Cá dứa là một đặc sản ở Cà Mau. Cá dứa có giá trị kinh tế cao và có thể chế biến được nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng. Sở dĩ, loài cá này có tên gọi là cá dứa là do khi ăn thịt cá toát lên thoang thoảng mùi thơm của lá dứa (loại lá dùng để làm bánh phổ biến ở miền Tây).

Các dứa là một loài cá da trơn, thuộc họ với cá basa, cá tra… nhưng sống ở môi trường nước mặn, ở các dòng sông sâu, các cửa biển và vùng biển cạn. Ở Cà Mau, cá dứa tập trung sinh sống nhiều trên các con sông Cái Lớn, Tam Giang, Bồ Đề, Kinh 17 và vùng biển cạn Khai Long, Bãi Bồi, Đất Mũi. Vào khoảng từ tháng 8 đến tháng 12 âm lịch, thời điểm trái mắm chín, rụng xuống theo dòng trôi ra biển thì hàng đàn cá dứa từ biển khơi lần theo mồi trái mắm, lội ngược dòng kéo về các cửa sông kiếm ăn. Đây là mùa cá dứa nhiều nhất tại Cà Mau.

Để phân biệt cá dứa với các loại cá da trơn khác, ta có thể thấy được đặc điểm của cá dứa như sau: thân hình thon dài, phần cuối của vây đuôi phớt màu vàng cam, da bụng trắng tươi, sống lưng trắng xanh, thịt trắng…

Trước kia, cá dứa ở Cà Mau rất nhiều. Đến mùa, cá dứa mê trái mắm, lội theo dòng nước ăn đến khi bụng căng phình, nổi lên mặt nước, người dân chỉ việc lấy chĩa đâm rồi bắt cá. Giờ lượng cá dứa không còn nhiều nên việc câu và bắt cá có phần vất vả hơn xưa.

Vào mùa cá dứa, các cần thủ lại chuẩn bị mồi, câu và rủ nhau cùng đi săn cá. Theo như kinh nghiệm của các cần thủ, muốn câu cá dứa phải dùng mồi trùng biển hay trùng tóc hoặc gián. Lưỡi câu phải sắc, nhọn. Có như vậy thì khi cá cắn câu chỉ cần giật là có thể dính ngay. Đặc biệt là phải biết xác định dòng nước chảy mạnh hay yếu mà mắc chì nặng hay nhẹ.

Cá dứa thường xuất hiện ở những vùng nước sâu, chúng luôn đi đôi, đi cặp và theo bầy đàn, nên khi câu dính được một con thì khả năng câu dính thêm con thứ hai là rất lớn. Thông thường, các cần thủ có thể trúng đậm được vài chục kí cá trên một chuyến đi từ 1 đến 2 ngày vào mùa cao điểm, cá nhiều hoặc có thể là “được ăn cả, ngã về không”. Hoạt động câu cá dứa ngày nay đã trở thành một thú chơi sành điệu và tao nhã cho những ai muốn thư giãn vào dịp cuối tuần và đang có xu thế trở thành một trong những hoạt động du lịch hấp dẫn ở Mũi Cà Mau. Theo chân các cần thủ, khách du lịch sẽ có cơ hội trải nghiệm, thâm nhập vào thiên nhiên hoang sơ để có được những khoảnh khắc câu cá thật thú vị và khó quên.

Có thể nói, cá dứa ở Cà Mau xuất hiện quanh năm nhưng vào mùa cá, khách du lịch đến Cà Mau có thể thỏa thích thưởng thức những món ăn ngon, hấp dẫn được chế biến từ cá dứa như: Cá dứa kho tộ, nấu canh chua lá me non hoặc trái giác, phi lê chiên xả ớt…

Ngoài ra, cá dứa còn được làm khô tẩm một ít gia vị nên có độ  mặn vừa phải cộng với vị béo, thơm thơm tự nhiên đem chiên giòn, sốt me, chiên giấm,… ăn với cơm chan nước dừa thì có gì sánh bằng.

Do cá dứa Cà Mau chỉ sinh sống trong tự nhiên nên có thịt thơm ngon như mùi thơm của lá dứa, vị béo ngậy, chứa nhiều omega 3 đảm bảo cho bữa ăn vừa an toàn, vừa có hàm lượng dinh dưỡng cao.

Chỉ một lần đến với Cà Mau, nếm những món ăn dân dã được chế biến từ con cá dứa, với mùi vị thơm thơm đặc trưng, du khách phương xa sẽ không khỏi trầm trồ khen ngợi về sự sắp đặt tài tình của thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho Cà Mau một loài cá quý và có giá trị kinh tế cao.

Chính vì những giá trị dinh dưỡng cao và mùi vị đặc biệt nên cá dứa được nhiều người ưa thích. Khách du lịch phương xa thường chọn mua khô cá dứa về làm quà cho người thân và bạn bè mỗi khi có dịp đến Cà Mau.

Theo Kym Chuyển (Camautourism.vn)
Du lịch, GO!

ĐGD: Nhiều nơi ở miền Tây gọi là cá bông lau thì phải.