“Cầu Đà Rằng dài hai mươi mốt nhịp
Chàng bỏ ta đi biền biệt bấy lâu
Ngày xuân con cá giải sầu
Trông chàng chẳng thấy chàng đâu hỡi chàng.”

Cầu Đà Rằng đã đi vào câu ca dao của người dân Phú Yên từ đầu thế kỷ XX và từ lâu đã trở thành một biểu tượng văn hóa của mảnh đất này.

Cầu Đà Rằng bắc qua dòng sông Ba hay còn gọi là sông Đà Rằng, thuộc địa phận thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Cái tên Đà Rằng xuất phát từ tiếng Chăm cổ “Ea Rarang” nghĩa là “con sông lau sậy”.

Cầu Đà Rằng cũ được người Pháp xây dựng vào đầu thế kỷ XX với 60 nhịp cầu rộng 77m, tổng chiều dài 1105m. Lúc bấy giờ, đây là cây cầu dài nhất miền Trung, dài thứ nhì nước ta sau cầu Long Biên bắc qua sông Hồng.

Cầu được thiết kế với kết cấu dầm thép chịu lực, trụ bê tông cốt thép, chạy song song với đường ray tàu hỏa với bộ khung thép bảo vệ hình zích zắc tạo nên một công trình kiến trúc độc đáo.

Tháng 12 năm 1946, cầu Đà Rằng bị phá hủy trong phong trào tiêu thổ kháng chiến chặn bước tiến quân Pháp xâm chiếm vùng tự do Phú Yên.
Dulichgo
Trải qua nhiều lần xây dựng và tu sửa, năm 2004: cầu Đà Rằng mới được đưa vào hoạt động với 36 nhịp, dài 1512m, là cây cầu dài nhất trên Quốc lộ 1A qua miền Trung nước ta. Tổng kinh phí xây dựng cầu mới lên đến 420 tỷ đồng.

Cầu Đà Rằng độc đáo thu hút sự tò mò khi du khách dừng bước tham quan bởi Cầu Đà Rằng chạy song song với đường ray xe lửa. Sự thiết kế bộ khung thép bảo vệ hình zich zac hòa quyện cùng không gian rừng núi hữu tình của núi Nhạn, sông Ba đã tạo nên một khung cảnh bề thế và đẹp mắt vô cùng. Không bất ngờ khi người dân nơi đây tự hào biết bao với Cầu Đà Rằng như biểu tượng của mảnh đất Phú Yên.

Cầu mới được đưa vào sử dụng không chỉ giúp cho người dân hai bên bờ đi lại thuận tiện hơn mà còn là nơi để du khách dừng chân ngắm cảnh. Từ cầu Đà Rằng, bạn có thể ngắm những bãi bồi rộng lớn, dòng sông Ba thơ mộng cùng với phong cảnh núi Nhạn hữu tình phía xa xa.

Thời khắc đẹp nhất để ngắm cảnh ngắm sông ngắm cầu có lẽ bạn nên đi vào buổi sáng sớm hoặc hoàng hôn. Không khí tươi mát khi ngày mới bắt đầu mang theo hơi gió lành lạnh sẽ xoa dịu những mệt mõi của bạn. Từ xa xa, bạn sẽ thấy sương sớm bảng lảng trong mây, vương trên bãi bờ. Hoặc khi hoàng hôn buông xuống, mặt trời đỏ rực lặn sâu xuống sông Ba ánh lên le lói những tia nắng cuối ngày.
Dulichgo
Cũng như cầu Long Biên với dòng sông Hồng ở Hà Nội hay cầu Tràng Tiền với dòng sông Hương ở Huế, cây cầu Đà Rằng với sông Đà Rằng từ bao đời nay vẫn luôn là một biểu tượng của mảnh đất Phú Yên.

Theo Vntrip, Bazantravel...
Du lịch, GO!