(BQN) - Thời gian gần đây, cây di sản trở thành một trong những địa chỉ du lịch lý thú cho người yêu thiên nhiên.

< Cây đa mọc phủ cổng tam quan tại đình Thất Phái thành phố Tam Kỳ.

Xứ Quảng có nhiều cây di sản độc đáo. Có những cây sanh cổ thụ ôm tròn ngôi miếu hay cây đa có bộ rễ đẹp đan xen nhau tạo thành cổng tam quan như đình Thất Phái thành phố Tam Kỳ. Tên cây được đặt cho địa danh như cây cốc (ngã ba Cây Cốc ở Thăng Bình). Đặc biệt như cây sưa trên 400 tuổi trong vườn của ông Nguyễn Văn Ba (thôn Thuận An, xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành) đã định danh cho tên đất tên làng gọi là xóm sưa, cánh đồng sưa.


< Cây rổi ở làng Thạch Tân.

Thân cây cao 30m, 7 - 8 người ôm không xuể. Cạnh gốc cây có miếu thờ. Dù nhiều người hỏi mua nhưng chủ nhân của nó không bán, bởi quan niệm đó là “báu vật” của tổ tiên cần gìn giữ. Dưới tán cây sưa này cũng là nơi cán bộ cách mạng từng ẩn náu, hoạt động trong những năm chiến tranh; bây giờ là điểm sinh hoạt văn hóa, tâm linh của người dân nơi đây.

Một số cây gắn liền với các sự kiện lịch sử nên cây cũng là một phần của di tích lịch sử được xếp hạng cấp tỉnh hay cấp quốc gia. Lần theo sử liệu, lỵ sở Hà Đông được dời về Tam Kỳ, đổi thành phủ Tam Kỳ từ năm Thành Thái thứ 18 (năm 1906), đặt phủ đường ngay tại mảnh đất nay thuộc khuôn viên trụ sở UBND phường An Mỹ.  Cây đa nơi đặt nhà bia Di tích phủ lỵ Tam Kỳ trở thành chứng nhân cho hành trình  xây dựng và phát triển của một vùng đất. Dulichgo

Theo tiêu chí của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cây di sản là những cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm trở lên, có dáng đẹp, hùng vĩ, gắn liền với giá trị sâu sắc về khoa học, về môi trường, văn hóa, lịch sử, dân tộc... Cây di sản có thể là cây tự nhiên hoặc là cây do con người trồng nhưng phải có hình dáng đặc sắc. Đặc biệt ưu tiên các loài đặc hữu, quý hiếm, có giá trị văn hóa, lịch sử.

< Cây đa ở di tích phủ lỵ Tam Kỳ.

Ở xã Tam Thăng, cây rõi là cây cổ thụ gần 300 năm tuổi gắn bó với di tích đình Thạch Tân và địa đạo Kỳ Anh. Điều kỳ lạ là giữa vùng cát trắng mênh mông bị cày ủi của phi pháo, của xe tăng, của bom napan, nhưng cây rõi vẫn đứng hiên ngang, sừng sững giữa trời. Thời chiến tranh ác liệt, du kích và dân trong làng dùng cây rõi như đài quan sát. Họ thường leo lên ngọn cây, theo dõi các hoạt động của địch để báo cho du kích ẩn náu xuống địa đạo hoặc tìm cách đối phó với tình hình.

Ở miền núi xứ Quảng càng có nhiều cây cổ thụ. Hai cây đa ngàn tuổi ở vùng cao khu 7, huyện Tây Giang gắn với truyền thuyết lập làng và là chứng nhân cho lời thề đoàn kết giữa hai làng dân tộc Cơ Tu. Rừng gỗ pơ mu với số lượng hàng ngàn cây nơi đây cũng là cây di sản quý hiếm đang được cộng đồng bảo vệ, giữ gìn một cách tốt nhất - là nét độc đáo trong hệ sinh thái vùng Đông Trường Sơn...

Theo Tấn Vịnh (Báo Quảng Nam)
Du lịch, GO!