"Anh đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dằm tương" (ca dao).
Tôi xa cũng nhớ cũng thương,
Kỷ niệm thơ trẻ vấn vươn tuổi già!
Đôi dòng ký ức nôm na,
Xin được luu lại, làm quà hoài hương!
(Nguyễn Hải Phú)


+ Muối thì mặn.

Hạt muối, hạt gạo là thực phẩm không thể thiếu đối với con người, đặc biệt là người Á Châu, người Việt chúng ta.
Tôi sinh ra ở một làng người dân sống chính bằng làm ruộng muối, từ thời Gia Long có tên gọi là Hoa Diêm, sau đổi thành Tuyết Diêm - Muối trắng! Thật vậy, muối nơi làng tôi sản xuất không những trắng trong như tuyết, mà phẩm chất rất tốt. Những nhà sản xuất nước mắm, để có sản phẩm chất lượng cao phải sản xuất bằng cá cơm và luôn chọn mua muối Tuyết Diêm.

Làng quê tôi có nét đặc trưng riêng ít giống làng khác. Tôi thường nói với bạn bè: Quê mình có nhiều núi, núi chạy liên hoàn, núi thấp núi cao, núi gần núi xa, núi sát sau nhà, núi ra tận biển - ba mặt có núi, chỉ hướng nhìn ra biển là trống, thoáng thôi. Cũng có một làng ở gần, núi xa xóm nhà dân, giữa làng có một hòn núi nhỏ, gọi là hòn mồ côi, làng không cho chặt cây nên gọi là núi Cấm. Làng tôi có con sông ngắn bắt nguồn từ con suối có tên là Cọt Kẹt chảy vào giữa làng rồi ra đầm Cù Mông dài chừng 4 km, chia thôn ra bên Bắc, bên Nam.

Một góc đầm Cù Mông, ảnh xưa.

Ngày xưa, mỗi lần qua sông, người ta phải chờ nước ròng, đến chỗ nước cạn, nơi bến lội xắn quần lội sang. Ngày nay đã có cầu, xe hai bánh chạy bon bon tới tận nhà người quen. Bên Nam có Quốc lộ 1A chạy xuyên qua nên việc đi lại bằng đường bộ rất thuận lợi. Ngày xưa, các nơi đến mua muối chở bằng ghe bầu ra cửa Cù Mông, ngày nay đa phần dùng ô tô có tải trọng lớn chở được nhiều, đi nhanh hơn.

Núi nhiều, ruộng ít lại sát đầm nước mặn, không có sông nước ngọt, chỉ có vài con suối nhỏ từ khe núi chảy ra. Vào mùa mưa mới có nước, mùa nắng khô khốc. Ruộng ở gần núi xa sông nước mặn thì trồng lúa, ruộng vùng nước mặn làm muối, nuôi cá, tôm...

Giòng họ nhà tôi khá đông trong làng, từ miền ngoài vào, cơ duyên nào chọn nơi đây sinh sống? Điều này không tìm hiểu được vì các thế hệ trước không ghi lại để cho con cháu nhiều đời sau được biết. Có một điều là: Miền Trung nhiều bão lụt, nhưng làng tôi không bị thiệt hại. Đất gần núi, bình độ cao, lại sát đầm dù mưa to, kéo dài nhưng nước thoát nhanh không ngập. Còn gió bão cũng chưa gây ra sập nhà, gãy đổ cây cối như nơi khác. Có trận bão Thị xã Sông Cầu bị thiệt hại nặng, phía bên kia đèo Cù Mông thuộc địa phận thành phố Quy Nhơn cây cối bị ngã đổ rất nhiều nhưng làng tôi ở giữa cách hai phía từ 15 - 20km vẫn bình yên. Qua nghiên cứu tìm hiểu, tôi cho rằng nhờ đảo Cù Lao Xanh ở ngoài biển chắn gió tạt sang hai bên, khi vào tới làng tôi không mạnh như các nơi khác.

Thị xã Sông Cầu xưa.

Theo địa bạ Triều Nguyễn, do ông Nguyễn Đình Đầu biên soạn thì tỉnh Phú Yên 1832 - 1898 có những thay đổi, trong đó tên làng Hoa Diêm thành Tuyết Diêm, thuộc tổng Xuân Đài của huyện Đồng Xuân. Trong danh sách 19 đơn vị của tổng Xuân Đài, Tuyết Diêm ghi ở số 15: Tuyết Diêm, nguyên Hoa Diêm thôn, HB thuộc ĐX. (tr.78 sách đã dẫn). Ở tr.129 - 131 ghi: Phú Yên Trấn (theo địa bạ lập năm Gia Long 14-15 (1815-1816) truy dụng năm Minh Mạng 11 - 12 (1830 - 1831). Nơi mục IV. Hà Bạc Thuộc gồm 24 làng (22 thôn, 2 ấp), ghi Hoa Diêm thôn ở số 5, cụ thể như sau:
Dulichgo
Hoa Diêm thôn:
- Đông giáp địa phận thôn Toàn An và núi.
- Tây giáp địa phận xã Bình An (tổng Hạ) và thôn Diêm Trường, lấy ngòi nước làm giới.
- Nam giáp núi.
- Bắc giáp địa phận thôn Toàn An, lấy khe làm giới.
Toàn bộ diện tích sở hữu  4.0.0.0:
(Diện tích địa phận 41.1.8.2.3.8). Cát trắng kết lập gia cư 4.0.0.0 (2 khoảnh)


- Khe kênh 1.000 tầm (1 dải).
. Tự điền của người xã Bình An  37.1.8.2.3.8:
- Thực trưng 13.0.12.3.5
- Lưu hoang  24.0.10.8.8.8

Địa bạ ghi: Khe kênh 1.000 tầm (1 dải) là con sông chảy giữa thôn. Cát trắng kết lập gia cư (2 khoảnh) đã chỉ rõ hai bên Nam, Bắc của thôn Tuyết Diêm. Đúng là đất Tuyết Diêm nơi xa núi chừng 100 mét đã là đất cát.

