Hội An - Quảng Nam được xem là nơi xuất xứ nghề trồng quất (từ địa phương gọi là quật) của các tỉnh, thành miền Trung với lịch sử hàng trăm năm. Từ nơi này, mỗi năm trong mùa tết đến thì gần trăm ngàn chậu quất lớn nhỏ mang xuân đi khắp muôn nơi.

< Hàng vạn cây quất lúc lỉu trái.

Nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với việc trồng quất, nên những vùng Tân An, Thanh Hà, Cẩm Hà, Cẩm Châu... là vùng đất màu mỡ của quất. Từ đầu làng đến cuối xóm, đâu đâu cũng có nhà trồng quất. Tuy tiết trời đông mưa lạnh nhưng ai cũng gắng chăm chút vườn quất xuân của mình để trĩu cành, xanh lá.

Bắt đầu vào ngày đầu tháng chạp, các nhà buôn khắp mọi miền đất nước bắt đầu về xã Cẩm Hà đặt hàng (đặt cọc) để đến ngày 15 tháp chạp trở đi, tấp nập những chuyến xe quất mang xuân tới khắp muôn phương. Nhưng trước đó, vào những ngày cuối năm: làng quất rực vàng, tuyệt đẹp trong sắc nắng xuân, cũng là nơi mà những bạn trẻ có thể chụp những tấm hình lung linh nhất.

Nghề trồng quất lắm công phu. Để có được một chậu quất xanh tốt, thắm tươi, trĩu quả, vàng rực ít nhất phải mất hai năm; còn quất kiểng, cổ thụ thì phải nhiều năm tùy theo thân thế của quất. Dulichgo

Với những hộ bán quất giống bắt đầu từ tháng giêng (trồng quất thường tính theo lịch âm), chọn những cây giống tốt để chiết cành (tùy theo cây giống để chiết cành cho phù hợp).

Đến tháng ba là cắt cành rồi giâm xuống đất, tập trung lại với nhau để tiện tưới nước, chăm sóc. Đến khoảng tháng 6 lại đào lên đem trồng theo hàng (tùy theo độ lớn bé của cây có thể cách nhau từ 1- 1,5m). Đến tháng mười một thì bán cây giống. Thường mỗi cây giống chỉ bằng giá 1/3 so với chậu quất khi xuất bán.

Đối với những gia đình làm chậu cảnh bán tết thì sau khi mua giống về vào tháng 11, cho vô chậu, bấm hết lá, chồi, đọt (để lại bộ xương không). Một tháng sau, khi chồi ra trở lại thì chăm sóc đến tháng sáu canh để cho ra bông, khoảng tháng tám ra trái. Nếu cảm thấy trái nhiều quá thì ngắt bớt để nuôi cho trái quất to, đẹp. Đến tháng mười thì cắm cọc làm tháp, tạo thế tùy theo cây (trước đây thường chơi quất tháp, nay có xu hướng chơi quất thế). Đầu tháng chạp thì chỉnh sửa lại cho đẹp và sau rằm tháng chạp có thể xuất bán.

Theo những người có kinh nghiệm: để có cây quất đẹp, ngoài kinh nghiệm thì thời tiết có vai trò hết sức quan trọng. Nếu mùa hè có mưa giông sớm, không nắng hạn, không mất điện (quất đủ nước tưới) thì năm đó cây quất sẽ rất đẹp. Trái lại, năm nào mưa giông muộn, nắng hạn, điện mất thường xuyên... cây trái quất sẽ không đẹp lắm. Nếu quất bị ruồi nhỏ chích gây rụng trái, bị nấm bỏng làm rụng trái hàng loạt, thì coi như cây quất đó bỏ.

< Khách có thể dễ dàng nhận ra cây quất Hội An, bởi trái to, chín rất đều.

Tục tại làng quất là cứ vào ngày 12 tháng giêng hàng năm, các thôn xóm đều làm lễ cúng nghề trồng quất ở miếu làng. Đây là dịp để những người làm quất báo cáo với tổ tiên về mùa vụ đã qua, cũng là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm với nghề. Dulichgo

Lễ cúng đơn giản, chỉ gồm một đầu heo, con gà, một ít giấy tờ vàng mã, rồi cử một người lớn tuổi đại diện đứng ra báo cáo với tổ tiên. Sau đó gia đình nào trong mùa vụ qua trúng nhiều thì tự nguyện góp nhiều, trúng ít thì góp ít, cùng nhau vui chơi thỏa thích.

< Những hàng quất cao quá đầu người, bừng sáng trong nắng xuân.

Lão nông Tạ Ngọc Hóa (Tân An, Hội An) có gần 20 năm gắn bó với nghề trồng quất, vui vẻ chia sẻ, năm nay nhuận, thời tiết có vẻ thất thường, nhưng không vì vậy mà cây quất ở Hội An kém đẹp. Ông Hóa tự hào khoe, 70% trong 500 cây quất ông trồng đã được đặt mua. Riêng vườn quất của ông Nguyễn Kim Nhất (tổ 6, P.Thanh Hà, Hội An), nơi có hơn 700 cội quất, đa số là những cội cổ thụ giống như một cánh rừng trĩu trái...

Cùng với nghề trồng rau, hoa, nghề trồng quất tết đã tạo cho người dân Hội An đời sống khấm khá. Nhiều gia đình có điều kiện cho con cái học tập nên nhiều con em của các xã đã thành đạt, có cuộc sống ổn định.

Du lịch, GO! tổng hợp, ảnh internet