(BQN) - Sau nhiều lần xếp lịch, lên kế hoạch cụ thể cho chuyến phượt ở đảo Vĩnh Thực (gồm các xã Vĩnh Thực, Vĩnh Trung thuộc TP Móng Cái), mãi gần đây, anh bạn cùng quê mới “tạo điều kiện” để tôi có dịp làm hướng dẫn viên, cùng anh khám phá hòn đảo xinh đẹp nơi cực bắc của Tổ quốc này.

Hoang sơ đảo Vĩnh Thực

Lại Hữu Thiện - anh bạn tôi có niềm đam mê xe mô tô phân khối lớn. Những “con ngựa sắt” đã lần lượt cùng anh vào Nam, ra Bắc. Sau hơn 5 giờ “cưỡi ngựa sắt” từ Bắc Ninh xuôi Móng Cái, bạn tôi đã miễn cưỡng gửi “chiến mã” của mình tại bến tàu Mũi Ngọc, phường Bình Ngọc (TP Móng Cái) để cùng tôi đi xuồng máy ra đảo. Xuồng máy băng băng lướt sóng, tung bọt trắng xoá và chỉ chưa đầy 30 phút, chúng tôi đã đặt chân lên đảo.

Từ cảng Vạn Gia, chúng tôi chạy xe máy giữa con đường độc đạo quanh co, vắng vẻ. Hai bên đường, đồng ruộng trải dài hút tầm mắt, nhà dân thưa thớt dần và sau đó cảnh vật chỉ còn những vạt rừng rực rỡ sắc màu của hoa cỏ thiên nhiên, bên kia là biển rộng mênh mông với những con sóng vỗ ghềnh đá ì oạp. Sau khoảng hơn 4km, điểm đến đầu tiên chúng tôi khám phá đó là bãi biển Đầu Đông.

Trước mắt chúng tôi là một bãi cát thật mịn, thật trắng, thoải dài ra mép nước trong xanh. Như không thể kìm được cơn khát biển, anh bạn tôi ngay lập tức cởi bỏ giầy, quần áo ùa mình xuống biển cùng với các du khách khác đắm mình trong làn nước biển trong xanh. Bãi biển Đầu Đông được người dân nơi đây ví như đầu của con rồng đảo Vĩnh Thực.

Trong khi anh bạn mê mải tắm biển, tôi tranh thủ đi tìm quán đặt ăn bữa chiều. Theo chỉ dẫn của người dân, tôi tìm đến quán của gia đình anh Hoàng Văn Trường, chị Lê Thị Điều, ở Bãi Giữa, thôn 1, xã Vĩnh Thực. Anh chị chủ quán đón tiếp tôi với sự niềm nở vốn có của người dân xã đảo. Chủ quán giới thiệu, tư vấn cho khách ăn gì cho phù hợp và giá cả cụ thể của từng món. Khi đã đảm bảo có nơi ăn, chốn ở, lòng nhẹ nhõm và hào hứng, tôi quay trở lại bãi biển Đầu Đông đón bạn.

Giữa tiết trời thu hanh hao đầy những nắng và gió, chúng tôi rong ruổi trên chiếc xe máy và nhằm hướng ngọn hải đăng Vĩnh Thực. Đường từ bãi biển Đầu Đông đến hải đăng Vĩnh Thực chừng 3km. Con đường này nằm ven biển, ven núi, bên những vạt rừng với hai bên rực rỡ sắc màu của hoa cỏ thiên nhiên. Có lẽ do cảnh đẹp nên du khách như quên đi khái niệm về thời gian. Cứ chốc chốc, anh bạn tôi lại đòi dừng xe để chụp ảnh rồi tìm một điểm cao hướng mặt ra biển, ngắm nhìn trời biển quê hương và hít vào lồng ngực hơi thở biển cả, của thiên nhiên trong lành. Núi đồi nối tiếp nhau, rừng phi lao trập trùng, những đồi thông xanh non mơn mởn xen lẫn những rặng hoa guốc biển trắng tinh khôi, rồi những cụm mẫu đơn hồng, đỏ lấp ló ven đồi khiến du khách nào qua đây cũng đều thích thú.
Dulichgo
Qua một con dốc thật cao, tưởng chừng như đã đặt chân đến ngọn hải đăng thì một khung cảnh hùng vĩ hiện ra trước mắt chúng tôi. Một bên là vực biển sâu với bãi cát trải dài trắng tinh uốn lượn, một bên là vách núi tận cùng mũi đảo như một bức tường lớn chắn ngang phía trước. Háo hức vì lần đầu tiên đặt chân đến nơi đây và ngỡ rằng mình là người đầu tiên khám phá nơi này, anh bạn tôi ngay lập tức cho xe chạy băng băng xuống dốc rồi tìm đường ra biển. Bãi biển bị ngăn cách bởi vách núi khiến cho nơi này giống như một thế giới hoang sơ chỉ có cát, đá và cây rừng. Những phiến đá lớn màu nâu đen trầm mặc như những bức hoạ với vô vàn đường nét, hình khối do “hoạ sĩ thuỷ triều” tạo nên. Từ dưới bãi biển, nhìn lên vách đá phía mũi đảo, ngọn đèn biển đang sừng sững cùng với những người gác đèn đang ngày đêm làm công việc lặng lẽ, soi đường, chỉ lối cho tàu thuyền an toàn đi qua vùng biển.