Thời Gia Long, cả xã Xuân Lộc cũ dân cư đã đông. Lúc nhỏ tôi được nghe kể câu chuyện khi Gia Long bị Tây Sơn truy đuổi, người lái đò ở bến Túy Phong (nay là xã Xuân Hải) đã đưa đoàn người trốn chạy này sang sông. Khi giành lại được giang san, vua Gia Long đã trả ơn bằng cách cho gia đình này được tiếp nối làm nghề đưa đò, cho miễn thuế.

Núi Nhạn xưa.

Sách Địa bạ Phú Yên của Nguyễn Đình Đầu có bản đồ tỉnh Phú Yên (vẽ đầu Thế kỷ XX, tỷ lệ 1/100.000) ghi nhiều địa danh của tỉnh nói chung, xã Xuân Lộc cũ. Riêng Tuyết Diêm ở số 50, mảnh số E2:
Dulichgo
Hoa Diêm thôn (tên cũ), thuộc HB.(Hạ Bac) ĐX.(Đồng Xuân) Tuyết Diêm (tên mới), trên Bản đồ vẽ khá rõ: đường QL.1, Đầm Cù Mông, con sông chạy giữa làng, cầu ông Kiều, Ký hiệu ruộng muối, núi, chữ Tuyết Diêm, Núi Yên Beo. Các địa danh lân cận có ghi tên: Bình Thạnh, Chánh Lộc, Diêm Trường, Thọ Lộc, Xóm Lò Gốm, Túy Phong 7, Túy Phong 8, Long Thạnh, Các địa danh Phú Hội, Đất Mới, Tùy Luật ở xã Xuân Cảnh, có cả Miễu Công Thần tại Hòn Nần...

Ngày nay có bản đồ vệ tinh trên Wikimapia.org rất chi tiết, khi phóng to muốn tìm một vị trí cụ thể sẽ được đáp ứng liền.

+ Hoa Diêm thôn hình thành, làng muối Tuyết Diêm ra đời từ bao giờ?

Thạch Bi Sơn.

Tuyết Diêm cũng như các địa phương của miền Trung xưa kia thuộc đất Chiêm Thành. Những năm sau 1945, ngay góc đường Quốc lộ 1A rẽ xuống xóm sát bên nhà ông Bộ Tài bây giờ còn một cái mả xây chắc chắn, người làng nói mả Hời. (Ngày xưa gọi người Chiêm Thành là người Hời).

Khi vua Lê Thánh Tông năm 1471 vào dựng cột mốc ở Thạch Bi Sơn, đánh dấu người Việt đã biết đất này, nhưng chưa đến ở thành làng mạc. Năm 1578, chúa Nguyễn Hoàng cử Lương Văn Chánh vào làm trấn biên quan ở vùng đất phía Nam đèo Cù Mông. Ông đã đạt được nhiều thắng lợi về quân sự (đánh thành Hồ, lấy núi Nhạn), tổ chức tốt việc phòng thủ, đưa lưu dân từ Thuận Quảng vào khai hoang, lập ấp. Đại Nam Nhất Thống Chí chép rõ việc Lương Văn Chánh "Chiêu lập dân cư đến Cù Mông, Bà Đài, khẩn hoang ở Đà Diễn...".

Sau khi Lương Văn Chánh chết, người Chiêm Thành xâm lấn biên cảnh. Nguyễn Hoàng đã cử người dẹp yên, lập ra phủ Phú Yên gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa. Việc đó xảy ra năm Tân Hợi, 1611. Danh xưng Phú Yên có từ đó với cấp hành chính là "Phủ" trong tổ chức chính quyền lúc bấy giờ.

Một góc hồ Xuân Bình.

Năm 1629, Văn  Phong nguyên trước kia là chủ sự có công trong việc đánh dẹp, nay nghịch phản, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên sai phó tướng Nguyễn Vĩnh trừ loạn rồi lập trấn Biên Doanh, sau gọi là Phú Yên doanh, có quan trấn thủ đứng đầu.
Năm 1653, vua Chiêm Thành là Bà Tấm xâm lấn Phú Yên, chúa Nguyễn Phúc Tần sai cai cơ Hùng Lộc thống lĩnh 3.000 quân tiến đánh chiếm đến sông Phan Rang, lập ra phủ Thái Ninh, sau đổi là Diên Khánh, tức đất Khánh Hòa ngày nay. Từ đó, Phú Yên không còn giữ vai trò trấn biên nữa.
Dulichgo
Như vậy, danh xưng Phú Yên ngày nay được đặt từ năm 1611. Trên các bản đồ địa lý, lịch sử gần 4 thế kỷ qua tên đó không thay đổi, từ lúc đầu nó là phủ (1611), rồi doanh (1629), về sau có lúc là trấn (1808), phủ nha (1826), đạo (1925), và tỉnh (1888). (Theo Nguyễn Quốc Lộc, bài "Phú Yên - tên có từ bao giờ?", Xưa&Nay, sô 106). Theo đó, làng Hoa Diêm (sau đổi thành Tuyết Diêm) hình thành khoảng sau 1578, lúc đó người dân còn thưa thớt, sống ở vùng đất Quán Đế, Bình Thạnh sau dần xuống ở hai bên dải cát trắng của khe kênh.

