(CAND) - Khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng nhất. Khi cả đảo Trường Sa hướng về màn hình vô tuyến nhìn kim đồng hồ chạy những giây cuối sang năm mới, pháo hoa bung sắc bảy màu trên nền trời, rồi nghe Chủ tịch nước chúc Tết; khi Đảo trưởng đọc thư của Bộ Tư lệnh Hải quân chúc Tết cán bộ chiến sĩ thì tổ tuần tra vẫn bước trên cát và người lính vẫn đứng ở các vọng gác bồng súng canh giữ biển đảo thềm lục địa Tổ quốc.

Chở Tết ra Trường Sa

Khoảng một tháng trước Tết là tàu hải quân (HQ) đã chở hàng Tết ra cho bộ đội đồn trú ở quần đảo Trường Sa. Đoàn công tác đi chúc tết năm nhiều năm ít, nhưng bao giờ cũng có đại diện Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, các cơ quan, cánh nhà báo và văn công.

Ba con tàu lớn chịu sóng gió đậu chình ình ở bến cảng quân sự Cam Ranh để... “ăn hàng” rồi chia nhau nhằm hướng bắc, hướng giữa, hướng nam đi “tua” hết hơn 30 đảo nổi, đảo chìm, và gần 20 nhà giàn DK1.

Hải trình dằng dặc hơn 600 hải lý, ngày thường đi cả chục ngày, dịp áp Tết đi hết vòng cũng phải 20 ngày, công việc này do Lữ đoàn 146 đảm nhiệm. Chính các con tàu này còn chở tân binh trẻ măng rắn rỏi bịn rịn lần đầu tiên ra đảo, thay cho lính cựu hết thời hạn đồn trú đang náo nức chờ tàu ra đổi “phiên gác” Trường Sa để trở về với gia đình đón xuân.

Mỗi con tàu HQ sẽ phải chở khoảng 5.000 tấn hàng tết đi trong gió mùa. Đại úy Đào Trọng Vĩnh, Chính trị viên tàu HQ 996 - Vùng 4 Hải quân, nói rằng: “Anh em thủy thủ vất vả trong sóng gió, nhưng còn theo tàu về đất liền, chứ cán bộ chiến sĩ ở đảo thì thiếu vắng đất liền quê hương, nên thủy thủ vẫn vui vẻ chở hàng phục vụ đồng đội ăn tết ở đảo, rồi mới yên tâm ai được về nhà thì về, còn không thì vẫn trực ở bến cảng”.
Dulichgo
Quả thật! Lính đảo đón xuân, ăn tết chòi chọi với nhau giữa biển nước mênh mông. Năm nào có cầu truyền hình, có văn công ra đảo và đoàn công tác ở lại đón giao thừa thì cảm giác đất liền và quê hương mới gần gũi ở bên.

Nhưng, cũng chỉ đảo Trường Sa Lớn và vài đảo nữa được hạnh phúc trong vòng tay người đất liền, chứ các đảo chìm, nhà giàn DK1 thì lính tráng đón tết cùng nhau, và vui xuân cùng đất liền quê hương qua màn hình tivi và sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Vì thế, dù có vất vả, gian lao bao nhiêu thì những người lính thủy trên tàu cũng đè sóng cấp 7 cấp 8 mà đi, để mang hàng tết, mang tình cảm người đất liền ra quần đảo Trường Sa.

Có thực mới vực được đạo, những đồ ăn uống trong dịp Tết phải lo đầu tiên: Gạo nếp, đậu xanh, lá dong, măng khô, nấm hương, mộc nhĩ, bánh kẹo, mứt, cà phê... và những chú lợn nhốt sẵn trong cũi, cả đàn gà nhốt trong mấy chuồng cũng được bốc lên tàu. Tất nhiên, sẽ có bia lon để bộ đội chúc nhau đêm giao thừa và ba ngày Tết.

Tết Nguyên đán được nghỉ huấn luyện như đất liền, nhưng sẵn sàng chiến đấu thì đêm giao thừa cũng thường trực. Thời gian giải trí dông dài hơn ngày thường. Vậy là, các dụng cụ thể thao: bóng bàn, cầu lông, cờ tướng,...; các loại hình giải trí: tú lơ khơ, sách, báo Tết, đĩa DVD hài Tết, ca nhạc... cũng được xếp xuống hầm tàu ra Trường Sa.

Ở quần đảo Trường Sa, chưa bao giờ trồng được đào phai, đào bích phương Bắc, hay mai vàng phương Nam. Thế là, trong các kiện hàng đóng ra Trường Sa, thay đào, mai tươi là bằng các loại hoa nhựa, hoa lụa; người đất liền còn cẩn thận sắm thêm mâm ngũ quả, đèn lồng, đèn dây nhấp nháy,…cho lính đảo trang trí đón xuân.

