Hải tặc chỉ có nghĩa là cướp biển. Trên vùng đất Hà Tiên xưa của Việt Nam cũng có cướp biển, do đó người Pháp vẽ bản đồ đã gọi nhóm Hòn Tre là “Quần đảo Hải Tặc” (Iles des pirates).

Chúng tôi từ Hà Tiên háo hức đáp tàu ra Hòn Tre, nay là Tiên Hải trong quần đảo Hải Tặc. Tàu ra khỏi cửa biển, bỏ lại phố chợ Hà Tiên cùng núi non nhấp nhô. Chúng tôi tiếp cận đảo, cái gần cái xa; lẫn trong đó có cả những ghe tàu ra khơi đánh bắt.

Gần hai giờ sau, tàu cập bến. Đường lên bờ ngay chỗ tàu đậu nhưng chúng tôi phải vất vả vì chồng cọc bê tông nằm cản lối, chắc rằng nơi đây sắp xây cầu cảng. Đi giữa lộ cái đến ủy ban xã, cũng phải len qua nhiều hàng quán. Người dân đảo nhìn chúng tôi ngỡ ngàng xa lạ nhưng nụ cười đầy vẻ hiếu khách.

Từ ủy ban xã, theo  con lộ chính là lối đi quanh đảo, chúng tôi đến thăm đồn biên phòng 738. Trường học, bệnh xá, nhà dân nằm gọn hai bên đường. Ai chưa đến Hoàng Sa, Trường Sa của tổ quốc, khi đến đồn biên phòng xã đảo, sẽ có cái nhìn vừa tổng thể vừa chi tiết về cuộc sống người lính đảo.

Nói về lính biên phòng, phần lớn họ đến từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc nước ta. Chính vì vậy, anh em lính đảo thiếu vắng tình cảm gia đình. Nhưng bù lại, họ được nhân dân và chính quyền tận tình chăm sóc. Nhờ vậy, họ an tâm vững dạ bảo vệ an ninh vùng đảo này của tỉnh Kiên Giang. Vui thay, cũng có anh lính đảo tình nguyện nhập cư “ở rể” luôn.

Từ đồn, chúng tôi đến xem hồ nước ngọt, có hệ thống lọc, do các anh bộ đội biên phòng xây cất. Thêm chặng đường ngắn thì gặp bãi tắm. Bãi lài và cạn. Tuyệt vời với làn nước trong xanh êm ả, mặt nước phẳng lì đến khó tin, tìm không ra một gợn sóng vỗ bờ.
Dulichgo
Cát thì cứ trắng phau phau. Từ đây trở lên, đường được trải nhựa khá tốt. Chúng tôi cứ thế mà đi. Chợt có người phát hiện dưới bờ biển, một trụ bia hình mỏ neo của Hải quân chế độ cũ, bia khắc tên các đảo: Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Nhỏ, Hòn Tre Vinh, Hòn Đước, Hòn Giang, Hòn Gùi, Hòn Bánh Lái, Hòn Đồi Mồi, Hòn Kiến Vàng, Hòn Phụ Tử Nhỏ, Hòn Bánh Tét, Hòn Bánh Ít, Hòn Bánh Tổ…

Chúng tôi tiếp tục lên cao dưới cái nắng chói chang thôi thúc. Khi vừa qua khúc quanh, lại thấy nhiều bậc cấp cao, trên đó thật im mát. Mọi người phấn khích bước lên. Ôi, thì ra… cái chùa có tên Sơn Hòa tự. Vừa bất ngờ lại quá mừng, nỗi mệt nhọc bỗng dưng tan biến, chúng tôi hăng hái vào chùa thắp nhang lạy Phật để rồi… cãi nhau:

– Đây không phải chùa mà là miếu.
– Sơn Hòa tự. Tự là chùa. Nhưng sao không có người trông coi, không có sư trụ trì, cửa mở toang mà bốn bề vắng tanh vắng ngắt.
– Chẳng qua người dân đảo có nhu cầu thờ cúng. Họ tự lập chùa, nhỏ thôi, để đến cầu xin, dâng lễ, tạ ơn trước hoặc sau khi ra khơi.
– Đúng là “Mái chùa che chở hồn dân tộc – Nếp sống muôn đời của tổ tông”.