Tôi có bà con xa ở Quán Đế. Phải chăng lúc từ miền ngoài vào sống gần núi sau mới dần xuống gần biển? Trước và sau năm 1945, nội tôi còn nhận làm tá điền cho một người ở Bình Thạnh có đám ruộng lúa gọi là đám ao ở dưới Cống Ba (Cầu Tuyết Diêm bây giờ), gần nhà ông Xí. Điều này chứng minh cho địa bạ ghi ở trên: "Tự điền của người xã Bình An 37.1.8.2.3.8: (Bình An là Bình Thạnh sau này?). Từ Bình Thạnh xuống Tuyết Diêm có vài cây số nên việc đi lại sản xuất thuận tiện. Những năm 1945 về trước ở Bình Thạnh có phường lãnh dệt lụa rất nổi tiếng, lúc đó ở Tuyết Diêm còn một số nhà như bà Hích trồng dâu, người ở Bình Thạnh xuống mua hái lá về nuôi tằm.

Đèo Cù Mông.

Nói rộng thêm: Thời chiến tranh Tây Sơn với Nguyễn Ánh, con đường QL1 chưa có, chỉ có đường đi bộ, đi ngựa. Thời đó, con đường chạy Trạm của địa phương từ chợ Cù Mông qua chợ Gò Duối vô Sông Cầu, theo lối Quán Đế qua Dinh Bà, xuống Trung Trinh. Hồi nhỏ tôi đã nhiều lần leo qua đèo thấp sau nhà ông Chánh Hồ vào Quán Đế đi Sông Cầu, vì gần hơn đi theo QL 1. Chỉ sau này có xe đạp mới đi theo QL1. Hiện nay con đường này đã được mở rộng xe ô tô nhỏ chạy được.
Khi con người mới đến đất Hoa Diêm chủ yếu sống bằng nghề cày cấy lúa nước, đánh bắt cá ngoài sông và đầm Cù Mông.

Về sau, khoảng cuối triều Tự Đức, (1847 - 1883) nghề sản xuất muối mới mới ra đời, (năm 1870) sau đó tên Hoa Diêm thôn được đổi thành Tuyết Diêm. Rất tiếc, hiện nay làng không có tài liệu lưu lại ai là người dẫn dắt dân làng làm nghề này.
Thôn Tuyết Diêm bị núi bao bọc nên đất sản xuất còn ít, một phần đất vùng không nhiễm mặn sản xuất lúa, phần đất gần đầm, sông sản xuất muối, làm đìa nuôi cá, tôm. Nhờ con sông ở giữa nên hai bên đều sản xuất được muối, có ở những dãy ruộng xa đầm gần núi như ở đồng Chùa. Thời năm 1945, vùng đất sát đầm Cù Mông gần Gò Ốc (Tuyết Diêm Bắc) ông Mò khai khẩn làm ruộng muối, còn ở Sát Già giáp đầm vẫn hoang hóa cây mắm cây đước mọc đầy.

Một góc đầm Cù Mông.

Sau này phần đất ấy được khai phá đưa vào sản xuất muối, nuôi tôm, nên cả thôn (Tuyết Diêm Nam và Tuyết Diêm Bắc) mới được gần 140 ha. Sản lượng cũng không nhiều vì năng suất muối sản xuất theo truyền thống thủ công, thời gian kết hạt ngắn ngày. Năm nào nắng nhiều thì đạt 18.000 tấn, năm mưa xen kẻ sản lượng thấp chừng 15.000 tấn, có năm mưa kéo dài sản lượng rất thấp. Tuy số lượng ít nhưng chất lượng muối tốt nhất trong vùng, hơn cả Sa Huỳnh về diện tích và sản lượng. (Đồng muối Sa Huỳnh ở xã Phổ Thạnh, huyên Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, diện tích 116 ha, sản lượng 8.000 - 9.000 tấn.năm). Có lẽ do chất đất và nước biển ở vùng Đầm Cù Mông tạo ra không chỉ sản phẩm muối mà các loại cá cũng nổi tiếng ngon, ngọt, nhiều món ăn hấp dẫn thực khách.

Phú Yên có câu:
Cá ngon là cá Cù Mông
Gạo ngon là gạo ở đồng Phú Dương (Phú Dương thuộc huyện Tuy Hòa, Phú Yên).
         

