(iHay) - Giữa Sài Gòn đông đúc, giữa những cửa hàng, quán xá, tiếng xe cộ đinh tai đêm ngày, thì vẫn còn đó tiếng chiếc thuyền máy đi qua, tiếng dòng sông trôi, và lục bình vẫn thở đều…

< Lục bình trôi trên sông Bình Triệu.

Nếu như lên Google tìm kiếm với từ khóa “Bình Triệu”, bạn sẽ chỉ nhận được những đường link thông tin về các vụ kẹt xe và tự tử. Bình Triệu, nơi có chiếc cầu cùng tên nối qua con sông Sài Gòn, nơi có ngã tư lớn với đường ray xe lửa cùng nhà ga Bình Triệu nhỏ xíu,… tất cả những điều ấy vốn là một phần của Sài Gòn. Cửa ngõ vào thành phố từ phía Đông này luôn tất bật ngày đêm, với lưu lượng lớn xe cộ ra vào, người qua lại.

< Cầu Bình Triệu bắc qua sông.

Nhưng Sài Gòn đâu chỉ đông đúc và ồn ã, xô bồ. Cũng như Bình Triệu đâu chỉ có những tin tức giật gân, làm người ta e sợ đến vậy. Thử một lần sống chậm lại, mở rộng lòng mình theo hàng chục con đường nhỏ nối từ ngã tư lớn, bạn sẽ thấy một Bình Triệu rất khác. Đó là một Bình Triệu dung dị và hiền hòa đến lạ.

< Thuyền chở trái cây đi trên sông.

Tôi hay gọi khúc sông Sài Gòn nơi có cầu Bình Triệu bắc qua, gần đó là khu vực Thanh Đa nổi tiếng với khu du lịch Bình Quới, các nhà hàng câu cá… là sông Bình Triệu. Lý do vì sao thì… không biết nữa. Có lẽ vì khúc sông này đã quá quen thuộc và gần gũi, khác xa với sông Sài Gòn rộng lớn mỗi khi có ai nhắc đến. Cũng có lẽ sông Bình Triệu được nhắc đến để phân biệt với những khúc sông khác của sông Sài Gòn.

< Những ngôi nhà xiêu vẹo, méo mó…

Ngồi từ bờ bên này của quận Thủ Đức, tôi và bạn bè thường gọi khi thì ly cà phê, ly sinh tố, hay trái dừa ở một trong những quán cà phê quen bên bờ sông, rồi tha thẩn đưa mắt nhìn khung cảnh trên sông, hay phía bờ thuộc quận Bình Thạnh đối diện.

Chúng tôi từ tốn ngắm dòng sông lững lờ trôi, mang theo những cành cây khô, lục bình, môn nước, thậm chí cả rác và xác động vật… đi xa. Có lúc nước lên trắng xóa, khi đó nhìn dòng sông mênh mông và sâu thăm thẳm. Có lúc nước xuống để lộ đất đá sát bờ kè, nham nhở đến tội nghiệp. Có những ngày lục bình ở đâu kéo về xanh rạp hết cả mặt sông. Người bạn đi cùng hững hờ buộc miệng hỏi: Sao người ta không gọi là bèo trôi mây dạt?

< Hoàng hôn trên sông Bình Triệu.

Trên sông, hiếm khi thấy ngớt thuyền bè qua lại. Những chiếc phà chở cát dài và rộng, ì ạch như những con vịt khổng lồ bơi trên mặt nước. Mấy chiếc ca nô trắng muốt và sang trọng chở khách du lịch trên sông rẽ sóng như máy bay rẽ mây, phóng ào ào. Vài chiếc thuyền nhỏ chở trái cây, thường là dừa, chẳng biết từ đâu cứ nhẹ nhàng qua lại, có lẽ là sẽ tấp vào một bờ nào ở gần đó và bỏ mối chờ chủ vựa đến lấy.

< Khi màn đêm buông xuống…

Hai bên bờ sông, xen kẽ với hệ thống các nhà hàng, khách sạn, quán ăn, khu du lịch câu cá thư giãn… là vài ngôi nhà xập xệ, có lẽ là trong diện quy hoạch. Những ngôi nhà xiêu vẹo, méo mó nhưng vẫn cứ ung dung tồn tại, hiên ngang đứng bên cạnh những tòa cao ốc sang trọng ở gần đó.

Mỗi khi chạy xe qua cầu Bình Triệu, tôi hay đi chậm để hòa mình vào khung cảnh bình yên hiếm có giữa Sài Gòn đông đúc. Để cho nắng sớm nhè nhẹ rớt rơi lên mặt, lên tay. Để cho không khí trong lành của buổi sớm mai quẩn quanh bên người. Đưa mắt ra xa là mặt sông mờ ảo trong sương mờ của buổi sớm, bên dưới mấy con thuyền qua lại nhỏ xíu như mô hình đồ chơi.

< … mặt sông lại lung linh bởi những ánh đèn màu.

Có những buổi chiều tà, sông Bình Triệu bỗng trở thành một bức tranh thủy mặc sống động, khi mặt trời đang cố sức chiếu hết ánh sáng đỏ rực còn sót lại, nhuộm đỏ cả mặt sông. Khi màn đêm buông xuống, mặt sông lại lung linh bởi những ánh đèn màu từ các quán ăn, nhà hàng, khách sạn ven bờ. Đèn từ cầu Bình Triệu ở phía xa cũng sáng tỏa hết mình, góp phần làm cho mặt sông thêm huyền ảo. Bình Triệu hiền hòa, nên thơ có, mà bình yên cũng không thiếu.

< Cầu Bình Triệu về đêm.

Đâu đó giữa Sài Gòn tấp nập và ồn ã này, vẫn còn nhiều góc nhỏ dung dị và gần gũi, êm ả và chân thành, mà chỉ cần bạn đi chậm lại thôi, chỉ cần chú ý lắng nghe và quan sát, thì sẽ cảm nhận được. Như khu Bình Triệu này, giữa ngã tư đông đúc, giữa những cửa hàng, quán xá, tiếng xe cộ đinh tai đêm ngày, thì vẫn còn đó tiếng chiếc thuyền máy đi qua, tiếng dòng sông trôi, và lục bình vẫn thở đều…

Theo Bình An (iHay.Thanhnien)
Du lịch, GO!