(BQN) - Sông Ba Chẽ là con sông lớn của tỉnh bắt nguồn từ các khu rừng nguyên sinh huyện Hoành Bồ và cả huyện Đình Lập của tỉnh bạn Lạng Sơn.
< Phong cảnh khúc sông khu Đầm Buôn nhìn từ trên cầu Ba Chẽ 2.
Dòng sông uốn quanh suốt chiều dài của huyện với hơn 80km theo hướng Tây Bắc - Đông Nam rồi đổ ra biển. Sông Ba Chẽ giống như linh hồn của người dân Ba Chẽ, suốt bao thế kỷ, họ bám theo dòng sông phát triển đời sống kinh tế, rồi đánh giặc giữ nước. Ngày nay, sông Ba Chẽ càng được mở mang hơn với Dự án Khu kinh tế tổng hợp Ba Chẽ và hứa hẹn nhiều tiềm năng du lịch.
Ở nơi đầu nguồn
Trong lần đi tìm về đầu nguồn con sông Ba Chẽ, tôi may mắn được tham gia chuyến khảo sát rừng của các cán bộ kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng. Để chuẩn bị cho chuyến đi, tôi chuẩn bị quần bó, giày thể thao, vậy mà đồng chí Ngô Quang Tuân, Giám đốc Khu bảo tồn vẫn khuyên tôi nên thay đôi giày bằng đôi dép rọ kiểm lâm. Anh bảo: “Vào rừng chỉ có đi dép rọ là hợp lý nhất, vì lội suối không sợ ướt, dép lại bám đường, nhỡ bước vào đá trơn cũng không sợ ngã”.
< Nhiều con suối trong Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng đã góp phần tạo ra sông Ba Chẽ.
Chúng tôi vượt qua những cánh rừng tre, rồi lại lội qua hàng chục con suối có những tảng đá phủ đầy rong rêu ngàn năm ngâm mình dưới nước. Nước suối róc rách trong veo tưởng như không bao giờ cạn. Mặc dù thời tiết đang oi bức nhưng khi đi đến ngọn thác Khe Rìa, cao khoảng 50m chúng tôi thấy lành lạnh “sởn da gà”.
Nguồn nước trên thác Khe Rìa đổ xuống tạo thành hồ nước rộng trong xanh. Hai bên thác là vách đá rêu phong đua ra những cụm hoa rừng khác nhau, đan xen với những thân cây lớn đứng uy nghi giống như bức tranh thiên nhiên hùng vĩ. Ở nơi này, cây cối như thoả sức khoe vẻ đẹp tự nhiên của mình. Mọi thành viên trong đoàn đưa ánh mắt đầy ngưỡng mộ để nhìn ngắm những chùm phong lan khổng lồ đu đưa trên những tán cây. Ở đó có cả những loài cây kỳ lạ, mà chúng tôi chẳng nhìn thấy ở nơi nào khác ngoài Khu bảo tồn. Còn Giám đốc Khu bảo tồn Ngô Quang Tuân, dù đã đi vào thác Khe Rìa vài chục lần, nhưng vẫn không ngớt lời khen ngợi: “Giá như du lịch được đầu tư vào đây thì thật tuyệt. Khí hậu ở đây quanh năm mát mẻ, không khác gì ở Sa Pa hay Tam Đảo”.
Nguồn nước vô tận của thác đã tạo nên sự kỳ diệu của thiên nhiên, lại là sức sống quanh năm của những con suối quanh co vô tư chảy nuôi sống các cánh rừng. Từ hàng trăm con suối nhỏ ấy đã hình thành nên sông Ba Chẽ, giống như những sợi chỉ nhỏ dệt lên tấm vải lớn.
Chuyện của người vượt sông Ba Chẽ
< Nghề khai thác tre nứa bên sông Ba Chẽ tồn tại từ hàng trăm năm nay.
Từ xã Đồng Sơn (huyện Hoành Bồ) chúng tôi đi xuyên rừng sang Lương Mông là xã cuối cùng của huyện Ba Chẽ, nhưng lại là xã đầu nguồn con sông mang tên huyện. Lương Mông không có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế, nhưng lại là xã đầu tiên của huyện hoàn thành tiêu chí hộ nghèo trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Hiện Lương Mông chỉ còn 4,7% hộ nghèo. Anh cán bộ xã Lương Mông dẫn chúng tôi đến thăm nhà ông Bàn Cúc Hương, ở thôn Khe Giấy là thôn đầu tiên nằm bên dòng sông. Ông Hương đã 70 tuổi, nhưng cũng chừng ấy năm ông sống ở đầu nguồn con sông lớn này. Nghe tôi hỏi về những kỷ niệm với dòng sông, ông bảo: “Vì phải đi bằng những phương tiện thô sơ, nên với những người như tôi có rất nhiều kỷ niệm khó quên với dòng sông này”.
