(DLLS) - Xã Quỳnh Sơn thuộc huyện Bắc Sơn, cách trung tâm thành phố Lạng Sơn 80 km về phía Tây Nam theo quốc lộ 1B. Đây là điểm tập trung nhiều tiềm năng thuận lợi phục vụ phát triển du lịch.

Đến với Quỳnh Sơn du khách có thể thoải mái lựa chọn các chương trình tham quan du lịch phù hợp như tìm về cội nguồn lịch sử tại các điểm thuộc An toàn khu  Bắc Sơn, trải nghiệm không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng truyền thống hoặc khám phá các hang động nguyên sơ kỳ bí…

1. Làng Văn hóa du lịch cộng đồng xã Quỳnh Sơn:

Từ thành phố Lạng Sơn theo quốc lộ 1B khoảng 80 km, qua đèo Tam Canh đến địa phận thị trấn huyện Bắc Sơn rẽ trái chỉ 2,5 km quý khách đến Làng văn hóa du lịch cộng đồng xã Quỳnh Sơn. Đây là điểm tham quan đầu tiên trong hành trình khám phá tuyến điểm du lịch huyện Bắc Sơn.

Ấn tượng đầu tiên chào đón quý khách là kiến trúc bản làng của đồng bào dân tộc Tày với rất nhiều nhà sàn xây dựng tập trung trên không gian đồng nhất độc đáo, các nóc nhà theo cùng một hướng Nam duy nhất, khung cảnh rộng rãi thoáng mát, hài hòa với cảnh quan tự nhiên của núi rừng, đồng ruộng. Các ngôi nhà sàn xây dựng dựa theo lối kiến trúc nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày, được làm bằng gỗ, trong đó có nhiều loại gỗ quý hiếm như nghiến, lý, sến…

Quỳnh Sơn hiện có các hộ gia đình kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng, có thể đáp ứng nhu cầu của khách du lịch cùng ăn uống, ngủ nghỉ và tham gia các hoạt động sản xuất nông nghiệp cùng người dân như xay thóc, giã gạo trong không gian văn hóa truyền thống. Với vị trí địa lý và cảnh quan tự nhiên đẹp, hệ thống giao thông từ xã Quỳnh Sơn rất thuận tiện cho quý khách tham quan các điểm du lịch phụ cận.
Dulichgo
Sau khi nhận phòng nghỉ và gửi hành lý tại các nhà sàn, quý khách tham quan đình làng Quỳnh Sơn. Đây là một ngôi đình có lịch sử lâu đời thờ Quý Minh Đại Vương (tức Tướng quân Dương Tự Minh) là một nhân vật lịch sử có thật triều Lý (thế kỷ XI), ông là người có công đánh đuổi giặc cướp, thổ phỉ, giữ gìn sự bình yên trong các tỉnh vùng biên ải.

Trong khuôn viên đình làng có cây đa và cây khế cổ thụ tuổi đời hàng trăm năm. Đặc biệt cây đa cổ thụ được trồng năm 1540 vốn được dân làng bảo vệ và tôn thờ là một cây đa rất kỳ lạ, tán cây xum xuê che khắp một vùng: cây có 3 gốc, phần gốc chính trải qua thời gian hiện chỉ còn một phần rễ to bằng bắp tay, còn sự sống của cây hiện nay lại nhờ những chiếc rễ phụ phát triển mà thành 2 gốc vững chãi chống đỡ toàn bộ sức nặng, nuôi dưỡng cây. Ba gốc của cây đa cổ thụ vững chãi tựa như những thế hệ trong cùng một gia đình nương tựa vào nhau mà vươn cao xanh tốt. Những chiếc lá cây đa này cũng có sự khác biệt, theo các cụ già trong làng lá cây tự thay đổi mầu sắc trong 4 mùa của một năm. Cây khế trước sân đình được trồng năm 1663dù đã rất cổ thụ nhưng hàng năm vẫn đơm hoa kết trái, đặc biệt là bộ rễ lan tỏa sâu trong lòng đất đã tự mọc lên những gốc khế con xanh tốt nơi đất lành. Đình làng Quỳnh Sơn được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 2012.

