Là một trong những xã miền núi xa nhất của huyện Phong Thổ (Lai Châu), giáp biên giới Trung Quốc, Sì Lờ Lầu cũng là vùng đất đầy bí ẩn đối với những ai lần đầu bước chân đến. Ở Sì Lờ Lầu, khi những ngày đông tàn, xuân tới, khi đàn ông bổ củi làm thịt lợn chuẩn bị đón tết thì những người phụ nữ lại tụ tập quanh bếp lửa nhổ tóc cho nhau. Và cũng chỉ duy nhất một lần trong năm, khi bước vào ngày giáp Tết, người phụ nữ Dao đỏ nơi đây mới gội đầu.

Bí ẩn vùng đất miền biên viễn

Nhìn trên bản đồ vùng phía Bắc Tổ quốc Việt Nam, nhiều người liên tưởng Sì Lờ Lầu giống như ngón tay đeo nhẫn trên bàn tay. Có thể hình dung đỉnh Móng Cái (Quảng Ninh) là ngón cái, đỉnh Lũng Cú (Hà Giang) cao nhất là ngón giữa, đỉnh Thu Lũm (Lai Châu) là ngón út nơi cực Tây Bắc. Ngoài “ngón tay cái” ra thì để lên đỉnh của những “ngón tay” còn lại đều phải trải qua những con đường khúc khuỷu, gian nan thử thách.

Theo những cụ già người Dao đỏ trên vùng đất này thì Sì Lờ Lầu có nghĩa là “12 tầng dốc”. Sở dĩ người ta gọi là cung đường của “12 tầng dốc” vì từ TP Lai Châu lên đây phải đi qua đúng 12 đỉnh núi, bên núi cao, bên vực thẳm. Và một điều thú vị thường thấy trên cung đường này là hoa đào thường nở từ rất sớm, khoảng tháng 11 đã bắt đầu nở, để rồi khi trái đã đơm, bước vào đúng dịp xuân, những cây đào lại đơm hoa lần nữa.

Giờ đây, cuộc sống của đồng bào dân tộc đã đổi thay nhiều, nhưng nền văn hóa, phong tục của đại đa số vẫn được giữ nguyên sơ và đầy thú vị. Đặc biệt là phụ nữ Dao đỏ trên vùng đất này, bao nhiêu năm qua, tục nhổ tóc, cạo trọc đầu và chỉ gội đầu một lần duy nhất vào dịp Tết vẫn được duy trì như một nét văn hóa riêng biệt độc đáo

Dừng chân bên một con dốc, trong cái nắng cuối mùa đông, bà Lý Tả Mẩy (45 tuổi, vợ Bí thư Đảng ủy xã Sì Lờ Lầu) đang ngồi phơi nắng và trò chuyện với hàng xóm. Điều khác biệt thu hút ánh mắt những con người miền xuôi như chúng tôi khi nhìn vào bà Mẩy và tất cả phụ nữ Dao đỏ tuổi trung niên trên vùng đất này là trên đầu gần như không có tóc. Bà Mẩy cười bảo: “Tục lệ nhổ tóc ở đây đã có từ nhiều đời trước. Thế hệ chúng tôi sinh ra đã được mẹ căn dặn khi trưởng thành, lấy chồng thì phải nhổ tóc. Đau cũng phải nhổ và thường thì một tháng nhổ một lần. Ngày giáp Tết thì bắt buộc ai cũng phải nhổ, bởi đó là cách làm đẹp mỗi khi bước vào năm mới. Ở đây phụ nữ nhổ tóc đón năm mới cũng như mua sắm quần áo đẹp đón Tết vậy”. Dulichgo

Ngồi cạnh bà Mẩy, bà Tẩn Thị Phẩy (ở bản Gia Khâu) kể lại rằng: “Tục nhổ tóc của người phụ nữ Dao đỏ trên Sì Lờ Lầu này đã có từ lâu lắm rồi và ở mỗi nơi lại một ý nghĩa khác nhau. Trước đây, tôi nghe bà và mẹ kể rằng, phụ nữ Dao đỏ phải nhổ tóc để tránh việc làm vương vãi tóc khi nấu nướng. Ở đây, khi người đàn ông ngồi ăn cơm thì phụ nữ phải đứng để xới cơm. Theo truyền miệng từ ngày xưa, ở một gia đình, lúc ăn cơm, bố chồng thấy một sợi tóc dài của phụ nữ rơi trong cơm nên đã mắng con dâu và đòi đuổi ra khỏi nhà. Từ đó, bất cứ người Dao đỏ nào khi lấy chồng đều phải nhổ tóc, chỉ để lại một chỏm tóc trên đỉnh đầu.

Lý giải về điều này, bà Tẩn Thị Phẩy bảo, đỉnh đầu là nơi trú ngụ hồn vía của con người, quan niệm để chỏm tóc như vậy là tránh không bị đau ốm. Mặt khác, phụ nữ tóc nhanh dài hơn đàn ông nên chấy rận nhiều, để tóc tốt thì chấy rận trú ngụ ngữa không tài nào chịu được và tóc dài thì khi lên nương bị vướng, không làm được việc gì.

Cầu kỳ tục nhổ tóc

Chúng tôi đến thăm nhà chị Tẩn Sỳ Mẩy, cách nhà bà Phẩy không xa. Chị Mẩy năm nay mới 34 tuổi nhưng đứa con đầu đã... 17 tuổi. Chị Mẩy kể, ngày xưa, mới bước sang tuổi 17 đã bị "bắt về làm vợ". Theo tục của người Dao đỏ trên này, nếu cô gái nào bị "bắt về làm vợ" không ưng người đàn ông đó làm chồng thì sẽ bỏ về nhà. Nếu đồng ý làm vợ, cô gái sẽ ở lại nhà chồng khoảng 2 hoặc 3 ngày. Trong thời gian này, cô gái phải nhổ tóc để chứng tỏ thật lòng như cam kết hẹn ước, rồi được nhà chồng cúng ma thành người một nhà.

