(ANTG) - Lạ vì vùng biển quần đảo Trường Sa có bãi cát biết đi, có ốc gọi hồn, có nhiều xác tàu đắm... Có lẽ không vùng biển nào trên đất nước Việt Nam khi triều xuống nhìn bằng mắt thường vẫn thấy xác tàu đắm như ở Trường Sa. Xác tàu đắm qua bao nhiêu thập niên vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” dệt nên những câu chuyện bí ẩn thần kỳ.

Ốc gọi hồn?!

Huyền thoại biển cả từ thời hồng hoang truyền lại rằng: Đàn ông đi biển mà vợ ở nhà ngoại tình thì chắc chắn con tàu đó không sớm thì muộn cũng chết máy, hoặc bị bão gió dập vùi hoặc đâm va vào đá ngầm mà đắm; chẳng biết có đúng không? Nếu đúng, thì có bao nhiêu người đàn ông xác thịt tan vào biển cả sẽ có bấy nhiêu người đàn bà bạc tình?

Tôi đem chuyện ấy kể với lính đảo, mấy chàng trai trẻ nghe đều lặng im, buồn lây. Nhưng, có một người lính trẻ lại nhoẻn miệng cười, nói: “Em chả tin! Biển cả mênh mông, gió bão bất thường, tàu đắm cũng là chuyện tai họa thiên nhiên ngẫu nhiên, chứ liên quan gì đến niềm tin tâm linh vì sự bội bạc của đàn bà trên bờ...”.

Câu chuyện đi vào chiều sâu, cởi mở. Một người lính đứng bên tôi, bảo: “Gần một năm ở đảo chìm, em nghiệm ra: Trước đêm động trời nào em đứng gác cũng nghe được tiếng ốc gọi hồn rõ lắm, anh ạ. U u... u...u vọng vào đêm vắng não nùng, thê lương. Em không nghĩ đó là hồn ma, nhưng cũng thấy... rờn rợn. Thế rồi, sáng hôm sau nhìn ra chân đảo và bãi san hô đã cạn trơ ra khi thủy triều rút hết, thấy nhan nhản ốc mượn hồn bò lổm nhổm. Đến chiều y như rằng... biển động, nước dâng ngập bãi đá san hô và sóng lớp lớp chồm lên đánh trào cả nước mặn vào phòng đảo trưởng ở tầng ba. Sóng dữ thế, thì tàu thuyền nào trụ nổi, mà chả tan tác, hả anh?”.
Dulichgo
Tôi lặng im và nhìn ra biển khơi mà kinh hoàng. Càng đi biển càng được nhìn, được nghe lắm sự lạ. Ở quần đảo Trường Sa có loại ốc gọi hồn, gọi là ốc mượn hồn cũng được. Bắt đầu, chúng là các vỏ ốc lớn bé lăn lóc ở rạn san hô, ở chân đảo, có vỏ ốc to như vốc tay. Sau là, đêm thanh vắng gió thổi vào miệng vỏ ốc kích âm thành các thanh sắc khác nhau tùy theo thính giác và tâm trạng mỗi người. Giữa đảo chìm khuya khoắt vắng hiu, thêm cái tàu đắm huyền thoại và thanh âm vỏ ốc... thế là thành dàn hợp âm huyền hoặc, thế là thành... ốc gọi hồn.

Còn chuyện ốc mượn hồn bò lổm nhổm chẳng qua là những con cua nhỏ chui vào vỏ ốc trú ẩn, “mượn” cái nhà để sinh sống. Cứ thế, nó to lên lúc nào chẳng biết và không chui ra khỏi vỏ ốc được nữa, hoặc chúng cố tình đội cái vỏ ốc như một tấm mộc kín bảo vệ tính mạng. Năm cái chân ở bên trong, còn 5 cái nữa thò ra ngoài miệng ốc cứ thế bơi, bò, di chuyển... và mang cả vỏ ốc đi theo, thế là thành... ốc mượn hồn! Cũng là... sự lạ! Chuyện ốc gọi hồn, “ốc mượn hồn” ở quần đảo Trường Sa là có thật, nhưng lời than vãn thê lương của hồn người đi biển thoát ra từ vỏ ốc ai oán trách móc người đàn bà ở đất liền bạc tình..., có lẽ chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng quá đỗi bay bổng, hoặc một gã đàn ông đi tàu biển nào đó bị vợ phụ bạc nên bịa tạc ra để... tự an ủi mình?!