Trầm ngâm, dõi mắt ra phía dòng sông, ông chậm rãi kể: “Khi Tỉnh lộ 330 (tuyến đường nối liền thị trấn Ba Chẽ với Lương Mông) chưa được mở, sông Ba Chẽ chính là huyết mạch giao thông của người dân các xã trong huyện đi giao thương buôn bán. Việc đi lại thường chỉ diễn ra vào mùa mưa. Người dân thượng nguồn thường rong ruổi xuôi dòng trên những chiếc thuyền độc mộc. Còn các lái buôn thì đóng mảng mang theo rất nhiều tre nứa, lá, rễ cây thuốc để bán rồi họ lại mua về dầu hoả, nước mắm, quần áo v.v.. Một chuyến đến thị trấn Ba Chẽ ngày nay, cả đi lẫn về có khi phải mất hàng tuần”.
Từ Lương Mông chảy về thị trấn, lòng sông cao hơn. Có những chỗ trơ lên những mỏm đá đầy hình thù kỳ dị. Về mùa mưa, nước chảy mạnh tạo thành những thác ghềnh, đôi khi trở thành nỗi khiếp sợ cho những ai đã một lần xuôi dòng Ba Chẽ. Nhiều nơi trên sông đã trở thành tên gọi như thác Trúc (xã Thanh Sơn), thác Khe Lạnh, thác Khe Ngại (xã Nam Sơn), thác Đá Vuông, thác Sông Công (xã Đồn Đạc), thác Khe Ốn, thác Khe Lào (xã Thanh Lâm), trong số đó thác Trúc tạo nhiều ấn tượng hơn cả. Ông Hương lim dim đôi mắt kể cho chúng tôi nghe về những chuyến vượt thác Trúc.
Ông bảo: “Bây giờ trên giấy tờ người ta đều viết là thác “Trúc”, nhưng ngày xưa chúng tôi gọi là thác “Chúc”. Vì mỗi lần thuyền, mảng qua đây đều phải chúc mũi hẳn xuống nước mới vượt qua được. Cái tên đó toát lên sự nguy hiểm của những người khi vượt thác Trúc”. Trước đây, ông Hương thường đi theo các lái buôn tre nứa về thị trấn huyện, rồi từ đây họ thuê thuyền lớn kéo bè tre qua Cửa Cái (khu vực cầu Ba Chẽ ngày nay) rồi mới xuôi dòng đến tận các xã của huyện Vân Đồn, Cô Tô để bán. Điều nhớ nhất của ông Hương mỗi khi qua thác Trúc là mọi người trên bè buộc phải ngồi xổm, 2 tay bám vào 2 cây tre buộc chắc ở mảng. Chiếc mảng ngược đầu lên rồi lại chúc đầu xuống ngập hẳn dưới nước. Khi qua được thác, bè tre lại tự nổi lên, người thì ướt như chuột lột.
< Phong lan ở khu vực đầu nguồn sông Ba Chẽ.
Đi ngược dòng thác còn khó khăn hơn, các thuyền phải chờ nhau khoảng 3-4 chiếc mới dám vượt thác. Thường người yếu phải lên bờ men theo bìa rừng, chỉ có người khoẻ mạnh ngồi trên thuyền lần lượt chèo từng chiếc thuyền ngược dòng cho đến khi tất cả cùng vượt thác mới tiếp tục cuộc hành trình. Từ năm 1976, đường 330 được mở nối liền từ Lương Mông đến thị trấn Ba Chẽ, chẳng còn ai đi mảng hay thuyền độc mộc xuôi dòng sông nữa. Vì nguy hiểm và mùa nước cạn không đi được, nhưng nghề khai thác tre nứa bên sông vẫn còn, nó như một nghề cứu cánh cho nhiều hộ dân sống bên dòng sông. Ở khu vực này, sông Ba Chẽ góp phần lớn vào sự điều hoà khí hậu mát lành, tạo độ ẩm cho đất nuôi sống các rừng keo và cả các khu rừng tre nứa bên sông, làm nên những cái tên đặc sản của địa phương như mía Đồn Đạc, đậu lạc Thanh Lâm, sa nhân Lương Mông, quýt bưởi Đạp Thanh, ba kích Minh Cầm…
Dạo thuyền chơi trên sông Ba Chẽ ta có thể dễ dàng gặp những ngư dân bơi thuyền độc mộc bằng chân. Hiện tại, trên dòng sông này chỉ có tàu thuyền nhỏ nhưng người dân Ba Chẽ đang tràn trề hy vọng trong tương lai gần trên dòng sông này sẽ còn nhiều sự thay đổi.
