(TTO) - Nhắc tới cốm mùa thu ai cũng nhớ ngay đến cốm làng Vòng. Nhưng ít ai biết đến Hà thành còn có một ngôi làng khác cũng nổi tiếng với nghề cốm gia truyền. Đó là cốm Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội).

< Cốm được gói trong hai lớp lá và buộc bằng những sợi rơm vàng.

Đến Mễ Trì những ngày đầu chớm thu, chỉ cần đi tới đầu làng đã thấy hương cốm tỏa ra thơm phức, ngào ngạt. Cốm được làm từ nhiều loại lúa khác nhau nhưng ngon nhất vẫn là lúa nếp cái hoa vàng trong cả hai mùa lúa chiêm và lúa mùa. Thông thường, người ta thường hay chọn lúa mùa (từ khoảng rằm tháng 7 âm lịch đến hết tháng 9 âm lịch) để làm cốm.
Để có một mẻ cốm ngon, người thợ phải thực sự khéo tay và tinh tế.

Quá trình làm cốm bắt đầu bằng việc đi thu hoạch hay thu mua lúa non về, ngồi nhặt rồi tuốt ra bằng máy. Sau đó, những hạt lúa cho vào thùng to đãi, bao nhiêu hạt chắc, mẩy thì vớt ra để ráo nước, nhóm lò củi cho vào chảo rang, vê cho giòn vỏ rồi đổ ra nia cho nguội.
Dulichgo
Bếp lò để rang cốm thường phải đắp xỉ than nhưng không đốt than mà dùng củi. Chảo rang cốm thường bằng gang đúc, có như vậy từng hạt cốm khi rang xong không bị cháy, vẫn mềm dẻo và thơm.

< Bếp lò để rang cốm đắp bằng xỉ than nhưng không đốt than mà dùng củi.

Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây, cốm được rang trong lửa nhỏ, đảo liên tục cho nóng đều. Thóc rang xong, người làm cốm đợi nguội rồi cho từng mẻ vào cối giã. Thóc được giã đều và vừa tay khi thấy có trấu thì xúc ra xẩy bỏ trấu rồi lại giã tiếp. Tùy theo độ non của lúa khi gặt mà người giã cốm sẽ ước lượng, trung bình khoảng bảy lần giã là hoàn tất. Để ra được một mẻ cốm 40 - 50kg thì mất cả ngày công, khoảng 7-8 giờ.

Cốm thành phẩm sẽ được gói trong hai lớp lá và buộc bằng những sợi rơm vàng. Lớp trong là lá ráy xanh và mát giữ cho cốm khỏi khô và không phai nhạt màu xanh ngọc. Lớp ngoài là lá sen có hương thơm thoang thoảng. Mùi thơm của hương cốm dịu dang thoảng qua. Nhón tay bốc một nhúm từ từ đưa vào miệng. Hạt cốm chạm nơi đầu lưỡi, dẻo, thơm và ngọt bùi.

Đã trải qua nhiều đời gắn bó với nghề cốm của cha ông truyền lại anh Bền (xóm 3, thôn Thượng, Mễ Trì) thấu hiểu nỗi vất vả để có những mẻ cốm thơm ngon. Anh chia sẻ: “Mỗi mùa cốm về cả nhà anh lại tập trung toàn bộ nhân lực để kịp làm hàng. Buổi sáng dậy từ 3g sáng để chuẩn bị máy giã cốm cho kịp sáng giao hàng, tối đêm 10, 11g đêm mới được đi ngủ”. Vào mùa cốm, chợ cốm đêm duy nhất là ở Mễ trì được diễn ra vào lúc 4-6 giờ sáng.

Điểm khác biệt so với cốm làng Vòng nổi tiếng là cốm Mễ Trì làm bằng lúa chiêm nên hạt cốm mỏng, nhưng dẻo và rất thơm. Chính sự khác biệt này đã tạo nên đặc trưng riêng của cốm Mễ Trì.
Dulichgo
Cốm ngày nay không đơn thuần là món ăn chơi, nó được kết hợp ngày càng phổ biến hơn trong các món ăn sang trọng, tạo hương vị mới lạ như chả cốm hay món chè cốm. Nhịp chày giã cốm vang lên khắp thôn khi ánh chiều tà dần phủ buông, khói bếp nghi ngút bốc lên từng mái ngói hứa hẹn những mẻ cốm thơm ngát. Từng hạt cốm thơm dẻo chất chứa bao nỗi niềm của người làm cốm gửi gắm vào đó.
 
< Những gói cốm tươi xanh - những món quà quý của mùa thu.

Cốm là món ăn dân dã nhưng cũng rất sang trọng, nồng nàn mà cũng thật tinh khiết. Nhắc đến mùa thu, nhiều người nghĩ ngay đến món cốm. Phải chăng, hương thơm của cốm trong thời tiết xanh mát những ngày thu đã làm say lòng biết bao người từng thưởng thức, để rồi nhớ mãi không quên.

Chắc chắn ai đã từng một lần thưởng thức vị thơm ngon của cốm Mễ Trì trong những ngày mùa thu có lẽ sẽ không quên được vị thơm ngọt thanh mát của cốm. Và tin rằng, với sự nỗ lực của người dân Mễ Trì, làng cốm sẽ ngày càng ghi dấu, trở thành phong vị không thể thiếu của đất Hà thành.

Theo Huyền Trần (Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!