(Giải trí) - Thử bịt tai không nghe tiếng chuyện trò, bỏ không nhìn bảng biểu chữ viết… thì Banlung chẳng khác mấy chốn đi vào thi ca Việt “đi dăm phút đã về chốn cũ”. Lạ hơn nữa khi hai miền đất như đối xứng nhau qua biên giới vậy.

Tôi đi Banlung thị xã thủ phủ tỉnh Ratanakiri từ Sen Monorom, trung tâm tỉnh Mondulkiri. Về mặt địa lý, hai tỉnh này sát lưng nhau, nhưng hôm đó phải theo xe vòng xuống Snoul, ngược bắc lên Kratie, chuyển sang chuyến xe từ Phnom Penh (Campuchia) đi tiếp đến Stung Treng bỏ khách rồi mới quay ngược lại ngã ba đi tiếp Banlung. Đến nơi, dù trật trờ nhập nhoạng hoàng hôn mệt bã người vẫn không quên chụp vội cái xe và cả thân mình phủ đỏ bụi, như những năm 1990 chưa xa lang thang cao nguyên Trung phần bên mình. Mai sớm lội chợ, lang bang phố, leo xe ôm quanh co núi rừng làng bản, cứ ngỡ đang trôi về Pleiku xưa nước Việt.

Như miền Pleiku bên kia biên giới

Ngang ngang vĩ tuyến với Pleiku, cũng lọt thỏm trong rừng xanh núi đỏ, cách nhau chưa tới 100km đường chim bay khi nhìn bản đồ, cũng không lạ lắm khi thấy phố sơn cước sao quá quen.


< Hồ Yeak Laom , viên ngọc xanh của Banlung, như Tơ Nưng của Pleiku vậy.
Dulichgo
Nói nào ngay, đêm lếch thếch cõng balô vô phố, mấy bác xe ôm cũng chỉ đường tìm đến mấy khách sạn Việt, nhưng giá quá chát so với lữ điếm giang hồ cho khách đi bụi nên phải dạt sang đó ngụ cùng đám Tây trẻ lang thang. Mất đi nguồn cung cấp thông tin miễn phí tiếng Việt, nhưng chẳng hề hấn gì vì các bạn trẻ trong ngành du lịch ở đây ngoại ngữ khá tốt. Còn nhiệt tình thì miễn bàn.

Khác với hầu hết sông Việt đổ ra Biển Đông, dòng Serepok từ Tây Nguyên chảy ngược theo hướng tây sang đây. Nhưng cuối cùng con nước đó theo về đất mẹ, vì chẳng mấy tí sau khi ra khỏi Banlung, con sông ngược hướng tan vào sóng Mekong sau khi tung tẩy trên cung đường xa hơn để đi về biển.
Dulichgo
Hai miền Pleiku, Banlung có hai viên “ngọc xanh”. Đều là miệng núi lửa xưa, bên này Biển Hồ xanh biếc, bên kia Yeak Laom lung linh là niềm tự hào của cư dân bản địa hai xứ. Pleiku độc đáo với bản sắc dân tộc đồng bào Ba Na, Gia Rai… Bên nớ Banlung dung hoà văn hoá phong tục của 12 nhóm anh em thiểu số. Lang thang trên con đường bản nhà sàn gỗ na ná, lúc bạo gan mò vô khu mồ mả cũng những hình nhân, tượng gỗ rêu phong… nhiều khi chẳng biết là bên này hay bên kia biên giới.

Chân tình chuyện xưa mới Banlung

< Một góc chợ thị xã Banlung mà y như chợ làng, chợ xã bên mình.

Nhưng, Banlung và bản làng, rừng núi vây quanh còn giữ được khá nhiều nét cũ phai phôi nhiều trên đất Việt. Truyền thống xưa như những căn nhà sàn, những phong tục an táng người chết, những tượng gỗ… vẫn còn khá nhiều mà bây giờ về Tây Nguyên dù đi thật xa cũng rất khó tìm. Những cánh rừng, dù đó đây đã vẳng tiếng cưa gỗ không chỉ bởi mỗi người bản xứ, vẫn còn khá xanh ôm ấp những cung trekking yêu thích của các bạn trẻ Âu Mỹ hào hứng khoe kể ở lữ điếm, quán bia đêm… Ngay từ những năm 1996 còn chưa thiệt yên ắng, chính quyền sở tại đã cùng Canada, Liên hiệp quốc khoanh lại khu rừng bảo tồn hơn 5.000ha, ôm cả gương hồ Yeak Laom trong veo xanh ngắt.

Đường sá ngay cả ở vài phố chính Banlung vẫn đất đỏ lòm lòm. Nhưng rất to rộng sẵn, mai kia trải nhựa là đủ lớn khỏi quy hoạch tới lui đào lấp. Sơ sài, nhưng đầy bản sắc xứ bển chứ không xanh đỏ hoè sói hơi hướm xứ lạ như phố Núi bây giờ.


< Con đường ''bụi mù trời'' đi Banlung.

Chợ nghèo thiệt, rau trái thịt cá bản địa còi cọc chứ không phổng phao mỡ màng mà nhiều người mình giờ mới sợ. Người quê chân chất, ngay cả những cậu trong ngành du lịch vốn dẻo miệng cũng rất chân tình, nhiệt thành chỉ dẫn đường đi nước bước dù khách tiết kiệm không mua tour. Nên chỉ dừng chân ngắn Banlung vẫn rất ấm lòng.
Dulichgo
Ấm, thêm câu chuyện nhân văn tình cờ biết làm càng thương nhớ Banlung. Tôi đến đây ngày tháng 3 chưa mưa, thời gian cuối của mùa kiếm tìm đồng đội hàng năm, như chia sẻ của anh bộ đội gặp nơi quán nhỏ bên triền Seropok. Mùa mưa nguồn dữ dội, sình lầy và những con đường đất nơi đây rất khó khăn cho việc tìm kiếm, dù được anh em bên này nhiệt tình giúp đỡ.

Điều này tôi cũng trải nghiệm chút ít, tuy chỉ yên vị trên chiếc xe đò bánh quấn xích sắt để qua được những đoạn lầy trên con lộ chính, chưa nói đến đường rừng. Dù thiên niên kỷ thứ ba đã qua khá lâu, nhiều anh em ngã xuống vẫn chưa được về với đất mẹ. Tôi chia tay về phố lúc anh bộ đội vẫn một mình tư lự nơi quán vắng bên dòng Serepok. Chỉ thầm cầu mong cho công việc nghĩa tình của anh và đồng đội luôn hanh thông. Buổi chiều xuân đó chợt mây xám cuồn cuộn về vần vũ Banlung!

Theo Thái Hoãn (Thế Giới Tiếp Thị)
Du lịch, GO!