(BQN) - Ở vùng cao Quảng Ngãi, ngoài những đặc sản mang đậm hương vị của núi rừng như măng le, chuối rừng, ngô nếp, quả hường… thì ớt sim (còn gọi là ớt chim) là một sản vật không thể thiếu của đồng bào dân tộc vùng cao.
Không giống như những loại ớt được trồng ở miền xuôi, ớt sim không được chăm bón mà mọc tự nhiên ở khắp cánh rừng. Sau 4 tháng, trải qua bao nắng mưa, hút đầy chất của đất, ngậm hạt sương sa của núi rừng, những quả ớt đặc quánh ruột, mùi thơm lừng, có vị cay thanh khiết không hề pha lẫn với các loại ớt trồng, trở thành sản vật của đồng bào vùng cao. Ớt sim khi vừa ăn vào, mùi thơm cùng vị cay tiếp xúc ngay đến đầu lưỡi, người ăn có cảm giác đau xé ở mang tai, nhưng tích tắc sau đó là cảm giác nóng bắt đầu lan tỏa, hòa quyện vào với thức ăn kèm theo.
Trong chuyến công tác ở xã Trà Thanh huyện miền núi Tây Trà, chúng tôi được các bậc cao niên cho biết: “Ớt sim là loại thức ăn ưa thích của nhiều loài chim, cũng nhờ thế ớt sim mọc phân tán khắp núi rừng.
Dulichgo
Thông thường quả ớt sim chín vào độ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch”. Đến mùa ớt sim, đồng bào dân tộc vùng cao đi phát rẫy, làm nương thường mang về những bọc ớt sim, được gói cẩn thận trong bọc lá chuối rừng, dùng làm gia vị trong những bữa ăn, hoặc đem bán để kiếm thêm thu nhập. Bà con xem như là “lộc” của núi rừng mà thiên nhiên hào phóng ban tặng.
Lên Tây Trà, dọc các con đường dẫn về trung tâm huyện, ớt sim được bày bán ngay bên vệ đường. Đặc biệt vào ngày cuối tuần, khi những cán bộ dưới đồng bằng lên vùng cao công tác, sau một tuần làm việc, trên đường về nhà, như một thói quen, không quên ghé mua một ít ớt sim về làm quà, mang một chút hương vị của núi rừng về dưới xuôi.
Thay vì bán theo cân như người miền xuôi, đồng bào dân tộc vùng cao chỉ bán theo lon. Mỗi lon ớt sim có giá từ 15-20 nghìn đồng, cách bán được mặc định sẵn, cũng nhờ thế mà người mua cũng không nghĩ đến chuyện bị cắt xén, gian lận.
Dulichgo
Lỉnh kỉnh trên tay mớ đồ đạc trên đường về xuôi, chị Nguyễn Thị Thương, giáo viên Trường THPT huyện Tây Trà, không quên ghé vào “chợ di động” mua về một ít ớt sim làm quà cho gia đình. “Mình “nghiện” ớt sim từ lúc lên đây công tác, để giữ được lâu thay vì bỏ tủ lạnh mình thường mua về nhà dầm muối, như thế ớt không những có vị cay mà còn pha lẫn cả chua, mặn, ngọt”- chị Thương bộc bạch. Đối với đồng bào vùng cao, ớt sim không những để làm gia vị trong các bữa ăn hằng ngày, mà còn là bài thuốc quý.
Nhiều người Cor cho biết họ thường dùng lá và trái ớt sim để chữa bệnh mụn nhọt cho trẻ con. Lá ớt sim được giã nát trộn với một ít muối, đắp vào chỗ có mụn nhọt, sau một ngày mụn nhọt sẽ vỡ ra và nhanh chóng lành lặn. Hay trong những lần đi phát rẫy làm nương vô tình bị rết cắn, dùng lá ớt nhai cho nát rồi đắp vào sẽ giúp giảm đau nhanh chóng. Người làm việc nặng, vận động nhiều nếu ăn ớt sim thường xuyên sẽ giúp phòng được bệnh đau khớp…
Dulichgo
Bởi vị ngon đặc trưng mang hương vị núi rừng, trong những năm gần đây ớt sim cũng “xuống phố” ở các nhà hàng, quán ăn. Sẽ là mất ngon nếu như trong những ngày mùa đông, cả gia đình quây quần bên nhau, thưởng thức những món ăn ngon mà thiếu đi một chút vị cay của quả ớt sim, hương vị của núi rừng xứ Quảng.
Theo Ngọc Viên (Báo Quảng Ngãi)
Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.