Lễ hội đình Quỳnh Sơn được tổ chức trong 2 ngày 12, 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm với nhiều nghi lễ truyền thống và trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc như Lễ cầu an, rước thành hoàng làng, lễ xuống đồng, chơi cờ tiên, đánh đu, hát ví, múa Tán đàn, múa trầu…

Bên dòng suối trong xanh uốn lượn chảy quanh những cánh đồng xanh tốt của xã Quỳnh Sơn là di tích Cầu Rá Riềng. Trước những năm 1940 đây là chiếc cầu gỗ bắc ngang qua suối, phía trên cầu có lợp mái tranh. Khi chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, vào một đêm tháng 9 năm 1940 dân quân du kích Bắc Sơn đã tập kích đoàn xe chở vũ khí, lương thực của thực dân Pháp đi qua, phóng hỏa đốt cầu, thu được nhiều vũ khí quan trọng góp phần giành thắng lợi cho cuộc tập kích đánh đồn Mỏ Nhài tại xã Hưng Vũ tối ngày 27/9/1940 - chiến thắng quan trọng có ý nghĩa mở đầu của phong trào Khởi nghĩa Bắc Sơn.

Từ Cầu Rá Riềng, quý khách có thể trải nghiệm hoạt động leo núi lên trạm phát sóng của Bưu điện Bắc Sơn. Sau khi leo hơn 500 bậc đá, quý khách sẽ được cảm nhận không gian hùng vĩ của núi non đại ngàn, ngắm những ngôi nhà sàn ẩn hiện bên cánh đồng lúa tốt tươi mầu mỡ. Đây là nơi lý tưởng để hoạt động dã ngoại và chụp ảnh.

Sau một ngày tham quan tại xã Quỳnh Sơn, du khách nghỉ ngơi trong không gian ấm cúng của những ngôi nhà sàn truyền thống, tìm hiểu những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày qua các làn điệu hát Then, đàn Tính; thưởng thức đặc sản ẩm thực hấp dẫn như gà đồi kho gừng, cá suối nướng, bánh chưng cẩm, bánh ngải…

2. Các điểm phụ cận của Xã Quỳnh Sơn - rừng gỗ nghiến - đình Nông Lục - Đồn Mỏ Nhài - Trường bắn Vũ Lăng - Hồ Tam Hoa - Vườn quýt Bắc Sơn.
Dulichgo
Từ xã Quỳnh Sơn, du khách theo tỉnh lộ241khoảng 8 km sẽ bắt gặp cảnh quan  tự nhiên của cánh rừng gỗ nghiến nguyên sinh thuộc thôn Đông Đằng, xã Bắc Sơn. Đây là cánh rừng nguyên sinh quý hiếm trên địa bàn được người dân trong thôn bảo tồn nguyên vẹn trên một núi đá vôi. Trong rừng tập trung nhiều cây gỗ nghiến quý hiếm, trong đó có những cây cổ thụ cao hàng chục mét, thân cây khổng lồ bám chặt vào vách đá lởm chởm. Kỳ thú hơn, trên đỉnh núi đá này có nhiều cây “dự báo thời tiết” mà dân làng vẫn gọi là “mạy kham”, loài cây này có tên như vậy vì trước những ngày mưa to gió lớn lá của chúng sẽ chuyển thành mầu trắng bạc thay vì mầu xanh như thường ngày.

Cách rừng gỗ nghiến không xa là đình Nông Lục thuộc xã Hưng Vũ, đình được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1962. Đình Nông Lục là sự kết hợp hài hòa của lối kiến trúc đình cổ truyền thống đồng bằng Bắc Bộ với lối kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Tày ở Lạng Sơn, được xây dựng từ thời Nguyễn (năm 1927), sau này được tu bổ lại trên cơ sở giữ nguyên kiến trúc nghệ thuật truyền thống. Tại đình Nông Lục vào tối ngày 25/9/1940 đã diễn ra cuộc họp quan trọng của các đồng chí đảng viên châu Bắc Sơn để bàn phương án khởi nghĩa cướp chính quyền của thực dân Pháp tại đồn Mỏ Nhài. Cuộc họp đã ra Nghị quyết thành lập Ban Chỉ đạo cuộc khởi nghĩa, thống nhất thời gian khởi nghĩa vào 20h ngày 27/9/1940.