+ Nghề sản xuất muối và Diêm dân quê tôi:


Sau Tết Nguyên đán bắt đầu làm. Trong một khuôn viên đất ruộng có bờ bao chung quanh, tùy theo diện tích lớn, nhỏ, người ta chia ra thành giây ruộng muối, nhỏ nhất cũng phải được 7 đám, lớn nhất 24 đám, đa phần theo kích thước mỗi đám có diện tích hình chữ nhật, chiều rộng bằng 2/3 chiều dài (8mx12m), độ dài này vừa với hai cây tầm vông dùng để làm cán tran cào muối - khi cào người đứng trên bờ ruộng đưa lưỡi tran ra nửa đám ruộng, phía bờ bên kia cũng vậy, chứ không bước xuống ruộng, chỉ khi đẩy đất bùn mới có một chân bước xuống một chân trên bờ cho có lực mạnh - tính từ trong ra gồm: ruộng ăn, ruộng chịu, chứa mặn, chứa lạt, ngoài cùng là mương dẫn nước từ sông vào. Ruộng ăn, ruộng chịu liền kế nhau, ruộng chịu trữ nước cho ruộng ăn (ruộng ăn là đám ruộng sẽ thu hoạch muối), khi ruộng ăn khô nước thì đưa từ ruộng chịu sang bồi thêm để muối kết dày hơn.

Trước tiên người ta cày hoặc cuốc cả giây ruộng (gồm ruộng ăn và ruộng chịu) phơi đất mấy ngày rồi bừa nhuyển san thật phẳng, chia đều ra mỗi đám có diện tích như nhau. Bờ đi cho mỗi đám chỉ rộng khoảng gan rưởi tay thôi. Phải nện cho bờ cứng để khi gánh muối nặng chạy trên đó bờ không vỡ ảnh hưởng mặt ruộng. Cho nước vào xăm xắp rồi dùng bàn nện, đằm đất mặt ruộng cho phẳng và khô dần, cứng, gọi là làm da ruộng, thời gian mất cả nửa tháng mới xong công đoạn này. Sau đó, bắt đầu sản xuất muối.

Ruộng muối Tuyết Diêm.

Làm da ruộng phải thật kỹ để không bị lổ mội (lỗ mọi) khiến nước từ lòng đất trào lên, bờ phải nện kỹ không có lổ rò nước từ ruộng chịu rịn sang làm thau muối. Các đám ruộng được lấy ống tre làm lổ lù để dẫn nước. Mở bộng lấy nước từ ngoài sông chảy vô mương, vô chứa lạc, ở đây nước được phơi nắng mấy ngày rồi cho vô chứa mặn. Nước lại phơi nắng tiếp nên độ mặn đã cao, cá chết chứ không còn sống được như nước ngoài sông mới đưa vô mương, chứa lạc. Nước từ chứa mặn sau mấy ngày phơi nắng sẽ cho vô ruộng chịu phơi nắng thêm mấy ngày nữa, lúc này nước đã gần kết thành muối, khi ruộng ăn hụt nước sẽ mở lù cho nước từ ruộng chịu chảy sang bổ sung để muối dày thêm.

Khoảng vài ba lần bổ sung nước như vậy muối sẽ nhiều, khoảng 5 - 7 ngày là thu hoạch, bằng cách dùng cái tran (1) có cán dài bằng cây tầm vông kéo muối từ giữa ruộng vào gần bờ, gom thành đống, người khác xúc vào thúng, một người khác nữa đến gánh chạy lên gò đổ thành đống to theo hình nón. Người ta có sẵn ba-rem tính theo chiều cao nhân vòng tròn đáy sẽ ra khối lượng tấn muối. Thời xưa Pháp quản lý muối rất chặt, sau khi đo xong họ còn in những con dấu dày trên đống muối. Khi bán thuế quan kiểm tra, nếu mất dấu sẽ bị phạt nặng. Người chủ ruộng muối thường tranh thủ người cai coi khi thu hoạch bằng cách đưa thước đo chu vi đáy cao lên để có lợi cho mình - số muối nằm bên dưới không đo sẽ "lọt sổ", nạp thuế ít đi. Đó là chuyện ngày xưa.

Thu hoạch muối ở Tuyết Diêm.

Sau khi thu hoạch, người ta cho nước từ ruộng chịu sang ruộng ăn tiếp tục sản xuất lần hai (lứa hai). Mực nước cao chừng 2-3 lóng tay. Sau khi thu hoạch lứa hai, mặt ruộng ăn không còn sạch nữa, người ta phải đẩy bùn cho sạch mặt ruộng, phơi nắng một buổi cho da ruộng se khô rồi cho nước từ ruộng chịu vào ruộng ăn. Những lao động từ đẩy ruộng, cào muối, hốt, gánh đều phải thuê mướn (hoặc vần đổi công) chứ không gia đình nào đủ người làm hết các khâu ấy. Người theo dõi hàng ngày trong khi sản xuất muối, gọi là ông bầu. Công việc tương đối nhẹ, lo chuyện lấy nước từ sông vào chứa theo công đoạn kể trên và châm thêm nước từ ruộng chịu qua ruộng ăn. Khi muối bắt đầu kết hạt từ mặt đất, sẽ có một số hạt nhẹ nổi lên mặt nước, gọi là muối bọt, phải cào chúng vào cho chìm sát bờ tránh để rơi chìm xuống mặt ruộng làm giảm sản lượng muối. Việc này nhẹ nhàng, người nhỏ tuổi cũng làm được.