Nghỉ chân bên gốc cây gạo chừng 15 phút, chúng tôi tiếp tục hành trình chinh phục ngọn hải đăng. Băng qua những bậc thang cao ngất, chúng tôi đã đến chân tháp đèn. Hải đăng Vĩnh Thực là ngọn đèn biển quốc tế do Việt Nam xây dựng và quản lý ở vị trí đầu tiên biên giới biển hình chữ S.

Ngọn hải đăng này được xây dựng từ năm 1986, do Xí nghiệp bảo đảm hàng hải Đông Bắc bộ thuộc Tổng Công ty Đảm bảo hàng hải miền Bắc, Bộ GT-VT quản lý. Hải đăng Vĩnh Thực không phải là công trình quy mô lớn, nhưng khi đứng ở vị trí này, nó trở nên lớn lao hơn, như một người gác biển già đã từng chứng kiến bao nhiêu thăng trầm của lịch sử. Vừa men theo chiếc cầu thang hẹp bằng gỗ được thiết kế theo hình xoắn ốc để lên đến đỉnh tháp đèn, người gác đèn trẻ kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về những ngày sóng to, biển động, về những luồng cá, những hành trình trên biển của những chuyến tàu...

Tôi cảm nhận được thật rõ tình yêu của những người gác biển nơi đây đối với từng ánh đèn chớp sáng trong đêm, như con mắt chỉ đường cho những con tàu an toàn qua mũi đảo. Tôi bỗng nhớ đến những người gác đèn nơi đảo Tiên Nữ thuộc quần đảo Trường Sa của Tổ quốc mà tôi đã có dịp ghé thăm... Lên đến đỉnh tháp đèn, anh bạn tôi trầm trồ: “Đến được nơi đây. Đứng trên ngọn hải đăng này ngắm nhìn trời biển quê hương là một trải nghiệm mà tôi không thể quên...”.
Dulichgo
Ấn tượng khó quên

Trời chạng vạng cũng là lúc chúng tôi tạm biệt hải đăng Vĩnh Thực, tạm biệt những người gác biển để về cơm nước, nghỉ ngơi và tiếp tục khám phá những điều thú vị, mới mẻ trong hành trình xuyên đảo. Một mâm cơm tươm tất đã được anh chị chủ quán dọn sẵn chờ chúng tôi về. Mâm cơm có ghẹ, ốc, cá lạp xạp... Món nào cũng là đồ tươi sống khiến hương vị vô cùng ngon, ngọt. Và đặc biệt là món ngao vàng hấp rượu trắng đã khiến anh bạn tôi vô cùng thích thú bởi hương vị cay nồng vô cùng khác lạ.

Buổi tối hôm đó, chúng tôi dạo một vòng quanh đảo để tìm hiểu, trải nghiệm thêm về đời sống sinh hoạt của người dân. Là một nơi hoang sơ, đảo Vĩnh Thực chưa có khách sạn, chỉ một vài nhà dân có vài phòng cho khách trọ qua đêm. Nếu muốn nghỉ qua đêm, bạn cần liên hệ với nhà dân hoặc trường mầm non trên đảo, kinh phí rất rẻ, chỉ khoảng 250.000 đồng/phòng/đêm. Đêm hôm đó, chúng tôi mắc võng dưới những rặng phi lao để tận hưởng làn gió mát lành từ biển và háo hức cùng những du khách khác chờ một chuyến trải nghiệm cùng bà con ngư dân câu mực, đánh cá theo chương trình “Một ngày làm ngư dân”. Một người quen của tôi, anh Nguyễn Văn Đông, Bí thư Đảng uỷ xã Vĩnh Thực đêm đó cùng chúng tôi hóng gió biển, anh cho biết: Xã đảo có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nhưng hiện nay kết cấu hạ tầng còn yếu, công tác tuyên truyền, quảng bá cũng chưa thật sự bài bản. Vì vậy, Vĩnh Thực vẫn chỉ hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên cộng với sự mộc mạc, chân thành của người dân xã đảo.Dulichgo

Sáng hôm sau, khi đã được chủ nhà thết đãi món cháo khoai lang, chúng tôi lại tiếp tục hành trình nhằm hướng bãi biển Bến Hèn, Vụng Dầm (Vĩnh Trung) để khám phá. Bãi biển Bến Hèn đã hấp dẫn chúng tôi bởi vẻ đẹp nguyên sơ với làn nước trong xanh, bãi cát trắng vàng mịn, bao bọc bởi rừng phi lao xanh mướt. Tại đây, chúng tôi đã có những trải nghiệm thú vị khi được cùng bà con ngư dân làm nghề nuôi trồng thuỷ sản truyền thống... Rồi tại Vụng Dầm, được ví như là đuôi của con rồng Vĩnh Thực, nơi đây còn nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ với bờ cát trắng vàng thoải, làn nước trong xanh và có hệ sinh thái đa dạng. Còn vô vàn những điều hấp dẫn khi đến khám phá hòn đảo này. Anh bạn tôi thì quả quyết: Một ngày gần đây nhất sẽ bố trí thêm thời gian để cùng bạn bè, gia đình khám phá thêm những điều kỳ thú của tuyến du lịch này.

Theo Hữu Việt (Báo Quảng Ninh)
Du lịch, GO!