Không khí Tết có lẽ bắt đầu từ bến cảng Cam Ranh. Trong cái cảnh bùi ngùi mẹ tiễn con, chị tiễn em, vợ tiễn chồng... cả tiếng sụt sịt lẫn tiếng cười của người đất liền cố làm ra vẻ bình thản cho người lính đi biển yên lòng..., là thanh âm rộn rã của bến cảng thường nhật; đôi khi cất lên tiếng lợn eng éc và tiếng gà cục tác ở ngay trên boong tàu.

Thỉnh thoảng gặp hình ảnh trên vai người lính ra đảo thay quân chiếc đàn ghita, hay xách một chậu mai nho nhỏ còn đang đơm nụ. Đã thấy sắc màu và hương vị Tết ở những bó lá dong tươi, những cặp bánh chưng xanh gói sớm, những bức tranh Đông Hồ, hay các kiện hàng viết nắn nót “Chúc mừng năm mới!”, “... thân tặng đảo Trường Sa Đông”, “Chúc cán bộ, chiến sĩ đảo Thuyền Chài đón xuân vui tươi”..., được chuyển lên tàu.

Tết sớm ở Trường Sa

Có lẽ ra Trường Sa tác nghiệp nhiều nhất, và ra đảo vào dịp Tết nhiều nhất phải kể đến các phóng viên Báo Hải quân. Và chính các nhà báo đã ghi lại những thông tin chân thực sinh động nhất về bộ đội Trường Sa đón Tết như thế nào.

Nghi lễ đón tàu trang trọng, các sĩ quan, chiến sĩ xếp hai hàng thẳng tắp, giơ tay lên vành mũ chào đoàn công tác. Những cái bắt tay rất chặt, những vòng tay ôm nhau như đi xa bao nhiêu năm bây giờ mới gặp lại. Có cả bàn chân xốn xang của người lính trẻ, sau hai ngày vật vã say sóng, bước rụt rè lên đảo.
Người lên trước, hàng lên sau, mấy cây mai nhỏ xinh cũng theo bước chân những tân binh lên đảo. Sinh động nhất là mấy chú ỉn sổng chuồng, lính đảo không khiêng lên xe kéo được, đành phải người đẩy mông, người nắm hai tai lợn... kéo đi.

Cán bộ chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn ăn Tết ngay hôm tàu cập đảo. Khi tàu chưa cập đảo thì các “chiến binh” giỏi tay dao tay thớt đã “ngả" một con lợn. Hành, răm, húng quế, mùi tàu... đưa từ đất liền ra, cộng với các loại rau thơm ở đảo cũng được huy động thêm để đậm đà hương vị.
Dulichgo
Độc đáo và bất ngờ là lính anh nuôi trên tàu HQ xách lên đảo mấy hộp dưa hành nén trắng muốt, lính đảo nhìn thấy, mắt anh chàng nào cũng sáng lên. Tất nhiên, bánh chưng nấu sẵn từ đất liền, cũng chuyển từ tàu xuống để bữa cỗ Tết sớm thực sự là cỗ Tết.

Một thoáng lặng người đứng trước cột mốc chủ quyền Trường Sa to lớn như tượng đài có phù điêu trống đồng và hình ngôi sao vàng đắp nổi, ghi: Vĩ độ: 08, 38’ 30”; Kinh độ: 111, 55’55”, trên đầu là lá cờ Tổ quốc bay trong gió lộng, mà lòng cảm thấy rưng rưng.

Dường như đến Trường Sa ai cũng thấy yêu thêm Tổ quốc, ai cũng cảm nhận được nghĩa vụ công dân, thấy mình nhỏ bé trước người lính biển đã nhiều năm đội nắng gió canh giữ biển đảo, quê hương.

Đoàn công tác cùng ăn Tết sớm với những người lính đảo. Quây quần. Sum họp. Hương vị bánh chưng thoảng bay. Mùi lá bánh và mùi dưa hành quyện lẫn xộc vào mũi.

Bất giác nhìn ra ngoài thấy vút cao một cây nêu dựng vội của anh lính nào đó, khiến cái cảm giác chiều 30 Tết ở đất liền đến rất gần. Nhưng, ở ngoài kia, nơi bãi biển, nơi cầu tàu, nơi các vọng gác..., vẫn có các chiến sĩ hải quân, đang bồng súng canh giữ biển trời.

Khi tàu chở hàng đến đảo chìm đảo nổi cuối cùng thì chỉ còn khoảng một tuần nữa là tết. Không khí đón xuân ở các đảo đã nhộn nhịp lắm rồi. Xuồng CQ chở đoàn công tác cập đảo thì đã thấy lính đảo viết các câu khẩu hiệu trên bảng tin, hoặc cắt dán trên băng khẩu hiệu: “Mừng Xuân, mừng Đất nước!”, “Vui Xuân mới, không quên nhiệm vụ!”, “Đón Xuân vui tươi, an toàn, tiết kiệm”...

