(TTO) -  Đến mùa lúa chín năm nay, chúng tôi tìm đến và khám phá vẻ đẹp của Xím Vàng - xã vùng cao của huyện Bắc Yên (Sơn La), một phần thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa.

< Một lán của người Mông, có thể nghỉ chân ngắm mùa lúa chín.

Người Mông ở Xím Vàng nói riêng và đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc nói chung chỉ trồng được một vụ lúa trên thửa ruộng bậc thang từ tháng 5 đến tháng 10 dương lịch. Đến Xím Vàng vào thời điểm này, chúng tôi tha hồ ngắm sắc vàng bạt ngàn và chụp ảnh thỏa thích.

Thiên đường sắc vàng

Con đường từ thị trấn Bắc Yên lên Tà Xùa quanh co, đèo dốc với những khúc cua tay áo khá gấp. Sau 15km, chúng tôi bắt đầu rẽ vào con đường liên xã đi Xím Vàng, Hang Chú. Đường nhỏ, nhìn xa như sợi chỉ bám lấy núi non trùng điệp. Đi được 6-7km từ điểm rẽ, mọi người bắt đầu thấy nhấp nhô bông lúa chín vàng rải rác trên sườn núi.

Đường đã ít dốc hơn, quanh co, uốn lượn men theo sườn núi ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển. Cung đường dần dần trở thành điểm vọng cảnh để ngắm lúa chín tuyệt vời. Đi gần 20km, chúng tôi đến trung tâm xã Xím Vàng, nơi mà đồng bào Mông chiếm đến 99% dân số của xã.
Dulichgo
Người Mông ở đây thường dựng những lán nhỏ bằng gỗ, tre tại sườn ruộng bậc thang để khi đi làm nương có chỗ trú mưa trú nắng. Lán của gia đình bà Giàng Thị Chi cũng chỉ được ghép tạm bằng mấy tấm ván gỗ, vài ống tre.

Sau khi chạy vào trú chân ở lán của bà Chi khi cơn mưa núi bất chợt đổ xuống ào ào, chúng tôi bắt đầu được thưởng lãm bức tranh mùa lúa chín khắp bốn phương khi cơn mưa vừa tạnh.

< Vẻ đẹp của Xím Vàng - xã vùng cao của huyện Bắc Yên (Sơn La).

Trước mắt chúng tôi là một bức tranh phong cảnh kỳ vĩ, đầy mê hoặc. Tuy nhiên, khác với những thửa ruộng bậc thang Sa Pa, Y Tý, Hoàng Su Phì, Mù Cang Chải... dù cuối tuần nhưng Xím Vàng vẫn khá yên bình. Thỉnh thoảng chúng tôi chỉ bắt gặp vài phụ nữ cùng mấy em nhỏ người Mông đi chăn dê, thả bò.

Sau giây lát e ngại, chị Vàng Thị Chìa - đang chăn đàn dê trên con đường đất dẫn vào bản - dừng lại nói chuyện với chúng tôi bằng tiếng Việt còn lơ lớ.
Dulichgo
Theo chị Chìa, lúa ở các bản Mông Xím Vàng thường bắt đầu chín từ nửa cuối tháng 9 đến trung tuần tháng 10 dương lịch, một số ruộng lúa chín muộn hơn bình thường do bà con đồng bào Mông phải đợi trời mưa đủ nước mới cày cấy. Bức tranh thảm vàng lúa chín như được điểm xuyết thêm màu xanh, hoặc xanh sắp ngả vàng.

Rộn ràng thăm đồng, gặt lúa

Nửa cuối tháng 9 dương lịch, bà con đồng bào Mông ở Xím Vàng bắt đầu cùng nhau ra đồng thăm lúa. Nhiều phụ nữ địu theo cả em bé phía sau lưng, cuốc bộ qua những cánh đồng để ra thăm ruộng. Đứa trẻ bám sau lưng mẹ thích thú ngoái ra nhìn cánh đồng lúa chín vàng.

Gặp chúng tôi trên bờ ruộng, chị Thào Thị Sú cho biết phải đi khoảng 6km men theo các sườn núi mới tới khu ruộng của gia đình.

