(NQNXQ) - Suốt 30 năm qua, sự có mặt của tộc người Mường giữa vùng núi rừng bạt ngàn Trà Giang, Bắc Trà My (Quảng Nam) đã góp phần tạo nên bức tranh đa sắc.
Từ trung tâm huyện Bắc Trà My, băng qua cây cầu treo nối liền đôi bờ sông Trường, theo những con đường quanh co, gập ghềnh chạy dọc theo sườn núi, chúng tôi bắt gặp bản làng trù phú, nơi có đông đúc người Mường cùng một số tộc người sinh sống.

Người mở đất

Ngót nghét mấy chục năm trôi qua, kể từ khi già Mớp (Bùi Văn Mớp, quê Hòa Bình) - người Mường đầu tiên đặt chân tới vùng núi rừng bạt ngàn nằm bên sông Trường (nay thuộc thôn 5 và thôn 6, xã Trà Giang). Cuối những quả đồi, đập vào mắt chúng tôi là một thung lũng bình yên với cánh đồng lúa ngả màu vàng óng. Nổi bật giữa cánh đồng vàng là những ngôi nhà sàn của người Mường.

Chúng tôi được người làng dẫn tới một căn nhà sàn đẹp nhất nằm giữa thiên nhiên tuyệt mỹ, tựa như tranh vẽ. Đó là căn nhà của già Mớp mà với người Mường, ông là vị “thành hoàng sống” của làng. Khắp thôn 5, thôn 6 của xã Trà Giang này, nhắc tới tên già Mớp, người người lộ vẻ biết ơn ông, họ gọi ông với sự thành kính là “người mở đất”, hay “thành hoàng làng”.
Dulichgo
Đã bước sang tuổi 76, vợ chồng già Bùi Văn Mớp - Lê Thị Vụ vẫn còn nhớ như in những ngày đầu gian khó đặt chân đến chốn “rừng thiêng nước độc” của xứ sở Trà My cách đây hơn 30 năm. Khi ấy, khoảng những năm 1985 - 1987, bế tắc với cuộc sống ở quê xứ Miền Đồi (Lạc Sơn, Hòa Bình) với cảnh đất chật người đông, không một tấc đất cắm dùi, nhiều người phải trôi dạt ăn xin khắp nơi, tình cờ nghe người bạn từng là bộ đội ở vùng Trà My kể về một vùng đất hứa, thế là giấc mơ về vùng đất ấy cứ ngày đêm thôi thúc Bùi Văn Mớp. Ông quyết tâm rời vợ và bầy con thơ ra đi.

Rời Hòa Bình, ông đón xe vào Nam rồi tìm đến vùng Trà My thuở ấy còn heo hút. Những ngày rong ruổi trèo đèo, lội suối, rồi ông cũng dừng lại bên vùng đất trù phú nằm bên sông Trường. “Khi ấy đi qua đây, thấy đất đai khá tốt, một vùng cỏ tranh mọc ken dày, xung quanh là rừng già, xa xa có tiếng suối chảy, tôi không thể rời đi đâu được nữa. Tôi đã cùng người em họ hạ cây rừng dựng lều, phát quang cánh đồng, trỉa (trồng) lúa, trồng sắn” - già Mớp tâm sự.

Giữa núi rừng không một bóng người, chỉ toàn cây rừng, lại đầy rẫy dấu chân lợn lòi, hùm béo, vắt bám đen kịt, ban ngày người đàn ông lý hương ra huyện làm thuê cho người kiếm cơm qua ngày, ban đêm vào rừng khai phá, dẫn nước về đồng ruộng, trồng lúa, hoa màu. Sau thời gian có hoa lợi, ông trở về Bắc, kể cho vợ con về miền đất hứa trên bước đường “nam tiến”. Khi ấy, ông bà chỉ có thể đưa được 3 người con nhỏ vào Năm.

Bà Lê Thị Vụ nhớ lại: “Nghe vợ chồng tôi đi, ai cũng ngăn cản. Em tôi thì bảo: Chị đừng đi, vô đó hùm beo, lợn lòi, chống chọi sao được. Song tôi đã quyết lòng. Có đói có khổ, có ăn hạt muối cũng chồng đâu vợ đấy”.
Dulichgo
Bà kể, thuở mới vô đất này, nhìn ba bên bốn bề toàn là cây rừng với những cây to hai người ôm không xuể, chiều về rừng vọng lại tiếng mang tác, có những lúc ra suối lấy nước lại gặp cả heo rừng, thỉnh thoảng có thể lượm được răng nanh của hổ báo, lợn lòi. Nếu ai chưa từng kinh qua núi rừng với chiến tranh, bom đạn thì sẽ khó bám trụ, song với người từng là nữ thanh niên xung phong như bà, đã quen với gian khổ. “Cũng bởi cái đói nó khiến con người ta gan lỳ.