Sản xuất theo phương pháp cho nước bốc hơi dần dưới sức nóng của mặt trời, nên mùa vụ chỉ làm được khi trời nắng, nắng càng gắt muối càng nhiều, được mùa. Ngược lại, trời hay mưa sản lượng muối giảm. Cách làm thủ công như vậy nên người lao động khá vất vả. (Cào, đẩy là công việc nặng chỉ đàn ông, thanh niên mới đủ sức làm, các khâu khác phụ nữ làm được). Gần đây, HTX tổ chức sản xuất theo cách trải bạt mặt ruộng không lấy nước sông mà khoan giếng lấy nước trong lòng đất để có hạt muối thật tinh khiết nhưng giá thành cao, cách sản xuất này chưa thể thực hiện toàn bộ diện tích.


Trung ương đã đầu tư 185 tỷ đồng xây bờ kè chạy ven đầm Cù Mông 11 km, trong đó có đoạn trên địa phận Tuyết Diêm. Bờ kè kiên cố bằng xi-măng rộng lớn, xe vận tải nhỏ vận chuyển muối rất tiện. Cũng có thêm tác dụng đồng muối Tuyết Diêm khi vào mùa mưa không còn cảnh nước lụt làm lở bờ bao như trước nữa, đỡ tốn kém khi mỗi năm phải đắp lại lổ trổ bị lở và gia cố bờ do mưa bão gây sạt lở.

Chính quyền tỉnh Phú Yên, thị xã Sông Cầu rất quan tâm tìm cách hỗ trợ diêm dân, xin cấp thương hiệu cho muối Tuyết Diêm, kêu gọi các nhà đầu tư khai thác chế biến muối để nâng đời sống người lao động. Có sự khác nhau về chất lượng muối giữa các cánh đồng và thửa ruộng. Ruộng ở gần Đầm Cù Mông muối tốt hơn ruộng ở xa nằm sâu trong làng, nước từ đầm vào sông hàng mấy cây số mới tới ruộng. Ở đây, muối không trắng bằng muối ruộng gần đầm. Giá bán muối cũng chênh lệch do chất lượng giữa hai vùng ấy.
Dulichgo
Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, tôi được 5 tuổi nhưng vẫn còn nhớ ngoài căn nhà nóc bằng thật to người dân gọi là Tòa bằng thực dân Pháp xây cất dùng cho quan chức thuế quan ở quản lý làng muối, còn mấy nhà xây bằng tường gạch dày lợp ngói để cho lính bảo vệ quan chức và canh giữ đồng muối nữa. Thực hiện tiêu thổ kháng chiến, tòa bằng và mấy tòa lính ở đồng Chùa trên núi gần nhà ông Hược, ở bên Tuyết Diêm Bắc, bị ta phá bỏ chỉ giữ lại tòa lính gần tòa bằng thuộc Tuyết Diêm Nam làm trường học. Như vậy, cho thấy người Pháp coi muối rất quan trọng về kinh tế.

Dừa là cây trồng quanh nhà.

Sản phẩm địa phương ngoài muối, một ít ruộng lúa còn có thêm dừa là loại cây trồng phổ biến trên vùng đất Sông Cầu, trong đó có Tuyết Diêm, nhà nào có đất là có trồng dừa. Dừa là cây cho con người sử dụng gần như tất cả, không bỏ một cái gì. Trái già nấu dầu, trái vừa gọi là dừa nạo dùng uống nước, lá lợp nhà, cây dừa làm bộng cho việc lấy nước hoặc làm nhà, tàu dừa làm củi nấu, xơ dừa người ta đánh lại làm dây, sọ dừa làm than hoạt tính...
Thật hiếm có loại cây mang lợi cho con người như thế.

Thời Pháp thuộc thôn Tuyết Diêm nghèo, chỉ vài ngôi nhà lợp ngói, còn toàn nhà lá vách đất. Tuyết Diêm Nam chỉ có cái giếng ở nhà bà Vô là nước trong ngọt, mội nhiều nên cả xóm đến gánh về dùng. Nhà ông Kính có giếng nước cũng tốt nhưng sát núi, quá sâu, ít nước nên chỉ dùng cho gia đình, không cho người khác đến lấy nước. Phía dưới có giếng nước nhà ông Lễ Nhơn cũng khá, dùng cho xóm nhà này, nhưng gần ruộng mùa mưa nước không còn trong như mùa nắng, phía trên có giếng nhà nội tôi nước gần như nước giếng nhà bà Vô, mấy nhà ở gần như ông Thiện, bá Xốc đến múc gánh về, nhà ông Thọ Dy cũng có giếng nước như nước giếng nhà nội tôi. Giữa xóm có giếng nhà ông Ngãi, nhưng nước không được ngọt vì gần ruộng mặn. Bên đồng Đồng Chùa nhà ông Hược sát núi có giếng nước cũng trong ngọt.

+ Trường học:

Năm 1946, tôi vào học lớp vỡ lòng do thầy Phước, chú ruột tôi dạy tại tòa lính còn giữ lại làm chỗ học cho học sinh. Lớp học có nhiều trình độ từ vỡ lòng đến lớp ba ngồi chung một phòng khỏang 20 trò nam nữ với 2 ấp. (cả Tuyết Diêm Nam, Tuyết Diêm Bắc)

Học sinh trước sân trường (ảnh xưa) tại Tuy Hòa - Phú Yên.

