Buổi trưa, cơn gió lạnh của mùa đông thổi rạt rào trên các con đường quê. Thế nhưng, nhiều người vẫn vượt qua cơn gió buốt, tìm đến chùa Nênl Non. Tôi vừa đến nơi, cũng vừa lúc họ chuẩn bị rời đi. Họ không quên hướng dẫn, dặn dò: “Em nhớ đi qua bên kia, nhìn xuống chân núi, đẹp lắm! Núi không cao, dễ leo, nhưng cẩn thận trơn trượt”.
Sãi cả Chau Bun Thon, trụ trì chùa, bắt đầu buổi trò chuyện với tôi bằng hình ảnh về những vị khách phương xa: “Ngày thường, khách tới lui viếng chùa lai rai. Đến dịp rằm, lễ lớn, họ đi đông lắm, kể cả người dân xung quanh. Người đi rồi truyền tai người chưa đi rằng chùa rất thanh tịnh, xung quanh là núi non rất đẹp. Từ đó, nhiều phật tử ghé lại, sẵn cầu nguyện mọi sự tốt lành cho gia đạo, công việc kinh doanh…”.
Điều đáng chú ý là, ngôi chùa được xây dựng gần 80 năm trước, nhưng có một thời gian dài bị bỏ phế vì chiến tranh, loạn lạc. Mãi đến năm 2006, tiếng tụng niệm kinh kệ mới vang lên trở lại. Cùng sự đóng góp của phật tử, những mảnh rừng, dấu tích hoang tàng ngày trước đã bị đẩy lùi, thay bằng cơ sở vật chất mới. Ngôi chùa mang đậm nét kiến trúc của các chùa Khmer trong vùng, dựa lưng vào núi, nằm thanh nhàn bên cạnh những tảng đá hình thù lạ mắt. Chánh điện vẫn đang trong giai đoạn xây dựng, nhưng đã hiện rõ nét, oai nghiêm, nổi bật giữa nền trời xanh ngắt.
Ngoài phút giây thơ thẩn ngắm cảnh, tôi được nghe chuyện của những người xa lạ. Chị Th. (quê Đồng Tháp) qua viếng chùa rất nhiều lần. Vừa thở hổn hển khi leo núi, chị vừa nghẹn ngào kể chuyện hiếm muộn nhiều năm, may mắn có con nhưng chồng lại vướng lao lý vì buôn hàng quốc cấm. Lên non cao, chị khấn nguyện đất trời, mong bình yên đến với gia đình. Buộc nhánh cỏ vào cây, chị mong gửi gút mắc của mình lại… Niềm tin tâm linh như động lực lớn lao, giúp chị mạnh mẽ đương đầu với cuộc sống bộn bề!
Tạm biệt chùa, tôi tìm đến ngọn núi nhỏ. Đi nhờ con đường vào vườn xoài của một người dân địa phương, tôi đã chạm được vào những tảng đá trên núi Nênl Non.
Nhìn xa, Nênl Non như một tòa lâu đài tráng lệ của phương Tây, với hai đỉnh nhọn đối xứng. Nhìn gần, Nênl Non gồm 2 ngọn đồi, chính giữa được trang trí bằng những tảng đá trắng, tuy ngẫu nhiên nhưng kỳ thú. Giữa vườn xoài sát chân núi, chú Sáu Tâm (47 tuổi) đang nằm võng nghỉ trưa trong lán trại đơn sơ.
Dulichgo
Chú cho biết, mình được thuê giữ vườn xoài này 7 năm rồi, kể từ lúc ly hôn vợ. “Sống cô độc trong khu núi non, riết rồi cũng quen. Cả một đời lận đận, đến khi luống tuổi, vẫn chưa có gì trong tay. Thôi thì ráng sống ngày nào, hay ngày đó! Thi thoảng về quê, tôi cho 2 đứa con ít tiền, phụ mẹ nó sinh sống. Cũng vì cái nghèo mà phải xa xứ, cuộc sống gia đình cắn đắng…” - ông nói nhẹ tênh, như đã quá quen với cái khổ rồi.
Chỉ tay về ngọn núi, ông bảo khi tụi trẻ xin phép đi nhờ đường leo núi, tham quan, ông đều cho. Đối với ông, núi đẹp, chỉ vậy thôi, chẳng thể kéo được sự chú ý của ông bằng kế sinh nhai mỗi ngày. Chúng tôi chợt im lặng, nghe hơi lạnh tràn về. Bếp lửa cạnh đó tỏa ra chút hơi ấm, nhưng đầy khói. Ngọn núi Nênl Non chẳng to, mà vẫn làm con người thấy cô quạnh…
Dulichgo
Tôi chưa kể với độc giả rằng, tôi biết đến nơi này từ thông tin của anh Lữ Thanh Phìl, một người chọn hoạt động leo núi như cách rèn luyện sức khỏe, thích khám phá nơi mới mẻ, mạo hiểm. “Đồi 1 dùng để leo núi, đồi 2 có thể đi bình thường. Nhìn vậy thôi, chứ núi rất hoang vu, có nhiều loài bò sát, gặm nhấm ẩn nấp, nhất là rắn chàm quạp. Nếu đi không cẩn thận, sẽ gặp khu vực mọc đầy rễ cây gai đen, có thể đâm xuyên đế giày. Tôi tìm đến núi Nênl Non khoảng 2 năm trước. Thích nhất là khung cảnh đẹp ở đây.
Tuy núi không cao, nhưng yên bình. Những lúc tâm trạng không vui, áp lực cuộc sống, tôi lên đó để vừa rèn luyện thể lực, vừa tìm sự bình yên” - anh Phìl chia sẻ. Anh cũng thường xuyên hướng dẫn khách, những bạn trẻ đam mê phượt tìm đến địa danh này. Nhưng trong cuộc trò chuyện với tôi, điều anh lo ngại nhất là, khi mọi người ồ ạt tìm đến, sự hoang sơ của cảnh sẽ dần biến mất, thay vào đó là rác ngập tràn, đủ mọi rắc rối. Trên hết, họ không lường trước nguy hiểm tiềm ẩn trong ngọn núi, dễ dẫn đến sự cố đáng tiếc. Quảng bá cảnh đẹp quê hương là cần thiết, nhưng vẫn phải lo nghĩ cách bảo vệ an toàn tính mạng con người và môi trường sinh thái!
Dulichgo
Tôi góp nhặt ít câu chuyện về núi Nênl Non như thế, sau nhiều lần lui tới. Chắc chắn, xung quanh đó vẫn còn nhiều câu chuyện khác nữa, để tạo thành bức tranh muôn màu, muôn vẻ. Và mỗi câu chuyện lại như một bài học về cuộc sống, để người khách nơi xa chiêm nghiệm chính mình…
Theo Khánh Hưng (Báo An Giang) + Facebook Lang Thang An Giang (ảnh)
Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.