(PLO) - Ít có địa phương nào ở Nam Bộ lại có mật độ đền thờ cá Ông nhiều như ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Dọc bờ biển Bà Rịa-Vũng Tàu có đến 10 ngôi đền thờ cá Ông. Đặc biệt ở làng chài Phước Hải, ngư dân còn dành hẳn một khu đất rộng hàng ngàn mét vuông để chôn cất cá Ông với những nghi lễ trang trọng.

< Nghĩa trang cá Ông ở TT Phước Hải gồm có năm phần: Lăng thờ Lệnh ông Nam Hải đại tướng quân, miếu thờ Quan thế âm Bồ Tát, miếu thờ Thổ công, miếu thờ Thiên quan Tứ phước và khu vực mộ táng cá voi (ảnh Dulichgo).

Nằm sát bờ biển thuộc làng chài Phước Hải, huyện Đất Đỏ, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ngọc Lăng Nam Hải được xem là nơi an táng cá Ông lớn nhất Việt Nam hiện nay, nơi có khoảng 100 ngôi mộ cá Ông chưa cải táng.

Nghĩa trang đặc biệt

< Nghĩa trang cá Ông luôn có nhiều ngư dân đến cúng viếng, cầu mong may mắn mỗi lần ra khơi.

Nghĩa trang cá Ông được xây dựng từ năm 1999, nằm cuối làng chài Phước Hải, sát bờ biển. Nghĩa trang rộng khoảng 3.000 m2, cách đền thờ cá Ông của làng khoảng 2 km. Mặc dù tục táng cá Ông diễn ra ở nhiều làng chài Việt Nam nhưng đây có thể xem là nghĩa trang cá Ông “độc nhất vô nhị”.

< Tại nghĩa trang cá Ông hiện có khoảng 100 ngôi mộ cá Ông.
Dulichgo
Làng chài Phước Hải được xem là làng chài tổ chức tang ma, chôn cất cá Ông rất cẩn thận và tập trung vào một chỗ. Bởi lẽ ở những vùng biển khác, ngư dân chỉ chôn cá Ông rải rác xung quanh đền thờ. Hiện nghĩa trang cá Ông có khoảng 100 ngôi mộ chưa cải táng, ngoài ra tại Dinh Ông Nam Hải đang lưu trữ khoảng 400 bộ hài cốt của cá Ông.

< Mỗi khi cá Ông lụy, ngư dân Phước Hải luôn tiếp đón bằng những nghi lễ trang trọng.

Nghĩa trang cá Ông gồm có năm phần: Lăng thờ Lệnh ông Nam Hải đại tướng quân, miếu thờ Quan thế âm Bồ Tát, miếu thờ Thổ công, miếu thờ Thiên quan Tứ phước và khu vực mộ táng cá voi.

Trên đầu các ngôi mộ đều có bát hương và bia đúc xi măng ghi rõ “Nam hải chi mộ” cùng ngày tháng ông “lụy” theo cách gọi của người dân địa phương. Đặc biệt hơn toàn bộ công trình và mộ cá Ông đều có hướng nhìn ra biển.

< Trên đầu các ngôi mộ đều có bát hương và bia đúc xi măng ghi rõ “Nam hải chi mộ” cùng ngày tháng ông “lụy” theo cách gọi của người dân địa phương. Đặc biệt hơn toàn bộ công trình và mộ cá Ông đều có hướng nhìn ra biển.

Vào năm 2006, Lăng thờ Lệnh ông Nam Hải chính thức hoàn thành, trong điện thờ chính có bức di ảnh khổ lớn và tượng ba cá voi nằm song song, hướng ra biển. Theo như tìm hiểu thì có đến bốn loại Ông, đó chính Ông Kiềm, Ông Máng, Ông Chuông và Ông Cậu. Trong đó Ông Kiềm chính là cá voi qua đặc điểm có phần mỏ đưa ra dài, còn ba Ông Máng, Ông Chuông và Ông Cậu thì có phần đầu bằng hơn.

