Đảo Trường Sa Lớn ngày nay.
(PetroTimes) - Trường Sa ngày nay với cách đây 40 năm về trước quả là “một trời một vực”. Ngày xưa, tức cách đây 40 năm, Trường Sa còn hoang sơ lắm, hoang sơ đến mức người và chim muông như “bạn bè”, chim đậu trên vai, trên đầu, chim đẻ dày đặc dưới bãi cát, muốn có lối đi phải vun trứng chim thành đống, nếu không thì giẫm lên trứng, lên chim non…

Nắng, gió và chim…

Nghe chuyện, có người bảo chuyện như trong cổ tích. Có người bán tín, bán nghi cho rằng “chắc là thêm mắm, thêm muối” cho ly kỳ, chứ làm gì có con vích to như cái nong, nặng đến vài tạ; làm gì có chuyện chim không sợ người; lại càng không có chuyện chở trứng chim từ đảo về đất liền chỉ có vài ngày mà đang là trứng đã… nở thành chim… Người viết bài này đã tham gia giải phóng Trường Sa và ở trên đảo cả tháng sau đó khẳng định rằng, đấy là chuyện thật “một trăm phần trăm”, không hề thêm thắt “mắm muối”.

< Từ ngày 14/4 đến 28/4/1975, quân đội nhân dân Việt Nam mà nòng cốt là Đoàn 126 đặc công hải quân tiến hành giải phóng 6 đảo: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn và An Bang thuộc quần đảo Trường Sa do quân lực Việt Nam Cộng hòa đóng giữ.

Giàu có nhất ở Trường Sa là nắng và gió, sáng mở mắt ra là đã thấy nắng chói chang, gió thì rát rạt. Chẳng vậy mà có mấy ngày ở đảo cánh lính chúng tôi đen nhẻm, nếu thay bộ quân phục bằng cái khố thì chẳng khác gì những thổ dân da đen. Ngày ấy trên đảo rất hiếm bóng cây xanh. Nếu tôi nhớ không nhầm thì ở đảo Song Tử Tây chỉ có khoảng mươi cây dừa; Nam Yết có khoảng dăm bảy cây và một số cây bàng vuông còn ở An Bang, Sinh Tồn thì hầu như trơ trụi.

< Quân ta chọn đánh Song Tử Tây trước vì đây là chỗ yếu nhất và để thăm dò phản ứng của đối phương, làm bàn đạp tấn công các đảo còn lại. Sau khoảng 30 phút giao tranh vào sáng 14/4/1975, binh sĩ VNCH trên đảo buông súng đầu hàng. Chiến sĩ Tống Văn Quang là người duy nhất hy sinh ngay trong trận đánh này. Đồng đội của anh là Ngô Công Quyền bị thương nặng ở bụng và mất trên tàu khi được đưa vào đất liền. 

Bữa cơm lính tráng nếu không “kín cửa” thì gió hắt đầy cát. Còn nữa, trước bữa ăn, nếu không xua hết chim ra khỏi nhà thì cũng hết ăn luôn, chúng sà xuống tranh ăn với người, rồi bay kín nhà, vừa bay vừa làm cái việc “mất vệ sinh”, chúng chẳng biết sợ, thậm chí khi không “vừa lòng” chúng còn tấn công tới tấp. Chim ở Trường Sa chủ yếu là hải âu; lại có loại mỏ quắp như cú mèo, có loại to như con vịt, chúng tôi gọi đấy là ó biển và mòng biển.

< Tham gia giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa còn có đặc công của tiểu đoàn 471 (Quân khu 5). Sau khi tiếp cận và hoàn tất công tác trinh sát: sáng 25/4/1975, lệnh tấn công lên đảo Sơn Ca được đưa ra. Chỉ 30 phút sau khi nổ súng, lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đã tung bay trên hòn đảo này.

