(BBP) - Chúng tôi đi từ thành phố Đà Lạt, vượt hơn 100km về Bảo Lộc, đoạn rẽ phải ở ngã ba xứ đạo Thanh Xá vào huyện Bảo Lâm để đi Đăk Nông. Thấp thoáng Bảo Lâm là nhà máy boxit, những ống khói vươn lên nền trời.

< Cột mốc biên giới tại ngã 3 Đông Dương Việt Nam - Lào - Capuchia.

Cuối đường ranh Lâm Đồng là con sông sâu cạn nước do đập thủy điện Đồng Nai 3 chắn lại (xưa kia thuộc huyện Di Linh, Lâm Đồng), xe qua cầu lầy lội, bởi những cơn mưa mùa hạ trút ào ạt suốt đêm qua. Đắk Nông, bước chân đầu tiên chúng tôi bước xuống là huyện Đắk G'long mới thành lập, huyện núi đơn sơ hàng quán, cảm giác đìu hiu, buồn tẻ...

Nghỉ đêm ở thị xã Gia Nghĩa để sáng mai lên đường, hướng về Kon Tum, nơi có ngã ba Đông Dương nổi tiếng. Xe qua Buôn Ma Thuột, Pleiku, vượt qua chặng đường dài một vòng là để đi hết hệ thống 5 tỉnh Tây Nguyên trong chương trình Năm du lịch 2014. Lối về sẽ là Quốc lộ 27, từ huyện Lăk về Lâm Hà, Lâm Đồng.


< Gia Nghĩa.

Và Kon Tum hiện ra trong sương sớm bao la, dòng Đắkbla chào đón chúng tôi hiền hòa khác với tên gọi của nó: "dòng nước hung dữ..."! Chúng tôi được sắp đặt nghỉ ở khách sạn Hoàng Vân xinh đẹp. Dòng sông tiếp đón chúng tôi là thế, nhà thơ Tạ Văn Sĩ tiếp đón chúng tôi cũng là một dòng sông. Có điều dòng sông sống động này sẽ đưa chúng tôi ngắm cảnh cửa khẩu Bờ Y, nơi cột mốc lịch sử "một tiếng gà ba nước đều nghe".

Tạ Văn Sĩ xứng đáng là một nhà Kon Tum học, mặc dù anh và chúng tôi đều không thích gọi như thế... Theo Tạ Văn Sĩ, Việt Nam có hai tỉnh có cột mốc ba biên giới là Điện Biên và Kon Tum. Phía Bắc, nơi dân tộc Hà Nhì cư trú có bản A Pa Chải thuộc xã Xín Mần, huyện Mường Nhé, đường tam biên Việt Nam - Lào và Trung Quốc. Còn tỉnh Kon Tum có buôn Iệc, người dân tộc K'Dong đang sinh sống tại xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, với biên giới Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia.

< Đắk Hà.

Xe chúng tôi đi vào huyện Đắk Hà, nằm giữa lưu vực sông Pô Kô màu mỡ. Đắk Hà là huyện có thổ nhưỡng đặc biệt hơn các huyện khác ở Kon Tum, nên chỉ có Đắk Hà mới trồng được cà phê mà thôi. Nhìn những cánh rừng cà phê bạt ngàn xanh tốt mà nhớ Lâm Đồng, cũng bạt ngàn mây nước và mùa cà phê bận rộn. Dọc Quốc lộ 14, nhà thơ Tạ Văn Sĩ chỉ cho chúng tôi, bên trái là địa danh Sác-ly nổi tiếng trong "Người ở lại Sác-ly", với trận đánh của bộ đội ta diệt gọn một tiểu đoàn địch.

Ngọn đồi mờ xa sương phủ, khiến chúng tôi bâng khuâng trong cảm xúc u hoài. Đi một đoạn xa, bên tay trái, gặp một đền thờ hiu quạnh, nơi đây hơn 40 năm trước người "lính thú biên trấn" Lê Nguyên Ngữ (Hội Văn học nghệ thuật Bình Thuận) đã từng ngồi ở đây làm thơ... Tạ Văn Sĩ đọc loáng thoáng mấy câu: "Trường Sơn nhón gót trông Lào hạ / mù cuối chân mây sắc lá rừng / sừng sững Bắc phương thành núi dựng / đụng đầu dội ngược gió mây xuân...".

< Một góc thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi.

Xe đã vào thị trấn Plei Kần. Tạ Văn Sĩ giải thích rằng, Plei Kần là làng của ông Kần, tên Việt là Cần, đọc lâu theo âm ngữ người bản địa Tây Nguyên hơi nặng âm một chút thành Kần. Ông Kần làm quan dưới triều Nguyễn, khi triều đình Huế phái ông vào đây lập ấp, ông có đem theo một cô con gái nhỏ cho đỡ nhớ nhà. Có một điều bất ngờ là, vị quan này chính là thân sinh của nhà điêu khắc danh tiếng Điềm Phùng Thị.

