(BQN) - Chợ tết miền quê là bức tranh nhiều màu sắc trong thơ Đoàn Văn Cừ, với “những thằng cu áo đỏ chạy lon xon”, với những nét duyên thầm, mà mỗi khi nhắc đến những người thuộc thế hệ chúng tôi như gặp lại hình ảnh của chính mình…

Chợ tết ngày xưa không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi giao lưu tình cảm, thăm hỏi bạn bè, thân quyến, kể chuyện gia cảnh của những người thân lâu lâu mới có dịp gặp nhau. Điều này thể hiện rõ rệt ở những chợ miền núi, với những điệu “sli”, “lượn” của người Tày, Nùng vùng Tây Bắc, hay những điệu hát lý, hát giao duyên của đồng bào thiểu số trên dãy Trường Sơn. Ở miền Tây Quảng Nam, các dân tộc Cơ Tu, Xê Đăng, Ca Dong, Ve, T’riêng... vẫn lưu giữ những nghệ thuật truyền thống này.

Chợ tết ngày xưa ở nông thôn thường họp nơi bến sông, đầu hay cuối làng, trên bãi rộng, dưới những tàn cây đầy bóng mát. “Trên bến dưới thuyền. Chợ vì thế mà gọi là chợ búa”. (Theo Lê Văn Hảo trong Ngày xuân và phong tục Việt Nam (Nxb Văn Hóa, 1976, tr.96), lý giải rằng, “búa” là tiếng cổ của “bến”, khó thuyết phục. Bình Nguyên Lộc, trong Lột trần Việt ngữ có cách giải thích hợp lý hơn, khi cho rằng, “búa” là từ có gốc ngôn ngữ Nam Ấn, có nghĩa là mua hớ, mua đắt một món hàng nào đó).

Ở một số địa phương, trước đây, vào ngày đầu năm có tổ chức những phiên chợ tết tượng trưng để cho mọi người đi chợ với ý nghĩa giũ hết mọi sự xúi quẩy của năm cũ và mua cái may mắn, cái hanh thông, đón cái hạnh phúc của năm mới. Trong những phiên chợ đặc biệt ấy, mỗi người mang một thứ hàng, bất kỳ là thứ gì, nhiều hay ít, cố bán cho được, coi như phải bán cho được cái dại, điều không hay của năm cũ đi. Còn với người mua thì những gì mua được cũng đều được coi là cái may mắn.
Dulichgo
Từ Nghệ Tĩnh trở vào Nam, Ngãi, Bình, Phú, ngày xưa cũng có tục tương tự. “Vào đúng sáng mồng một, mang một vài món lặt vặt ra bán, không cần lấy lãi. Lạ hơn, từ mờ sáng mồng một đã có người đi rao: “Ai mua dại không?”, và không cần có người trả lời” (theo Nguyễn Đổng Chi: Một số tục cổ và trò chơi của người Việt Nam trong Tết Nguyên đán và mùa xuân, Tạp chí Văn Sử Địa số 37, tháng 12.1958).

Ở Huế, chợ Gia Lạc là một phiên chợ “cầu may” nổi tiếng, vì chợ họp vào ngày mồng một Tết. Chợ Gia Lạc, tương truyền là do Định Viễn công Nguyễn Phúc Bình - con thứ tư của vua Gia Long - lập ra, nhằm mục đích tạo chỗ vui chơi, giải trí ngày xuân cho nhân dân kinh thành Huế và các vùng phụ cận.

Chợ cũng là nơi tổ chức hội bài chòi, đá gà hay các trò chơi khác. Khách vui xuân đến chợ Gia Lạc có thể thử thời vận đầu năm bằng một ván bài chòi, chỉ cốt lấy vui, “cầu may” trong không khí ngày Xuân ấm áp. Vì thế, mọi người đều ăn mặc sang trọng, đẹp đẽ. Những đôi trai gái đến đây để tìm không khí vui vẻ, chan hòa; các em nhỏ đến chợ để được mua cho một món đồ chơi dân gian như con gà đất, ông Trạng cưỡi ngựa được làm bằng bột, hoặc cái kèn lá, cái chong chóng bằng giấy ngũ sắc, con heo đất mập ú dùng để bỏ tiền lì xì…

Không nổi tiếng như chợ Gia Lạc, nhưng ở miền trung du Quảng Nam cũng có một phiên chợ “cầu may” được tổ chức vào ngày mồng ba Tết. Đó là chợ “cầu may” ở Quế Trung (Quế Sơn). Nếu chợ Gia Lạc có nhiều hàng hóa để mua “cầu may”, thì ở chợ Quế Trung lại chỉ có duy nhất món hàng được bày bán, và bán với giá đắt mà vẫn tấp nập người mua, là những con cá mương.
Dulichgo
Cá mương là loại cá có thân dài, màu trắng bạc, thường sống dọc theo hai bên bờ sông, đi theo từng đàn, thịt cá không ngon, nhưng lại được ưa chuộng trong buổi chợ “cầu may” vào ngày tết, vì cư dân ven sông Thu Bồn vốn quen với nếp suy nghĩ “mương may, chày rủi”. Nghĩa là, con cá mương tượng trưng cho sự may mắn, còn con cá chày là biểu hiện của những điều rủi ro.

Nhưng tại sao con cá mương lại tượng trưng cho sự may mắn? Theo một số cụ già ở Quế Sơn thì niềm tin bắt nguồn từ một truyền thuyết dân gian: Khi chứng kiến những tai nạn của ngư dân và người đi biển, đi sông gặp cơn sóng to gió dữ, Phật bà Quan Âm đã xé chiếc áo cà sa của mình ném xuống biển. Cá Ông (cá Voi) được tạo nên từ mảnh vải áo lớn nhất. Cá Ông có bộ xương đặc biệt có phép “thâu đường” (rút ngắn khoảng cách trên biển), do đó được Phật Quan Âm giao cho nhiệm vụ tìm cứu những người mắc nạn giữa biển khơi. Một mảnh nhỏ của chiếc áo cà sa do Phật bà ném ra, theo cơn gió cuốn, bay vào trong đất liền, rơi xuống ở thượng nguồn sông Thu Bồn, tạo thành con cá mương.

Từ truyền thuyết đó, dân cư vùng thượng nguồn sông Thu, phía trên Phường Rạnh, tin rằng con cá mương đem lại điều may mắn. Và vì thế, phiên chợ đặc biệt ngày mồng ba Tết ở Quế Trung chỉ bán duy nhất một mặt hàng là những con cá mương. Chúng được cư dân địa phương tranh nhau mua để làm vật cúng trong lễ “tiễn ông bà”.
Dulichgo
Nhớ về những phiên chợ tết ngày xưa, tôi không bao giờ quên được hình ảnh của ông nội tôi, nghiêm nghị nhưng hiền hòa; một ngày cuối năm dẫn tôi đi chợ tết Quảng Huế, mua cho tôi một con gà trống bằng đất sét, tô màu rực rỡ, tươi đẹp, mà thú vị nhất là có thể thổi như một chiếc kèn. Rồi trên đường làng lúc trở về, tôi vừa nhảy chân sáo theo ông, vừa say sưa thổi vào con gà trống đất ấy. Cái tiếng kêu “toe, toe” vui tai, vang lên trong ánh nắng vàng êm dịu, mãi mãi vẫn còn đọng lại trong tâm hồn tôi như một kỷ niệm đằm thắm, tuyệt vời của tuổi thơ thần tiên ở chốn quê nhà.

Theo Nguyễn Văn Bốn (Báo Quảng Nam)
Du lịch, GO!