(TH24) - Với người dân xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân, khu vực thác Trai Gái chính là nơi linh thiêng nên họ “đối xử” một cách thận trọng. Mỗi khi đi rừng, người Thái xã Xuân Lẹ và các xã lân cận thường nghỉ ngơi, rửa mặt, ăn trưa ở khu vực dòng thác này. Người bản địa đều coi đây là dòng thác thiêng, không dám vứt thứ gì được xem là dơ bẩn xuống dòng nước.

< Một trong nhiều tầng của thác Trai Gái.

Thác Trai Gái bắt uồn từ dòng sông Năm Muồng, chảy từ huyện Quế Phong (Nghệ An), qua hệ thống núi Sản Phăm tạo thành 4 thác lớn, trong đó thác Trai Gái lại chia thành nhiều tầng thác nhỏ. Đây là thác nước tuyệt đẹp lại gắn với một câu chuyện truyền thuyết làm lay động lòng người.

Từ trung tâm xã vùng sâu Xuân Lẹ, vượt qua 6 lần con suối sâu chảy qua đường để đến được bìa rừng thuộc thôn Liên Sơn. Từ đây, bạn phải băng rừng theo những con đường mòn với thảm thực vật tuyệt đẹp. Thả lòng mình cùng thiên nhiên, người đi cảm thấy thư thái, bỏ xa những ồn ào cuộc sống thường nhật. Những triền núi với mây mù bồng bềnh huyền ảo, ngắm đủ loại hoa rừng khoe sắc và nghe tiếng chim líu lo khiến bạn vơi bớt mệt nhọc.

Lọt giữa bạt ngàn màu xanh của rừng, thác Trai Gái như một dải lụa trắng tinh buông xuống từ trời cao. du khách như mơ, như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh với cảm giác thư thái, êm ả, được nghe tiếng thác đổ, tiếng gió vi vu và nhìn những bông hoa rừng đang khoe sắc thắm.
Dulichgo
Nhiều tầng thác bọt nước tung trắng xóa, tầng cao nhất khoảng 100 m. Môi trường rừng xanh và hơi nước đậm đặc khiến không khí nơi đây vô cùng trong lành, mát lạnh. Đủ loại hoa rừng đua nở như tô điểm cho cảnh sắc nơi đây thêm phần hấp dẫn. Bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy một tảng đá bằng phẳng và rộng sau 1 tầng thác. Đây được coi là tảng đá mà đôi trai gái trong câu chuyện truyền thuyết về thác thiêng từng ngồi trong đêm trước khi thề hẹn sẽ kết duyên ở kiếp sau rồi cùng tự tử.

Chuyện kể rằng, ngày xưa ở vùng đất này, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống từng chòm bản, hình thành nên những thổ ty, lang đạo, có sự phân biệt người giàu, người nghèo. Đa số người dân làm công việc phát rẫy, làm nương, vào rừng kiếm cái măng, bó củi, bắt thú để mưu sinh, kiếm sống.

Một đôi trai gái không cùng bản mến nhau qua từng ánh mắt nhìn âu yếm, lời nói ngọt như giọt mật ong rừng; qua từng bước chân, nhát cuốc trong những lần gặp trên rừng, trên rẫy.

Biết cô gái đã đem lòng yêu mến chàng trai, nhưng bố mẹ cô gái không cho hai người thành vợ thành chồng. Gia đình ép cô gái phải về làm dâu cho một gia đình giàu có, quyền lực ở trong vùng, với mong muốn con gái được sung sướng.

Nỗi ai oán của cô gái và chàng trai chẳng thấu lòng người, thấu trời đất. Vào những đêm trăng, nỗi nhớ càng làm cho họ cô đơn giữa chòm bản giữa rừng. Tiếng “Pí Khùi”- sáo gọi bạn tình- của chàng trai thổi nỉ non, vang cả góc rừng, làm con thú hoang, chim muông cũng mủi lòng.
Dulichgo
Vào một hôm, chàng trai có công việc phải đi sang xứ Mường xa. Cũng là ngày gia đình cô gái nhận lễ vật cưới từ gia đình giàu có nọ. Theo lệ, sáng ngày mai là cô gái được nhà trai bắt về làm dâu.

Thông tin này được những người thợ săn gửi đến chàng trai nhà nghèo. Chàng trai liền vượt núi rừng quay về bản. Đêm hôm đó, cũng là đêm trăng sáng, cô gái ngồi khóc bên cửa, mang theo lời cầu nguyện được gặp lại người yêu. Nghe tiếng động dưới chân cầu thang, cô gái xuống dưới nhà gặp người yêu vừa đến. Họ ngồi nói chuyện hiếu, nghĩa, ân tình, rồi cả hai cùng quyết định bỏ trốn. Đứng bên ngoài ngôi nhà, cô gái quỳ lạy bố mẹ nói lời cảm ơn, xin lỗi và từ giã.

Sau đó, họ dắt tay nhau vừa luồn rừng, vừa vạt cây bỏ trốn. Họ chạy như người có tội bị rượt đuổi phía sau. Chân toác máu, tiếng thú dữ gầm rú, sương mù mịt đêm trăng. Lần mãi, đến một ngọn núi cao có tiếng thác đổ, hai người ngồi ở một tảng đá lớn và cầu nguyện trời đất chứng giám cho Tình yêu, mong được làm vợ chồng ở kiếp sau.
Dulichgo
Họ cùng nhau nhảy xuống thác nước. Thế nhưng, các vị thần chẳng chấp thuận chuyện tình của họ, bởi tình yêu của họ chưa được tổ tiên và sự đồng ý của hai bên gia đình. Các vị thần liền không cho đôi trai- gái này chết mà biến họ thành hai con cá Láu ở thác nước.

Những người dân bản đi qua thác nước này thỉnh thoảng vẫn gặp đôi cá lạ quấn lấy nhau này. Cứ có người qua là đôi cá lại ngoi lên mặt nước như muốn để nhắn nhủ điều gì. Từ đó, thác nước này có tên gọi là thác Trai Gái đến ngày nay.

Nhìn theo một vách đá cao thăm thẳm là hố nước sâu cuối thác - được coi là nơi đôi bạn trẻ gieo mình để mãi mãi không bị chia lìa. Những dòng nước lớn từ trên cao đổ xuống nền đá khiến bọt nước tung trắng xóa, tạo âm thanh “suối hát” quanh năm. Những vách đá khổng lồ, nhiều hòn đá cỡ chiếc chiếu với hình thù kỳ quái bởi dòng nước cứ miệt mài bào mãi với thời gian.
Dulichgo
Ở quanh khu rừng bên thác có rất nhiều đá thạch anh, là loại đá hình lục lăng, trong suốt, có nhiều màu, có giá trị. Tương truyền rằng, đó là những giọt nước mắt của cô gái trên đường bỏ trốn cùng người yêu.

Đây là một trong những thác nước hùng vĩ và đẹp bậc nhất ở xứ Thanh địa linh nhân kiệt. Nơi mà một lần đặt chân đến, ai cũng muốn được trải lòng với thiên nhiên, với thiên nhiên tinh khiết, với dòng thác đẹp như một thiếu nữ dịu mát và chẳng muốn rời xa.

Theo Thương Ngọc (Thanh Hóa 24)
Du lịch, GO!