Thuở ấy, Điềm Phùng Thị theo cha công cán đất Tây Nguyên hoang dã, đã nhìn thấy những điêu khắc độc đáo của người Thượng du, có lẽ còn lưu trong ký ức ấu thơ những nét chạm khắc hồn nhiên của người miền núi. Nghe nói sau này, Điềm Phùng Thị từ Pháp về có đến thăm nơi đây thì đất Plei Kần đã thay da đổi thịt. Chúng tôi theo đường 40 đi về hướng Tây lọt vào khu vực biên giới để đến ngã ba Đông Dương.

Nơi ấy con đường đi về Tây Nam là nước bạn Cam-pu-chia, còn thẳng về hướng Tây là Nam Lào. Chúng tôi dừng lại ở cửa khẩu Bờ Y. Nhà thơ Lại Hữu Kim và nhà thơ Tạ Văn Sĩ đều có mối quan hệ mật thiết với Ban quản lý (BQL) cửa khẩu, cho nên việc xin phép cũng rất dễ dàng. Chúng tôi được mời vào hội trường cửa khẩu ở lầu trệt, hôm đó lãnh đạo BQL Khu kinh tế, Trưởng ban Nguyễn Trọng Hảo đi họp, Phó ban là Vũ Mạnh Hải tiếp đoàn. Sau khi chào xã giao và nghe báo cáo sơ bộ tình hình cửa khẩu, chúng tôi được BQL bố trí lên ba chiếc xe con để chinh phục cột mốc.

Muốn đến đó, chúng tôi phải vượt qua hơn 10km đường tuần tra ngoằn ngoèo, hiểm trở. Len lỏi qua từng đồi dốc, eo óc đá cheo leo, Tạ Văn Sĩ gọi một cách văn chương đây là "Vạn lý đường biên". Đường biên vạn lý bắt đầu từ mũi Sa Vĩ biển Trà Cổ, TP Móng Cái, Quảng Ninh, nơi địa đầu Tổ quốc cho đến mũi Nai, Hà Tiên. Tạ Văn Sĩ diễn tả, nếu dùng nét bút để vẽ hình chữ S trên bản đồ Việt Nam, thì mũi Sa Vĩ là chấm mực đầu tiên...

< Đường tuần tra ra cột mốc.

Và chúng tôi đang đi trên nét bút ấy ở Tây Nguyên. Kể cũng thú vị và tự hào, đất nước ta mang hình dáng con tàu, giống nhất là dáng hình của mẹ Việt Nam tần tảo, nhưng cũng là giọt đàn bầu thon thả, là tia chớp rạch ngang trời tỏa sáng. Không hiểu mọi người trên xe có cảm giác gì, riêng tôi ngoài sự háo hức là cảm xúc để cho nắng mưa và gió thổi thấm vào da thịt, làm thành hồn cốt biên cương. Khi cột mốc hiện ra trong tầm mắt, bước đầu tiên là tôi chạy đến ôm cột mốc vào lòng, nhìn rõ Quốc huy và hai chữ Việt Nam đỏ thắm. Sâu thẳm, rưng rưng không nói nên lời...

Sau đó, tôi chậm rãi bước chân qua nước bạn Lào, rồi cứ thế lại bước qua nước Cam-pu-chia. Cột mốc ba mặt là đây, mà cỏ cây vẫn thế, chút nắng, hạt mưa, làn gió vẫn thế. Cứ miên man giữa bầu trời mênh mông vô định mà nhìn, mà ngắm, mà ngẫm nghĩ, rồi lại sờ vào cột mốc thân yêu. Vậy là chúng tôi đang đứng trên ngọn đồi rất đẹp, có tên là Đồi Tròn với độ cao 1.068m so với mặt nước biển. Trèo lên ngọn đồi này phải bước lên 120 bậc tam cấp.

Tại đây, vào ngày 18-1-2008 đã diễn ra Lễ khánh thành cột mốc ba biên giới Việt - Lào - Cam-pu-chia. Về dự có đại diện ba nước: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đào Việt Trung, Vatkimhong - Bộ trưởng cao cấp phụ trách công tác biên giới của Hoàng gia Cam-pu-chia; Phong-sạ Vắt-búp-phả, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Lào đồng chủ trì buổi lễ. Cột mốc đặc biệt thứ 2 này (tính từ cột mốc Điện Biên) mang số hiệu 2007, được làm bằng đá hoa cương hình trụ tam giác, nặng 1 tấn, cao 2m.

Mỗi mặt cột mốc quay về mỗi nước, trên gắn Quốc huy, dưới là tên nước, được đặt trên bậc tam cấp hình tròn đá hoa cương. Lãnh đạo và nhân dân ba tỉnh Kon Tum, At-ta-pư (Lào) và Rát-ta-na-ki-ni (Cam-pu-chia) tụ hội về đây chứng kiến. Đứng tựa vào tam giác, nhìn quanh núi rừng mây trắng, xa mờ là làng mạc Nam Lào, trắng gợn sóng là biên thùy Cam-pu-chia chưa có cửa khẩu thông thương. Tôi đứng yên để cho tâm hồn bay bổng, lòng ngập tràn cảm xúc biên cương.

