(KTO) - ​Con rối thể hiện sự khéo léo, tài hoa trong chế tác tượng gỗ dân gian; biểu thị nét hồn nhiên, phóng khoáng trong tâm hồn những người con của rừng của núi, mong ước về cuộc sống nhẹ nhàng,vui tươi, hòa mình vào thiên nhiên.

Ông Rơ Chăm Banh, sinh năm 1966, ở làng Klâu Ngol Dố, xã Ia Chim, cho hay: Từ xa xưa, con rối, mặt nạ, hình nộm… đã gắn liền với lễ hội của người Ja Rai. Riêng con rối thì hầu như lễ hội nào cũng không thể thiếu. Con rối dẫn đầu dàn cồng chiêng, xoang cho không khí ngày hội thêm vui tươi, sống động, thêm “ hoành tráng”. Bây giờ thì ít rồi, nhưng vẫn còn ở những ngày hội lớn, ngày lễ đặc biệt…

Ông A In, một trong số ít nghệ nhân cao niên ở làng Klâu Ngol Dố giải thích cụ thể. Con rối được chế tác từ gỗ, nhờ đôi tay khéo léo của nghệ nhân đẽo tượng gỗ dân gian. Trong những “Plei” (làng) của người Ja Rai, không ít người già, trẻ nhỏ đều biết đánh cồng chiêng, múa xoang, nhưng người đẽo tượng gỗ thì rất ít. Mà không phải ai giỏi đẽo tượng gỗ cũng chịu khó làm con rối, vì làm con rối cần sự kỳ công và sáng tạo hơn.
Dulichgo
Có “khung” là tượng gỗ, con rối phổ biến được làm từ những thân gỗ cao chừng 30-40cm, đường kính 15-18cm; bằng những loại gỗ nhẹ như gỗ sữa, gỗ mủ… để vừa dễ dàng trong quá trình đục đẽo, vừa tiện cầm và dễ điều khiển trong quá trình sử dụng. Hình rối có thể là đàn ông, đàn bà, người già, trẻ nhỏ, hình chim, thú… Trong đó, hình người chủ yếu mô phỏng hoạt động trong đời sống hàng ngày của đồng bào, như người mang gùi, cầm rìu, cầm rựa, cầm chiêng, uống rượu cần…

Sau khi đã định hình, tượng rối được mặc trang phục truyền thống và được trang trí, bổ sung thêm một số chi tiết cho hoàn chỉnh. Đáng chú ý, trong khi tượng gỗ dùng làm tượng nhà mồ hay trang trí ở nhà rông được đục đẽo, để thô mộc; thì hình rối thường được điểm tô màu sắc cho “bắt mắt”, như tóc đen, môi đỏ, mắt đen, má hồng…

Cơ bản, hình rối được làm như hình đẽo tượng gỗ bình thường, song nhiều khi, cũng được chế tác một cách công phu hơn bằng những khớp nối tay, chân, cổ kèm theo hệ thống dây nối để có thể linh hoạt điều khiển trong quá trình biểu diễn, tạo thành hình ảnh con rối lung linh, sinh động.

Theo quan niệm của người Ja Rai, hình rối tượng trưng cho hồn người, mang ý nghĩa tâm linh dẫn dắt cuộc vui. Vì vậy, hình rối thường được dùng trong các lễ hội mừng, tạ ơn và hình rối luôn dẫn đầu đoàn cồng chiêng. Những lễ hội có hình rối luôn để lại dấu ấn bởi một không gian sinh động, hình ảnh bắt mắt.
Dulichgo
Hiện nay, hình ảnh con rối trong lễ hội, trong đoàn cồng chiêng - xoang không còn nhiều. Nghệ nhân chế tác con rối được biết đến càng vô cùng hiếm hoi. Theo nghệ nhân Rơ Chăm Banh, những năm qua, ông đã học đẽo tượng gỗ từ nghệ nhân A Jưk ở làng Klâu Ngol Dố, nhưng để có thể làm được con rối, vẫn còn khoảng cách khá xa so với nghệ nhân lão làng này. Không dễ để chế tác con rối có khả năng cử động, bởi điều đó không chỉ thuộc về “bí quyết” nhà nghề, mà còn được quyết định bởi sự khéo léo, tinh tế của người đẽo tượng. Chính vì vậy, những nghệ nhân thế hệ “cây cao bóng cả” giàu nhiệt tâm như ông A Jưk vẫn lặng lẽ cố gắng giữ gìn và “truyền nghề” đẽo tượng gỗ, làm hình rối cho lớp cháu con.

Theo Thanh Như (Kontum Online)
Du lịch, GO!