(TPO) - Không giống như trong truyện thần thoại về những miền sơn cước hùng vĩ, thơ mộng, làng Đắk Bối (xã Mường Hoong, Đắk Glei, Kon Tum) được mệnh danh “ốc đảo” giữa đại ngàn. Phải vượt mấy chục quả đồi cao ngất ngưởng, thung lũng sâu hoắm, rồi qua con dốc “tình yêu” mới đến được Đắk Bối.

< Làng Đắk Bối được ví như “ốc đảo” giữa đại ngàn.

“Phượt thủ” bất đắc dĩ

Từ trung tâm huyện Đắk Glei (Kon Tum) đi xe máy 20km xuyên qua các vách rừng dựng đứng, vực sâu thăm thẳm, rồi đạp núi mà đi sẽ lên được làng Măng Khen-miền quanh năm sương rét khắc nghiệt. Làng Măng Khen thuộc xã Đăk Man (Đắk Glei, Kon Tum) nằm ém mình dưới chân núi Ngọc Linh hùng vĩ, uy nghi như vị thần núi bao bọc cho cả làng đồng bào dân tộc Xê-Đăng.

Hôm đó, 5 giờ sáng, tôi trở thành “phượt thủ” bất đắc dĩ khi một mình một xe máy xuất phát từ điểm đầu của quốc lộ 24, bon bon trên con đường thơ mộng nhưng không kém phần nguy hiểm và gian nan để đến với Mường Hoong-một xã xa nhất của huyện Đắk Glei. Cái rét của núi rừng như xiên vào từng thớ da mớ thịt, khiến toàn thân thể như đông cứng lại.

< Con đường mòn đầy đá chông chênh dẫn tới điểm trường Đắk Bối.

Chiếc xe cứ chầm chậm lăn bánh, sau khoảng 2 giờ trên con đường đèo dốc, quanh co tôi cũng đến được thung lũng Mường Hoong. Mường Hoong hiện ra trước mắt như một bức tranh sơn thủy. Phía trước là con sông uốn mình cứ thế “reo ca”, xa xa là ngọn núi Ngọc Linh nằm uy nghiêm, hùng vĩ chưa một ai từng đặt chân lên đó. Nghe kể rằng, đã có không ít người dân bản địa quyết tâm trèo lên đỉnh một lần, nhưng khi trèo lên được nửa, bỗng nhiên trời đất tối sầm lại, mây giông kéo đến, thế là họ phải quay trở lại. Cũng có nhiều đoàn thám hiểm trong và ngoài nước muốn chinh phục ngọn núi này, nhưng khi đưa các máy móc hiện đại nhất lên đây thì đều không sử dụng được và cho đến nay chưa có một nhà nghiên cứu nào có thể lý giải về chuyện kỳ lạ này.

Đường lên Đắk Bối xa xôi

Để vào được Mường Hoong quả thật là một kì tích đối với những tay phượt, nhưng cũng chưa thấm gì khi chỉ nghe nói đến con đường lên Đắk Bối (một trong hai ngôi làng xa nhất của xã Mường Hoong) cũng đủ làm tôi dựng tóc gáy. Dulichgo

Tại đây, tôi được người dân giới thiệu cho hai “hướng dẫn viên” để chỉ đường lên Đắk Bối. Một người là Đàm Văn Cơ làm nghề mua bò có tiếng ở đây, còn anh chàng cao to, nói tiếng Kinh chưa sõi là A Mẽ. Theo như lời người dân thì A Mẽ là người bản địa, thông thuộc mọi đường đi lối lại, anh ta đã nhiều lần làm “hướng dẫn viên” cho các đoàn muốn chinh phục đỉnh núi Ngọc Linh.

< Đường lên Đắk Bối hết sức khó khăn.

Bữa cơm tối tươm tất xong, lúc này trời cũng đã chập choạng tối, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình làm “thánh phượt”. Họ dẫn tôi đi lên mấy chục quả đồi cao dựng đứng, vượt qua nhiều thung lũng sâu hoắm, đen kịt, rồi đi qua mấy đồi quế, nương ngô và băng qua mấy khu rừng thông, thế mà vẫn chưa đến được Đắk Bối.

Vừa đi, hai chàng “hướng dẫn viên” vừa kể cho tôi nghe sự tích về con dốc “tình yêu”: “Khi ngôi làng Đắk Bối được thành lập, họ sinh con đẻ cái, làm nhà dựng lán thì có 2 thầy, cô dưới xuôi lên đây cắm bản dạy chữ cho con em. Trên đường đi lên Đắk Bối xa xôi quá nên họ vừa đi vừa hát vừa chọc ghẹo nhau để quên đi khó khăn, vất vả với mong muốn đem con chữ lên với đồng bào vùng cao. Từ đó, người đồng bào nơi đây gọi đó là dốc “tình yêu”.

Nói đoạn, A Mẽ ngồi bệt xuống đất thở không ra hơi chỉ tay về phía bên kia, cách 2 quả đồi cao, nơi giáp ranh với huyện Nam Trà My (Quảng Nam): “Chỉ cần vượt qua 2 quả đồi cao kia rồi băng qua khu rừng thông nữa là đến được Đắk Bối”. Lúc này, đồng hồ điểm 20h.

< Trẻ em ở Đắk Bối ít được tiếp xúc với bên ngoài, điều kiện sống ở đây còn rất nhiều thiếu thốn.

