Thái Nguyên được biết đến với Hồ núi cốc thơ mộng, với hương chè thái thơm mát cùng với những trà nương xinh đẹp… nhưng không chỉ có thế Thái nguyên còn được biết đến bởi nhiều khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh khác mà ít người biết đến. Mời các bạn đến với Cửa Tử - một địa điểm du lịch hấp dẫn ở một vùng quê thanh bình, đó là suối Cửa Tử xã Hoàng Nông huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên.

Hoàng Nông là một xã thuộc huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên Việt Nam. Xã nằm ở phía tây của huyện và thuộc vùng núi Tam Đảo, tiếp giáp với đỉnh cao nhất của dãy núi này (1590 mét). Đây cũng là xã ngã ba ranh giới giữa ba tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang. Một dòng suối nhỏ chảy từ dãy Tam Đảo xuống và chảy dọc theo chiều dài của xã rồi đổ vào sông Công: đó là suối Cửa Tử.

Suối cửa tử là một địa điểm du lịch hấp dẫn nhưng chưa nhiều người biết đến. Cửa Tử mới nghe tên đã thấy rùng mình lại là nơi thu hút khá đông người tham quan trong những ngày nắng nóng.
Dulichgo
Cách thị trấn Đại Từ chừng 15 km, xã Hoàng Nông nằm cạnh sườn Đông của dãy Tam Đảo. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Hoàng Nông nằm trong khu căn cứ địa An toàn khu ATK. Đây là địa bàn dừng chân của các cơ quan đơn vị TW như: Cục quân huấn TW, báo sự thật, đại đoàn 308 (Đại đoàn quân tiên phong) năm 1948 về làm việc tại xã. Nhân dân các dân tộc xã HN đã luôn đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo, tạo điều kiện tốt nhất cho các cơ quan trung ương, cán bộ và nhân dân đến sơ tán, đóng quân, góp phần cùng nhân dân cả nước đánh thắng giặc Pháp xâm lược.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, quân và dân xã HN tiếp tục đón các đoàn cán bộ, cơ quan và nhân dân lên sơ tán trên địa bàn xã: là nơi đóng quân của đơn vị kĩ thuật phòng không không quân năm (1968) tại xóm đồng Khuân và đơn vị chỉ huy ra đa phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ trên không (1972).

Sau Khi đất nước thống nhất Đảng bộ và nhân dân xã HN lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng để xây dựng quê hương Hoàng Nông ngày một giầu đẹp thanh bình và phát triển.
Dulichgo
Xã HN là một xã miền núi nằm ở phía tây nam của huyện Đại Từ địa hình của xã tương đối phức tạp, đồi núi có độ dốc lớn, xen kẽ đồi núi là những dải đồng bằng nhỏ hẹp với những cánh đồng rau màu và những  thửa ruộng bậc thang đẹp mắt nằm ngay trung tâm của xã, cùng với đó là hệ thống ao, hồ, đập chắn giữ nước nằm rải rác ở các xóm.

Suối Cái là dòng suối chảy qua địa phận của xã từ nguồn nước ngầm của dãy Tam Đảo hùng vĩ. Đặc biệt địa danh Cửa Tử (còn gọi là kẹm Hoàng Nông) là địa danh du lịch thắng cảnh nổi tiếng của vùng. Huyện Đại Từ đã quy hoạch Cửa Tử vào một trong những địa danh du lịch sinh thái của huyện.

Dọc theo tuyến đường liên xã các bạn sẽ được ngắm nhìn dãy Tam Đảo xa xa. Đi gần hết đường nhựa, rẽ  trái xuống một đường đất còn khá khó đi khi trời mưa khoảng hơn 1 km là đến lối vào Cửa Tử. Gửi xe tại một nhà dân, đi bộ một đoạn đã thấy một dòng suối hiện ra trước mắt.

Nằm lọt thỏm giữa những ngọn núi cao vút, dòng suối như một con rắn uốn mình trườn đi. Đoạn đường khởi đầu khá dễ dàng cho đến khi thử thách đầu tiên xuất hiện. Một vụng nước sâu nằm giữa hai vách đá thẳng đứng, trơn tuột như một cánh cổng cao lớn. Có lẽ vì thế nơi đây được gọi là “Cửa Tử”?. Các cụ già nơi đây thường truyền nhau một câu chuyện tình lãng mạn, thủy chung và mạnh mẽ của một đôi trai gái từ thời phong kiến – cái thời mà trai gái còn e dè chẳng dám nhìn nhau vì cha mẹ dặt đâu con phải ngồi đấy, thế nhưng theo quy luật phát triển của con người, của xã hội những quan niệm đó dần dần cũng phải thay đổi.
Dulichgo
Cô gái và chàng trai theo tiếng gọi và nhịp đập rộn ràng của trái tim đã thề nguyền bên dòng suối trong mát về một tương lai hạnh phúc lứa đôi, thế nhưng rào cản của xã hội phong kiến đã không ủng hộ, và họ đã quyết tâm bảo vệ tình yêu của mình đến cùng.

