(TTDL) - Nếu như quê hương Quan họ Bắc Ninh có nón quai thao, nón bài thơ là đặc sản của xứ Huế, thì người Bình Định tự hào với chiếc nón ngựa Phú Gia.

Trong 26 làng nghề được công nhận đạt tiêu chuẩn làng nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định thì làng nghề nón chiếm một vị trí khá quan trọng. Từ lâu, người dân Bình Định rất tự hào về hình ảnh chiếc nón ngựa nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc. Xét trên bình diện lịch sử, từ thời Quang Trung, nón đã gắn liền với đội quân thần tốc Tây Sơn.

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, chiếc nón không chỉ dùng để đội đầu che mưa, che nắng mà còn là món hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo, dùng cho giới quan lại, chức sắc và mang đậm bản sắc văn hóa Bình Định. Để minh chứng cho sức sống kỳ diệu đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh có rất nhiều làng nghề nón có tên tuổi như làng nón lá Thuận Hạnh (huyện Tây Sơn), làng nón Thuận Đức, làng nón Tân Đức, làng nón Châu Thành, làng nón Phú Thành (huyện An Nhơn), làng nón Kiều An, làng nón Kiều Huyên (huyện Phù Cát)…
Đặc biệt, nghề nón ngựa Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát là một trong 5 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh quy hoạch, gắn với phục vụ phát triển du lịch.

Tên gọi nón ngựa, bản thân nó đã nói lên cái riêng biệt, vừa dẻo dai bền bỉ vừa dùng để đội khi cưỡi ngựa. Ngày xưa, nón chỉ dành riêng cho giới phong lưu, đài các. Đặt biệt những chiếc nón ngựa bịt bạc, chạm trổ hình rồng phượng trên đỉnh nón chỉ được dùng cho giới quan lại, địa chủ, còn thường dân thì dùng nón lá buôn, nón chỉ lát. Hình ảnh các lý trưởng, chánh tổng ngồi trên lưng ngựa, đội nón ngựa bịt bạc trên các nẻo đường làng đã trở thành ký ức ở các làng quê Bình Định trước những năm 1945.

Ngoài Phú Gia, những thôn lân cận của xã Cát Tường như Kiều Đông, Xuân Quang cũng làm nghề chằm nón, tuy nhiên tập trung nhiều nhất vẫn là ở Phú Gia. Nghề chằm nón gắn bó mật thiết với quá trình lập làng Phú Gia, do đó đa phần những nghệ nhân làm nón ở Phú Gia đều có tâm huyết với nghề truyền thống quê mình. Có những nghệ nhân đã bước sang tuổi 80 nhưng hàng ngày vẫn gắn bó với công việc chằm nón như cụ Đoàn Thị Đâu, Đỗ Thị Nga…, chính họ là những nghệ nhân trụ cột truyền nghề cho các thế hệ con cháu mai sau.

Để làm được một chiếc nón ngựa truyền thống thì phải cần đến những nguyên liệu đặc biệt và sự khéo léo, kiên nhẫn của người thợ. Ngày nay nón ngựa truyền thống ít được các nghệ nhân chế tác với số lượng nhiều do tốn nhiều công sức nhưng sản phẩm khó tiêu dùng, hiệu quả kinh tế không cao. Do vậy, dù nghề làm nón ngựa ở đây vẫn được duy trì nhưng những chiếc nón đẹp và sắc sảo như thế cách đây vài chục năm ngày càng hiếm. Phần lớn bà con làm nón ngựa Phú Gia ngày nay đã cách tân chiếc nón ngựa thành một sản phẩm dễ làm, ít tốn thời gian, nguyên vật liệu dễ tìm hơn nhằm phục vụ được đại đa số bà con nhân dân lao động. Người thợ chỉ giữ lại những công đoạn chính trong quy trình làm nón ngựa truyền thống, một số nguyên liệu làm nón cũng được thay đổi để phù hợp với xu hướng thị trường.
Dulichgo
Để làm được một chiếc nón ngựa, các nghệ nhân cần chuẩn bị một số nguyên liệu và dụng cụ cần thiết. Trước hết là chọn lá kè, hay còn gọi là lá cọ. Lá không quá già cũng không được quá non. Lá tươi phải được phơi nhiều nắng và sấy khô. Ngoài việc phơi nắng, người làm nón phải phơi lá vào sương đêm cho lá bớt độ giòn. Thứ hai là chọn giang tươi để làm sườn.

