Năm nay là năm chẵn, kỷ niệm 80 năm ngày Truyền thống công nhân Vùng Mỏ - Truyền thống Ngành Than (12/11/1936 – 12/11/2016), tôi kể vài chuyện về sản xuất than mà mình đã có dịp trải qua, gửi lên tiểu mục “Chơi” của bản báo, như là những chuyến du lịch nhỏ cùng bạn đọc. Tôi không còn nhớ rõ đó là vào năm nào, lý do là do xã hội thay đổi nhanh.

Ngày ấy, đi làm còn phải mang theo cặp lồng cơm để ăn trưa, làm thông tầm, cái ngày dân gian vẫn thường đùa: “Bắt ở trần phải ở trần/ Cho may ô mới được phần may ô”, một chiếc áo may ô cũng phải phân phối, mà phải bình xét chán mới có thể được đến lượt mình có áo may ô.

Giữa những ngày ấy, tôi được phân công đi viết về mỏ - nơi tôi chưa hề biết. Mỏ Mông Dương là nơi tôi chui lò đầu tiên. Nguyễn Tiến Sách, lúc ấy là Phó quản đốc Công trường Khai thác 4 đưa tôi đi. Chúng tôi nhận quần áo, ủng, mũ, đèn thợ lò, mặc vào và đi.

Đi sâu vào lò, đường lò lép nhép ướt do nước ở trần lò nhỏ xuống, nóng, ẩm và ngột ngạt. Việc đầu tiên Sách bảo hãy tắt đèn và lắng nghe.
Tắt đèn. Sách bảo thử đưa tay lên gần mắt mình xem có trông thấy gì không. Không, không trông thấy gì. Đen đặc. Lần đầu tiên tôi mới cảm nhận hết thế nào là “tối như hũ nút”, là đặc quánh trong cái thâm u, tĩnh mịch. Lắng nghe, xung quanh thấy có những tiếng rắc rắc, thỉnh thoảng lại có tiếng rơi rào rào. Đất đá đang chuyển mình, nén xuống, cơ chừng lò sập đến nơi (!).
Dulichgo
Tôi bảo: “Thấy sợ!”. Sách bảo: “Lúc mới vào lò em cũng thấy như thế. Sau thành quen. Bây giờ cũng có thể đoán được chừng nào thì lò sụt từ những tiếng rắc rắc ấy, chủ yếu sụt nhỏ thôi”.

Đã đến khu vực khai thác, Sách rọi đèn giảng giải cho tôi những bài học vỡ lòng đầu tiên về các thuật ngữ thường dùng trong khai thác hầm lò: những thìu, những chèn, cũi lợn...
Sách bảo, một ca một tổ khai thác có thể làm được một thìu (đơn vị đo chiều dài, tính bằng một thân cây gỗ dài khoảng hơn 2m). Nếu năng suất, có thể hơn.

Lò nóng hầm hập. Một tổ khai thác đang hối hả làm việc. Họ dùng cuốc chim cuốc, than rơi xuống rào rào, theo độ nghiêng trôi xuống lò chân, ở đó đang có các toa goòng hứng. Bụi mù. Quần áo công nhân ướt sũng, bết đầy than. Tôi không làm gì mà quần áo cũng đầy mồ hôi, ướt không kém.

Tôi hỏi họ sao không đeo khẩu trang, bụi than thế kia. Họ cười, hàm răng loé trắng giữa khuôn mặt đen than: đeo làm sao mà thở được? Mà quả vậy. Bụi than rất nhanh bám vào khẩu trang, dày lên, khó mà thở được.

Tôi bảo Sách: nóng và ngốt ngát quá! Sách đưa tôi rời khỏi khu vực khai thác, đến một đoạn có ngách chỉ từng người lách qua được, vài cột gỗ chống chéo đã bóng nhoáng do vịn tay, chà người vào. Chúng tôi cùng nhau bò lách qua thì đến một đường lò khác, ở cao hơn, và dốc.
Dulichgo
Sách bảo, chỗ vừa chui qua là một họng sáo, đến đường lò này là lò thượng (là lò đối với lò chân, ở phía trên). Lò dò đi theo lò thượng một lúc thấy bắt đầu có gió, gió mỗi lúc một nhiều thêm.
Gió trời! Chao ơi là mát! Nhớ câu hát trong bài hát “Tôi là người thợ lò” của Hoàng Vân... Ơ! Mỗi khi lò thủng, đón cơn gió nồm nam mát rượi... mới thấy ông nhạc sỹ này cũng đã chui lò, mà lại vào thời điểm đặc biệt – lò thủng - thì nhờ đó mới có câu hát, như một tiếng reo sung sướng đến vậy.