< Hiện nghĩa trang cá Ông có khoảng 100 ngôi mộ chưa cải táng, ngoài ra tại Dinh Ông Nam Hải đang lưu trữ khoảng 400 bộ hài cốt của cá Ông. Tất cả mộ cá Ông và các đền thờ đều hướng ra biển.

Linh thiêng nghĩa trang cá Ông
Dulichgo
Ở nghĩa trang cá Ông có một ngôi Miếu thờ đức Quan thế âm Bồ Tát được xây cất sát mé biển. Có một truyền thuyết thường được ngư dân ở đây truyền tụng nhau kể lại, Phật Quan thế âm Bồ Tát được Thượng đế ban cho chức Nam Hải Bồ Tát để cứu nạn con người trên biển cả. Phật bà xé chiếc áo cà sa làm vạn mảnh thả khắp mặt biển rồi dùng phép màu hóa thành cá ông để cứu giúp thuyền bè gặp nạn, phong cho cá Ông chức Nam Hải Đại vương.

< Lăng thờ Lệnh Ông Nam Hải đại tướng quân được xây dựng khang trang ngay trung tâm nghĩa trang, hằng ngày có nhiều ngư dân đến đây cầu mong sự độ trì từ cá Ông mỗi lần ra khơi.

Điều đó cũng một phần lý giải tại sao người dân ở những làng chài lại có đức tin về sự giúp đỡ của cá Ông, họ coi cá Ông là vị thần hộ mệnh giữa biển khơi. Cá Ông giúp ngư dân vượt qua những hiểm nguy, tai nạn, thậm chí cứu người bị nạn trên biển, đồng thời giúp cho ngư dân có những chuyến đi biển may mắn, tôm cá đầy khoang.

< Trong điện thờ chính có bức di ảnh khổ lớn và tượng ba cá voi nằm song song, hướng ra biển. Theo như tìm hiểu thì có đến bốn loại cá Ông, đó chính Ông Kiềm, Ông Máng, Ông Chuông và Ông Cậu. Hằng ngày, tại Nghĩa trang cá Ông có nhiều ngư dân đến làm lễ cầu mong được nhiều may mắn, tai qua nạn khỏi, cá luôn đầy khoang.

< Năm 2011, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã trao bằng công nhận nơi đây là Nghĩa địa cá Ông lớn nhất Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Được, ngư dân làng chài Phước Hải, cho biết: “Tôi thường xuyên đến nghĩa địa này để thắp hương, cầu khấn mỗi lần chuẩn bị ra khơi. Tôi tin rằng mỗi chuyến đi luôn được cá Ông phù hộ để tai qua nạn khỏi cũng như cá luôn đầy khoang”.

Tại Dinh Ông Nam Hải cũng ở làng chài Phước Hải hiện đang lưu giữ hàng trăm bộ hài cốt cá Ông. Mỗi bộ đều ghi tên chiếc ghe đã có công đưa Ông vào bờ và ngày Ông lụy. Trong số này có bộ cốt cá Ông dài khoảng 3 m, nặng khoảng 2 tạ, được lồng trong một tủ kính riêng. Đây là cá Ông được ngư dân Phước Hải phát hiện cách đây bảy năm.

< Sau ba năm chôn cất sẽ làm lễ cải táng đưa hài cốt cá ông từ lăng về Dinh Ông Nam Hải cách nghĩa trang khoảng 1 km để thờ, nhường đất an táng cho những cá ông khác.
Dulichgo
Khi đó, Ông mắc cạn sát bờ, cả làng tìm cách đưa Ông ra khơi nhưng sóng lại đánh dạt Ông trở lại. Các cao niên trong làng bèn quyết định đưa Ông vào đặt trong Dinh, chờ hai ngày sau Ông trút hơi thở cuối cùng mới tổ chức đám tang.

< Dinh Ông Nam Hải thờ nhiều vị thần, trong đó bàn thờ Ông Nam Hải được đặt ở trung tâm.

