(QNO) - Mùa đông mưa dầm nào đó, thời mới tập tễnh làm sinh viên của khoa Văn bên Dòng chúa Cứu Thế, đang trong cơn thèm đi hoang thì bạn rủ “hay là Tết này mình về Trà Dương?”. Thế là “ừ” không đắn đo, lấy giấy viết vội mấy dòng ra con đò dọc gửi về quê cho ba mạ, “xin phép” năm này con theo bạn ăn Tết tận Quảng Nam, rồi thu dọn quần áo ra quán cà phê ở công viên đường Hà Nội chờ đón xe khách...

Lên xe tầm 8h tối, nhưng đi la lết đến chiều hôm sau mới đến được cái ngã ba dẫn vào Trà Dương. “Giờ thì vào đây ăn tạm tô mỳ vì còn phải cuốc bộ thêm mấy cây số nữa mới đến nhà”. Đúng cảnh buồn ngủ gặp chiếu manh. Đang đói mờ mắt nên hai đứa ăn lấy ăn để như thể lâu lắm không có gì cho vào bụng. Tôi vẫn nhớ như in, quán mỳ là một cái chòi dựng phên lợp tranh chơ vơ bên vệ đường như trong phim cổ trang. Lần đầu tiên trong đời tôi biết đến hương vị mỳ Quảng và tô mỳ gà hồi đó mãi mãi là loại mỳ thơm ngon nhất trên đời mà tôi biết.

Lối vào Trà Dương năm đó là con đường lởm chởm đá dăm nhọn hoắt. Vừa đi vừa dò đường vì trời tối nhưng không có điện cũng chẳng có đèn, lâu lâu bên đường thấy leo lắt vài ánh đèn dầu nhảy múa như ma trơi. Xe đạp phải dắt bộ, còn xe máy, lâu lâu là những chiếc “Min khờ” thì cứ nhảy chồm chồm như ngựa điên. Đã thế vài đoạn còn xắn quần lội suối cắt ngang đường nước chảy ầm ào như lũ. Và ở một trong rất nhiều con suối ấy, đôi dép Lào huyền thoại - quà vào đại học của ba tôi - đã bị nước cuốn trôi mất một chiếc. Vào đến Trà Dương mới hay bạn rủ về nhà một người anh ruột chứ mẹ và gia đình đang ở tận Buôn Ma Thuột.
Dulichgo
Nhà anh của bạn nghèo xác xơ. Mà thật ra là cả làng, cả xã, cả miệt dài mấy xã kéo dài từ ngã ba ngày ấy đều nghèo khó. Và đến giờ, tôi vẫn không hiểu vì sao Trà Dương ngày ấy không có chợ. Sáng ra chờ mãi đến tầm 2h chiều mới có một bà “gánh chợ” đi dọc đường cái. Nói là “gánh chợ” cho oai chứ ngày nào cũng chỉ mỗi món cá chuồn được “ship” lên từ miệt biển dưới Tam Kỳ. Vậy nên nhà bạn sáng trưa chiều tối, mỗi ngày ba bận ăn cơm với cá chuồn kho dưa cải. Ban đầu còn thấy ngon miệng vì cá chuồn ở “nước Huế” tôi chưa bao giờ được ăn. Nhưng đến ngày hai, ngày ba, cứ đến bữa cơm là nghe đầu mình đau nhức, lâu lâu còn rùng mình ớn lạnh như cảm sốt.

Rồi cũng đến lúc giao thừa và cảm giác có lỗi cứ ứ nghẹn trong cổ họng vì hình như mình đang làm phiền, đang “cấu xé” vào sự nghèo khó của người thân bạn mình dù chân tình và mến khách, người Quảng ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng thừa đến một trời. Là vì năm đó hình như lần đầu cả nước cấm pháo, trời lại lạnh mưa rả rích như đay nghiến nên vắng lặng như thể từ cả ngàn năm dồn ứ lại. Là vì không khí ngày Tết chẳng có gì khác ngoài nồi bánh chưng đang đỏ lửa phía sau bếp và bữa cơm chiều 30 vẫn cứ là cá chuồn kho dưa cải.Dulichgo

