(ANTĐ) - Trong những trải nghiệm của người đi “phượt”, không chỉ có phong cảnh non xanh nước biếc, hay những câu chuyện vui vẻ, những trải nghiệm và thử thách bản thân, hành trình khám phá của chúng tôi còn có cả những câu chuyện lịch sử, hành động tri ân, tưởng nhớ, hướng về nguồn cội. Cũng bởi vậy, Quảng Trị là một trong những địa danh không thể không đến, không thể không thăm để hoài tưởng, tri ân, nhớ về những mốc thời gian cùng những ký ức lịch sử bi tráng, hào hùng của một thời “tài hoa ra trận”.
Quảng Trị, mảnh đất lịch sử gợi lên những nỗi niềm, những xót xa về một thời bom đạn chiến tranh. Mỗi người Quảng Trị ngày nay khi nói về quê hương mình đều nhắc đến “đặc sản” “gió Lào, cát trắng và những câu chuyện lịch sử mãi được khắc ghi”.
Tôi đến Thành cổ Quảng Trị trong một hành trình xuyên Việt và cũng là đi tìm những dấu tích ở vùng đất miền Trung khắc nghiệt này. Thành cổ Quảng Trị không chỉ là một tòa thành, đó còn là nơi lưu giữ biết bao ký ức về cuộc chiến 81 ngày đêm khốc liệt. Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị được xây ngay trong khuôn viên, bên cạnh một gò đất cao giữa thành mà như những cán bộ hướng dẫn du khách tham quan vẫn nói: “Có thể coi đây là nấm mồ chung cho những người chiến sỹ đã ngã xuống trên mảnh đất này. Bởi ở trong Thành cổ, dưới mỗi tấc đất, mỗi ngọn cỏ, gốc cây đều là máu thịt, là những tấm thân liệt sỹ đã bị chôn vùi bởi bom cày, đạn xới”. Dulichgo
Có lẽ cũng bởi vậy mà trên gò đất ấy được dựng lên một lư hương lớn với ngọn tháp như khắc lên trời, để ghi dấu về những ngày lịch sử đã qua của một Thành cổ Quảng Trị anh hùng. Trên những bức tường gạch bao quanh, những bờ hầm vẫn còn đó chi chít dấu đạn, vết bom. Nơi những bước chân của thế hệ hôm nay thảnh thơi dạo bước, vẫn còn đó những dấu tích xưa xanh xám, mốc meo màu chiến tranh, màu bi tráng.
Dòng Thạch Hãn nằm nghiêng bên Thành cổ, cứ trôi đi không lưu lại chút gì quá khứ. Ấy vậy mà những người đến tham quan, chiêm bái vẫn thấy nghẹn ngào.
Dường như có gì đó nức nở sâu trong lòng người đứng nhìn dòng xuôi ra biển lớn. Bởi trên dòng sông ấy, ngày nay, những con thuyền vẫn nhẹ nhàng xuôi ngược, những chuyến đò ngang thong thả nối đôi bờ. Đứng trước dòng sông ấy, có nhà thơ quân đội từng viết để tưởng nhớ, tri ân những người đồng đội: Đò qua Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.
Dù xuôi Nam, ngược Bắc hay ghé ngang đường 9 Khe Sanh. Những dấu ấn Thành cổ, Thạch Hãn sẽ mãi lưu trong lòng những người yêu xuôi ngược trên hành trình khám phá để thêm hiểu và thêm yêu quê hương.
Theo Vũ Thanh (An Ninh Thủ Đô)
Du lịch, GO!
2 Comments
Thưa bác Điền Gia Dũng!
Trả lờiXóaBài viết rất hay, rất cảm động.
Tit của bài cũng hay vì lấy theo một câu trong bài thơ nổi tiếng của ông Lê Bá Dương...
Chỉ tiếc là tác giả bài này lại chép sai bài thơ của Lê Bá Dương.
Để hiểu về nỗi truân chuyên, về số phận long đong của bài thơ này cùng tác giả của nó, mời bác và các bạn phượt nói chung hãy đọc tâm sự của chính tác giả Lê Bá Dương qua bài:
SỐ PHẬN "LONG ĐONG" BÀI THƠ CỦA LÊ BÁ DƯƠNG SẮP CÓ HỒI KẾT?
http://googletienlang2014.blogspot.com/2014/01/so-phan-long-ong-bai-tho-cua-le-ba.html
Không biết tựa bài có theo tít thơ của bác Lê Bá Dương hay không nhưng rất cảm ơn bạn vì người đọc lại biết thêm nhiều điều hay.
Trả lờiXóaĐăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.