“Nói là con đường cho nó sang thế thôi chứ nó chỉ là một lối mòn nhỏ chạy ngoằn ngoèo, hiểm trở từ trung tâm xã Mường Hoong lên tận ngọn núi cao chót vót, nằm sát nách với huyện Nam Trà My”, Đàm Văn Cơ tiếp lời A Mẽ. Dulichgo

Thế rồi, đúng 21h, chúng tôi cũng đến được Đắk Bối. Đứng trên ngọn đồi cao vời vợi, cả làng Đắk Bối hiện ra chỉ một màu đen kịt, thỉnh thoảng lại có vài ánh đèn pin của những người đi soi ếch lập lòe rồi mất hút dưới chân núi.

Vùng đất “5 không”

Bên bếp lửa hồng, già làng A Lê Lối kể cho tôi nghe: “Làng Đắk Bối hết sức khó khăn. Bà con ở đây trồng chủ yếu là cây lúa, cây sắn, bời lời, quế… nhưng khi thu hoạch xong thì không có đường để vận chuyển ra xã bán. Để cõng ra xã thì không cõng nổi vì con đường quá xa và hết sức hiểm trở. Dù làm kinh tế bao nhiêu mà không có con đường thì cũng đành chịu. Chỉ có con đường thì dân mới xóa đói giảm nghèo, giao lưu học hỏi người Kinh ở dưới xuôi được”.

Già làng nói, làng Đắk Bối là làng độc lập, là vùng căn cứ địa cách mạng quan trọng của huyện Đắk Glei. Khi mới thành lập, làng có khoảng 90 hộ dân. Trải qua năm tháng chiến tranh khốc liệt, bệnh dịch hoành hành giờ đây chỉ còn khoảng 66 hộ.

Nói về ngôi trường cho con em đồng bào, già làng giải thích: “Trường trên bản này chỉ có 1 lớp mẫu giáo, 2 lớp tiểu học và học sinh chỉ khoảng vài chục em. Mỗi buổi học chỉ có 4-5 em đến lớp, mỗi lớp chỉ có mấy cái bàn cũ, cơ sở vật chất tạm bợ, thiếu thốn. Cũng tại vì bố mẹ chúng chưa nhận thức được việc học nên thường khi nào đi làm nương, làm rẫy họ cho con lên nương, đến tối mịt mới về nhà. Chính vì thế, trẻ con ở đây thất học rất nhiều”.

Sáng hôm sau, tôi dạo quanh làng một vòng, tình cờ gặp một cô bé chừng 5 tuổi đang đứng bên hiên nhà tên là Y Lết. Bố mẹ Lết đi nương nên cô bé phải ở nhà một mình. Y Lết năm nay đã đến tuổi vào mẫu giáo lớn nhưng cô bé vẫn chưa được đi học.

Cả xã Mường Hoong thì Đắk Bối là một làng cá biệt, chưa có điện, chưa có trạm. Ở đây nhiều hộ gia đình chung tiền mua một chiếc máy tua-bin nước, ngày mưa thì họ tập trung tại một nhà và cũng chỉ phát được một chiếc ti vi cho mấy hộ xem. Ở Đắk Bối nhà nào có điều kiện lắm cũng chỉ sắm được chiếc điện thoại nửa triệu bạc, mong rằng để liên lạc với bên ngoài, nhưng không có sóng nên chiếc điện thoại chỉ dùng để nghe nhạc. Nói đến trạm y tế, già làng phấn khởi khoe: “Hiện giờ Già cũng đang cố gắng tạo điều kiện cho con em đi học ngành y để về phục vụ trạm thôn. Sắp tới con của Già xuống tỉnh học nâng cấp 6 tháng. Trước sau gì thì trạm y tế thôn cũng phải có, nhưng phải từng bước”.

< Đã đến tuổi đi học nhưng Y Lết vẫn chưa được đến trường.

Sở dĩ chúng tôi lên Đắk Bối khi mặt trời đã tắt, bởi vì dân ở đây đi làm từ khi mặt trời chưa mọc cho đến khi mặt trời xuống tận chân núi, lúc đó họ mới lọ mọ về nhà. Tiếp tôi trong nếp nhà sàn truyền thống của người đồng bào Xê-Đăng, Phó thôn A Ủng, cho biết: “Khi thành lập làng, Nhà nước quan tâm cho đồng bào mái tôn để lợp nhà, giúp nhân dân tự lập kinh tế. Hiện, cả làng Đắk Bối có tất cả 66 hộ dân, nhưng hiếm người học hết lớp 9. Người dân không biết mặt chữ, nên khó tiếp thu kiến thức làm giàu. Mặt khác, từ xã lên đây không có đường nên việc đi lại, trao đổi với dưới xuôi cũng hạn chế rất nhiều”.

“Mỗi năm người dân ở đây thu nhập được bao nhiêu?”. Câu trả lời chúng tôi nhận được là họ không thu nhập gì ngoài việc tự làm, tự ăn. Cũng tại không có đường nên cách đây 5 năm, Nhà nước có dự án kéo điện vào cho buôn làng Đắk Bối nhưng thời điểm hiện tại vẫn nằm trên giấy…

Lại nói về con đường, Phó thôn nhớ như in chuyện thương tâm cách đây mấy năm: Đêm đó, A Lanh, người trong bản bị ngã từ trên nhà sàn xuống, không may đầu va vào đá, máu chảy rất nhiều, nhưng bà con không biết làm gì. Ngay trong đêm cả làng tập trung lại và khiêng A Lanh xuống núi để đưa đi cấp cứu ngoài huyện. Nhưng quãng đường quá xa, mất máu nhiều và A Lanh mất.

Theo Du Nghĩa (Tiền Phong)
Du lịch, GO!