Chị bảo: “Năm nay chắc được mùa đấy!”. Khi thấy tôi đưa máy lên chụp, chị không quên nói thêm “cho xem ảnh đi!”. Một vài chàng trai Mông đi thăm đồng kết hợp mang theo nông cụ để phát cỏ, làm lại bờ, kiểm tra lúa...

Lũ trẻ cũng thích thú chạy ra cánh đồng gần nhà vui đùa. Khi thấy chúng tôi, bọn trẻ cứ cười khúc khích suốt, mấy bé gái tỏ vẻ e ấp ngại ngùng. Chúng cứ lớn lên tự nhiên như chính cỏ cây hoang sơ của núi rừng Tây Bắc.

Đứa lớn chút thì tự chơi, đứa nhỏ thì bám sau lưng mẹ cùng đi gặt. Ở vài ruộng lúa chín rộ, bà con đang hối hả ra gặt. Nhiều phụ nữ Mông ra đồng gặt lúa vẫn diện chiếc váy xòe thổ cẩm truyền thống, cười đùa vui vẻ với nhau.

“Được mùa mà, ai chả vui, chả sướng” - một anh chàng Mông nói.
Dulichgo
Từ Xím Vàng đi tiếp sang Hang Chú, vào các bản và qua những mỏm núi, ngoài vẻ đẹp mùa lúa vàng, chúng tôi phát hiện trong rừng xanh còn ẩn chứa nhiều con suối, thác nước hoang sơ rất đẹp. Đặc biệt là ngọn thác ngầm Háng Năng như dải lụa trắng hùng vĩ đổ từ mỏm núi xuống.

< Bãi đá khắc cổ Khe Hổ.

Rồi bãi đá cổ ở khu Khe Hổ (xã Hang Chú) với 9 khối đá granit khổng lồ nằm rải rác ở lòng thung lũng. Trên mặt đá có nhiều vết khắc với hình thù độc đáo. Những hình khắc này biểu thị thế giới quan sơ khai của người xưa về vũ trụ, mô tả cuộc sống sinh hoạt, lao động, sản xuất hoặc tâm linh.

Qua miền lúa chín đẹp mê mẩn, qua những cảnh đẹp hoang sơ, trải nghiệm nét văn hóa thú vị của các bản Mông khiến hành trình ba ngày đường trở nên ngắn ngủi. Mọi người cứ nấn ná mãi, chẳng muốn rời đi.

Một số lưu ý nếu muốn đến
 Xím Vàng và Hang Chú

- Từ Hà Nội có thể đi xe máy theo quốc lộ 32, sau đó là quốc lộ 37 để tới thị trấn Bắc Yên, rồi rẽ lên xã Tà Xùa trước khi tạt sang xã Xím Vàng, Hang Chú. Nên kiểm tra xe, xăng và mang theo đồ nghề tự sửa phòng bất trắc.

- Có thể đón xe khách ở bến Yên Nghĩa, Mỹ Đình lên thị trấn Bắc Yên với giá 120.000-150.000 đồng/vé tùy xe. Tại thị trấn Bắc Yên, có thể thuê xe máy với giá 150.000-200.000 đồng/ngày (xăng tự đổ) đi lên Xím Vàng, Hang Chú.

- Thời gian đi ngắm lúa Xím Vàng đẹp nhất là từ ngày 20-9 đến 10-10 (dương lịch). Tuy nhiên, khách phải mang theo đồ ăn, nước uống khi đi tham quan trong ngày do hàng quán nơi đây rất ít. Quán cơm bụi với giá 50.000 đồng/suất.
Dulichgo
- Ở Xím Vàng, Hang Chú chưa có khách sạn hay nhà nghỉ, nên du khách phải ra xã Tà Xùa để thuê với giá 50.000 đồng/người/đêm (với homestay) hoặc 150.000-200.000 đồng/người/đêm/phòng cho 2 người (với nhà nghỉ bình dân).

Theo Hải Dương, Nguyễn Duy (Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!