Người chằm nón thường lên tận nguồn An Tượng (An Nhơn, Tây Sơn) để chặt cây giang đem về chẻ ra từng miếng cật dày hoặc mua tại chợ Nón Gò Găng. Cật giang được nạo sạch vỏ, phơi khô và chẻ ra thành cây tăm thật nhỏ và đều. Thứ ba là cây dứa (thơm tàu, hùm), người dùng tước lấy phần tơ ngâm nước vài ba ngày cho nát phần thịt của lá, dùng bàn chải, chải lấy phần tơ, phơi khô dùng làm chỉ để chằm nón, (ngày nay thay vì dùng chỉ tàu thơm, người ta dùng cước nhỏ bằng nylon, chằm nón có đường nét thanh nhã hơn).

Tiếp theo là rễ dứa rừng, chẻ thẻ, phơi khô và chuốt tròn đều dùng để làm sòi và làm vành. Ngoài ra, nghệ nhân còn chuẩn bị chỉ màu để thêu hoa văn trên nón. Vải nhung hay vải the để làm quai nón. Điều đặc biệt là để tăng tuổi thọ cho nón, người làm nón thường chọn các nguyên liệu như giang, rễ dứa rừng, lá kè được lấy vào đúng mùa của nó, tức cuối đông đầu xuân thì hiệu quả sử dụng nón sẽ bền hơn.

Nếu như quê hương Quan họ Bắc Ninh có nón quai thao, nón bài thơ là đặc sản của xứ Huế, thì người Bình Định tự hào với chiếc nón ngựa Phú Gia. Nón ngựa trông đẹp và cầu kỳ, lắm công phu, trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ. Trước đây nghề làm nón chưa được chuyên môn hóa như bây giờ cho nên để chằm một chiếc nón ngựa phải mất cả tháng trời dày công nhọc sức. Vì vậy giá thành rất cao, nó chỉ dành cho những người cao sang quyền quý, những chức sắc quan lại ở địa phương.
Dulichgo
Dần dần theo nhu cầu của giới bình dân, nón ngựa được cải biên thành nón chuông, nón trủm giản lược bớt một số công đoạn. Các loại này đều không có chụp bạc, nó được thay bằng những tua ngũ sắc trên chóp nón. Ở Phú Gia, ngày cưới nhà giàu rước dâu bằng kiệu, chàng rể đội nón đi ngựa; còn những nhà nghèo cũng ráng sắm vài đôi nón ngựa cho cô dâu chú rể đội đi trong ngày trọng đại này.

Muốn có một chiếc nón ngựa truyền thống, ngoài việc chuẩn bị nguyên vật liệu, người làm nón thường phải trải qua mười công đoạn. Trong mỗi công đoạn cũng được chia thành rất nhiều khâu nhỏ mà dường như khâu nào cũng quan trọng để tạo nên một sản phẩm đạt giá trị thẩm mỹ cao, thu hút người tiêu dùng.

Sau khi đã có nguyên vật liệu làm nón, người thợ bắt tay vào việc đầu tiên đó là đan sườn mê (đan mê, làm mê). Nguyên liệu làm mê chủ yếu là cây giang tươi, chẻ thẻ, phơi khô, ngâm vào nước cho thấm mềm sau đó tước nhỏ thành sợi mỏng như sợi cước. Cách thức đan theo kiểu đan giỏ, các lỗ nan có hình lục giác tạo thành một miếng mê lớn. Muốn có một tấm mê khéo, người làm nón phải biết giữ các nan theo một khoảng cách nhất định để các lỗ nan đều nhau.

Hoàn thành công đoạn đan mê, người thợ thực hiện rập luôn sườn, thắt nan sườn. Đối với nón ngựa lớn, khuôn nón mẫu có đường kính gần 50 phân, độ xiên góc nón chừng 120 độ. Nhìn chung 2 công đoạn làm mê và thắt nan sườn phải do những người thợ chuyên nghiệp thực hiện.