Câu chuyện về lò sứ cổ
< Bơi thuyền trên sông Ba Chẽ vào buổi sáng.
Ở khu vực xã Thanh Sơn xuôi về Cửa Cái (khu vực cầu Ba Chẽ) lòng sông rộng ra, có thể đi được tàu lớn. Từ đây men theo bờ sông mọc lên làng bản của người Dao với những cái tên Sơn Hải, Cái Gian, Làng Mới, Khe Sâu. Từ năm 2009 trở về trước, những thôn, bản này không có đường bộ mà bà con phải đi lại bằng thuyền. Để chuyến đi được thêm ấn tượng, từ xã Nam Sơn chúng tôi xuôi theo dòng chảy sông Ba Chẽ trên chiếc tàu nhỏ 40CV. Làng Mới là thôn chúng tôi chọn làm điểm đặt chân đến. Vì theo đồng chí cán bộ xã Nam Sơn - người đồng hành cùng chúng tôi suốt chuyến đi, đến thôn sẽ thấy rất nhiều cái hay.
Tuy Làng Mới là thôn được hình thành cuối cùng ở các làng ven sông xã Nam Sơn, nhưng đây lại là thôn nổi tiếng nhất trong xã. Nơi đây có rất nhiều di tích lịch sử. Làng Mới lại có nghề truyền thống đóng tàu thuyền. Tuy nghề này chỉ phát triển với quy mô nhỏ nhưng lại là nghề cứu cánh cho các thôn ven sông. Nghề đã tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ tại thôn Làng Mới; tạo ngư cụ cũng như phương tiện đi lại của hầu hết người dân các thôn bám mặt sông, làm các nghề đánh cá, bắt cua ốc trong các khu rừng ngập mặn.
Làng Mới có lò sứ cổ đã có cách đây hơn 100 năm nhưng mới được các đơn vị chức năng đưa vào quy hoạch bảo vệ từ tháng 11-2009. Chuyến đi của chúng tôi lại may mắn có người lái tàu là ông Ngô Văn Trọng, 60 tuổi, sống ở thị trấn Ba Chẽ, đã từng 30 năm làm nghề trên sông. Ông Trọng kể: “Ngày xưa khi còn nhỏ, tôi thường đi theo bố làm nghề buôn cá. Có đôi lần ông dắt tôi vào thôn Làng Mới bán cá, nên tôi được tiếp cận với những người làm sứ ở đây.
Thời điểm đó Làng Mới chưa có dân ở. Khi có người lạ vào làng, lập tức có mấy người mặt mày dữ tợn ra chặn hỏi mật khẩu, nếu không trả lời đúng mật khẩu thì lập tức bị những người kia xông vào đấm đá túi bụi rồi đuổi ra khỏi làng. Vì những người sản xuất gốm sứ ở đây sợ bị lộ kỹ thuật sản xuất của mình”. Cách mạng Tháng Tám như luồng gió mới thổi vào Ba Chẽ, người dân Ba Chẽ đứng lên lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp. Cờ đỏ sao vàng bay phấp phới bên những tán rừng xanh ngập mặn bên sông. Bọn phản động cũng cuốn gót theo quan thầy. Từ đó lò sứ cổ cũng được đóng cửa, rồi ngủ bình yên đến gần nửa thế kỷ dưới những tán rừng già với cỏ lau lách. Do đường đi lại khó khăn chủ yếu là đường sông, người dân đến đây ở, chắc họ cũng có ý thức được rằng đây là khu di tích cần được bảo vệ, nên đã không có sự xâm hại đến nó, bởi vậy lò sứ cổ được giữ khá nguyên vẹn.
Theo tài liệu “Lý lịch di tích lịch sử Lò sứ cổ xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh” của UBND huyện Ba Chẽ mà chúng tôi có được thì toàn bộ xưởng gốm sứ có diện tích 1.000m2, gồm khu lò, khu vực khai thác chế biến nguyên liệu và 3 xưởng chế tác sản phẩm. Khu xưởng này nằm ở cuối nhánh sông Ba Chẽ, đường giao thông thuỷ phục vụ cho xuất nhập nguyên liệu sản phẩm của khu xưởng rất thuận lợi và bí mật nhằm bảo đảm bí quyết công nghệ và quy mô sản xuất”. Cũng theo cuốn tài liệu này thì lượng đất sét cao lanh là nguyên liệu có chất lượng cao để làm gốm sứ được phát hiện ở khu vực này ước tính khoảng 2 tỷ tấn.