Hải âu thì hiền lành nhưng lại “vô tổ chức”, thấy người là sà xuống đậu trên đầu, trên vai, rồi làm luôn cái việc “đi vệ sinh” trên đầu, trên vai chúng tôi. Loại ó biển thì quả dữ tợn, tưởng chúng hiền lành, nhiều người giơ tay thân thiện, bị chúng lao vào mổ toác cả tay, chảy máu. Ngày đầu lên đảo còn lơ ngơ nên hầu hết cánh lính trẻ đều “bị thương” do ó biển tấn công, sau này có kinh nghiệm, ngoài khẩu súng khoác vai, trên tay mọi người lúc nào cũng phải thủ sẵn cái cây hoặc là que sắt, thấy ó biển sà xuống là phải chủ động tấn công ngay, nếu không là bị chúng cho “ăn mổ” liền.

Bữa ăn của lính tráng bọn tôi thời ấy chủ yếu là thịt chim, trứng chim. Ngán trứng, ngán thịt thì xuống biển bắt cá, câu mực, bắt vích. Nghe kể toàn thịt với cá cứ tưởng là sang, nhưng có ai biết được, ăn mấy thứ đó cũng là cực hình. Ngày đầu háo hức chúng tôi hè nhau bắt chim làm thịt, chỉ đến khi xào nấu xong mới biết đây là món cực kỳ khó ăn, bởi thịt chim ở đây rất tanh, phần vì ở giữa trùng khơi thức ăn quanh năm ngày tháng của chúng là cá biển; cộng với việc chế biến món thịt chim lại thiếu gia vị, nên cái háo hức ban đầu tan biến, thay vào đó là là sự “sợ” thịt chim…

< Trường Sa thuở ban đầu sau giải phóng rất hoang sơ, ít cây cối, nhưng hải âu, mòng biển, ó biển... thì nhiều vô số, gặp người chúng chẳng buồn bay. Chúng đẻ trứng dày đặc trong lớp cỏ, bãi cát, các chiến sĩ đi tuần quanh đảo không còn chỗ đặt chân nếu không giẫm lên trứng và chim non mới nở. Trên đảo Song Tử Tây có mười cây dừa. Nam Yết có dừa, bàng vuông. An Bang, Sinh Tồn gần như không có cây cối.


Vích biển - “Xe tăng cá nhân”

Ngày mới giải phóng đảo Song Tử Tây, đêm gác có chú lính mới tò te, lại không phải quê vùng biển, thấy đàn vích bò từ dưới biển lên bãi cát đẻ, đã hốt hoảng báo động. Cả đơn vị lặng lẽ triển khai đội hình chiến đấu, khi chỉ huy hỏi, anh lính này miệng vẫn còn líu ríu: “báo… báo cáo xe… xe tăng… xe tăng cá… nhân” của địch đổ bộ, làm cả đơn vị được trận cười “bể bụng”.

< Bộ đội luyện tập ở Trường Sa những ngày đầu sau giải phóng. Ảnh do nhà báo Nguyễn Khắc Xuể chụp tháng 5/1975.

Khi xuống bãi cát, chúng tôi đều sửng sốt, trên bãi có đến gần “ba chục” con vích, con nào con nấy to như cái nong phơi thóc ở quê tôi, chẳng ai có thể đưa những con vích ấy lên cân được, mà trên đảo cũng chẳng thể có cân mà cân thử, chỉ biết rằng cả tiểu đội xúm lại toát mồ hôi hột mới vần được con vích như kiểu ta lăn bánh xe từ dưới bãi lên trên sân, lên đến sân phải nghỉ mất mươi phút mới lật ngửa con vích lên được.

Chúng tôi chắc mẩm, ngày mai sẽ làm bữa thịt vích cải thiện bữa ăn, sáng ra con vích bị lật ngửa vẫn nằm im đấy, nhưng đã có mấy chục quả trứng chất đống, quả nào quả nấy to như quả bóng bàn. Nhìn con vích, anh nuôi lắc đầu, lè lưỡi xin thua, chúng tôi đành lật con vích lại và vần xuống mép nước. Mấy chục quả trứng vích anh nuôi mang luộc, cứ tưởng luộc như luộc trứng gà, trứng vịt là ăn được, ai ngờ khi vớt ra, trứng Vích vừa mềm, vừa dẻo như kẹo cao su, rất khó ăn.

