(BQN) - Cửa biển Sa Cần (Bình Sơn) là nơi cuối con sông Trà Bồng gặp biển. Nơi đây có nhiều dấu tích lịch sử, văn hóa tâm linh của lễ hoàn nguyện.
Với nhiều ngư dân Quảng Ngãi, ngày trước, họ đánh bắt chủ yếu bằng thuyền buồm, khi ra khơi, chiếc thuyền như chiếc lá trước bốn bề sóng nước bao vây. Vì vậy, họ luôn cầu mong gió êm, biển lặng trong những ngày dài lênh đênh trên biển và trở về yên bình. Tục lễ cầu an, hoàn nguyện diễn ra như một nét đẹp văn hóa ở làng chài từ lâu đời.

Sông Trà Bồng càng xuôi về cửa Sa Cần càng rộng và xanh ngút ngàn, hai bên là những bờ tre, cánh đồng rau màu. Trên đường đến đoạn ngang cầu Trà Bồng đã thấy tàu về neo đậu. Đó là những con tàu bám biển dài ngày của ngư dân câu mực ở xóm Cù Lao (xã Bình Chánh) và Hải Ninh (xã Bình Thạnh).

Mùa biển động, ngư dân trở về vui với gia đình, đưa tàu đến những triền đà để tu sửa chuẩn bị cho mùa biển đầu xuân mới. Dịp này, họ tất bật về vạn chài để lo lễ hoàn nguyện- một nghi lễ độc đáo của dân làng chài. Bởi đầu mùa ra khơi, bà con làm lễ xuất quân, cầu mong cho trời yên biển lặng, cá tôm đánh bắt đầy khoang. Cuối năm làm lễ hoàn nguyện tạ ơn trời biển, tạ ơn thần Nam Hải phù hộ độ trì.

Năm nay biển khơi ít sóng gió, nguồn hải sản đánh bắt khá hơn nên bà con càng phấn khởi trong lễ hoàn nguyện. Lễ hoàn nguyện thường tổ chức hát bả trạo mô phỏng việc làm ăn của ngư dân trên biển bắt đầu từ ra khơi, gặp bão tố, ngư dân cầu xin và được thần Nam Hải che chở, vượt qua sóng gió đánh bắt hải sản rồi trở về bình yên.
Dulichgo
Về cuối con sông Trà Bồng, chúng ta còn được nghe những câu chuyện truyền thuyết về cá Ông, cá Bà, giờ trở thành hòn Ông, hòn Bà nằm uy nguy chắn gió. Theo sách Đại Nam Nhất thống chí của triều Nguyễn thì cửa biển Sa Cần (hay còn gọi là Thể Cần) nằm ở phía đông bắc huyện Bình Sơn. Cửa rộng 55 trượng, khi nước lên sâu 8 thước, nước ròng sâu 4 thước. Có hai gành đá là gành Ông và gành Trà (gành Bà), phía bắc gành có cảng nước sâu.

Vua Lê Thánh Tôn từng phá được quân giặc ở cửa biển này. Phía nam cửa biển là Vũng Quýt (nay là vịnh Dung Quất). Gành Ông và gành Bà (dân nơi đây quen gọi là hòn Ông và hòn Bà) chắn gió nên cửa biển Sa Cần khá kín. Nơi đây, có những phiến đá xếp chồng nhau tạo nên những hình thù kỳ lạ. Còn hòn Bà nằm khuất bên trong cửa biển, là nơi tiếp nối giữa xã Bình Thạnh với xã Bình Đông. Địa thế thuận lợi nên tàu thuyền ra khơi về bến bình yên, đánh bắt ngày càng hiệu quả. Hằng năm, dân chài sắm lễ vật cho lễ hoàn nguyện thật linh đình chẳng khác nào ngày tết.
Về đây, du khách còn được nghe những câu chuyện đi ngược nguồn mưu sinh của dân chài, trong nhiều thế kỷ trước.

Ngày đó, khi đường bộ chưa phát triển, mọi sự giao thương đều nhờ vào các cửa biển nên cửa Sa Cần có những con thuyền buồm ngược dòng sông Trà Bồng lên thị trấn Châu Ổ, mang theo tơ lụa, hàng hóa để trao đổi. Nhiều thuyền còn tiếp tục ngược dòng lên tận đất Trà Bồng- quê hương của dân tộc Cor để bán muối, rìu, rựa và khi trở về chở đầy quế Trà Bồng.
Dulichgo
Bây giờ cuộc sống đã khác, những con thuyền buồm không còn nữa và đường sông cũng không mang nhiều lợi thế. Nhưng vùng cửa biển Sa Cần vẫn là điểm hẹn của những con tàu của ngư dân sau những chuyến xa khơi. Còn ở phía Bình Đông- nằm bên cửa biển Sa Cần nay quy hoạch thành cảng Dung Quất, nơi có những nhà máy, cảng biển với những con tàu và trục cẩu vút cao.

Sau khi ngắm mây trời, sông nước, du khách đừng quên ghé những hàng quán quanh vùng để thưởng thức những món ngon từ biển, từ sông, từ những cánh đồng đắp đầy phù sa...

Theo Mai Hạ (Báo Quảng Ngãi)
Du lịch, GO!