Trước đây ở vùng đất "12 tầng dốc" này, theo tập tục thì sau khi lấy chồng, người phụ nữ nào cũng phải nhổ tóc, sau đó dùng sáp ong vuốt chỏm tóc trên đỉnh đầu thành chóp rồi cắm cờ đỏ, úp khăn đỏ. Cách nhổ tóc của phụ nữ nơi đây cũng khá đặc biệt. Họ dùng sợi chỉ xoắn đi xoắn lại vào sợi tóc, sau đó giật đứt chân tóc. Họ phải dùng tay nhổ tóc chứ không cạo vì sẽ rất xấu. Sau đó họ nấu sáp ong và bôi lên đỉnh đầu làm chóp tóc.

Để thực hiện công việc này, theo chị Tẩn Sỳ Mẩy, trước khi nhổ tóc, phải chuẩn bị bộ đồ nghề, bao gồm sáp ong, sợi chỉ chuyên dùng để nhổ tóc, chiếc lông nhím khô cứng cùng bộ khung và khăn đỏ, cờ đỏ để cắm lên đầu. Tiếp theo, lấy cục sáp ong cho vào bát mang nướng trên ngọn lửa để sáp ong nóng chảy rồi dùng lược nhúng vào bát sáp ong đó, vừa chải vừa phết vào tóc thành từng lọn nhỏ từ đỉnh đầu trở xuống. Phần tóc này dính sáp bết vào nhau và cứng lại, rồi được vấn tròn vào đầu từ trên xuống dưới, đều đặn, ngay ngắn. Để hoàn thành công việc sơn đầu, phải mất vài tiếng, càng sơn lâu, càng óng đẹp.

Sau gần hai ngày, khi sáp ong đã khô, tóc đã bết, công việc sơn đầu coi như hoàn thành. Từ đó trở đi, người phụ nữ không gội đầu. Nếu tóc bị bẩn, họ lấy quả chanh, quả bưởi mọng nước chà lên tóc là sạch ngay. Nếu thấy ngứa, họ dùng lông nhím để gãi. Mỗi lần sơn để lâu 3-4 tháng, có khi cả năm. Chỉ đến dịp Tết, họ mới giở tóc ra, dùng nước lá thơm đặc biệt chải vuốt hết sáp cũ, làm lại từ đầu. Dulichgo

< Ngày nay, nhiều phụ nữ trẻ ở đây không còn nhổ tóc, cạo đầu như trước.

Đặc biệt, nếu như cô gái nào chết trẻ, chưa lấy chồng thì người thân phải nhổ tóc cho cô gái trước khi nhập quan. Người Dao đỏ nơi đây quan niệm: Nếu không nhổ tóc thì cô gái sẽ không siêu thoát và kiếp sau sẽ không được làm người. Cũng có người do ốm đau, tóc dài chưa nhổ được, khi chết sẽ được người thân nhổ tóc như bao phụ nữ còn sống khác.

Ông Phàn Phủ Xiên, Chủ tịch UBND xã Sì Lờ Lầu cho biết, cả xã Sì Lờ Lầu có 629 hộ với 3.600 khẩu thì 100% là người Dao đỏ. Ngày trước hầu hết phụ nữ nơi đây đều nhổ tóc và cắm vải đỏ trên đỉnh đầu. Tuy nhiên sau này, các cô gái Dao đỏ ít nhổ tóc hơn vì cho rằng nhổ tóc đau nên dễ chảy nước mắt, mà chảy nước mắt sẽ làm mắt mờ. Bây giờ chỉ có các phụ nữ trung niên duy trì việc này vì muốn lưu giữ phong túc của ông bà, tổ tiên và muốn thể hiện nét đẹp, bản sắc của dân tộc mình.

Chiều cuối năm trên vùng đất Sì Lờ Lầu sương lạnh quyện vào những đám mây trắng cùng khói chiều buồn hoang hoải. Hình ảnh những người phụ nữ Dao đỏ nguồi nhổ tóc cho nhau bên bếp lửa, rồi gội đầu khi giao thừa sắp đến như một dấu ấn khi đến vùng đất miền biên viễn này.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tộc người Dao có nhiều nhóm sinh sống nhưng ở Phong Thổ thì chủ yếu là người Dao đỏ bởi phụ nữ thường quấn khăn hay đội mũ đỏ, áo xanh đen có nhiều hoa văn đỏ và trắng ở cổ, vạt, tà áo. Ngoài tục nhổ tóc thì người phụ nữ Dao đỏ trên đất Phong Thổ còn có tục cạo chân mày. Ngoài ra, người Dao đỏ ở Lai Châu cũng có nhiều tục lệ đặc biệt và thú vị khác. Chẳng hạn như gia đình nào đang nấu rượu ngày Tết mà người lạ đến chơi thì họ cho rằng rượu sẽ bị chua và khê, nên khi nấu rượu, họ phải cắm lá trước cửa nhà để báo và người lạ biết ý sẽ không vào nữa. Họ cũng có tục kiêng sờ đầu trẻ em vì cho rằng đó là nơi trú ngụ hồn vía con người nên không được ai chạm đến.

Theo Gia đình & Xã hội Xuân Ất Mùi
Du lịch, GO!