Từ đình Nông Lục du khách đi hơn 1 km là đến di tích đồn Mỏ Nhài. Đồn nằm trên một ngọn đồi cao, có vị trí quân sự chiến lược án ngữ con đường huyết mạch đi về 3 hướng chính là Bình Gia, Vũ Lăng, Bằng Mạc. Khi chiếm châu Bắc Sơn thực dân Pháp đã tập trung xây dựng đồn Mỏ Nhài thành một căn cứ quân sự mạnh hòng kiểm soát và sẵn sàng đè bẹp lực lượng du kích Bắc Sơn hoạt động quanh vùng. Tối ngày 27/9/1940 khoảng 600 quân dân du kích Bắc Sơn chia làm 3 hướng đồng loạt tấn công đồn Mỏ Nhài bằng các loại vũ khí thô sơ hoặc tự chế hoặc thu được của địch khiến chúng phải rút chạy, ta thu giữ nhiều súng ống, đạn dược, đốt bỏ tài liệu và ấn tín.

Chiến thắng đồn Mỏ Nhài là dấu ấn quan trọng của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, được đánh giá “là tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu đấu tranh bằng các lực lượng dân tộc Đông Dương”. Chiến thắng đã chứng minh tính đúng đắn của việc chuyển từ hình thức đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang của Đảng ta, cổ vũ mạnh mẽ các cuộc đấu tranh vũ trang cách mạng sau này.

Từ đồn Mỏ Nhài, quý khách tiếp tục tham quan Trường Vũ Lăng tại xã Vũ Lăng. Sau chiến thắng của ta tại đồn Mỏ Nhài thực dân Pháp điên cuồng đàn áp,  dân quân du kích Bắc Sơn rút vào vùng rừng núi Vũ Lăng và Võ Nhai (Thái Nguyên) để bảo toàn, củng cố lực lượng. Ngày 23/10/1940 Pháp tập trung hơn 100 tay súng tại Trường Vũ Lăng để chuẩn bị tấn công vào khu căn cứ du kích. Nhận được tin, sáng ngày 25/10/1940 các chiến sĩ du kích Bắc Sơn theo hai đường tiến đánh Trường Vũ Lăng, địch không dám chống cự, chỉ bắn chỉ thiên và tìm đường rút chạy. Nhân dân khắp nơi nghe tin nhiệt liệt hưởng ứng và đi theo cách mạng, địch liên tiếp tan rã ở khắp các thôn xóm thuộc châu Bắc Sơn. Đến ngày 28/10/1940 tại Trường Vũ Lăng Ban Chỉ đạo Khởi nghĩa Bắc Sơn gồm các đồng chí Trần Đăng Ninh, Chu Văn Tấn, Hoàng Văn Thụ…tổ chức cuộc mít tinh thị uy, thông báo tình hình chính trị trên thế giới, tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân Pháp, kêu gọi nhân dân ủng hộ cách mạng đánh Pháp đuổi Nhật. Hiện nay nơi đây trưng bày một số tư liệu và hiện vật lịch sử.

Kết thúc chuyến tham quan các điểm trong tour, quý khách sẽ được trải nghiệm không gian mênh mông rộng lớn của các hồ nước ngọt trong vùng như hồ Vũ Lăng, hồ Tam Hoa, cùng trải nghiệm bơi bè mảng, câu cá giải trí và thưởng thức các món ẩm thực đặc sắc. Nếu quý khách đến Bắc Sơn vào mùa quýt chín (tháng 10, 11 âm lịch) có thể ghé thăm các vườn quýt đặc sản mọc sai trĩu cành trong các lân, lũng, thoải mái lựa chọn và mua về làm quà.
Dulichgo
Đèo Tam Canh cách xã Quỳnh Sơn 4 km. Đây là một đèo dốc hùng vĩ, địa hình uốn lượn theo sườn núi đá vôi dựng đứng quanh co hiểm trở. Năm 1945 tại đèo Tam Canh dân quân du kích Bắc Sơn đã  tổ chức phục kích chặn đánh đội quân phát xít Nhật, tiêu diệt 7 tên, thu được nhiều quân trang, quân dụng, góp phần làm suy yếu lực lượng quân Nhật trên địa bàn.

Một điểm tham quan hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến với Bắc Sơn là Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn. Cách trung tâm thị trấn Bắc Sơn 2,5 km thuộc xã Long Đống, Bảo tàng được xây dựng năm 1985 với dáng dấp mô phỏng kiến trúc một ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày, tọa lạc trên một khoảng không gian rộng rãi, thoáng mát. Đây là nơi trưng bày và lưu giữ rất nhiều tư liệu, hiện vật sinh động về cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn hào hùng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam trong những năm 1940 - cuộc khởi nghĩa đánh dấu bước chuyển mình từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang của cách mạng Việt Nam, từ đây hình thành những đội dân quân du kích Bắc Sơn đầu tiên (Cứu Quốc quân, sau đổi tên là Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay).

