Khảo cổ ở Cù Lao Chàm cho biết, cách đây 3.000 năm, nơi đây đã có người sinh sống và một ngàn năm trước, đã có những đội thương thuyền của các nước thuộc Trung Cận Đông, Đông Nam Á, Ấn Độ… neo đậu tàu thuyền trên hải trình đến Hội An giao lưu buôn bán, trao đổi. Đến Cù Lao Chàm, du khách không quên thăm chùa Hải Tạng.

< Đường đến chùa Hải Tạng sẽ qua các bờ ruộng nhỏ.

Chùa Hải Tạng là một ngôi cổ tự trên đảo Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) được xây dựng vào năm 1758 (năm Cảnh Hưng thứ 19). Chùa tọa lạc sát chân núi phía tây của Đảo Hòn Lao, lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra cánh đồng lúa duy nhất của Cù Lao Chàm.

< Cổng tam quan của chùa Hải Tạng.

Chùa Hải Tạng thờ Phật và thánh thần, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của ngư dân trong vùng và cũng là nơi thương thuyền các nước tín ngưỡng Phật giáo ghé vào hành lễ, cầu nguyện. Để đến chùa Hải Tạng, du khách sẽ được hướng dẫn đi theo những bờ ruộng nhỏ bé, quanh co trước bước vào tam quan của chùa.

Theo các bậc cao niên ngụ cư ở thôn Bãi Làng trên Cù Lao Chàm, chùa Hải Tạng được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ XIX (1758). Sau đó, do có bão lớn làm hư hại nặng, chùa được dời về vị trí như hiện nay vào năm Tự Đức Nguyên niên (1848).

< Chánh điện chùa Hải Tạng.
Dulichgo
Tương truyền các cây cột được vận chuyển từ ngoài Bắc đem vào làm một chùa nào đó trong Nam nhưng khi đi ngang Cù Lao Chàm, trời tối nên phải neo thuyền nghỉ lại. Sáng ra, thuyền tiếp tục lên đường, nhưng thật lạ, biển tự dưng sóng dậy, thuyền cứ xoay tròn, lòng vòng không đi ra khỏi Cù Lao Chàm được.

Sau có người trong đoàn lên cúng, xin keo cho hay số gỗ này phải để lại dựng chùa cho Cù Lao Chàm, không được đem đi. Vì thế chùa dựng lên lấy tên là Hải Tạng. Hải là biển, Tạng là kinh, ý nói Chùa là nơi hội tụ kinh tạng mênh mông như biển cả.

Bước vào tam quan, chúng tôi thấy tường thành của chùa được xây bằng đá bao bọc xung quanh để ngăn trăn và rắn độc. Tam quan chùa cao 5m, rộng 1,5m, dài 6m. Giữa sân là 4 trụ biểu, chóp trụ có khối hình hoa sen.
Dulichgo
Chính điện lợp ngói âm dương, bờ nóc, bờ hồi đắp nổi nhiều đường nét uốn lượn mềm mại, uyển chuyển. Ở phần đỡ mái hiên được cách điệu thành hình đèn lồng với thân chạm hình hoa lá, đầu được chạm thành những cánh sen lật, đỡ thẳng lên đòn tay, dưới chạm nổi hình đầu rồng.

Lùi vào mái hiên khoảng 2,5m là hệ thống cửa, “thượng song hạ bản”, gồm 3 bộ, mỗi bộ 4 cánh ngăn không gian bên ngoài với không gian nội thất. Nội thất chùa khá hoành tráng là nhờ hệ thống hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng, uy nghiêm, lớp lang huyền ảo thiêng liêng nhờ hệ thống tượng thờ đồ sộ, đa dạng trên những bàn hương án tả hữu.

Nổi bật là bộ Tam thế Phật gồm 3 tượng. Kế đến là tượng Thích Ca ngồi trên đài sen. Đặc biệt trong chùa còn lưu giữ một quả đại hồng chung, trên chuông có một con rồng mang phong cách những năm đầu thời Lê sơ. Hiện tại chùa không có Sư trụ trì mà chỉ có một cặp vợ chồng già trông nom hương khói.

Chùa Hải Tạng trước đây có Sư trụ trì, nhưng hiện nay không còn, thay vào đó là Ban trị sự địa phương quản lý và trông nom. Trưởng ban trị sự là ông Trần Duy Cảo, cùng hai Phó ban là ông Trần Cau và ông Nguyễn Thông.
Dulichgo
Cũng như bao ngôi chùa khác, hàng năm ở đây thường tổ chức những ngày lễ lớn của Phật giáo như ngày 15/1 cúng Cầu an, 15/4 lễ Phật đản, 15/7 lễ Vu Lan; vào các ngày 19/2, 19/6, 19/9 lễ vía Quan thế âm. Còn sinh hoạt của Phật tử tại đây diễn ra vào chiều thứ 7 hàng tuần, mọi người đến đọc kinh niệm phật và sinh hoạt. Hiện nay, chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu có giá trị như tượng cổ, chuông đồng, bia đá, hoành phi…

Cù Lao Chàm đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, Cù Lao Chàm ngày càng thu hút du khách trong và ngoài nước bởi vẻ đẹp hoang sơ và thơ mộng cùng bao đặc sản mà ít nơi nào trên thế giới có được. Và du khách trong và ngoài nước đến viếng chùa Hải Tạng khá đông.

Du khách đến chùa lễ Phật, trong làn hương trầm thơm ngát, không gian uy nghi trầm mặc, tiếng chuông ngân nga làm cho tâm hồn mỗi người được thanh thản, bình yên trên xứ đảo Cù Lao…

Theo Làng Nghề Việt Nam
Du lịch, GO!

Chùa Hải Tạng: ‘Bậc thầy’ kiến trúc phong thủy