Ngoảnh lại, thấy bé gái con một nhạc sĩ trong đoàn đang đánh vần tên nước Việt Nam trên cột mốc chủ quyền, bất chợt tứ thơ vụt hiện, dẫu chưa chủ ý. Tôi lẩm nhẩm: "Trời Kon Tum mây trắng / Bố cõng con lên 120 bậc đường biên / Tay con nâng niu cột mốc chủ quyền / Hồn nhiên đánh vần từng thang âm Tổ quốc / Tên nước Việt Nam đỏ au trước mặt / Con dang tay ôm hình nước vào lòng / Tay phải chạm gió Lào.../ Tay trái nắng Cam-pu-chia / Giọt mưa Việt Nam xanh cả vùng ba biên giới...". Cảm xúc là thế. Hai tiếng biên cương nén chặt đáy lòng. Tôi cố tranh thủ chút thời gian ngắn ngủi, ngắm nhìn về cả ba phía.

Chợt nghe lòng cũng vừa nhận ra, ơn nặng của cha ông và những người con canh giữ đất trời Tổ quốc. Họ đã dành cho chúng ta hôm nay từng tấc đất yêu thương, từng ngọn cỏ thấm hồn thiêng sông núi. Ngọn cỏ mọc nơi đây là của ta, ngọn cỏ mọc nơi kia là của nước bạn. Chúng ta không có quyền hái, dù là một ngọn cỏ. Chính ý thức này nâng lên thành nhân cách tự trọng. Không ai có quyền xâm phạm nước khác, dẫu là một ngọn cỏ đơn sơ. Cha ông chúng ta đã dạy như vậy, các bậc Thánh hiền Trung Hoa cũng dạy như vậy.

Tiếc thay, Trung Quốc lại xâm phạm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, làm mất đi phẩm chất đó. Thật đáng tiếc cho một nền văn hóa phương Đông có bề dày rạng rỡ. Đối với tôi, những giây phút này thật thiêng liêng. Tôi cố níu giữ thời gian lại, nhưng rồi cũng đến lúc chia tay...

Tạm biệt biên giới thân yêu mà lòng không muốn đi vội, nấn ná chụp thêm mấy bức ảnh biên cương mây vờn gió cuốn, bao la xanh thẳm núi rừng, nghe tự hào và tình yêu đất nước dâng trào lên khóe mắt. Chúng tôi không khóc, chúng tôi chỉ mừng cho tình hữu nghị ba nước đằm thắm, thương yêu nhau và không gây đau khổ cho nhân dân các dân tộc.

Trở lại cửa khẩu quốc tế Bờ Y - Phu Cưa, lãnh đạo BQL Khu kinh tế đưa chúng tôi vào nhà ăn tập thể, cơm canh đã dọn sẵn cho buổi trưa đầy tình nghĩa. Những chén cơm thơm nồng hương đồng ruộng quê hương. Đặc biệt có những món canh bản địa, các anh đã thức dậy làm từ sáng sớm, bây giờ dọn lên ăn với rau sống siêu sạch trồng quanh cơ quan, thể hiện tình cảm hiếu khách của người biên giới.

Nhìn anh em ăn rất ngon, tiếng chạm ly vang lên, chúc mừng nhau, cái hay là chưa từng gặp mặt mà đã thân quen như anh em một nhà. Một chương trình văn nghệ mini, giao lưu giữa các anh em văn nghệ sĩ và nhân viên BQL lại có dịp mở ra. Cởi mở, thân tình, làm quen là điểm chính của cuộc gặp. Tiếng hát xen lẫn tiếng thơ hào sảng.

Tôi ngồi cùng bàn với các anh Trương Văn Tố, Trần Đăng Khoa, Lê Văn Quyền, Văn phòng BQL, nghe các anh tâm sự ở nơi cửa khẩu này hiếm có dịp được nghe thơ của văn nghệ sĩ các nơi. Đây là dịp anh em mở lòng ra đón nhận những tấm lòng đến với vùng biên. Quả thật, các anh đã rướm lệ khi chia tay chúng tôi. Những cái vẫy tay từ cửa khẩu Bờ Y sao mà lưu luyến thế!

Chợt nghe tiếng ai hát khẽ: "Chiều mưa biên giới anh đi về đâu? Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu... Kìa rừng chiều âm u rét mướt... chờ người về vui trong gió buốt... người về bơ vơ...". Tự nhiên, hồn tôi nghe cảm thấu hai từ "bơ vơ", nó chông chênh, lãng mạn và cô đơn biên tái đến nao lòng...

Theo Nguyễn Thánh Ngã (Báo Biên Phòng)
Du lịch, GO!