Nội dung trưng bày tại Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn theo 3 chủ đề chính: Bắc Sơn thời tiền sử - Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn - Bắc Sơn phát huy truyền thống cách mạng. Ngoài những hiện vật và tư liệu lịch sử có giá trị nghiên cứu cao, Bảo tàng còn trưng bày và lưu giữ nhiều hiện vật của nền văn hóa Bắc Sơn nổi tiếng trong khảo cổ Việt Nam. Nơi đây đã trở thành một thiết chế văn hóa quan trọng của địa phương, là nơi nghiên cứu, học tập và giáo dục truyền thống cho các tâng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từ khi mở cửa trưng bày đến nay, Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn đã đón hàng triệu lượt khách tham quan, nghiên cứu, trong đó có rất nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng như các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Trần Đức Lương, tổng Bí thư Nông Đức Mạnh…

Tiếp theo, du khách tiếp tục hành trình khám phá hang Cốc Lý nằm trong lòng núi đá phía sau sân vận động thuộc trung tâm thị trấn huyện Bắc Sơn. Hang Cốc Lý được xếp hạng di tích danh thắng cấp tỉnh năm 2002, có 3 tầng rộng rãi với nhiều thạch nhũ hình thù kỳ thú.

Từ trung tâm thị trấn huyện Bắc Sơn theo đường liên xã khoảng 2 km du khách sẽ đến hồ Pác Mỏ thuộc xã Hữu Vĩnh. Đây là di tích danh thắng được xếp hạng cấp tỉnh năm 2002. Không chỉ là một hồ thủy lợi đơn thuần cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt, hồ Pác Mỏ có cảnh quan đẹp tự nhiên, nguồn nước trong xanh không bao giờ vơi cạn, mặt hồ yên bình soi bóng những mái nhà sàn thấp thoáng bên tán cây cổ thụ dưới chân núi. Ngay bên hồ là giếng Bó Loóng, truyền thuyết kể rằng ngày xưa vùng này vốn khô cạn, vào một ngày mưa to gió lớn có con trâu thần trắng đã húc vào vách đá bên hồ, chui vào lòng núi mà tạo ra khe giếng này. Từ đó đến nay khe giếng Bó Loóng nước chảy suốt quanh năm cung cấp nước cho vùng hồ mênh mông. Điều kỳ lạ là trước mỗi ngày mưa to nước chảy ra từ giếng sẽ đổi màu trắng đục như nước vo gạo, nguồn nước khe đặc biệt lạnh không biết xuất xứ chảy từ đâu, lạnh đến nỗi giữa trưa hè một người khỏe mạnh cũng không thể ngâm mình trong nước đến 5 phút.
Dulichgo
Cách hồ Pác Mỏ khoảng 200 mét là hang Thắm Hoài. Hang có 2 tầng, nhiều nhũ đá hình thù kỳ lạ rất đẹp mắt, có những cột đá vôi cao hàng chục mét sừng sững cạnh lối đi. Hang nằm lưng chừng núi, dài hơn 700 mét, trần hang cao rộng có nhiều thạch nhũ muôn màu sắc. Sau năm 1964 Đài Phát thanh Khu tự trị Việt Bắc đã sơ tán từ Đồng Hỷ (Thái Nguyên) về hang Thắm Hoài hoạt động để  tránh các cuộc ném bom phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Hiện nay tại tầng 1 và phía ngoài hang còn dấu tích khu xưởng máy và khu nhà ở của cán bộ nhân viên nhà Đài khá nguyên vẹn.

Từ hồ Pác Mỏ, du khách tiếp tục theo đường liên xã khoảng 7 km đến xã Tân Lập khám phá hang Lân Pán và hang Rù Hon. Hang Lân Pán thuộc một trong 12 điểm thuộc An toàn khu Bắc Sơn đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Tại đây ngày 23/6/1941 đoàn cán bộ Trung ương Đảng gồm các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ, Phùng Chí Kiên, Trần Đăng Ninh…dự Hội nghị Trung ương 8 từ Pác Bó (Cao Bằng) trở về đã ở lại hang trong một thời gian để chỉ đạo phong trào cách mạng Bắc Sơn, truyền đạt nội dung Nghị quyết Trung ương 8 về đẩy mạnh phong trào đấu tranh chống phát xít Nhật - Pháp, đấu tranh giải phóng dân tộc.

