(BQN) - Quảng Ngãi, cho đến nay hiếm có ngôi làng nào như Châu Mi (nay còn gọi là thôn Phú Châu) ở xã Hành Đức (Nghĩa Hành), vẫn giữ nét đẹp truyền thống thờ miếu, đình làng và gìn giữ 7 tấm sắc phong cổ nguyên bản từ thời triều Nguyễn.
Những ngày này, bốn bề làng Châu Mi là ruộng đồng xanh mướt, thẳng cánh cò bay. Trong nắng xuân, ngôi làng cổ yên bình này vẫn toát lên sự trù phú.

Báu vật của làng

Những ngày đầu năm mới, các bô lão trong làng kêu gọi con cháu đến miếu Bà thờ Ngũ hành Tiên Nương để sửa soạn, làm lễ cúng. Kính cẩn thắp nén nhang lên bàn thờ, để xin mở các tấm sắc phong cổ, ông Nguyễn Văn Châu (68 tuổi) lý giải: “Đó là báu vật của làng, nên làm gì đều phải xin phép”.

Bảy tấm sắc phong của làng, hiện được gia đình ông Châu gìn giữ cẩn thận. Trong đó, có 3 tấm được các triều  vua Nguyễn ban tặng cho làng Châu Mi, vì đã có công thờ phụng thần Ngũ hành Tiên Nương. Bốn bức còn lại là sắc phong cho vị tiền hiền, Thành hoàng làng họ Nguyễn đã có công lập nên làng Châu Mi.

Cách đây 500 năm, tổ tiên của gia đình ông Châu được xem là vị tiền hiền có công khai khẩn lập ấp, tạo nên làng Châu Mi. Để tuyên thưởng cho công lao ấy, cách đây hơn 200 năm, vua Gia Long đã ban tấm sắc phong đầu tiên cho làng, khen thưởng công lao vị Tả quân mở mang, lập nên làng Châu Mi. Các sắc phong khác được các đời vua Gia Long, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định... tiếp tục ban cho làng Châu Mi.
Dulichgo
Những bản này phong cho các thần Thành hoàng làng, những người có công khai khẩn đất hoang, dạy dân lập nghiệp, làm ăn kinh tế. Nội dung sắc phong nêu rõ công trạng của người được phong, yêu cầu dân làng thờ phụng, biết đến nguồn cội, sống đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau.

Phát huy truyền thống ngôi làng cổ

Qua thời gian và chiến tranh, nhiều sắc phong bị thất truyền hoặc không thể phục chế. Số còn lại do bảo quản đơn giản, nên dễ bị hư hỏng hoặc mất mát. Riêng 7 tấm sắc phong ở làng Châu Mi may mắn vẫn còn nguyên vẹn. Cả 7“báu vật” này in chữ Hán màu đen trên chất liệu giấy, khổ phổ biến là 120x50cm. Tất cả đều còn nguyên vẹn, con dấu đỏ còn rõ nét.

Với dân làng Châu Mi, đó đều là những tấm “bằng khen” đáng quý, được lưu truyền đến nay đã qua 14 đời con cháu, kể từ khi bản sắc phong cổ nhất được vua Nguyễn ban cho làng. Trải qua chiến tranh ác liệt, ngôi làng cổ nằm trong vùng tranh chấp bị ảnh hưởng bởi đạn bom. Nhưng với quyết tâm gìn giữ “báu vật”, gia tộc họ Nguyễn vẫn một lòng bảo quản, dù phải đi lánh nạn khắp nơi.
Dulichgo
“Ngày đó gian khổ, cái ăn còn không lo nổi, nhưng có chuyển đi đâu thì cha tôi luôn đặt các tấm sắc phong cẩn thận trong các ống tre rồi mang theo bên mình. Có lúc giặc tràn về làng, cha tôi vội vàng quá chỉ kịp mang theo sắc phong mà bỏ lại của cải, tiền bạc”- ông Nguyễn Văn Bình- người đang giữ 4 tấm sắc phong cổ của làng, kể về những ngày xưa cũ.

Rồi đến lúc gần đất xa trời, cha của ông Bình và ông Châu vẫn nhắn nhủ lời cuối cùng đến con cháu mình là phải gìn giữ thật cẩn thận. Thế cho nên, dù có nhiều người khi hay tin đã tìm đến làng hỏi mua, con cháu họ Nguyễn và dân làng Châu Mi vẫn quyết không bán.

Không chỉ bảo quản 7 tấm sắc phong cổ, dân làng Châu Mi còn đồng lòng phục hồi, tôn tạo di tích đình làng thờ Thành hoàng làng và miếu Bà thờ Ngũ hành Tiên Nương. Với họ, đó là nơi linh thiêng, phù hộ cho cả dân làng sống trong yên bình, sung túc. Vào ngày 9.3 âm lịch và Tết Thanh minh hằng năm, dân làng lại tề tựu ở đình và miếu để dâng lễ vật, thể hiện sự tri ân sâu sắc đến những vị tiền hiền đã có công lập ấp, phù hộ ngôi làng cổ. Trong dịp này, các bô lão trong làng khai sắc, truyền đạt cho thế hệ con cháu nội dung những tấm “bằng khen” có niên đại 200 năm tuổi. Đây là niềm tự hào để những người trẻ của làng thêm hiểu, thêm yêu và phát huy truyền thống, nét đẹp văn hóa của ngôi làng cổ, góp sức vào quá trình dựng xây đất nước.

Theo Thanh Phương (Báo Quảng Ngãi)
Du lịch, GO!