... Trở ra, khi đến gần cửa lò, ánh sáng trời đã trông thấy, quần áo mới lúc nào còn ướt rượt do mồ hôi bắt đầu khô, chúng tôi dần cảm thấy rét (cuộc chui lò này cữ cuối tháng 11 âm lịch).

Về đến chỗ tắm thì rét thực sự. Đến đây rõ là ngại không muốn tắm. Nhưng không tắm sao được!? Mặt mũi, chân tay, cổ... đen nhẻm bụi than. Mà thứ than dính vào người ấy nó là bụi đặc biệt, có dầu, thấm sâu vào lỗ chân lông, chỉ có xà phòng mới hòng tẩy rửa được.

Vì ra sớm hơn so với giờ hết ca, nhà tắm chưa mở, Sách rủ tôi đến tắm ở một vòi nước, áp tường, phía ngoài nhà tắm (sau này Sách cho biết phải quen mới xin được vào đó tắm nhờ, vì đó là chỗ giặt). Chúng tôi vào, ở đó cũng đã có thêm vài người mới chui ở lò ra.

Tất cả nhanh chóng cởi quần áo, hầu hết là lột truồng, ào vào một vòi nước đang chảy xối xả, vò đầu, xoa nhanh khắp người, nhảy ra, lấy xà phòng 72 trát (xà phòng giặt Liên Xô, trên mặt bánh xà phòng có ghi con số 72%, dân ta quen gọi là xà phòng 72; lúc bấy giờ có xà phòng 72 để tắm là đã quá sang), lại vò nhanh, xoa nhanh rồi ào trở lại vòi nước, ai nấy miệng đều xuýt xoa vì rét.

Bên cạnh vòi nước, có một ống gang lớn, đặt đứng áp tường, nó có một chỗ bục ở khoảng độ cao hơn 1m, từ lỗ bục ấy có một dòng nước vọt ra, nước nóng. Thì ra đó là bình nước nóng để phục vụ cho các nhà tắm của chuyên gia Liên Xô. Chúng tôi thay nhau nhảy vào tia nước, song vì nó quá nóng, nhảy vào lại nhảy ra ngay, miệng kêu oai oái. Cuộc tắm diễn ra nhanh, bởi ai cũng mệt và rét.
Dulichgo
Sách mua được hai quả cà chua, một ít hành. Chúng tôi về nhà nấu cơm, ăn với bát canh cà chua ấy, chẳng có thức ăn gì thêm. Đang ăn, bất chợt, tôi hơi ngẩn người vì thấy mắt Sách rất đẹp. Sách thấy tôi chăm chú nhìn mặt mình, tưởng bị nhọ. Tôi bảo mắt Sách trông đẹp lắm, mi mắt như được kẻ. Sách cười: Thì anh có trông thấy mắt mình đâu. Mắt anh cũng kẻ đẹp như thế. Do bụi than tắm không sạch đấy.

Đến đây thì thấy buồn, tắm, trát xà phòng giặt như thế, ngày nào cũng tắm, da thợ lò lúc nào trông cũng khô xác, nhưng vẫn thấy sạm lại, bởi bụi than có dầu ngấm vào các lỗ chân lông, tắm không thể sạch hết, tích tụ lâu ngày...
Sách hỏi cảm tưởng cuộc đi lò, tôi bật ra không cần suy nghĩ: nếu được, hãy phong tất cả những người thợ lò là những người anh hùng...

Bẵng đi, lại đến tháng 11 của năm ấy, tôi trở lại mỏ Mông Dương, bây giờ đã là Công ty than Mông Dương, gặp lại Nguyễn Tiến Sách. Anh đang là Trưởng phòng an toàn của Công ty.

Sách bảo, thợ lò giờ đã đỡ hơn. Công ty than Mông Dương hiện đang có 5 lò khai thác, chỉ có 1 lò do độ dốc lớn còn phải áp dụng công nghệ cũ - chống lò bằng gỗ, còn 4 lò kia đã áp dụng công nghệ mới - chống lò bằng các cột thuỷ lực, chỉ vất vả lần đầu khi chuyển cột chống thuỷ lực vào khu lò khai thác, những lần sau mỗi ca chỉ phải đem theo lưới B40 “hai người khênh toòng teng”.

