(BBP) - Chiếc máy bay nhỏ nhắn chở khoảng sáu chục hành khách, cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh đáp xuống sân bay Cỏ Ống, Côn Đảo sau 45 phút hành trình xuyên qua những đám mây trắng bồng bềnh, phía dưới là nước biển xanh ngắt như một bức tranh thủy mặc.

Côn Đảo đây rồi! Thật tuyệt! Một quần đảo sừng sững giữa biển khơi với hơn mười hòn đảo quấn quýt lấy nhau, đằm thắm, mộng mơ, giữa non xanh nước biếc trùng trùng sóng nước bao la.

Chẳng biết người Việt định cư lập làng ở Côn Đảo chính xác từ bao giờ. Có lẽ sớm nhất thì cũng khoảng hơn ba trăm năm, hay gần bốn trăm năm gì đó, khi các nhóm người Việt thiên di từ miền Bắc, rồi miền Trung vào phương Nam, vì những lý do khác nhau...

Nhưng Côn Đảo hôm nay vẫn sống động, rưng rưng biết bao huyền thoại, trong lòng những cư dân ở đây và trong lòng đất, trong những vật thể có thể trông thấy, có thể chạm tay vào được. Trong thời kỳ kháng chiến, nơi đây từng được mệnh danh là một địa ngục trần gian kinh hoàng nhất Việt Nam.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, người nữ tù đầu tiên được đưa ra đây không phải là Võ Thị Sáu mà là bà Phi Yến, có tên thật là Răm, vợ chúa Nguyễn Ánh. Khi bị Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Ánh chạy ra Côn Đảo. Cùng đường, ông ta muốn cầu cứu người Pháp, bà Phi Yến ra sức can ngăn không nên rước người ngoài vào can thiệp chuyện nội bộ trong nước, về sau sẽ phải chuốc lấy hậu họa khôn lường.

Nguyễn Ánh tức giận, sai nhốt bà Phi Yến trong hang núi, cho chết dần. Hoàng tử Cải khóc đòi theo mẹ, chúa Nguyễn Ánh liền ném ngay cậu bé xuống biển, không hề thương xót. Xác cậu bé dạt vào bờ đảo, người dân vớt lên chôn và lập đền thờ bên cạnh mẹ.

Từ khi thực dân Pháp can thiệp vào Việt Nam, họ lập nhà tù tại đây. Đầu tiên là giam giữ các nghĩa sĩ Cần Vương bị bắt ở Nam bộ, tiếp đó là các sĩ phu yêu nước ở khắp cả ba kỳ. Rất nhiều những tên tuổi lớn như Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Bình, Trần Huy Liệu, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn… đã từng làm "khách" ở đây. Trong số những tù nhân ở Côn Đảo, có người là cộng sản chính hiệu. Có người là Quốc dân đảng. Có tù thường phạm. Rồi sau có cả tù binh. Có tù đã thành án và cả tù chưa thành án…

Thời kỳ Mỹ - Diệm quản lý, đảo Côn Lôn được nâng cấp thành tỉnh Côn Sơn. So với người Pháp, người Mỹ xây dựng nhà tù đơn giản hơn, nhỏ và thấp hơn, nhưng sự khủng khiếp thì không hề thua kém. Thời kỳ cao điểm nhất, Côn Đảo có tới hơn mười ngàn tù nhân các loại. Hơn hai mươi ngàn hài cốt người Việt Nam yêu nước vẫn còn nằm rải rác khắp nơi, nhiều nhất là nghĩa trang Hàng Dương, Hàng Keo.

Ở Côn Đảo có nhiều địa chỉ không thể không đến thăm, ví như có Bãi sọ người, có trại giam chuồng bò. Có hầm đá chuồng cọp. Cầu tàu 914. Cầu Ma Thiên Lãnh. Hầm xay lúa. Nghĩa địa Hàng Dương… Mỗi địa danh đọc lên rờn rợn tanh mùi máu, xoáy sâu vào tâm khảm những người có lương tri. Mỗi cái tên đọc lên, thấy hiển hiện trước mắt hình ảnh những con người gang thép, thân thể xác xơ mà uy vũ bất năng khuất, ngời sáng tinh thần và nhân cách Việt Nam.