Bãi cát biết đi theo mùa gió

Không phải ai cũng biết là các đảo, bãi san hô và bãi ngầm ở Trường Sa được cấu tạo bởi các miệng núi lửa? Đỉnh các miệng núi lửa này nhô lên gần mặt biển, hình vành khăn hoặc e líp, phía trong là các vùng hồ nước nông hoặc sâu, còn phía ngoài là đại dương. Mặt đảo nổi chủ yếu do các mảnh san hô vụn kết hợp với các sinh vật, phân chim, cây cối thoái hóa tạo thành chất mùn xốp. Ở quần đảo Trường Sa cũng có cát, nó là các tinh thể nhỏ trắng tinh, hoặc vàng vỡ ra từ san hô bởi va đập, sóng nhồi, vun lại thành bãi, thành đảo. Điều lạ kỳ nhất ở Trường Sa là hình thù các đảo luôn luôn thay đổi bởi cát vun lên rồi cát chuyển đi chỗ khác theo mùa gió. Dulichgo

Đảo Trường Sa lớn có một bãi cát trắng nhìn nhức mắt, rộng hàng ngàn mét vuông, lúc chúng tôi đến đảo vào tháng 4 bãi cát đang ở phía tây nam đảo. Trong cái đêm đầu tiên đến đảo, tôi gặp anh lính trẻ đang đứng gác, anh kể chuyện đảo rất say sưa và chỉ tay ra bãi cát đang ngời ngợi vàng dưới trăng, nói rằng: nó đang chuyển dịch dần đến tháng 10 thì sang phía đông nam đảo; rồi lại bắt đầu dịch chuyển trở lại đến tháng 9 năm sau thì về đúng vị trí cũ.

Lạ thế! Đảo Sơn Ca cũng có bãi cát biết đi. Đảo hình bầu dục, hẹp ngang nằm theo hướng tây bắc - đông nam, ở rìa đảo là cát trắng thường bị bồi lở thất thường, khi cát trắng chuyển về phía đông, lúc lại chuyển về phía tây. Dễ nhận thấy nhất là hai doi cát lớn, dài đến 60m và rộng đến 50m thường biến dạng và di chuyển theo mùa gió.

Đảo Sinh Tồn có vành đai cát bao quanh chân đảo, có chỗ rộng 5m, có chỗ phình to đến 10m. Hai đầu đảo có hai doi cát dài dằng dặc như sao chổi, doi cát phía đông nam dài đến 140m, chỗ rộng nhất tới 45m. Hai doi cát này cũng biết đi theo mùa sóng gió.
Dulichgo
Đảo An Bang giống hình cái chìa khóa khổng lồ. Mũi chìa khóa là doi cát nằm ở bờ nam. Tháng 4 đến tháng 7 hằng năm sóng biển xô triền miên vun cát lại thành doi cát dài từ bờ nam chuyển dịch sang bờ tây. Đến tháng 8, doi cát này chuyển dịch sang bờ đông của đảo, khoảng tháng 12 trở đi nó lại dịch chuyển dần về vị trí cũ.

Đảo nổi có bãi cát biết đi, đảo chìm cũng có bãi cát biết... chạy. Ở bãi san hô phía đông đảo chìm Đá Tây có một doi cát nổi lên, chỗ cồn cao nhất đến gần 1m cũng di chuyển biến ảo vô cùng. Bãi cát san hô ở đảo đá Len Đao cứ lấy đảo làm tâm di chuyển 1 vòng quay là thời gian đi qua 1 năm. Tháng 3 và tháng 4 gió mùa đông bắc thổi ào ạt, bãi cát di chuyển về phía tây nam đảo, rồi cứ di chuyển mãi không biết mỏi mệt theo sóng gió. Điều lạ lùng: “Bãi cát bị gió vun lại thành hình bản đồ Việt Nam”, tôi chỉ nghe kể và chưa tận mắt nhìn, nhưng có thấy ảnh của một đồng nghiệp nào đó đã chụp được cái hình hài hùng vĩ linh thiêng ấy.

Tất cả mọi sự thay đổi đó đều bắt đầu từ mét vuông sóng gió bão. Gió to sóng cả, biển quang đãng không có gì che chắn, thỏa sức tung hoành nên gió bão thổi tốc tác, có khi cuốn cát trắng mù mịt, thậm chí như bốc cát, xúc cát từ nơi này  quẳng đến nơi kia. Lại còn thủy triều lên xuống, dòng nước chảy tác động nữa, vì vậy, hình dáng các đảo luôn bị thay đổi theo mùa cũng là điều dễ hiểu, nhưng vẫn là sự rất lạ lùng, kỳ vĩ ở quần đảo Trường Sa.

Những xác tàu đắm bí ẩn

Khi đến bất cứ đảo nào ở quần đảo Trường Sa, cánh nhà báo chúng tôi vẫn có một thói quen bảo nhau quan sát trời mây, biển sóng, san hô... và phát hiện, so sánh xem đảo này có gì khác biệt so với đảo kia. Chẳng hạn ở đảo Đá Tây và đảo Tốc Tan vẫn còn cái Pông-tông nằm ì ra “trơ gan cùng tuế nguyệt” từ thời lính hải quân thực hiện nhiệm vụ CQ-88 rải quân ra các đảo chìm và thềm lục địa đồn trú trước khi tàu chiến Trung Quốc đến... chiếm đoạt trái phép.
Dulichgo
Những cái Pông-tông như chứng nhân lịch sử của thời gian khó đẫm máu, mồ hôi và nước mắt, là hiện vật bảo tàng vệ quốc, nhắc nhở người lính đảo đương thời rằng đã từng có lớp lớp cha anh đến trước mình, gian khó hơn mình, mất mát hy sinh trước mình. Quả thật, cứ nghĩ: nếu đến một ngày đẹp trời nào đó, người ta đấu giá, và xẻ thịt những cái Pông-tông một thời oanh liệt ấy làm... phế liệu sắt vụn là tim tôi cứ đập thon thót.