Đã áp Tết, nên các đảo nổi bắt đầu trang trí bàn thờ Tổ quốc, trang hoàng phòng Hồ Chí Minh, làm cây hoa dân chủ. Ở cuối chặng hành trình, Đoàn công tác ăn tết sớm với lính đảo được thưởng thức bánh chưng gói bằng... lá bàng vuông.

Tết vui tươi, trang trọng... thiêng liêng!
Dulichgo
Người đất liền ra Trường Sa, giật mình khi bắt gặp những sản phẩm đẹp tinh tế được làm từ bàn tay các “nghệ nhân đảo”. Không khí Tết có lẽ bắt đầu từ bàn tay người lính có những vân hoa này.

Cây đào, hoặc cây mai nhiều hoa, lắm lộc, nhìn xa cứ tưởng là cây tươi - quà tặng sớm của đất liền, lính đảo khiêng về ngự ở phòng khánh tiết... đón giao thừa. Nhưng, thực ra đó là sản phẩm của người lính đảo tỉ mẩn, khéo léo, cắt dán, tỉa tót tạo hình từ cả tháng trước.

Có loại hoa đào hoa mai làm bằng lụa, có loại hoa làm từ... ốc biển, vỏ trai, vỏ sò mò dưới bãi san hô. Thêm một tràng dây điện nhấp nháy bảy màu (quà của đất liền), gắn thêm các câu hỏi gấp thành hình cánh chim hay hình hoa giấy ghim vào cành, ghi nội dung câu hỏi, thế là thành cây hoa để đêm giao thừa tổ chức tiết mục hái hoa dân chủ.

Nhưng có lẽ rộn ràng và vui nhất là cảnh những người lính trẻ quây xung quanh cái chiếu ni lông... gói bánh chưng. Lá dong gửi từ đất liền ra, có lẽ chỉ còn xanh khi các con tàu đến điểm đảo đầu tiên là Trường Sa Lớn và Song Tử Tây... còn đến các đảo nổi, đảo chìm khác thì lá dong đã... héo quắt.

Lính đảo nâng niu từng chiếc lá rách vẫn tận dụng làm lá gói trong cùng. Thiếu lá dong hoặc không có thì lính đảo dùng lá bàng vuông gói... bánh chưng. Lá bàng vuông xanh mỡ màng, được cắt hai đầu gấp lại theo cuống lá. Không quy định hình dáng kích thước, lính đảo khéo tay gói theo tùy hứng.

Bánh chưng trên các đảo ở Trường Sa được gọi là bánh chưng ba miền: lính đảo người miền Bắc gói bánh vuông theo khuôn sẵn, lính người miền Trung gói bánh hình tròn, người miền Nam gói bánh dài... như bánh tét, cùng luộc chung một nồi, cùng bày chung một bàn thờ, bên cạnh mâm ngũ quả đón giao thừa. Ai cũng muốn gửi một chút tình cảm quê hương của mình vào chiếc bánh, nên Tết ở đảo Trường Sa phong phú, sinh động lắm.

Đêm giao thừa ở đảo, mọi người tập trung ở Phòng Hồ Chí Minh. Tiết mục hái hoa dân chủ, ai hái được câu hỏi nào thì trả lời hoặc thực hành câu hỏi ấy. Các đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Nam Yết... có dân sinh sống, thì bao giờ cũng có các cháu thiếu nhi cùng tham gia vui chơi với lính đảo.
Dulichgo
Mấy năm gần đây, đảo Trường Sa Lớn đã ra dáng phố thị, có dân, có công nhân viên chức, có cán bộ chính quyền nữa, nên Tết Nguyên đán bao giờ cũng ấm áp, đông vui hơn các đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn khác.

Chiều mùng 1 Tết, bộ đội chia nhau đi chúc tết nhà chùa, sang Trạm khí tượng, Trạm hải đăng và đến các nhà dân chúc tết, mừng tuổi cho các cháu. Nhưng, thực ra, ngay từ chiều 30 Tết, chỉ huy lãnh đạo đảo Trường Sa Lớn, đảo Song Tử Tây, đảo Nam Yết... đã đi bộ đến chùa xây trên đảo, thăm hỏi, tặng quà các vị sư, và đến trụ sở xã đảo thăm hỏi chính quyền, nhắc lại công việc phối hợp tổ chức đêm giao thừa đoàn kết quân dân trên đảo. Tình cảm quân dân ở nơi nào cũng đằm thắm; lại đến lượt anh em ở Trạm khí tượng thủy văn sang chúc tết Trạm hải đăng Trường Sa rồi kéo nhau sang chúc tết bộ đội.

Hình ảnh hùng tráng và lãng mạn nhất có lẽ là sáng mùng 1 Tết khi quân dân đảo Trường Sa xếp hàng chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca thì tổ tuần tra trên xuồng cao tốc CQ phóng như bay trên ngọn sóng chạy vòng quanh đảo tuần tra khi biển trời đã náo nức Xuân về.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh (An Ninh Thế Giới)
Du lịch, GO!

Tết ở Trường Sa