Đến trung tâm xã Tân Lập, du khách tạm dừng phương tiện, chuẩn bị đồ nghề leo núi để thám hiểm và chinh phục hang Rù Hon. Mặc dù địa hình hang Rù Hon rất hiểm trở nhưng bên trong lòng hang cảnh quan vô cùng hùng vĩ, có nhiều vòm cao hơn 150 mét, ăn sâu dường như bất tận trong lòng núi đá. Hệ thống thạch nhũ nguyên sơ mang hình những thác đá, trống đá, đầu rồng, tiên ông, ao tiên, cung nữ, thạch quái…muôn hình vạn trạng với đủ cung bậc mầu sắc, hấp dẫn sự trải nghiệm và khám phá.

3. Các xã An toàn khu Lạng Sơn:

(Gồm 8 xã: Quỳnh Sơn, Bắc Sơn, Hưng Vũ, Vũ Lăng, Hữu Vĩnh, Tân Lập, Tân Hương, Vũ lễ - huyện Bắc Sơn)

Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng (tháng 5/1941) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì, Đảng ta đã quyết định chọn khu vực Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) và Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên) thành lập vùng căn cứ cách mạng Bắc Sơn - Võ Nhai, đây là vùng căn cứ địa cách mạng ở Việt Bắc để chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang từng phần, tiến lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Phát huy địa thế thuận lợi và truyền thống anh hùng chống giặc ngoại xâm, nhân dân các dân tộc huyện Bắc Sơn đã đoàn kết một lòng làm nên cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn ngày 27/9/1940 lịch sử. Từ năm 1936 đến năm 1940, nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng đã được cử lên Bắc Sơn để chỉ đạo cách mạng; Đảng bộ, nhân dân các dân tộc huyện Bắc Sơn đã có những đóng góp đặc biệt quan trọng đối với hoạt động của vùng ATK.

Ngày 23/9/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1714/QĐ-TTG công nhận 8 xã An toàn khu thuộc tỉnh Lạng Sơn là vùng ATK thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Đây là nơi diễn ra khởi nghĩa Bắc Sơn, cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên do Đảng ta lãnh đạo; là nơi thành lập Đội cứu quốc quân Bắc Sơn (Cứu quốc quân 1) đội quân vũ trang đầu tiên do Đảng lãnh đạo, đội quân tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam và là địa bàn huấn luyện chính trị, quân sự của Đảng. Nhân dân các dân tộc huyện Bắc Sơn đã nuôi giấu, bảo vệ an toàn cho các cơ quan, cán bộ cao cấp của Trung ương, Xứ ủy Bắc kỳ trong thời kỳ hoạt động cách mạng tại địa phương. Đây cũng là nơi đặt trạm liên lạc thông suốt giữa Trung ương với Xứ ủy Bắc Kỳ và các địa bàn khác, là nơi cung cấp tài liệu cho công tác huấn luyện cán bộ cách mạng của Đảng.

4.1. Xã Quỳnh Sơn:
Dulichgo
Là nơi đồng chí Hoàng Quốc Việt lên trực tiếp chỉ đạo các chi bộ ở Bắc Sơn gây dựng cơ sở từ năm 1937- 1940. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ  huyện Bắc Sơn, ngày 22/9/1940 quần chúng nhân dân xã Quỳnh Sơn đã tổ chức phục kích đánh Pháp tại cầu Ná Riềng, cung cấp vũ khí đánh chiếm đồn Mỏ Nhài, góp phần làm nên thắng lợi cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn.

Tháng 8/1941, bảo vệ Tiểu đội Cứu quốc quân I do đồng chí Hoàng Văn Thái (Tổng tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam) rút lên vùng biên giới phía bắc sang hướng Bình Gia, Tràng Định, ra biên giới Việt - Trung an toàn.

Ngày 23/4/1945 tại khu vực Co Chơi - địa phận đèo Tam Canh, xã Quỳnh Sơn, quân du kích Bắc Sơn đã phục kích và tiêu diệt 07 tên lính Nhật trên đường kéo vào Bắc Sơn.

