(DVO) - Ở địa thế “sơn hoàn thủy bão”, lọt giữa núi đồi và hướng nhìn ra biển, làng chài Xuân Hải (thị xã Sông Cầu, Phú Yên) là nơi hàng trăm ngư dân mưu sinh. Cả cuộc đời của họ gắn liền với biển và ngay cả lúc quay về nhà, họ vẫn nghe tiếng sóng biển rì rào bên tai.
Trong chuyến công tác tại Phú Yên, nơi được mệnh danh là xứ “hoa vàng trên cỏ xanh”, chúng tôi ghé thăm làng chài Xuân Hải. Mới sáng sớm mà cả làng chài đã tất bật cảnh ngư dân bán buôn thủy hải sản, tiếng hò reo đưa cá lên bờ cùng tiếng cười nói trao đổi trả giá các mặt hàng khiến không gian tại đây ồn ào và nhộn nhịp hẳn lên.
Nghề chính hiện nay của ngư dân nơi đây là làm nghề giã, lưới mành, đánh bắt gần bờ để cung cấp cho việc nuôi tôm hùm, cá lồng ở Quy Nhơn (Bình Định) và thị xã Sông Cầu (Phú Yên).
Trong làng, những ngôi nhà nhỏ của ngư dân nằm san sát nhau, được chở che dưới những tán dừa cao vút, đồi núi và biển. Nhiều con hẻm sâu hun hút còn lưu vết những mảng đường bê tông nham nhở đã được phủ đầy cát trắng. Cảm giác, những lối nhỏ dẫn vào nhà ngư dân tại đây bình yên đến lạ.
Ngày mới của người dân làng chài Xuân Hải bắt đầu từ 4 giờ sáng với nhịp sống đều đặn gắn với biển.
Dulichgo
Chỗ này, chỗ kia là từng tốp ngư dân làng chài Xuân Hải đang tất bật mang theo lưới, lên thuyền vươn khơi để kiếm sống. Họ gắn liền với biển từ thưở nhỏ cho đến khi già nua, có người còn bảo cứ đi xa 1 ngày, nỗi nhớ vị biển đến quằn quại, không chịu nổi.
Hàng năm vào dịp gần rằm tháng 6 Âm lịch, người dân Xuân Hải lại tổ chức lễ hội cầu ngư, cầu Ông Nam Hải để mong mùa màn bội thu, sóng êm gió lặn. Đây là hoạt động văn hóa truyền thống của cư dân miền biển Xuân Hải nói riêng, và sông Cầu nói chung từ bao đời nay. Nơi đây thu hút hàng nghìn khách du lịch tới tham quan, nghỉ dưỡng mỗi năm.
Dulichgo
Dẫu thiên tai cứ dồn dập tấn công làng chài mỗi năm, thì hàng trăm thuyền thúng của ngư dân vẫn “chung thủy” bám bờ, cùng ngư dân Xuân Hải vươn khơi...
Dũ Tuấn (Dân Việt)
Du lịch, GO!
2 Comments
Hôm về quê đứa cháu ở Tuyết Diêm ra Quy Nhơn đón chở tôi về nhà, đi qua xã Xuân Hải. Khác những lần trước phải đi đến cầu Bình Phú qua QL1 về nhà, lần này đi tắt qua cầu Xuân Hải sang Diêm Trường đi dọc bờ Đầm Cù Mông vì đã được xây dựng đường tráng bê tông rộng rãi sạch đẹp.
Trả lờiXóaDân Xuân Hải ngày nay nhà cửa khang trang, nhiều nhà lầu, đường thôn đều tráng xi măng sạch đẹp, báo hiệu đời sống mọi người khá giả cả.
Ở Xuân Bình, Xuân Lộc, Xuân Hải ngày nay là xã Xuân Lộc cũ có địa thế khá an lành, ít bị bão gây thiệt hại. Tuyết Diêm làng muối quê tôi cũng nằm trong khu vực bình yên này. Nhiều cơn bão tàn phá Quy Nhơn, Sông Cầu nhưng Tuyết Diêm không bị gì cả. Cơn bảo 12 vừa qua, Quy Nhơn tàu chìm, Tuy Hòa, Nha Trang bị thiệt hại nặng nhưng thôn Tuyết Diêm và cả ba xã này cũng yên bình.
Nghiên cứu tìm lý do nào có được điều này? Tôi nghĩ nhờ có hòn Cù lao Xanh áng ngữ ngoài biển chắn gió tạt hai bên vào Quy Nhơn và Sông Cầu, không vào ngay Xuân Lộc cũ có Tuyết Diêm của tôi. Tuyết Diêm lại có núi sát biển khi mưa to nước chảy ra Đầm Cù Mông nhanh nên cũng không bị lũ dâng cao như nơi khác. Thôn tôi cũng không có người nghiện ma túy, an ninh trật tự rất tốt. Đúng là một nơi QUÊ HƯƠNG YÊN BÌNH.
Tôi nghĩ rằng anh nói đúng. Bão biển thường được tiếp sức mạnh từ dòng hơi nước ấm bốc lên từ biển, khi vào gần đất liền: bị Cù Lao Xanh cắt hết năng lượng, chặn bớt sức gió khiến bão dịu đi... so với những vùng biển khác hứng gió trực tiếp từ biển lớn.
XóaĐăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.