Công đoạn tiếp theo là dọn vành, tỉa chóp, thắt chóp. Dọn vành hay còn gọi là vào vành, kết vành vào nón. Tiếp đến, người nghệ nhân dùng chỉ ngũ sắc bắt đầu việc thêu hoa văn lên sườn nón, với những mẫu hoa văn có sẵn như: Long lân quy phụng, Lưỡng long tranh châu, Mai lan trúc cúc, bài thơ, câu đối hoặc những cảnh vật, hoa lá…

Ngày xưa với những người có chức sắc khác nhau thì các mẫu họa tiết sẽ được thêu khác nhau. Trông vào đó mà ta có thể biết được phẩm hàm của từng quan lại trong địa phương. Với những mẫu hoa văn như Long, lân, quy, phụng thể hiện quyền uy trong thời đại phong kiến, đặc biệt giới phong lưu thường chuộng mẫu Mai, lan, trúc, cúc vì nó là biểu tượng của sự thanh tao, đài các, thể hiện được sự luân chuyển của thời tiết bốn mùa… Cũng chính nhờ có những mẫu họa tiết này mà khi đội trên đầu, nón ngựa Phú Gia vừa có nét cao sang quý phái, vừa được sự trang nhã, mềm mại. Đó cũng là một trong những nét đặc trưng của nón ngựa Phú Gia.
Dulichgo
Công đoạn kế tiếp là can ốc (xoáy ốc) cho nón. Can ốc được kết thành hình chóp nhỏ, có chiều cao từ 3 đến 4 cm và đường kính từ 4 đến 5 cm. Can ốc được đặt bên ngoài và kết vào sườn nón. Nón đã được đặt can ốc, tiếp đến công đoạn bủa lá. Lá kè sau khi rọc với một kích thước nhất định, một đầu dùng kim chỉ xuyên qua từng miếng lá, đầu còn lại xòa ra theo hình rẽ quạt, lá này cách lá kia 2 ly hẹp dần về phía đỉnh, phủ đều từ gần chóp đến hết nang sườn cuối cùng, bủa lại quay quanh chóp nón (bủa hàng đầu), sau đó trải đều xung quanh mặt nón và dùng chỉ khâu định vị tạm thời quanh chân nón (bủa hàng chân).

Bủa lá xong sẽ bắt đầu công đoạn chằm thành phẩm. Công đoạn này tưởng như đơn giản hơn cả nên các em nhỏ 10 tuổi đã có thể làm được và làm rất thành thạo. Tuy nhiên để có một chiếc nón đẹp, việc chằm nón cần phải chú ý đến từng đường kim mũi chỉ phải thật khéo để lá kết chằm vào sườn không bị nghinh, bị lật mà trông nón vẫn thanh. Bởi thế mà người xưa mới có câu:

Ai về Bình Định ba ngày,
Dặn mua chiếc nón lá dày không mua.

Chằm nón là kết nón vào sườn mê. Yêu cầu chằm từng mũi nhỏ li ti. Tính từ dưới lên trên chóp trước đây thường phải đủ 30 đường chằm. Vì chỉ chằm nằm dưới mí lá nên nhìn bên ngoài không thấy đường chằm. Mối chỉ ở lá đầu được lá thứ hai che và cứ thế cho đến dải lá cuối cùng. Người chằm kỹ tính, trước khi lợp lá phải tết một lớp lưới sườn toàn bằng cước thơm tàu.