Theo người hướng dẫn viên của Công ty Du lịch Côn Đảo cho biết, người nữ tù thứ hai sau bà Phi Yến là liệt nữ Võ Thị Sáu, chị bị thực dân Pháp đưa ra Côn Đảo ngày 21-1-1952, thì sáng 23, chúng hành quyết ngay. "Chị Sáu không ngồi tù ở "Banh" nào cả, chỉ "tạm trú" ở nhà chúa đảo thôi, rồi chúng vội vàng đem bắn liền. Khi ấy, người con gái Đất đỏ kiên trung bất khuất còn chưa tới tuổi thành niên" - Giọng người hướng dẫn viên nghẹn ngào.

Thế mà thấm thoắt đã hơn sáu mươi năm, câu chuyện về Cô Sáu vẫn sống như một truyền thuyết thấm đẫm màu sắc tâm linh huyền bí. Người dân Côn Đảo tin rằng, linh hồn Cô Sáu vẫn quanh quẩn đâu đây trên đảo này, như một vị thần bảo hộ thiêng liêng mà gần gũi.

Côn Đảo là một trường học lớn. Tôi muốn nói đến nghĩa cụ thể, nghĩa thực và cả nghĩa rộng hơn về một trường học lớn Côn Đảo. Nhiều người tù bị giam cầm ở đây, cả thời Pháp và thời Mỹ - Ngụy, nhiều người là tri thức, có người là nhà giáo. Vào tù, họ lại tiếp tục dạy văn hóa cho những người bạn tù, mỗi khi có cơ hội. Họ dạy các môn văn hóa, nhưng chủ yếu là triết học, lý luận cách mạng và ngoại ngữ. Có người tự học, tự tích lũy kiến thức nhiều mặt cho mình. Sau khi ra tù, hoặc vượt ngục, nhiều người trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam. Tượng đài liệt sĩ anh hùng Vũ Văn Hiếu bằng đá xanh, được các nhà điêu khắc tài hoa dựng lên trong khuôn viên nghĩa trang Hàng Dương, bên cạnh tượng đài liệt nữ anh hùng Võ Thị Sáu, chính là để tượng hình lên những hình ảnh cảm động ấy…

Sài Gòn được giải phóng ngày 30-4-1975. Hay tin, tù nhân Côn Đảo có sự giúp đỡ của một linh mục và một sĩ quan chính quyền cũ, đã nhanh chóng phá ngục, tự giải phóng, rồi mau chóng thành lập chính quyền cách mạng lâm thời. Ngày nay, Côn Đảo đã có một gương mặt hoàn toàn mới mẻ, trẻ trung và quyến rũ. Nhiều khu nghỉ dưỡng chất lượng cao đang thi nhau mọc lên. Một huyện đảo, dân số khoảng bảy ngàn người mà có gần như đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu của một đơn vị hành chính thông thường, trở thành khu di tích lịch sử nổi tiếng, hàng năm thu hút rất nhiều khách tham quan và du lịch. Sân bay có, bến cảng có. Chợ búa chả thiếu thức gì, mà giá cả lại cực "mềm". Núi non xanh thắm và đồng ruộng tốt tươi.

Đêm se lạnh, mùi nhang thơm phảng phất khắp Hàng Dương. Khách thăm nghĩa trang trong cô tịch, mà sao ít thấy có cảm giác ngại ngùng, sợ hãi?! Có lẽ bởi những người nằm dưới những ngôi mộ kia là những người hy sinh vì nghĩa lớn, rất đáng được kính trọng, nên có cảm giác thân thương, gần gũi như người nhà. Nơi đây, khói hương không bao giờ tắt. Chắc rằng, những người dưới mộ cũng thấy ấm lòng.