Công nghệ mới này giúp cho người thợ khai thác không mất nhiều thời gian chuyển, chặt, chống, chèn gỗ, lò mở rộng và cao hơn, khấu được nhiều than hơn. “Năng suất có thể tăng gấp 3 lần trước đây”- Sách bảo vậy. Song điều tôi quan tâm hơn chính là chuyện về cái ăn, cái tắm, cái giặt cho thợ lò khi trở lại nơi này.

Chuyện phục vụ ăn, tắm, giặt cho thợ lò ở Mông Dương đã có bước thay đổi căn bản, tôi cho đây là một bước ngoặt quan trọng trong nghề nghiệp của họ, hay nói cách khác, cuộc đời người thợ lò đã đỡ nhiều vất vả trong chuyện ăn và tắm giặt.

Trước hết nói về giặt, xưa, thợ lò phải tự giặt quần áo bảo hộ, ủng, mũ đi lò, nay đã có bộ phận giặt, sấy riêng. Quần áo, mũ, ủng lúc nào cũng sạch sẽ, khô ráo, thơm tho. Thợ đi lò về chỉ việc trút ra, có người nhận đem giặt, sấy. Để phân biệt quần áo, ủng, mũ của ai, chúng được đánh số, người thợ lò quản lý bảo hộ của mình bằng con số này. Bảo hộ giặt sấy xong, được gấp gọn, đặt ngay ngắn ở phòng cấp phát, thợ lò chỉ việc chìa số của mình để lĩnh mặc đi làm.Dulichgo

Nhớ lại, chuyện mùi ủng, chuyện quần áo giặt không sạch, ẩm mốc lần ở với Sách trước đây tôi đã từng “thưởng thức”, không còn nữa (mà có khi không giặt ấy chứ; lấy đâu lắm xà phòng để mà giặt liên tục? Lại còn do đã làm mệt nữa, không còn sức để giặt).

Trút xong quần áo bẩn rồi, thợ lò bước luôn vào phòng tắm nước nóng. Một nhà tắm có rất nhiều chùm vòi hoa sen, 500 thợ lò có thể tắm cùng một lúc. Ở đó còn có các bể ngâm và các phòng xông hơi. Phòng xông hơi có thể xông cùng lúc 15 người; xông bằng mùi của các loại lá thơm hương nhu, long não, tự điều chỉnh lấy hơi nóng; bể ngâm, ngâm cùng lúc được 50 người. Tắm bằng xà phòng thơm do mỏ cấp.

Quần áo dân sự sạch sẽ để ở các tủ cá nhân áp tường; thợ mỏ tắm xong, mặc quần áo dân sự bước ra khỏi phòng tắm, hoà vào cuộc sống đời thường, khó có thể nhận ra anh ta vừa làm việc ở trong lò sâu bẩn và bụi bặm.

Không kể việc ngâm, xông hơi - những đáp ứng cao cấp hơn khi tắm, thì việc thợ lò quanh năm được tắm nước nóng đã là một hạnh phúc khó kể xiết, để mà chuyện tắm chúng tôi có dịp vừa kể trên, mỗi lần nhảy vào tia nước quá nóng hằn lại trên da một quầng đỏ mà rét vẫn hoàn rét, trở thành một kỷ niệm không bao giờ quên.

Tắm xong thì đến nhà ăn. Tôi chỉ muốn nói ở đây về cách thức ăn uống: Bây giờ thợ lò Mông Dương đã ăn tự chọn, nhưng hồi ấy được chia theo từng suất, tự lấy lấy khẩu phần của mình, không còn cảnh chia mâm cho 5-6 người cùng ăn, phải chờ đợi nhau đã là một bước đột phá.
Dulichgo
Cơm gạo ngon, nấu bằng nồi hơi, bữa ăn có rau, cá hoặc thịt, ăn xong có hoa quả tráng miệng; mỗi bữa ăn đều có đội kiểm tra về chất lượng, vệ sinh...
Tất cả những điều đó đem lại niềm hứng khởi, sự ngon miệng cho bữa ăn thợ lò. Còn đâu cảnh bữa cơm tự nấu trong lúc đã quá mỏi mệt mà chỉ có bát canh cà chua với muối trắng!?

...Tôi nhớ, xuống Công ty than Mông Dương lần ấy, lúc về Nguyễn Tiến Sách cùng một vài người bạn, trong đó có chánh văn phòng, kế toán trưởng, trưởng phòng kế hoạch... rủ tôi về suối nước nóng Cây số 4 Cẩm Phả tắm và đi ăn thịt dê. Cũng là một lối đãi khách mới mẻ của những người thợ lò, khó mà quên được...

Theo Trần Giang Nam (Quảng Ninh online)
Du lịch, GO!