Năm sau, thầy Phước sang dạy bên Túy Phong 7, thầy Ẩn (dượng Chín tôi) dạy tiếp, lớp học tại nhà ông Kiểm Chín. Rồi Thầy Hổ người quê La Hai về dạy tiếp. Thầy Hổ ở nhờ nhà ông Điển Thâu, sau làm rễ ông ấy. Năm 1950, thầy Trí trên Bình Thạnh xuống dạy tại đình làng, lúc đó ngành giáo dục không còn theo hệ lớp cũ: Năm, Tư, Ba, Nhì, Nhất nữa mà tổ chức bậc Tiểu học 4 lớp: Một, Hai, Ba, Bốn. Học xong lớp hai, tôi lên Bình Thạnh học Lớp Ba trường xã trong vườn dừa nhà ông Kinh. Chưa hết năm học thì nghỉ vì gia đình gặp khó về kinh tế.
Dulichgo
Sau năm 1954, ba tôi bị Ngô Đình Diệm bắt bỏ tù tại lao Ngọc Lãng, tôi chăn bò cho ông nội. Khi ra tù ba tôi bị liệt không đi lại được phải điều trị thuốc Bắc và nhờ Bà Thiệt chích lể lấy máu bần ra một thời gian mới đỡ, sau đó tập đi như trẻ con mới chập chửng. Năm học 1955-1956, tôi mới đi học lại. Trường chỉ có một lớp Nhất với 28 học sinh, duy nhất 1 nữ là chị Niệm. Ở Tuyết Diêm có chú Ngọc con chú Tư tôi, Nguyễn Xuân Hoa, Nguyễn Văn Minh con ông xã Dùm cũng học lớp này. Cô Lý Thị Quế, con ông Bộ Chiều và cô Phận tên ở nhà là cô Cụt con ông Mục Học, học lớp Ba cùng trường. Thời đó xã Xuân Lộc cả thôn Túy Phong 7 và Túy Phong 8, nhưng hai thôn này không ai học lớp Nhất với tôi. Ba tôi khai sinh lại bớt còn 11 tuổi, nhưng tuổi thật là 14 tuổi.


Hồi đó, học sinh Tiểu học học cả ngày, chúng tôi đi bộ gần 4 km từ sáng sớm mang cơm theo trưa ăn ở lại học buổi chiều, về nhà cũng gần tối. Vì không học lớp Nhì, tôi phải đi thi tốt nghiệp Tiểu học ở tỉnh, tổ chức tại Ngân Sơn. Lúc này, ba tôi có vợ nhỏ, tôi thi đỗ hạng nhì toàn tỉnh Phú Yên trong hơn 3000 thí sinh, được thầy Trần Duy Chứng Hiệu trưởng trực tiếp dạy lớp Nhất, động viên tin tưởng tôi sẽ đậu và lớp Đệ Thất trường công lập nhưng gia cảnh không cho phép nên tôi phải nghỉ học. Lần đó, cô Hai tôi ở Sài Gòn về thấy vậy đưa tôi vô Sài Gòn. Bây giờ đây xã có Trường Phổ thông Trung học, mỗi thôn đều có trường Tiểu học tiện lợi cho việc học hành của học trò.

Như bao làng quê nước Việt, Tuyết Diêm cũng có đình làng ở Tuyết Diêm Nam quay mặt ra sông. Thời chiến tranh bị tà phá, nay xây lại gọn nhỏ hơn xưa. Ngày xưa có Miếu tại triền núi ở vệ đường QL 1A, nằm dưới cây báng một, nay không còn.

+ Chợ:

Cả xã chỉ có một chợ Gò Duối (Chợ Xuân Lộc). Ngày nhóm họp chợ phiên (mồng 6,16,26 Âm lịch) mới có nhiều hàng hóa. Ngày nay, chợ phải dời sang địa điểm mới để đáp ứng phát triển của địa phương. Tuyết Diêm ngày xưa hoàn toàn không có chợ nhỏ, quán cũng chỉ một vài cái lèo tèo như quán cô Bảy Nghiệp bán vài món kẹo bánh khô thôi. Nay đã có chợ bán hàng ăn trong xóm.

Chợ Gò Duối

Dân đông nên xã Xuân Lộc cũ phải chia thành ba xã: Xuân Lộc, Xuân Bình, Xuân Hải. Một số thôn cũng chia ra thành hai như Thọ Lộc trên, Thọ Lộc dưới, Diêm Trường cũng chia hai. Xuân Hải ngày xưa là 2 thôn Túy Phong 7 và 8, nay là xã. Chỉ có thôn Tuyết Diêm dù dân số tăng nhiều vẫn còn giữ nguyên. Rồi mai kia có thể sẽ lại chia thành hai thôn để hợp với dân số, quản lý địa bàn?
Dulichgo
Thời xưa, Tuyết Diêm nghèo, thiếu thốn đủ điều nên con người chậm phát triển, thua xa so với Quy Nhơn, Tuy Hòa là thành thị. Ngày nay đời sống được cải thiện, con người Tuyết Diêm tiến bộ nhiều mặt, không còn thua sút các nơi như xưa nữa. Người lao động sản xuất muối cũng mua sắm những vật dụng che tránh ánh nắng gay gắt, bảo vệ sắc diện khi làm việc.      

