(TH) - Phà Long Đại ở địa bàn thôn Long Đại, xã Hiền Ninh (bờ Bắc), thôn Xuân Dục xã Xuân Ninh (bờ Nam), huyện Quảng Ninh; nay ở vị trí Km 1004 + 810 trên đường Hồ Chí Minh đông Trường Sơn thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Phà Long Đại nằm trên trục đường chiến lược 15 (nay là nhánh Đông đường Hồ Chí Minh), địa điểm quan trọng để vận chuyển hàng hóa, vũ khí, đạn dược, nhân lực vượt sông vào Miền Nam chiến đấu. Nơi đây, máy bay Mỹ đã thả quả bom đầu tiên để đánh phá miền Bắc, là điểm giao thông huyết mạch trên tuyến đường Hồ Chí Minh, bến phà Long Đại trở thành một trong những tọa độ lửa là trọng điểm ném bom, phá hoại điên cuồng của đế quốc Mỹ trong những năm 1965 đến 1972.

Tại đây hằn sâu trong ký ức những người lính Trường Sơn về sự hy sinh của hai tập thể lực lượng thanh niên xung phong. Ngày 16/6/1972, tại bến phà Long Đại, 15 thanh niên xung phong quê Nghệ An đang tập hợp, chào cờ trước lúc ra trận địa làm đường thông xe, bất ngờ một trận bom của không quân Mỹ dội xuống làm cả 15 thanh niên xung phong (tuổi đời chỉ mười tám, đôi mươi) hy sinh. Sau đó, thay họ làm nhiệm vụ này là lực lượng thanh niên xung phong quê Thái Bình, nhưng sau ba tháng, một loạt bom khác cũng đã cướp đi mạng sống của 15 chàng trai, cô gái C130 thanh niên xung phong khi đang tiếp sức cho phà Long Đại.
Dulichgo
Để tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hi sinh anh dũng tại bến phà. Tháng 7 năm 2013, công trình Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn bến phà Long Đại đã hoàn thành sau 2 năm thi công.

Đền nằm trên ngọn đồi cao, với diện tích hơn 1.600m2, trước đền có dòng sông Long Đại chảy qua. Đây không chỉ là công trình tri ân các anh hùng liệt sỹ trên đường Trường Sơn mà còn là "địa chỉ đỏ" trong hệ thống di tích lịch sử đường Trường Sơn để du khách thăm viếng, dâng hương khi đi trên đường Hồ Chí Minh nhánh Đông qua địa phận Quảng Bình.
Dulichgo
Ngày nay, khách du lịch đến đây, nhìn nhịp cầu đường sắt Thống Nhất bắc qua sông Long Đại với chiều dài 178m (dài nhất Đông Nam Á những năm 70 của thế kỷ XX) và cầu Long Đại đông Trường Sơn chạy song hành với nhau như rồng lớn vượt sông, những người từng trải qua một thời đạn bom nơi này và đồng bào huyện Quảng Ninh không khỏi bồi hồi nhớ lại những năm tháng chiến tranh đã hằn sâu dấu tích.

Du lịch, GO! tổng hợp