Để thoát món thịt chim, chúng tôi nghĩ đủ cách để cải thiện bữa ăn. Sẵn lựu đạn mỏ vịt của quân ngụy đầy trên đảo, chúng tôi lấy đánh cá, chỉ một quả lựu đạn thôi, cá nổi trắng cả một vùng. Chán cá, nghĩ cách câu mực, chỉ một đoạn dây buộc túm giẻ rách thả xuống biển, cũng bắt được khối mực nang.

< Từ tháng 3/1976, Bộ Quốc phòng cùng Bộ Tư lệnh Hải quân giao cho Trung đoàn công binh 83 (nay là Lữ đoàn 83) làm nhiệm vụ xây dựng đảo. Hàng trăm tốp công binh và các lực lượng ra đảo cắm mốc chủ quyền, xây dựng đảo chìm, các hạng mục công trình chiến đấu, sinh hoạt cho bộ đội.

Mực ở Trường Sa rất to, trông ngon mắt lắm, nhưng khi xào nấu xong thì mặn đắng không thể ăn được, cả đơn vị cứ “đổ tội” cho anh nuôi, nhưng khi thay món mực xào bằng mực luộc thì vẫn cứ mặn đắng, chẳng ai hiểu tại sao, chỉ có dân biển mới biết mực biển khơi rất mặn, muốn ăn được phải ngâm nước ngọt. Ở đảo, nước ngọt còn quý hơn vàng, lấy đâu ra nước ngọt mà phung phí như đề xuất mang mực ngâm nước ngọt.

Nước ngọt trên đảo cũng là cả một câu chuyện dài, thời ấy chúng tôi chốt trên đảo, hằng ngày mỗi người chỉ được cấp đúng 1 (một) lít nước ngọt. Người chia nước ngọt phải là người công tâm, không có chuyện “cảm tình”, chuyện đồng hương, “đồng khói”; chuyện cấp trên, cấp dưới. Nước ngọt là hàng “quý hiếm” nên tất cả đều bình đẳng, anh nuôi vo gạo bằng nước mặn, nước lợ, nước ngọt chỉ ưu tiên duy nhất cho việc nấu cơm và nước uống.

Trên đảo cũng có một vài bể chứa, mỗi bể chứng 4-5m3, nhưng khổ nỗi, nước trong bể cũng đã cạn, lại ám mùi thuốc súng, che đậy không cẩn thận, bể nào cũng đầy phân chim. Lúc ấy chỉ còn trông chờ vào những trận mưa và nguồn cung cấp duy nhất là lượng nước chứa ở những con tàu đưa chúng tôi đi giải phóng Trường Sa.

Vì thiếu nước ngọt, việc tắm rửa cũng hết sức hạn chế, vài ba ngày mới chỉ dám nhúng khăn để lau người. Nói bảo khô như phơi nắng thì quả là ngoa, nhưng đúng là khăn đã nhúng nước ngọt sau khi được sử dụng cho việc lau người thì không cái nào còn ẩm…Chính vì vậy mà chúng tôi, da ai cũng sần sùi, mốc meo chai sạm.

Pháo… dừa và thùng chim non

3 giờ sáng 14-4-1975, chúng tôi tấn công đảo Song Tử Tây. Chỉ trong khoảng 30 phút chiến đấu, chúng tôi hoàn toàn làm chủ trận địa. Ngày ấy tàu không thể cập sát mép đảo vì đá ngầm và san hô. Không thể ước lượng chính xác tuyệt đối, nhưng cũng có thể “ang áng” được khoảng cách từ khi thả xuồng cao su từ tàu xuống biển cho đến khi đổ bộ được lên đảo, chúng tôi lúc ngồi trên xuồng, khi thì phải bơi bộ phải vượt qua khoảng 3km.

< Khi mới bước chân lên đảo, những người lính đã có ý thức xây dựng một Trường Sa xanh khi xin đất liền chở ra hàng trăm tấn đất phù sa, hạt rau và những giống hoa ra đảo. Từ những cây cổ thụ này, lính đảo đã chiết cành, ươm mầm để đảo hôm nay rợp bóng mát.