Đảo Đá Lát cũng có sự lạ, ấy là hiển hiện tới 4 xác tàu đắm nằm trên bãi san hô ngập nước biển lập lờ, khi triều xuống, từ xa nhìn thấy thấp thoáng bằng mắt thường. Những người lính đảo nói rằng, chúng đang bị nước mặn ăn mòn, “xương cốt” bằng thép bị gỉ đang mủn ra... có nguy cơ gãy, đổ sụp chìm nghỉm dưới sóng nước... mất tăm tích. Đảo Phan Vinh (trước đây gọi là đảo Hòn Sập) cũng có một xác tàu đắm ở vành đai san hô phía Tây, khi nước thủy triều thấp nhất, lính đảo thỉnh thoảng lại lội bộ từ đảo ra chỗ xác tàu. Đến đảo chìm Tiên Nữ, đứng ở nhà lâu bền nhìn về phía nam, chúng tôi thấy một xác tàu đắm nhỏ cách “nhà lô cốt” khoảng một cây số, đang chòi xương sắt gỉ đen lên mặt nước biển. Có thể những tàu này từ đời tám hoánh nào đó bị va vào đá san hô và mắc cạn luôn ở đó?

Những lính đảo đến đây đã thấy xác tàu hoen rỉ từ lâu rồi. Trong tàu không có đồ sứ cổ, hoặc khiên mộc, khí giới thời Trung cổ, chẳng có vàng bạc châu báu đồ trang sức đâu. Xác thịt con người và nếu có những bóng ma thì cũng tan vào bão tố biển cả lâu rồi.

Dạo trước, lúc thủy triều lên có con cá chẳng hiểu bơi lội thế nào bị mắc kẹt vào xác tàu không tài nào ra được. Nó vẫy vùng quẫy đập ầm ĩ, tung nước mù mịt. Cá to như cá nhà táng, vây sặc sỡ đỏ vàng to như cái quạt giấy xòe, đuôi lấp lánh ngũ sắc y hệt tấm thảm lót ghế salông. Bắt con cá thần này rồi mổ ra thì ăn mấy tháng mới hết; chưa biết chừng trong bụng nó có cả vàng, bạc, tiền cổ, thậm chí có cả đồng hồ vàng Ômêga hoặc Kiếm cong Thổ Nhĩ Kỳ còn nguyên bao da cũng nên.
Dulichgo
Lính đảo biết, nhưng chỉ đứng nhìn tiếc hùi hụi. Lệnh trên cấm không cho các đảo tự động đánh bắt hải sản để bảo vệ môi trường biển và cũng chẳng ai nỡ bắt giết một con cá biển kỳ vĩ như thế. Lâu quá, sợ nó giãy giụa trầy vi tróc vảy chảy máu rồi chết, mấy chàng lính trẻ hò nhau mặc áo phao, chạy xuồng cao tốc, buộc dây an toàn bơi đến và loay hoay một lúc cũng gỡ được nó ra khỏi khung xương sắt thép tàu hoen gỉ, te tua sắc nhọn. Con cá nhà táng dường như cũng biết nghĩ và rất cảm động, trước lúc "chia tay", nó còn quay đầu gương đôi mắt to như quả quần vợt màu xanh ngọc bích nhìn những người lính đảo đầy biết ơn rồi mới vẫy đuôi lặn hút sâu vào biển cả.

Ở đảo Núi Le, cách nhà “lâu bền” khoảng 250m về phía tây nam cũng có một xác tàu đắm, luôn cao hơn mặt nước biển, chỉ khi nào sóng to đánh trùm lên nó mới chịu khuất hình biến dạng. Có lẽ bụng tàu quệt vào rạn đá san hô bị... gãy đôi, rồi sóng đùa giỡn dập dồn xô đẩy thân phận tàu hẩm hiu cách gì đó không cắt nghĩa được, mà nên nỗi thành hai khúc nằm song song chẳng chịu rời nhau.

Dù số phận của những người đi biển từ xưa ấy khác nhau thế nào, thì sự hiện diện của các xác tàu đắm vẫn cứ là bí ẩn huyền hoặc. Đời sống lính đảo nổi đảo chìm cũng sinh động thêm vì những xác tàu đắm bí ẩn ấy.

Theo Sương Nguyệt Minh (An Ninh Thế Giới)
Du lịch, GO!