(BCB) - Với tập quán canh tác, sinh sống trên núi cao, để tiết kiệm chi phí sản xuất và thời gian, từ xưa người Dao xã Yên Sơn (Thông Nông) thường tự đúc lưỡi cày để sản xuất. Đến nay, chiếc lưỡi cày không đơn thuần là tinh hoa của nền nông nghiệp trên núi đá mà còn là niềm tự hào của dân tộc bởi chỉ có những lò rèn của người Dao ở Yên Sơn mới đỏ lửa đúc được những lưỡi cày độc đáo, phù hợp với địa hình nơi họ sinh sống.

Là xã vùng cao, khó khăn nhất của huyện Thông Nông, người dân bao đời gắn bó với trồng lúa nương, trồng ngô trên núi đá. Để công việc thuận tiện hơn, họ tự sản xuất những đồ dùng phù hợp, trong đó có làm lưỡi cày với đặc điểm riêng để dễ dàng lách qua những hòn đá ẩn mình trong lòng đất.

< Để làm được một lưỡi cày tốt, trước tiên phải chọn loại gang, thép tốt, không pha tạp. Lò nung gang kéo bằng bễ đảm bảo độ lửa hồng, cháy đều trong suốt quá trình nung gang chảy.
Dulichgo
Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm lưỡi cày, ông Triệu Chiều Cản, ở xóm Khao Hạ cho biết: Làm lưỡi cày là một công việc nặng nhọc. Người làm lưỡi cày phải có sức khỏe, có tính cẩn thận, kiên trì nên bây giờ rất ít người làm. Làm lưỡi cày thường vào mùa nông nhàn, đồng thời cũng là lúc bà con chuẩn bị sắm lưỡi cày để cày ải trồng ngô vụ xuân... Vợ chồng ông Triệu Chiều Cản mỗi ngày làm được hai mươi cái lưỡi cày. Mỗi lưỡi cày bán được 250 nghìn đồng, đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình ông. Nguyên liệu chính để làm lười cày của người Dao ở Yên Sơn là tận dụng những lưỡi cày, chảo gang đã hỏng hoặc các vật dụng được làm bằng thép không bị pha tạp.

< Khuôn đúc lưỡi cày làm bằng đất sét trộn bột than, bột đá. Gang, thép sau khi nung chảy được đổ vào khuôn và để trong vài giờ. Khi đủ thời gian cho gang, thép đạt độ cứng, những chiếc lưỡi cày được đưa ra khỏi khuôn.

Để làm ra được một lưỡi cày thì cần có lò nung gang, bệ sục tạo ra gió và khuôn đúc. Bệ sục được làm bằng thân gỗ đục rỗng, phần bên trong có gắn các dụng cụ cần thiết. Bệ sục cần có người đẩy liên tục để tạo ra gió và được nối trực tiếp với lò nung gang bằng một lỗ tròn ở giữa thông với cửa vòm đặt nồi chứa gang bên dưới. Vì vậy, để làm lưỡi cày thì một người không thể tự làm được, phải có một người luôn đẩy bệ sục, một người phải chuẩn bị các công đoạn khác. Việc đẩy bệ sục không quá khó, nên thường do các chị em phụ nữ đảm nhận. Trong quá trình nung gang lửa phải đủ độ hồng, cháy liên tục. Nung gang là công đoạn quan trọng bậc nhất; người làm lưỡi cày cần phải tính toán thật kĩ để biết khi nào gang trong lò đã đủ độ dẻo để đổ vào khuôn đúc.

< Lưỡi cày của người Dao Yên Sơn có mũi hơi cong, không nhọn, khi cày dễ dàng “lách” qua những hốc đá, rạch ngô.
Dulichgo
Khuôn đúc lưỡi cày được làm hoàn toàn thủ công và nguyên liệu để làm lò đúc thường là đất trắng (có thể dùng đất sét) trộn với bột than hoặc bột đá, khuôn đúc lưỡi cày yêu cầu độ chính xác cao. Trước khi đổ gang đã nung vào khuôn đúc, thợ làm lưỡi cày dùng đất trắng trộn với bột than quét qua mặt khuôn, tỉ mẩn miết những chỗ lồi, lõm trên khuôn đúc. Sau đó họ dùng than để đun nóng lò đúc. Khi các công đoạn đã chuẩn bị xong, gang trong lò nung đã đủ độ dẻo, thợ làm lưỡi cày lấy gang đổ vào khuôn đúc. Giai đoạn này, người thợ cần phải rất cẩn thận vì nếu sai một chút, họ sẽ phải làm lại từ đầu tất cả các khâu.

< Với hình dáng đặc biệt cùng độ cứng không dễ bị gãy khi cày gặp đá, lưỡi cày luôn là vật dụng không thể thiếu của bà con vùng cao trong tỉnh.
Dulichgo
Đổ gang xong, chờ cho lò đúc nguội, thời gian phải đủ cho gang đủ độ cứng, người thợ sẽ kéo chiếc lưỡi cày ra. Lưỡi cày của người Dao Yên Sơn có mũi hơi cong, không nhọn và cong vút như các lưỡi cày khác ở vùng đồng bằng. Lưỡi cày đạt chất lượng là mũi lưỡi cày không bị chênh, mặt lưỡi cày càng phẳng thì cày càng dễ dàng.

Đúc lưỡi cày ở Yên Sơn không như các nghề truyền thống làm quanh năm ở miền xuôi, mà chỉ đỏ lửa trong khoảng ba đến bốn tháng đầu năm, khi mưa xuống thấm ướt các hốc đá trên những núi đá, đó cũng là thời điểm người dân lên núi cày đất trồng ngô trên các hốc đá.

Theo Lương Thanh (Báo Cao Bằng)
Du lịch, GO!