Có người hăng máu cãi rằng:

– Nơi thờ Phật không thể gọi là miếu. Và xin nhớ cho rằng, thị xã Hà Tiên có những ba ngôi chùa mang tên “Hòa”. Đó là Thanh Hòa tự ở xã Thuận Yên, Vạn Hòa tự ở xã Dương Hòa và Sơn Hòa tự ở xã Tiên Hải, tức là chùa này đây.
Dulichgo
Mỗi người nhìn Sơn Hòa tự bằng cái tâm phân biệt đối xử của riêng mình, bởi vì chùa này sao mà vắng vẻ, đìu hiu, nhỏ nhắn sơ sài quá, thật không giống ai. Có giống chăng, ở cách bài trí nghi tượng cùng các vật dụng bình hoa, đèn nhang, chung trà, quẹt lửa v.v. Tất nhiên không có thùng phước điền. Điều lạ nữa, ở đây, từ trong ra ngoài đều sạch. Sau chùa có mắc võng, cả chổi quét, giỏ đựng rác. Điều chứng tỏ có bàn tay con người ẩn mình, chăm sóc.

Và hơn cả sự bất ngờ, chúng tôi lại được một phụ nữ Phật tử nơi đây cho biết: “Vào mồng một, rằm, nhất là ngày Tết, ngày lễ Phật, chùa này đông vui lắm, cũng trống cũng chuông mõ đàng hoàng. Các cụ già lo việc cúng kiếng. Tiền bạc thì người dân, mạnh ai nấy cúng…”. Nghe vậy, chúng tôi khấp khởi mừng, góp tiền cúng dường ngay tại chỗ, nhờ chị này chuyển giúp vì gần đến ngày lễ Vu-lan. Chị có hỏi tên để ghi vào sổ, chúng tôi chỉ cười, bảo rằng: “Phật tử”.chua-dao-hai-tac

Chùa ở lưng chừng núi đảo, đủ cho ta bao quát cái mênh mông diệu vợi của biển trời; lô nhô nhiều đảo lớn, đảo nhỏ, vừa xa vừa gần. Khách lạ khó bề phân biệt cái ta cái bạn giữa hải phận Việt Nam – Cambodia. Nhưng đó là chuyện nhỏ, không phải lo, người dân xứ đảo, từ tấm bé, khi mới bước chân xuống biển đã thuộc nằm lòng tên gọi từng chỗ đứng mỗi ngọn đảo của tổ quốc mình.

Đầu óc loay hoay với Sơn Hòa tự, chúng tôi không thể không nghĩ tới một khi Tiên Hải được xây dựng thành khu du lịch nghỉ dưỡng, người ta không ngần ngại phá bỏ Sơn Hòa tự. Nếu quần đảo Hải Tặc được duyên lành thì nơi đây sẽ có ngôi chùa tầm cỡ hoặc khu thiền viện thay thế, vừa tôn vinh cảnh sắc thiên nhiên vừa làm trụ bảo vệ “hồn dân tộc” tại khu vực biên giới phía Tây Nam này.
Dulichgo
Trước khi ra về, theo đường nhựa, chúng tôi lên đỉnh núi. Lại bất ngờ thấy dãy nhà đơn sơ của Hải quân Việt Nam Cộng hòa, nay vẫn còn nguyên vẹn.

Và đúng là cái duyên thật diệu kỳ. Từ đó về sau, mỗi lần nhớ Sơn Hòa tự, chúng tôi ra đó bằng tàu sắt hay tàu gỗ, mua vé 40.000 đồng/người, lại được hưởng chế độ giảm giá cho người già. Vui nhất, mỗi lần ra, mỗi lần thấy chùa khang trang tươm tất hơn. Nhiều bàn ghế đá đỏ hồng, ghi tên người hỷ cúng được kê kín sân gạch, tượng Phật còn đậm nét sơn, mái tôn ở sân hiên cũng được thay, cơi nới thêm…

Bây giờ tôi đã là người khách quen của tàu. Nếu không ra đó được, tôi chỉ cần gửi tiền cúng dường của mình qua người chủ tàu hay chú tài công, họ sẵn lòng giúp, có khi lại cúng thêm vào. Trước thềm năm mới Quý Tỵ 2013, việc cúng này cũng không ngoại lệ.

Theo Văn Hóa Phật Giáo blog, ảnh sưu tầm.
Du lịch, GO!