Đánh thức tiềm năng
Chúng tôi có mặt tại khu vực cảng Nam Sơn, ở thôn Khe Sâu, xã Nam Sơn. Đây là cảng nằm trong Khu công nghiệp Nam Sơn được quy hoạch trên diện tích gần 50ha đang được xây dựng với tổng mức đầu tư ước tính 437 tỷ đồng. Ông Nguyễn Xuân Thu, Phó giám đốc Công ty CP thương mại và xây dựng Trường Lộc là đơn vị đang thi công cảng cho biết: “Cảng Nam Sơn, công trình có chiều dài 100m. Sau khi xây dựng xong có thể cập được tàu với tải trọng 200 tấn. Nơi đây sẽ là điểm xuất nhập hàng hoá phục vụ phát triển kinh tế cho huyện. Cước vận tải đường thuỷ rẻ hơn nhiều so với đường bộ. Ngoài ra, đây còn là bến tàu khách phục vụ khách đường thuỷ, khách du lịch từ Ba Chẽ đi các huyện Cô Tô, Vân Đồn, TP Móng Cái và ngược lại”.
< Công trình bến cảng Nam Sơn bên sông Ba Chẽ hứa hẹn mang lại nhiều hiệu quả kinh tế cho cả huyện.
Một tiềm năng du lịch cũng đang được rộng mở ở Ba Chẽ. Đó là dạo thuyền trên sông Ba Chẽ, rồi thăm Lò sứ cổ xã Nam Sơn. Người thích du lịch tâm linh còn được đến thăm Miếu Ông, Miếu Bà (thôn Làng Mới). Miếu Ông nơi thờ tướng phù Trần tên là Lê Tự Đức, người có công giúp Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông khi họ tạm lánh vào sông Ba Chẽ năm 1285 để chuẩn bị kháng chiến lâu dài (theo Đại Việt sử ký toàn thư của Nhà xuất bản khoa học xã hội 1985).
Đối diện với miếu Ông bên kia sông là miếu Bà thờ Mẫu Thượng Ngàn. Tương truyền bà là con gái của Sơn Tinh và công chúa Mỵ Nương (con gái vua Hùng thứ 18). Bà đã có công dạy những người dân miền núi cách làm ăn trồng cây ăn quả, trồng lúa nương, đắp ruộng bậc thang, dựng nhà cửa, hái cây thuốc chữa bệnh. Người dân Ba Chẽ tôn thờ họ dựng miếu thờ bên bờ sông, cả 2 ngôi miếu này có thời gian rất khó tiếp cận vì phải đi thuyền mới đến được, nhưng quanh năm khói hương nghi ngút. Những người thợ sơn tràng hay ngư dân khi đi qua khúc sông này đều đến thắp hương tại miếu để có được những chuyến vượt sông, vượt biển may mắn và làm ăn thuận lợi.
Ngày nay khi du khách đến với Miếu Ông, Miếu Bà đã có thể đi bằng đường bộ, nhưng nếu đi bằng đường sông thì được ngắm cảnh sông Ba Chẽ nên thơ và hùng vĩ với những rừng cây ngập mặn đầy sức sống uốn mình bên dòng sông. Nếu đi thuyền vào buổi sáng sớm ta sẽ được thưởng thức sương mù giăng giăng, đan xen với cảnh núi rừng thơ mộng huyền ảo. Cứ xuôi theo dòng sông qua cầu Ba Chẽ là ta đến được rừng ngập mặn Đồng Rui (huyện Tiên Yên), nơi đây cũng có cảnh đẹp nên thơ và đượm chút hoang dã của hơn 3.000ha rừng ngập mặn. Đi sâu vào rừng bằng thuyền sẽ hiện ra trước mắt ta mũi Lòng Vàng với bãi cát vàng rộng 22ha màu lòng đỏ trứng gà mà hình thành tên gọi. Rồi từ đây ta có thể đi xa hơn nữa ra biển lớn, sau hành trình xuôi dòng Ba Chẽ, con sông hoang dã và đầy chất thơ.
Theo Công Thành (Báo Quảng Ninh)
Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.