Từ 1945 - 1954, tại đình làng và khu vực Rục Roài là nơi huấn luyện cán bộ cách mạng của Đảng bộ huyện Bắc Sơn.

Năm 1947 tại khu vực Nà Tấn, xã Quỳnh Sơn, Đảng bộ huyện Bắc Sơn tổ chức 02 cuộc mít tinh phát động “Tuần lễ vàng”, “Quỹ độc lập”, “Hũ gạo kháng chiến” có hàng nghìn người tham dự, quyên góp tiền, hiện vật cho kháng chiến.

4.2. Xã Bắc Sơn:

Năm 1941 đoàn cán bộ Trung ương Đảng đi dự Hội nghị Trung ương lần thứ 8 tại Pác Pó (Cao Bằng) về đã dừng chân ở xã Bắc Sơn, tại đây các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng đã truyền đạt nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 của cho cán bộ, đảng viên trong chi bộ Bắc Sơn. Đồng thời, các đồng chí còn chỉ đạo củng cố, phát triển lực lượng vũ trang cơ sở, giúp huấn luyện cán bộ, bồi dưỡng thêm về phương pháp tổ chức quần chúng cách mạng.

Là nơi làm việc của đồng chí Trần Đăng Ninh - Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ và đồng chí Nguyễn Cao Đàm trong những năm 1942- 1945. Các địa điểm trong xã như đình Dục Lắc, Lân Hoài, Lân Lắc là nơi bí mật tổ chức huấn luyện quân sự của cán bộ, du kích và đội tự vệ các xã lân cận tuyệt đối an toàn.

Ngày 18/4/1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng chi bộ xã Bắc Sơn đã kết hợp với lực lượng vũ trang, dân quân du kích và đông đảo quần chúng nhân dân các xã Hưng Vũ, Chiêu Vũ đồng loạt nổi dậy tấn công giành chính quyền tại đồn Mỏ nhài, xã Hưng Vũ, đập tan bộ máy cai trị của thực dân Pháp.

4.3. Xã Hưng Vũ:

Tại đây năm 1936 đồng chí Hoàng Văn Thụ, Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ đã trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng Bắc Sơn. Ngày 27/9/1940 cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ, giành thắng lợi tại Đồn Mỏ Nhài đập tan bộ máy cai trị của thực dân Pháp ở châu Bắc Sơn.

Tháng 2/1941 sau khi dự Hội nghị Trung ương 8 tổ chức tại Pác Pó (Cao Bằng) đoàn cán bộ gồm các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh đã dừng chân ở bắc Sơn chỉ đạo phong trào cách mạng ở Bắc Sơn và đổi tên Đội Du kích Bắc Sơn thành Trung đội Cứu quốc quân gồm 24 đồng chí do đồng chí Lương Văn Tri làm chỉ huy.  Đây cũng là nơi hoạt động của các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên, Trần Đăng Ninh trong thời gian chỉ đạo phong trào cách mạng ở Bắc Sơn.

4.4. Xã Vũ Lăng:

Là nơi đồng chí Lê Xuân Thụ, phái viên trung ương Đảng lên củng cố phong trào cách mạng  ở Bắc Sơn trong năm 1936, cũng là nơi làm việc và hoạt động của đồng chí Trần Đăng Ninh - Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ và đồng chí Nguyễn Thành Diên - ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ trong năm 1940. Tại Mỏ Tát đã diễn ra sự kiện thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở Bắc Sơn dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hoàng Văn Thụ. Năm 1938, xã Vũ Lăng được chọn làm điểm để mở rộng phong trào truyền bá chữ quốc ngữ và chỉ đạo triển khai các chủ trương của Xứ ủy Bắc Kỳ.
Dulichgo
Ngày 14/10/1940 tại Sa Khao, xã vũ Lăng đồng chí Trần Đăng Ninh triệu tập cuộc họp với các chiến sĩ cách mạng thực hiện và quyết định thành lập “Đội du kích Bắc Sơn” do đồng chí Trần Đăng Ninh làm chỉ huy trưởng. Đây là lực lượng vũ trang đầu tiên của Đảng ta, sau này phát triển thành Đội Cứu quốc quân I, II, III (tiền thân của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay).

