(LĐO) - Núi Ngọc Mỹ Nhân (còn có tên là núi Cánh Diều) là di tích lịch sử văn hóa nằm ở phía đông thành phố Ninh Bình, thuộc địa phận phường Thanh Bình.

Núi Ngọc Mỹ Nhân nằm cách thành phố Ninh Bình khoảng 4 km, cạnh dòng sông Đáy.

Núi được gọi là Ngọc Mỹ Nhân bởi nhìn từ Quốc lộ 1A (phía Nam) hoặc từ Quốc lộ 10 (phía Đông Bắc) núi có dáng giống một cô gái tóc xõa, mình trần, nằm ngửa, nhìn lên trời bao la, đầu quay về phía đông, nằm phơi mình giữa thanh thiên bạch nhật.

Ngoài ra, núi Ngọc Mỹ Nhân còn được gọi là núi Cánh Diều, gắn liền với truyền thuyết vào giai đoạn nước ta bị nhà Đường đô hộ, một tướng giỏi và cũng là một pháp sư tên là Cao Biền thường cưỡi diều đi khắp nơi dò phá long mạch của nước Nam.
Dulichgo
Đến Ninh Bình thì bị một đạo sỹ cùng nhân dân ở đây dùng tên bắn, Cao Biền bị trọng thương, diều bị gãy cánh rơi xuống núi này, từ đó núi mang tên núi Cánh Diều.

Núi có 3 ngọn, ngọn giữa cao, hai ngọn tả hữu chĩa ra như hai cánh chim, vì vậy còn có tên là Diên Xỉ Sơn.(“ Diên” là diều hâu, “xỉ ” là cánh chim ) - con chim diều hâu liệng.

Vẻ đẹp độc đáo của núi Ngọc Mỹ Nhân có sức thu hút rất lớn đối với du khách mỗi khi qua Ninh Bình và là nguồn sáng tác phong phú vô tận của các văn nghệ sỹ. Trong thi thơ, núi Ngọc Mỹ Nhân được ví như là “thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng”, nhưng không còn “yếm đào trễ xuống dưới nương long” nữa mà là khoả thân, kiều diễm, nằm giữa thanh thiên bạch nhật như kiêu hãnh thách thức, cố ý, muốn tự khẳng định sắc đẹp mê hồn của mình để:

Quân tử dùng dằng chẳng muốn đi
Đi thì cũng dở ở không xong.
Dulichgo
Núi Ngọc Mỹ Nhân chỉ là danh thắng đẹp khi chiêm ngưỡng từ vị trí thuận lợi ở xa. Ngoài ra, ở chân núi cũng có 2 điểm di tích lịch sử văn hóa là đền thánh Cả và chùa Cánh Diều. Núi có khá nhiều hang động u minh, dưới núi Ngọc Mỹ Nhân còn có sông ngầm xuyên thủy.

Theo Lên Đàng và nhiều nguồn khác
Du lịch, GO!