Cù lao Tắc Cậu là một ốc đảo thuộc địa bàn hai huyện Châu Thành và An Biên (Kiên Giang). Có 2 con sông lớn, sông Cái Lớn và sông Cái Bé, chảy về biển Tây hình thành nên vùng cù lao trù phú, nơi đây có vùng đất chuyên canh rất độc đáo với ba tầng sinh thái khóm - cau - dừa, diện tích trên 1.500ha.

< Cầu Cái Bé, Cái Lớn nối đôi bờ hai con sông Cái.

Tắc Cậu nằm cách thị trấn Minh Lương khoảng 5 km và cách TP Rạch Giá, tỉnh lỵ của tỉnh Kiên Giang 20 km. Do bị bao bọc bởi hai dòng sông cái nên nơi đây tách biệt hoàn toàn với đất liền. Muốn đến được vùng đất này không có cách nào khác là phải lụy đò. Ở giữa cù lao Tắc Cậu có con rạch Lòng Tắc, chia vùng đất cù lao thành 2 phần, một nửa thuộc xã Bình An và phần còn lại thuộc xã Vĩnh Hòa Phú (huyện Châu Thành).

< Miếu thờ Bà Thiên Hậu kề cận bến phà cũ, được người dân lập nên để mong bà phù hộ chở che.

Theo những cụ cao niên ở đây cho biết, vùng đất cù lao Tắc Cậu được khai phá từ những năm 30 của thế kỷ trước, chủ yếu là người Hoa di dân đến đây lập nghiệp. Họ hùn nhau lại đấu thầu đất của thực dân Pháp, mỗi lô có diện tích 1 km2.

Tuy nhiên, cũng có người không có tiền tham gia đấu thầu, phải tự khai phá đất mà sinh sống. Đất rộng, người thưa, ven sông dừa nước bao bọc, còn phía trong là rừng ngập nước, cỏ dại mọc um tùm. Giao thông đi lại chủ yếu bằng xuồng chèo tay.

Theo những câu chuyện truyền miệng mà những người lớn tuổi thường kể cho con cháu nghe vào những đêm trăng thanh gió mát thì ngày xưa vùng đất này rất hoang vu, nhiều thứ nguy hiểm luôn rình rập đe dọa đời sống con người. Vì vậy mà có câu: “U Minh, Rạch Giá thị quá sơn trường; Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua”. Đã có không ít người bơi xuồng qua lại con rạch Lòng Tắc bị ông sấu cắn chưng (chân). Từ đó, người dân lập miếu thờ “Bà Thiên Hậu” để mong bà phù hộ, chở che. Dần dần địa danh Tắc Cậu được hình thành và tồn tại cho đến ngày nay.
Dulichgo
Địa hình trũng thấp, nhưng người dân nơi đây đã có cách làm sáng tạo để sống chung được với triều cường, nước biển dâng, phát triển SXNN bền vững. Đặc biệt là mô hình kinh tế ba tầng sinh thái khá độc đáo, giúp tăng thu nhập trên cùng diện tích.

< Vùng nguyên liệu thuần nông bên cầu Cái Lớn, địa phận huyện An Biên.

Từ khi có hai cây cầu (cầu Cái Lớn dài hơn 680m và cầu Cái Bé dài gần 600m, cùng rộng 12m, nằm trên Quốc lộ 63) nằm dọc theo những vườn khóm, vườn cau và vườn dừa xanh mát nối liền ốc đảo, khách du lịch đến cù lao này ngày một đông.

< Bên cầu Cái Bé là bến cảng Tắc Cậu nhộn nhịp ghe, tàu và nhiều nhà máy chế biến thủy hải sản.

Đứng trên cù lao Tắc Cậu nhìn xa xa cầu Cái Lớn, Cái Bé, lúc ẩn lúc hiện dưới hàng dừa, hàng cau và những rặng bần, ngỡ như một bức tranh thủy mặc. Bên cầu Cái Lớn mang vẻ đẹp thuần quê với vườn nối tiếp vườn, sông nối tiếp sông, và bên kia cầu thuộc thị trấn An Biên sầm uất. Bên đây cầu Cái Bé là bến cảng Tắc Cậu nhộn nhịp ghe tàu và nhiều nhà máy chế biến thủy hải sản.

< Khóm Tắc Cậu.

Ở cù lao Tắc Cậu nổi tiếng về khóm, trái có vị ngọt thanh dịu nhờ sự kết hợp của đất phù sa vùng châu thổ. Mỗi khi qua đây, du khách ai cũng muốn dừng chân ghé lại, vừa chụp ảnh kỷ niệm vừa để thưởng thức những miếng khóm thanh ngọt và mua về loại trái cây dân dã.
Dulichgo
Sự trang nhã của những cây dừa xen lẫn với sự mảnh mai thẳng tắp của những hàng cau, từ bao đời nay đã gắn bó thân thương với mảnh đất và con người xứ cù lao Tắc Cậu. Cây cau, cây dừa chẳng những đem lại giá trị kinh tế, mà nó còn góp phần điểm tô bức tranh xứ cù lao thêm đẹp, là nguồn cảm hứng cho giới sáng tác văn học nghệ thuật mỗi khi đến nơi này.

Con đường mới mở đi xuyên qua cù lao Tắc Cậu, với hai bên là mô hình sinh thái ba tầng: khóm, cau, dừa rất đẹp mắt. Mỗi khi qua đây, du khách ai cũng muốn dừng chân ghé lại chụp vài tấm hình kỷ niệm, thưởng thức những miếng khóm thanh ngọt, mát lạnh và mua khóm Tắc Cậu mang về, một món quà quê dân dã, thương hiệu khóm Tắc Cậu ngày càng được nhiều người đến hơn.

Theo Đất Mũi online, Báo Nông Nghiệp
Du lịch, GO!