4.5. Xã Hữu Vĩnh:

Năm 1949 Bộ Tư lệnh Mặt trận Biên giới (tức Liên khu Việt Bắc) đã đặt bản doanh chỉ huy tại thôn Pác Mỏ và thôn Pác Lũng, xã Hữu Vĩnh để làm cơ sở cho việc huấn luyện quân sự, tổ chức diễn tập chiến đấu tại xã Tân Lập cuẩn bị cho chiến dịch Đông Khê 1950. Đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ đạo.

Đây là địa bàn đồng chí Lê Xuân Thụ, phái viên trung ương Đảng lên củng cố xây dựng con đường chiến lược từ Bắc Sơn qua Bình Gia, Thất Khê đến biên giới Việt - Trung trong giai đoạn 1937- 1938.

Ngày 10/8/1941 các đồng chí Phùng Chí Kiên, Lương Văn Tri rút khỏi Bắc Sơn đã được nhân dân các xã Vũ Lăng, Hữu Vĩnh, Long Đống che chở, bảo vệ rút lui an toàn.

4.6. Xã Tân Lập:

Là nơi hoạt động và chỉ đạo mở rộng xây dựng lực lượng phong trào cách mạng của các đồng chí Hoàng Văn Thụ (Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ trong những năm 1936) và các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh, Phùng Chí Kiên, Lương Văn Tri, Nguyễn Cao Đàm, Võ Nguyên Giáp. Tại đây đã diễn ra các hội nghị lớn của Trung ương Đảng.

Ngày 23/6/1941 sau khi dự Hội nghị Trung ương 8, đoàn cán bộ gồm các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên, Trần Đăng Ninh đã dừng chân, nghỉ và làm việc tại Lân Pán, xã tân Lập 42 ngày để triển khai Nghị quyết Trung ương 8 và bàn việc củng cố, phát triển lực lượng vũ trang cơ sở của Đảng bộ Bắc Sơn.
Dulichgo
Ngày 12/7/1941 tại Lân Táy các đồng chí Trường Chinh và Hoàng Văn Thụ đã chỉ đạo Đội Cứu quốc quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 của Đảng “Đẩy mạnh phong trào chống phát xít Nhật, Pháp, đấu tranh giải phóng dân tộc”.

Năm 1949 tại Pác Ca, thôn Lân Pán đã diễn ra hội nghị lớn của Trung ương họp bàn chuẩn bị cho chiến dịch biên giới Thu Đông 1950. Trung ương đã chọn Lân Pán làm điểm tập dượt lực lượng, tập kết vũ khí, lương thực, tổ chức đắp sa bàn, đào hào diễn tập gần 1 tháng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thượng tướng Chu Văn Tấn đã trực tiếp đến kiểm tra, chỉ đạo cuộc diễn tập.

4.7. Xã Tân Hương:

Là nơi đồng chí Lê Xuân Thụ, phái viên Trung ương Đảng lên củng cố phong trào cách mạng ở Bắc Sơn trong những năm 1937 - 1938.

Nổi tiếng với các địa điểm thôn Mỏ Tát, đồi Nà Kheo, Sa Khao với  các  sự kiện nổi bật: thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của châu Bắc Sơn do đồng chí Hoàng Văn Thụ, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ tổ chức vào ngày 26/9/1036. Thành lập Đội du kích Bắc Sơn, đây là lực lượng vũ trang đầu tiên của Đảng ta (14/10/1940).

Cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm 1941 đoàn cán bộ Trung ương gồm các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên đi dự Hội nghị Trung ương 8 về qua Bắc Sơn đã ở nhà ông Dương Công Meng (thôn Dục Pán), bà Lý Thị Quyên (làng Sa Khao). Đoàn đã được Đội du kích Bắc Sơn và nhân dân đại phương che chở, nuôi dấu và bảo vệ an toàn.

4.8. Xã Vũ Lễ:

Tại rừng Khuổi Nọi (xã Vũ Lễ), ngày 23/2/1941, đồng chí Hoàng Văn Thụ thay mặt trung ương Đảng quyết định đổi tên Đội du kích Bắc Sơn thành đội Cứu quốc quân I do đồng chí Trần Đăng Ninh làm chỉ huy trưởng. Địa điểm rừng Khuổi Nọi cũng chính là nơi ở và huấn luyện của Đội du kích Bắc Sơn và Đội Cứu quốc quân I.

Theo Du lịch Lạng Sơn
Du lịch, GO!