(DLQT) - Trong một dịp công tác tại vùng đất Hải Lăng, chúng tôi đã “khám phá” ra ở Quảng Trị cũng có những “ốc đảo” be bé đáng yêu và vô cùng yên bình.

Nơi chúng tôi đang nhắc tới chính là vùng đất bảy Càng bao gồm Càng An Thơ, Cây Da, Hưng Nhơn, Hội Điền, Mỹ Chánh, Câu Nhi và Trung Đơn. Kể ra cũng khó tin vì mỗi càng như vậy chỉ có trên dưới 30 hộ gia đình sinh sống, trong đó nhỏ nhất là càng Hưng Nhơn với 16 hộ gia đình. Càng là những rẻo đất xâm xấp nước hoặc chỉ cao hơn mặt ruộng vài chục centimet, nằm trơ trọi giữa đồng, cách xa làng mạc. Vào mùa mưa, những vùng đất này được bao quanh bởi nước chẳng khác gì một “miền Tây Nam bộ” thu nhỏ của Quảng Trị.

Tại sao gọi những xóm nhỏ ấy là “Càng” mà không gọi là “Làng”? Tương truyền, cách nay hơn 500 năm về trước, để mở mang không gian sản xuất, sinh hoạt bà con thuộc các xã Hải Thọ, Hải Hòa, Hải Chánh, Hải Tân, Hải Thành (Hải Lăng) đã đến phần đất ruộng thấp trũng phía sau làng, cạnh bờ sông Ô Lâu để sinh cơ lập nghiệp.
Dulichgo
Anh Nguyễn Như Khoa, Trưởng thôn Hưng Nhơn cho biết: “Càng là một nhóm nhỏ đại diện của làng để ra giữ đất cho làng”. Mường tượng nôm na, làng như thân con cua, còn càng vươn ra để bảo vệ thân.

Về Càng vào một ngày nắng hè chói chang, khi lúa vụ hè thu vẫn đang còn xanh mơn mởn. Màu xanh của lúa làm cái nắng chói chang giữa những ngày hè dịu đi phần nào. Nhìn từ xa, mỗi càng như một ốc đảo nổi lên trên nền xanh mượt mà của lúa.

Đứng trên con đường ngăn lũ nhìn về Càng Cây Da sẽ thấy một cảnh tượng bình yên, thơ mộng hiện ra trước mắt. Nơi đó có cây cầu cong cong băng qua con sông nhỏ dẫn tới nhà thờ mái đỏ thấp thoáng sau rặng cây. Trên dòng sông, đàn vịt ung dung thả mình trôi theo dòng nước…
Dulichgo
Trong bảy Càng, có ba Càng là những xứ đạo. Các chức sắc tôn giáo ở vùng càng được giáo dân tôn kính không chỉ vì những việc thiện họ làm (như mở lớp dạy chữ, làm cầu, làm đường nước...) mà còn vì họ đã cùng người dân sống, cùng chống chọi với thiên nhiên và thời tiết khá khắc nghiệt nơi đây.

Cũng bởi Càng chỉ cách mặt ruộng vài chục centimet, nên chỉ một cơn mưa nặng hạt là đường đã bập bõm nước. Chưa kể mùa lụt, nước dâng vào nhà, bà con hoặc phải vào làng chính, hoặc trèo lên tra (làm bằng gỗ, sát mái nhà) để trú ẩn. Năm nào lụt cũng ghé thăm, nhưng bà con nơi đây dường như đã “quá quen” với lũ, và luôn sống hòa thuận với con nước bạc. Bởi nước lũ về mang phù sa bồi đắp cho đồng ruộng và bà con kiếm thêm thu nhập nhờ những con cá con tôm.

Bác Nguyễn Đức Tao, càng Hưng Nhơn cho biết, lũ thường vào tháng Tám âm lịch, khi nước dâng ngập cánh đồng thì người ở Càng lại đi làm nghề lưới. Không kể là nam phụ lão ấu, cứ chèo thuyền, chèo ghe ra đồng được là có thể bủa lưới, tát đìa bắt cá...

Ngày qua ngày, cuộc sống của người dân vùng Càng cứ thế trôi qua rất bình dị. Các vùng Càng không có nhiều hàng quán, không có tiệm này tiệm nọ để đảm bảo những nhu cầu cơ bản của người dân. Mỗi lần nhà hư hỏng cái gì cũng phải mang vào làng sửa chữa; muốn may một bộ áo quần cũng phải đi xa hàng chục km…

Càng thiếu đủ thứ, duy chỉ có tình người là luôn đong đầy. Bà con luôn đùm bọc, bảo vệ nhau không kể là ngày thường hay khi mùa lụt tới. Trong Càng ai có sự vụ gì, bà con đều tới phụ việc, giúp đỡ như người trong một nhà.
Dulichgo
Ngẫm thấy rằng, cuộc sống dù thiếu thốn, và luôn chống chọi với nhiều rủi ro từ thiên nhiên, nhưng nếu con người học cách “chấp nhận”, “sống chung”, và “trân trọng” những điều đang có thì cuộc sống sẽ trở nên nhẹ nhàng và ý nghĩa hơn rất nhiều.

Tạm biệt vùng Càng, đi qua một đoạn đường đất có con kênh nhỏ chảy qua, gặp nhóm trẻ con chơi đùa hồn nhiên dưới tán tre, bất chợt thấy hồn mình như ngược về thuở thơ ấu trong trẻo ngày nào. Quê hương - mỗi mảnh đất, mỗi mảnh hồn làng đều mang trong mình một ký ức, một dáng hình khác nhau, nhưng tựu chung lại, đó là nơi tất cả những ai đã đi xa đều luôn hướng về và muốn trở về để lánh đi cuộc sống vồn vã tấp nập ngoài kia. Đến Càng, dù không sinh ra và lớn lên ở nơi này, bạn vẫn có cảm giác muốn ở lại, muốn trở về - bởi Càng là những ốc đảo bình yên.


Theo Ngô Thị (Du lịch Quảng Trị)
Du lịch, GO!