Sau khi hoàn tất công đoạn này, cầm chiếc nón nhìn kỹ vẫn không tìm ra mối chỉ. Công đoạn cuối cùng trong quy trình làm nón bao gồm các khâu nức nón, mạn tròng, kết sòi, lặt mối. Nón sau khi đã được lợp lá chằm chỉ sẽ được nức nón (nức vành). Nức vành thực sự là công đoạn kết hai vành còn lại vào bên ngoài lá nón, vành nhỏ nằm bên trên và lọt giữa vào khoảng trong của vành lớn với mặt ngoài của nón. Cả hai đều được cố định với vành cuối cùng phía bên trong nón. Với vị trí này, vành được nức vừa giữ được lá nón vừa tăng khả năng chịu lực cho nón.
Dulichgo
Để làm tròng nón ở phía trên chúm nón, người thợ dùng một miếng lá có đủ độ rộng, phía trên là một miếng vải màu, sau đặt một vòng tròn nhỏ uốn cong bằng sợi giang có đường kính từ 2 đến 2,5 cm, dùng chỉ màu khâu cố định giữa chúng lại với nhau bằng những mẫu hình khối, cắt lấy tròng nón đặt vào vị trí phía trên chúm nón. Sòi nón được làm từ rễ dứa rừng, chuốt láng với nhiều kích cỡ, màu sắc khác nhau (lớn hơn sợi tăm một chút), gồm khoảng 15 vòng được kết vào bên trong chóp nón, chúng đan sít vào nhau và nhỏ dần cho đến đỉnh nón.

Người làm vành, làm sòi phải có tay nghề cao mới chuốt và giấu được mối chắp của chiếc vành, chiếc sòi. Ngày trước để tăng độ thẩm mỹ, người làm nón thường ngâm vành và sòi vào nước nghệ tươi để có màu vàng tăng tính thẩm mỹ cho chiếc nón. Bây giờ có thể thay thế bằng dung dịch phẩm màu, do đó những cây sòi, cây vành có màu sắc trông bắt mắt.

Đến đây việc làm một chiếc nón ngựa đã hoàn tất, tuy nhiên khi đến tay người sử dụng, người làm nón không quên kết quai vào nón để giữ nón khi đội trên đầu. Quai nón to và dày, bằng vải nhung hay vải the. Cách buột quai nón ngựa cũng khác với cách buột quai của các loại nón khác, người dùng nón ngựa Phú Gia thường dùng dải nón dài độ 1,2 mét, buộc cố định ở hai quai và thắt một lần ở dưới cằm, phần thừa tòng teng như đeo cà vạt, nhằm dễ điều chỉnh quai, nhất là khi đi ngựa.

Ngày xưa, từ xã trưởng trở lên mới có chụp bằng đồng hay bạc chạm trổ theo phẩm trật. Trên đỉnh là núm hình quả trám nhọn hoắt. Trông thầy Chánh, cụ Lý cưỡi ngựa đội nón chụp bạc thật là oai. Dân làng ngại cái uy của các thầy nên mới có bài đồng dao hóm hỉnh:

Thầy Chánh, nón chụp bạc, áo tam gian
Cưỡi ngựa qua làng con gái chạy te…

Ngày nay chóp nón để trần, trên đỉnh có một chùm chỉ ngũ sắc phất phơ như bông hoa. Nón sẽ được gia công thêm nếu khách có yêu cầu như để mặt lá nón được láng bóng, không bị thấm nước qua các lỗ kim khi trời mưa, người làm nón quét lên đó một lớp mỏng sơn dầu trong suốt, hoặc bọc nhựa nón sẽ bền và trông đẹp hơn.
Dulichgo
Tùy vào chất lượng mà nón ngựa Phú Gia ngày nay có giá dao động từ 50.000 – 80.000 đồng/chiếc, nón làm theo nguyên mẫu truyền thống có giá 300.000 – 400.000 đồng/chiếc. Chiếc nón ngựa có chụp bạc trước đây có thể sử dụng 5 - 10 năm, còn nón thông thường có thể sử dụng từ 1 - 2 năm. Nón ngựa không chỉ có giá trị về mỹ thuật, là di sản văn hóa, là một trong những sản phẩm đặc trưng của văn hóa trang phục Bình Định, nhất là đối với cô dâu trong ngày cưới. Nón ngựa còn mang lại hiệu quả kinh tế cho làng nghề truyền thống. Nhiều phụ nữ nước ngoài đã tìm mua nón ngựa Phú Gia để sử dụng. Nón ngựa theo chân khách du lịch như một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Theo Tin Tức Du Lịch, ảnh Vnexpress, internet
Du lịch, GO!