trải nghiệm tốt đẹp và nhân văn, các phượt thủ đều có đồng quan điểm là có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống. Vì cuộc sống luôn muôn màu, muôn vẻ và ẩn mình với nhiều hình hài khác nhau. Thế nên, chúng ta hãy truyền thông điệp tích cực và có cái nhìn cởi mở hơn về cuộc sống./.

Theo Ngọc Trầm (Báo Cà Mau)
Du lịch, GO!