Công ty Du lịch Côn Đảo với những hướng dẫn viên trẻ trung, nhiệt tình, năng động và hiếu khách. Tôi vừa gặp họ ở đây, thoắt lại thấy họ dẫn dắt một đoàn khách nước ngoài tham quan ở một điểm khác. Người Pháp, người Mỹ và nhiều nước trên thế giới đều có mặt ở đây, vừa nghỉ dưỡng, vừa suy tư lịch sử.

Một khi con người còn suy tư về quá khứ, tức là con người đang còn trăn trở lập trình cho tương lai, không phải bằng súng đạn, mà bằng ngôn ngữ của tình yêu đồng loại. Thông điệp của quá khứ đau buồn, hiện hữu và lãng đãng thổn thức màu sương khói,  nhắc nhở, đánh thức lương tri nhân loại.

Những ngày ở Côn Đảo, tôi cố dành nhiều thời gian để có mặt ở những địa danh quan trọng. Theo tàu ra vịnh đảo ngắm san hô, thăm nhà ngục, thắp hương tưởng niệm ở nghĩa địa Hàng Dương, thăm Vũng Đụng, một trong những địa chỉ lịch sử mà ngày xưa, các tù nhân giấu gỗ khi lao động khổ sai để đóng bè vượt biển về đất liền mỗi khi có cơ hội. Đường sang Vũng Đụng, phải qua đèo Ma Thiên Lãnh, nơi có cây cầu bỏ dở, chứng tích đau thương một thời chưa xa. Nơi đây, vùi xác gần bốn trăm tù nhân khổ sai. Thiên nhiên tươi đẹp, trong trẻo, hòa trộn cùng những ký ức đau buồn của một thời nô lệ, khiến xốn xang lòng.

Chúng tôi vượt đèo sang Vũng Đụng lần theo dấu chân của những người tù năm xưa, cố hình dung xem hình ảnh họ xác xơ héo hắt thế nào, âm thầm chặt cây giấu trong rừng thế nào. Có đoàn trốn thoát thành công. Cũng có những người không may gặp bão, sóng gió đánh tan bè mảng của họ và đương nhiên, thân xác họ chìm dưới đáy biển sâu. Ngô Gia Tự là một trong những người không may như thế. Cái giá của một nụ cười đắt đến vậy sao?

Nhưng trước mắt là một Côn Đảo đang mới lên từng ngày, rồi sẽ hiện đại lên từng ngày. Cư dân Côn đảo ngày nay khoảng 80% là cán bộ công chức hưởng lương Nhà nước. Phố xá gần như không có trộm cắp. Xe máy có thể để đâu đó, cả đêm, không cần phải khóa. Đến đèn đỏ, thấy ai cũng dừng lại, đèn xanh mới đi, mặc dù phía đường ngang không có chiếc xe nào đi qua.

Bây giờ đang mùa chim yến về làm tổ. Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo có nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng tài sản mà thiên nhiên để lại cho đất nước, nhưng họ cũng có những cách đem về tiền tỷ, thậm chí nhiều tỷ cho ngân sách Nhà nước. Một trong những cách ấy, có lẽ hiệu quả nhất, chính là việc nuôi yến và thu hoạch tổ yến. Bảo vệ và tận thu nguồn lợi thiên nhiên, tăng cường chất lượng cuộc sống cho chính mình, chẳng phải tốt lắm sao?

Máy bay cất cánh rời sân bay Cỏ Ống, nâng dần độ cao rồi xuyên qua những đám mây rực rỡ nắng vàng. Trong tôi bỗng cồn lên những suy ngẫm vu vơ. Là người Việt Nam, bạn hãy cố gắng một lần tới Côn Đảo, để khám phá những vẻ đẹp huyền bí của một địa danh lịch sử có tầm cỡ quốc gia và chứng kiến sự thay da đổi thịt của một hòn đảo rất giàu tiềm năng về phát triển du lịch trên bước đường đổi mới của đất nước.

Theo Vũ Bình Lục (Báo Biên Phòng)
Du lịch, GO!