Trong dân gian, ngư dân vẫn tin rằng khi Ông lụy thì sẽ có một Ông khác kê lưng dìu vào bờ, sau đó phun lên vòi nước để ngư dân trông thấy đưa đi an táng.

Theo tập tục của ngư dân Phước Hải, khi phát hiện Ông lụy, dù đang đánh bắt ở đâu, ngư dân cũng phải tìm cách đưa Ông vào bờ để làm đám tang. Người phát hiện Ông lụy đầu tiên được xem là trưởng nam, thay mặt dân làng thắt khăn trắng chịu tang, hằng năm cúng giỗ. Sau ba năm đối với cá Ông nhỏ, còn cá Ông lớn thì phải năm năm, dân làng làm lễ Thượng ngọc cốt thỉnh vào Dinh thờ rồi mới được xả tang.

< Tại Dinh còn có một nhà thờ phụng khác nữa, nơi đây lưu trữ hàng trăm hài cốt cá Ông trong tủ kiếng. Theo ông Lê Văn Hời, Trưởng ban nghi lễ Dinh Ông Nam Hải, cho biết: “Số lượng hài cốt cá Ông giờ đây quá nhiều, tủ kiếng đã chật kín. Sắp tới đây, tôi sẽ trình nên các cơ quan, ban, ngành xây dựng một nơi lưu trữ hài cốt của cá Ông tại một nơi mới”.
Dulichgo
Nhiều ngư dân Phước Hải còn truyền miệng nhau những câu chuyện huyền bí và sự linh thiêng của cá Ông. Ông Lê Văn Lợi, Trưởng ban Quản lý Dinh Ông Nam Hải, cho biết: “Trước đây thường có nhiều ngư dân đến đây để xin răng của cá Ông. Họ tin rằng khi có được nó thì khi ra khơi họ sẽ luôn nhận được may mắn và chống được bệnh tật”.

< Trên bệ thờ có một bộ hài cốt cá Ông còn nguyên vẹn bên cạnh là hai tượng cá. Theo người dân địa phương, sở dĩ đúc tượng cá như thế là để con cháu sau này biết khi đi biển lỡ có đánh lưới nhầm cá Ông thì phải nhanh chóng thả Ông về biển.

Hằng năm, cứ vào ngày 16-2 âm lịch, làng chài Phước Hải lại tổ chức lễ nghinh Ông. Còn đối với những người đã từng chịu tang cá Ông sẽ đem lễ vật cúng viếng. Tất cả mọi người từ mọi miền đến đây luôn cầu mong được sự may mắn, độ trì từ cá Ông.

< Dinh Ông Nam Hải không chỉ là nơi an táng, hỏa táng cá Ông mà còn là nơi diễn ra nhiều nghi lễ và các sự kiện quan trọng khác.

Chính vì những điều đặc biệt đó mà năm 2011 Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã trao bằng công nhận nơi đây là Nghĩa địa cá Ông lớn nhất Việt Nam, điều đó làm cho những người như ông Điện luôn cảm thấy tự hào và quý trọng đối với Nghĩa địa cá Ông tại làng chài Phước Hải.

< Việc chôn cất và thờ cúng cá Ông không chỉ là yếu tố tâm linh mà từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa của cư dân miền biển trên cả nước.
Dulichgo
Từ một sinh vật khổng lồ sống dưới biển khơi, cá voi được huyền thoại hóa qua chuyện cứu người gặp nạn trên biển và trở thành vật linh thiêng đối với người làm nghề biển ở phía Nam. Việc thờ cá Ông đối với dân vạn chài là trách nhiệm và bổn phận. Họ coi đó như một cách đền ơn đáp nghĩa theo luật nhân quả.

Khi đến nghĩa trang đặc biệt này, người ta như có cảm giác bình an, yên ổn giữa chốn đời thường xô bồ. Sự bình an này vốn dĩ như có sẵn được duy trì từ nhiều đời nay bên làng chài này.

Theo Hữu Nhật – Đức Nam (Báo Pháp Luật TP)
Du lịch, GO!