Ba con nhỏ tá túc trong lều, còn hai vợ chồng ngày thì ra huyện làm thuê cho người hoặc lên rừng bứt mây để có cái ăn, cái mặc, ban đêm thì cuốc ruộng, đào mương dẫn nước về ruộng” - bà Vụ nhớ lại. Khi ấy, từ làng, muốn ra thị trấn, chỉ có cách băng rừng, lội suối, vượt sông Trường chảy xiết… Giọt giọt mồ hôi, nước mắt đổ xuống và nở hoa trên đất này. Từ đôi bàn tay, họ đã biến thung lũng nảy lên những vồng khoai, rẫy sắn và cả những ruộng lúa xanh rì…

Bản Mường nở hoa

Ngày trước, hai bên bờ sông Trường (đoạn qua thôn 5, thôn 6, Trà Giang) chỉ lác đác vài căn nhà, chòi rẫy của những người mới khai phá, dần dần một số tộc người Ca Dong, Co, kể cả người Kinh cũng đến đây định cư. Ngày nay, qua cây cầu treo ngang sông Trường, đã thấy ấm áp sự sống.
Dulichgo
Giữa màu xanh của bạt ngàn núi rừng, nhà cửa san sát, đường làng đã bê tông kiên cố. Người Mường luôn giữ tình hòa thuận, đoàn kết với các tộc người anh em ở đất này. Dù ly hương, những thế hệ người Mường vẫn động viên nhau giữ phong tục, truyền thống của cha ông. Đó là lý do khiến 2 thôn 5 và 6 xã Trà Giang vẫn lưu giữ nhiều nhà sàn truyền thống.

Cả vùng này, cũng thật khó kiếm tìm đâu ra một căn nhà sàn đẹp như già Mớp. Nghe đâu người dưới xuôi cũng nhiều lần lặn lội tìm tới ngã giá 700 - 800 triệu đồng để đổi lấy căn nhà, song già Mớp không chịu. Ông muốn giữ lại ngôi nhà truyền thống, nó như là kỷ vật nhắc nhớ con cháu ngưỡng vọng về quê cha đất tổ, nhắc nhở họ phải sống đoàn kết, hòa thuận và không được quên nguồn cội, phong tục.

Người Mường ở xã Trà Giang còn tự hào về cây lát hoa, với họ, đó như là một biểu tượng, một mảnh hồn quê xứ. Họ đem giống về từ phương Bắc, trồng quanh nhà. Và không ai khác, cũng chính “thành hoàng làng” Bùi Văn Mớp có công đưa cây lát hoa vào trồng nơi quê hương thứ hai của mình. Hiện, ở bản Mường, người có nhiều cây lát hoa nhất là ông Bùi Văn Tới với hơn 1.000 cây trên 20 năm tuổi, xem như là của để dành. Cây gỗ lát hoa rải rác ở Trà Giang khoảng 8ha, nhà trồng nhiều thì cả nghìn cây, trồng ít vài ba chục cây, vài trăm cây.
Dulichgo
Người Mường ở đây ai nấy dành cho vợ chồng già Mớp sự biết ơn sâu sắc. Với họ, ông bà không chỉ là ân nhân mà còn là người tiên phong khai phá đất này, để họ có cuộc sống nở hoa như ngày nay.

Chị Bùi Thị Hạnh (40 tuổi, trú thôn 5) kể lại: Những năm 1991-1992, tôi khi ấy chỉ mới 12 tuổi đầu đã sớm theo bố mẹ vào đây. Do quá nghèo, ban đầu cũng lắm gian nan. 12 tuổi, tôi cũng đã theo bố mẹ cắt lúa đồi, lúa rẫy, gánh củi đi bán. Nếu không có sự giúp đỡ của vợ chồng già Mớp, không biết sẽ ra sao. Ai mới vô, ai đói cơm đều có thể vào ăn ở nhà bác Mớp. Ai không có gạo thì bác cho, bởi phải chờ rất lâu mới đến mùa giáp hạt. Đến nay, rất mừng là kinh tế của đại gia đình tôi hết sức ổn định. Ơn của bác Mớp lớn lắm...

Câu chuyện mở đất của già Mớp đã trở thành câu chuyện đẹp giữa các bản làng Trà Giang. Và xứ Trà Giang cũng in đậm dấu ấn văn hóa, tinh thần cố kết cộng đồng của người Mường. Hội đồng hương người Mường Hòa Bình cũng vừa thành lập, tổ chức kết nối, giúp đỡ những người khó khăn, gia đình đau ốm, phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách”.Dulichgo

Ông Triệu Văn Hòa, một trong những trưởng thôn lâu đời nhất của thôn 5, xã Trà Giang xác nhận: Từ năm 1990, cả vùng núi rừng rộng lớn này chỉ có mỗi gia đình già Mớp sinh sống, dần dần bà con đến định cư nhiều như ngày nay. “Điều đặc biệt của người Mường là dù sinh sống ở nơi đâu, họ cũng cố ổn định, tổ chức hội đồng hương hoạt động rất mạnh. Với bản chất cần cù, chịu khó, phần lớn kinh tế bà con rất ổn định. Cả thôn 5 có hơn 110 hộ thì người Mường đã chiếm khoảng 60 hộ. Bà con nơi đây sống nhờ trồng 180ha keo lá tràm, 20ha lúa nước và chăn nuôi. Điều đáng mừng là họ sống rất chan hòa, giữ tình làng nghĩa xóm, nhiều năm liền không xảy ra điều tiếng gì” - ông Hòa nói.
Dulichgo
Mặt trời xuống núi. Rời bản Mường Trà Giang, bỏ lại sau lưng là vi vút rừng keo lá tràm, những cội lát hoa mấy chục năm thân to cả một người ôm không xuể, lòng lại dâng lên một niềm cảm phục trước những con người “đẻ đất, đẻ nước” giữa núi ngàn thiêng.

Theo Bích Liên, Hoàng Yên (Người Quảng Nam Xa Quê)
Du lịch, GO!