Ai cũng hiểu hạt muối có ích, con người cần có nó. Nhưng nhiều khi ta không chú ý vì ít khi bị thiếu muối. Thiếu gạo con người sẽ chết, nhưng thiếu muối có thể sống được nên không thấy hết quan trọng của hạt muối.
Từ khi còn thơ tôi đã thấy nội tôi coi gạo và muối có “vị trí” bằng nhau. Đó là, mỗi khi ông cúng rằm, cúng đất đai… đều có hai dĩa gạo và muối. Cúng xong, trước khi tắt đèn việc không thể quên là hốt muối và gạo trong hai đĩa ra sân vãi tung lên trời, theo bốn hướng. Những hạt gạo, hạt muối rơi xuống đất có số lượng như nhau, nhưng chỉ còn lại những hạt muối, những hạt gạo đã được mấy chú gà mổ hết.


Tôi có đọc mẫu chuyện sau khi Bác Hồ dự Hội nghị Phong-ten-nơ-blô từ nước Pháp trở về năm 1946, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến với thực dân Pháp, Bác yêu cầu ông Nguyễn Lương Bằng đi Nam Định tổ chức đưa lên Việt Bắc một lượng muối đủ cho cán bộ, bộ đội và nhân dân dùng trong khoảng mười năm. Số muối đưa lên chiến khu hơn 80 tấn! Bác Hồ là người tính xa, Người đã ở Việt Bắc từ năm 1941 đến ngày khởi nghĩa cướp chính quyền về Hà Nội 1945, Bác hiểu giá trị hạt muối rất cần cho con người, thiếu nó cán bộ, bộ đội, nhân dân sẽ giảm sức khỏe, ảnh hưởng năng suất làm việc, chiến đấu không ít.

Chúng ta cũng biết, những năm kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, cán bộ bộ đội ở Tây Nguyên có khi phải đốt rể tranh thay muối. Người dân tộc ở Tây Nguyên quý muối hơn những thứ khác.
Khi bộ đội cho và nói muối của Bác Hồ là họ vô cùng biết ơn Bác.

Tuyết Diêm thời chống Mỹ, hai năm giải phóng (1965-1966) đã cung cấp hàng trăm tấn muối lên chiến khu. Vì vậy nên khi lính Đại Hàn chiếm lại, bộ đội và nhân dân ở vùng căn cứ không bị thiếu muối.

+ Muối mặn.

Nhưng nhờ có muối nêm vào những món nấu mới có vị ngọt. Một nồi canh mà không có muối nêm thì không đậm đà bằng có nêm muối (nước mắm cũng từ muối). Một nồi khoai mà không bỏ muối ăn nó lạt lẽo, không ngon bằng có nêm chút muối. Nấu nồi chè mà thiếu nêm muối ắt không ngọt bằng có nêm muối...
Con người có nhiều gia vị khi nấu nướng, nhưng không thể thiếu muối. Hạt muối nhỏ nhoi, coi có vẻ không quan trọng khi ta có đủ đầy. Nhưng khi không có nó người ta mới hiểu hết tác dụng của hạt muối.


Vị mặn của hạt muối còn có tác dụng gắn kết con người với nhau:
"Tay bưng dĩa muối chấm gừng
Gừng cay, muối mặn, xin đừng quên nhau!"

Tôi chưa nghe ai nói chia nửa hạt gạo bao giờ, nhưng muối thì đã nghe. Thời chống Mỹ, ở một lớp học do Trung ương Cục mở giữa rừng già Dương Minh Châu (Tây Ninh) có mấy người bạn người miền Tây cùng học, các anh thường hát bài hát chứa chan tình đồng chí của anh bộ đội: "Hạt muối cắn hai, anh giải phóng quân ơi! Anh giải phóng quân mà không trọn bát cơm lưng"...  Tình người cao cả đến hạt muối cũng chia hai như chia gian nan cực khổ của người cách mạng...   thật đẹp, làm cho cuộc sống con người trong chiến khu càng thêm gắn bó với nhau của nghĩa tình đồng chí. ..."Điếu thuốc tàn cùng chia sớt nhau, nằm kế bên thân người bạn ta, cùng chia sẻ khi cùng đói lòng, từng vắt cơm, từng miếng khô..." (Trích bài Đồng chí thơ Chính Hữu).
Dulichgo
Muối còn là nguyên liệu sản xuất cho một số ngành công nghiệp nữa. Ở nước ta chỉ ở Cà Ná ruộng tráng nền xi măng mới đạt chất lượng cho ngành công nghiệp (2).


+ Nhưng, hạt muối có nhiều khi cũng đắng chát.


Người Diêm dân đúng như câu nói "một nắng hai sương", đa phần công việc phải là lúc trời nắng chang chang, bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Cái nghề nhọc nhằn là vậy nhưng cứ phải chịu cảnh: Trời nhiều nắng sản xuất được mùa, thì giá muối sẽ rẻ. Năm nào trời mưa, sản lượng ít thì giá có khi được cao. Ngày xưa, chỉ có những người nhiều ruộng mới khá giả còn đa số người làm công chỉ sống đắp đổi, không thể khá được.

Trước kia, khi phải vận chuyển muối lên xe hay xuống ghe, tất tất đều phải gánh trên vai của người phụ nữ. Quê tôi nữ giới giỏi giang lắm. Đã có trường hợp người nơi khác về làm dâu ở đây không làm được công việc của các cô các bà vốn sinh đẻ tại chỗ. Cái bờ dưới ruộng muối chỉ rộng khoảng ba tấc, vậy mà người ta gánh gánh muối nặng quằn chạy vù vù không bị trật chân ra khỏi mé bờ nhỏ ấy.