Cho đến bây giờ ngồi viết lại những dòng này, tôi vẫn còn nhớ như in quyết định của Trung tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Mai Năng, Đoàn trưởng Đoàn 126, người chỉ huy tực tiếp cánh quân duy nhất trên biển đi giải phóng Trường Sa.

Ông nhỏ nhẹ mà cương quyết khi ra lệnh cho chúng tôi chặt mấy cây dừa già cỗi trên đảo để giả làm pháo nòng dài, ông yêu cầu mọi người phải xây dựng trận địa pháo như thật, pháo phải được ngụy trang bằng bạt, tất cả các thùng gỗ được huy động xếp gọn gàng quanh trận địa, được phủ bạt.

< Trường Sa năm 1988.

Lúc ấy chúng tôi chỉ biết chấp hành mệnh lệnh và khẩn trương hoàn thành các trận địa pháo. Sau này được biết, sở dĩ phải gấp rút xây dựng các trận địa pháo… dừa ấy là kế nghi binh để giữ đảo.

Lúc ấy do lực lượng mỏng, vũ khí lại thô sơ, ở các đảo khác trên quần đảo Trường Sa lực lượng địch vẫn còn đấy; trên biển tàu chiến của nước nào đó vẫn cứ lởn vởn cách đảo không xa. Cùng với lực lượng địch, còn có những “tàu lạ” của một nước lớn âm mưu lúc “tranh tối, tranh sáng” nhằm chiếm các đảo trong quần đảo Trường Sa của chúng ta. Kế nghi binh ấy không chỉ làm cho quân ngụy e dè, mà cả những tàu lạ kia chỉ lởn vởn bên ngoài không dám thực hiện mưu đồ đen tối của họ.

< Đảo Trường Sa Lớn ngày nay: sung túc, trù phú, hiện đại.

Sau khi chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ giải phóng toàn bộ các đảo trong quần đảo Trường Sa thì bàn giao lại cho lực lượng bộ binh của Quân khu 5 chốt giữ. Ngày tạm biệt đảo về đất liền, ai cũng muốn mang một chút gì đó của biển, của Trường Sa về làm quà cho đất liền, vỏ ốc các loại ai cũng chất cả nửa balô, nhưng vẫn như thiếu thứ gì đấy. Bọn tôi bàn nhau nhặt trứng chim cho vào thùng đạn đưa lên tàu.

Sở dĩ nghĩ đến chuyện mang trứng chim, bởi những ngày trên đảo, duy nhất món trứng chim được chế biến là khả dĩ nhất, bàn nhau mang trứng chim vào bờ làm bữa liên hoan với anh em để cho có hương vị biển. Chúng tôi chất đầy 3-4 thùng đạn với cơ man nào là trứng, trứng to, trứng nhỏ đều có cả, lúc ấy cũng chẳng có rơm, có lá, có giấy để lót trứng, chúng tôi đành dùng cát để chống lắc, chống vỡ trứng.

< Đảo Song Tử Tây.

Khi tàu cập bến bọn tôi khiêng mấy thùng trứng chim lên, cứ đinh ninh sẽ có món trứng chim chiêu đãi người đất liền. Ai ngờ khi mở nắp thùng, chim non đã nở khá nhiều… Chúng tôi chẳng biết giải quyết tình huống phát sinh này như thế nào, đành phải nhờ các anh làm nhiệm vụ ở cảng Cát Lái giải quyết giúp.

Vậy mà 40 năm đã trôi qua, kỷ niệm của những ngày đầu đi giải phóng Trường Sa ập về trong tôi. Ngồi nhớ lại những mẩu chuyện đời thường của lính những ngày đầu ở đảo rồi chép ra đây để nhớ về một thời đầy gian khó, đầy thiếu thốn, nhưng cũng đầy hào hùng của những người lính được vinh dự đi giải phóng Trường Sa trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Theo Petrotimes.vn, Vnexpress...
Du lịch, GO!