Nắm tay nhau cùng đi ngược dòng suối Cái, trèo qua những tảng đá to nhiều hình dạng khác nhau trông đẹp mắt, họ cứ đi đi mãi và say sưa ngây ngất trong hạnh phúc, tình yêu chân thành xuất phát từ những rung động của trái tim, họ thề nguyền sống chết có nhau cùng nhau xây dựng hạnh phúc muôn đời nơi núi rừng hoang vu bên dòng suối mát, bỏ ngoài tai câu nói của xã hội phong kiến: “Chúng bay vào đó chỉ có đường tử …”

Dù đó chỉ là câu chuyện truyền miệng nhưng cũng đã thu hút bao bạn trẻ  của các vùng lân cận tìm đến đây để khám phá vùng Cửa Tử và để thử thách tình yêu của họ, để chinh phục cuộc sống với những thử thách mới để xóa bỏ hủ tục “Cha mẹ dặt đâu con ngồi đấy” của thời phong kiến.

Nước ở Cửa Tử trong vắt, có thể nhìn thấy tận đáy vụng nước ngay cả ở những nơi sâu nhất. Trời nắng nóng, ai cũng muốn đầm mình tắm mát nhưng phải vượt qua vụng nước để tiếp tục hành trình. Nâng balô lên đầu, lội qua được đoạn nước sâu thì đã thấy những tảng đá khổng lồ lù lù hiện ra chắn đường. Nếu không có chiếc thang do người dân quanh vùng tự chế thì chắc chắn không thể vượt qua được vật cản này.

Đoạn suối sau những tảng đá khổng lồ đầy những ghềnh đá. Những viên đá to lớn đủ mọi hình dạng, kích cỡ xếp ngổn ngang làm thành vô số ghềnh đá lớn nhỏ. Dòng nước lúc len lỏi qua các khe đá, lúc ào ào đổ xuống như những con thác nhỏ. Nhiều tảng đá bị nước bào mòn tạo thành những hình thù kỳ dị, trông rất lạ mắt.
Dulichgo
Càng đi sâu, núi rừng càng hoang vu. Hai bên bờ suối là những cây cổ thụ chìa những chiếc rễ to xù xì với theo dòng nước. Chốc chốc lại gặp những đàn bướm sặc sỡ sắc màu bay lượn rập rờn.

Lại một “Cửa Tử” nữa phải vượt qua. Và không chỉ một mà hai. Giống như người anh em của mình, hai “Cửa Tử” lần này đều là một vụng nước nằm giữa hai vách đá thẳng đứng.

Vụng nước không sâu lắm nhưng những viên đá xanh rêu trơn tuột dưới đáy nước thật sự là thử thách lớn. Mọi người dò dẫm từng bước trong nước mà không biết điều gì đang chờ đợi mình.

Ai nấy thấm mệt nhưng quyết tâm đi đến đầu nguồn con suối vẫn chưa giảm. Đạp lên những tảng đá, cả nhóm lại tiếp tục hành trình. Đi thêm một đoạn dài, tưởng chừng đích đến còn rất xa thì bỗng nghe tiếng ầm ầm của thác nước vang lên giữa núi rừng.

Lại là một “Cửa Tử” nữa nhưng lần này vách đá cao hơn, vụng nước cũng sâu hơn và cũng chính là nơi thác nước đầu tiên của dòng suối đổ xuống.

Dòng nước trắng xóa từ trên cao hơn chục mét tuôn xuống vụng nước làm những đám hơi nước bốc lên mù mịt. Nước mát lạnh như chảy ra từ trong hang núi. Ngâm mình một lát trong nước đã thấy lạnh tê người dù đang giữa mùa hè.
Xung quanh, trên những vách đá rêu phong phủ kín, những thân cây rừng bám rễ chằng chịt. Tất cả tạo nên một cảnh tượng thật hùng vĩ, tráng lệ.
Dulichgo
Ngồi lại nơi đây ngắm nhìn cảnh vật, thở nhẹ nhàng thưởng thức không khí mát dịu làm khô dần những giọi mồ hôi mặn của quá trình trèo đèo lội suối, ngồi đốt lửa nướng thịt rừng ăn cơm nắm,  lại nghe kể truyền nhau câu chuyện thời chống giặc ngoại xâm.

Đúng là: Rừng che bộ đội rừng vây quân thù

Bộ đội địa phương đã dùng kế đánh giặc của người xưa thời Ngô Quyền. đánh nhử địch đi ngược dòng suối Cái, cảnh đẹp của núi rừng nơi Cửa Tử đã làm cho kẻ thù quên nhiệm vụ và bộ đội chúng ta đã ghi bao thành tích, lập bao chiến công nơi này…
Dulichgo
Mời các bạn hãy đến với quê hương Hoàng Nông một lần thăm cửa tử để khám phá những câu chuyện thú vị, thưởng thức cảnh đẹp hoang sơ nơi chân núi rừng Tam Đảo, ngắm nhìn sự kỳ lạ của dòng thác nơi Cửa tử để thấy quê hương đất nước mình còn những vùng đất chưa được khám phá hết.

Theo Nguyễn Thị Hồng Gấm (Thái Nguyên.Edu)
Du lịch, GO!

Chinh phục Cửa Tử