Ngày nay, muối dưới ruộng vẫn phải gánh lên đổ đống trên sân bằng sức người. Nhưng khi bán, muối từ đống trên sân chở đưa lên xe vận tải lớn chở ra bán tận Đà Nẵng, Huế... Người ta không còn phải gánh như xưa vì đã có đường và dùng xe 2 bánh để "thồ" mấy bao một lúc vừa nhanh, nhiều, đỡ mất sức lao động hơn hồi đó.

Thị xã Sông Cầu năm 1970...

Ruộng chỉ có chừng ấy, con người thì sinh sôi ra ngày càng nhiều, càng đông. Hợp tác xã chủ trương khi xã viên qua đời, con mới được kế thừa. Không thu xã viên mới nên con cái người ta phải đi xa kiếm việc làm ăn. Nhiều ngành nghề mới phát triển để giải quyết công ăn việc làm cho người sống bám trụ ở quê. Vì vậy Tuyết Diêm bây giờ không còn đơn nghề mà có nhiều nghề phong phú, một số người làm việc trong mát thoải mái hơn.

Làng Tuyết Diêm có đường quốc lộ 1A chạy ngang qua, lại có một khu vực quán xá cặp theo Quốc lộ ở gần làng, khách lạ thập phương luôn nhộn nhịp nhưng làng xóm rất an ninh; Cuộc sống người dân sống khá yên bình, không có tệ nạn xì ke ma túy, thật đáng mừng. Đầm Cù Mông nằm bìa làng muối Tuyết Diêm là điểm du lịch khá hấp dẫn du khách các nơi đến. Các món ăn đồ biển như ghẹ, ốc nhảy, cá mú... nổi tiếng ngon nên người Quy Nhơn, Sông Cầu và các xe đường dài thường ghé lại đây ăn uống nghỉ ngơi thoải mái, vui cảnh làng quê thanh bình.
Dulichgo
Ngày nay đời sống cả nước được cải thiện, Tuyết Diêm cũng phát triển kinh tế khá hơn xưa nên đa số nhà lợp ngói hoặc lợp tôn, tường xây sân lát gạch, không còn nhà tranh vách đất nữa. Đời sống văn hóa trình độ con người cũng tiến vượt bậc, có điện nhà nào cũng có ti vi, vi tính nối mạng internet, điện thoại di động sóng ổn định. Xe hai bánh nhà vài ba chiếc, có người mua xe hơi chở khách chở hàng, đời sống được nâng cao cả kinh tế văn hóa. Rất nhiều người tốt nghiệp đại học tìm việc làm ở thành phố, nhiều gia đình có cuộc sống không thua gì người thành thị.

... và Sông Cầu ngày nay.

Mỗi lần thăm quê, khi trở về thành phố: trong gói quà quê của tôi không thể thiếu muối hầm của quê hương. Có những chuyến đi công tác tiện xe tôi chở cả tạ muối này về làm quà.

Món quà nhỏ, giá trị thấp nhưng là sản phảm "chất lượng cao", ở thành phố chỉ có muối bọt nấu từ muối hạt chứ ít có muối hầm trắng tinh, khô, nêm nếm rất ngon như thế. Nó chỉ "quý" đối với người cùng quê hiện đang sống ở đây hoặc người từng dùng muối hầm người ta mới vui mừng khi có được món quà ấy.

Chú thích:

1. Có 2 loại tran: tran dùng cào muối chiều cao lưỡi tran to hơn lưỡi tran dùng đẩy bùn làm vệ sinh da ruộng.
2. Cả nước có 7 đồng muối lớn, thì Ninh Thuận có 3 là: Cà Ná, Tri Hải và Đầm Vua. Sản lượng muối Ninh Thuận chiếm 50% tổng sản lượng muối cả nước. Ninh Thuận có lợi thế bờ biển dài hơn 105 km, nước biển độ mặn cao, năng lượng bức xạ lớn, nhiều nắng gió... Toàn tỉnh Ninh Thuận có 2.371 ha đất muối, trong đó có 1.891 ha muối công nghiệp (nền xi măng) và 480 ha muối nền đất (riêng huyện Ninh Hải chiếm 445 ha) loại muối ăn như muối Tuyết Diêm)..

Nguyễn Hải Phú
Ảnh Du lịch, GO! sưu tầm trên mạng

Bài tự sự viết về một vùng quê yên bình và gởi cho Dulichgo của bác Nguyễn Hải Phú (Nguyễn Xuân Ba). Tuyết Diêm, nơi mà tác giả đã sống, đã trải qua từ tuổi thơ đến ngày trưởng thành. Chốn mà ngày nay có dịp ghé lại vẫn còn bao nỗi luyến lưu hoài niệm về một vùng đất quê hương thân thương.
Điền Gia Dũng xin đưa lên blog sau khi bổ xung một số ảnh từ internet để minh họa. Mời bạn đọc cùng xem và nhớ về một mảnh đất quê người mà cũng có thể là của chính ta.
Trân trọng cảm ơn bác, cảm ơn các tác giả ảnh.