Chợp mắt một lát thì bạn dựng dậy đón giao thừa. Ngó quanh trong nhà, ngoài sân, đâu cũng sơ sài, vội vã với mấy đĩa bánh chưng, bánh tét thơm nức mùi nếp mới. Nhìn cảnh đó cứ thấy không đành khi nghĩ ông bà đang tụ về trong nhà, ngoài ngõ phải co ro vì lạnh lẽo và thiếu thốn. Tết thiếu trước hụt sau vậy nhưng lại đầm ấm, vui vẻ vô cùng vì ai cũng lạc quan rằng mai mốt sẽ tươi sáng hơn. Chủ nhà sau khi thắp hương tổ tiên đón năm mới còn trêu cả nhà câu gì đó đại ý như hãy tận hưởng sự nghèo khó hôm nay vì giàu có có thể ập xuống với chúng ta bất kỳ lúc nào…

Sau này tôi hay khoe với mọi người về những bữa cơm nấu vội trong hóc núi, thức ăn là canh lá rau rừng nấu với ốc suối. Ngon đến trong mơ còn chép miệng. Chuyện kể đầy mùi lãng tử kiểu con trai thành phố chán chê của ngon vật lạ, bất ngờ lạc đến một xứ hồng hoang xa xôi rồi được ăn những món lạ nhớ đời. Thật ra hôm đó ngày mùng Hai Tết, đi lên đi xuống mấy nhà người quen của bạn rồi ra quán cà phê gần ủy ban xã ngồi đồng. Thấy tôi không còn chịu đựng nổi ngày ba bữa cá chuồn, bạn bèn ra suối gần nhà mò được một mớ ốc, rau thì có sẵn trong vườn. Thế là món canh rau ốc tự tay bạn và tôi nấu đại vì chưa bao giờ biết nấu ăn được bày biện lên. Thế là sau này thành một chuyện kể sang trọng được tua đi tua lại đầy tự hào.
Dulichgo
Lần đầu tiên tôi thấm thía thế nào là nỗi buồn thảm và cô độc của một người đi hoang trong ngày Tết đúng ra phải sum vầy như trước mặt tôi, mọi người đang sum vầy đầm ấm. Tôi nhớ nhà, nhớ ba mạ, nhớ mấy đứa em trong vô vọng vì thời ấy chẳng có phương tiện liên lạc nào khác ngoài thư tín viết tay. May là tôi còn được bạn tặng quà Tết - một đôi dép tổ ong màu trắng thay cho đôi dép Lào đã trôi mất một chiếc hồi qua suối. May còn có cô bé em bạn của bạn đang trọ học ngoài thị trấn về nhà đón Tết thi thoảng gặp mặt lại liếc nhìn tôi má ưng ửng hồng. Lâu lâu còn thương tình đi gánh cho đôi nước từ giếng làng để tôi tắm gội cuối chiều.

Chỉ thế thôi mà tôi tự hỏi mình vì sao sinh viên khoa Văn mà trước giờ không chịu làm thơ và sau đó miên man làm thơ. Tôi thậm chí còn không dám cầm tay cô bé ấy nhưng trong thơ tôi lại bịa đặt về những nụ hôn đắm đuối và cả nước mắt của sự chia lìa ngày tôi rời “phố núi” sau gần mười ngày đi hoang ăn Tết vật vã. Sau này tôi mới biết hóa ra những người làm thơ, hầu hết là một sự cộng thêm về những chuyện kinh thiên động địa của đời mình nhưng trong mơ có khi còn chẳng dám mơ tới.
Dulichgo
Lần lữa mãi rồi cũng tròn 20 năm tôi mới có dịp trở lại Trà Dương. Ngã ba vào Trà Dương năm đó giờ đường đã rải nhựa và hai bên toàn nhà xây. Cái chòi bán mỳ lợp tranh năm đó giờ chắc là hóa thân đâu đó của những cái nhà xây lợp ngói mịt mờ dấu tích. Cô bé tôi tưởng tượng được hôn giờ nghe đâu đã là mẹ của 3 đứa con và một gia đình. Mọi thứ đổi thay nhanh và lạ lẫm đến mức như thể lần đầu tiên đặt chân đến một vùng đất mới. Những người ăn Tết với tôi năm đó giờ người còn người mất nhưng đều ăn nên làm ra với những vườn keo bạt ngàn. Sự giàu có chưa đến mức ập đến như mơ ước của ông chủ nhà năm đó, nhưng đủ để nhớ nhớ quên quên một cái Tết khốn khó năm nào. Bọn trẻ con thì tôi cố kể thế nào chúng vẫn không tin ở Trà Dương từng có một thời người ta ăn Tết chỉ có cá chuồn với dưa cải. Kỷ niệm, vì thế cứ lơ lửng như gió núi mây ngàn…

Bút ký của Hoàng Văn Minh (Báo Quảng Nam)
Du lịch, GO!