(TTO) - Nhiều năm nay cứ đến tháng 5 mùa trái chín, một số nhà vườn nằm trên địa bàn ấp Phú Thứ, xã Phú An, thị xã Bến Cát, Bình Dương không còn phải ngồi chờ thương lái đến mua với giá rẻ mạt, hay phải vất vả hái rồi mang ra chợ ngồi bán. Họ chờ những ngày cuối tuần du khách kéo đến vườn cây đông nghẹt.

< Khách đến vườn cây của dì Tám Nhành (ấp Phú Thứ, xã Phú An, thị xã Bến Cát, Bình Dương).

Các chủ vườn ở đây có cùng một kiểu “bán” như nhau là cho khách vào vườn cây, leo trèo, hái trái cây ăn no bụng chỉ với giá từ 10.000-15.000 đồng/người (xoài, dâu, chôm chôm) kèm với thỏa thuận miệng là không hái trái non, không bẻ nhành cây. Ai hái mang về sẽ được cân ký, tính tiền với giá bán tại vườn.

Khách đến vườn cây, chủ vườn chỉ việc đếm đầu người rồi thu tiền. Chủ vườn vừa trông xe (miễn phí) vừa chờ khách... sai vặt như xin ca trà đá, xin chén nước mắm đường... Thậm chí khách nào lỡ bữa đói bụng hỏi mua mì gói, chủ vườn còn nhiệt tình xuống bếp bê luôn nồi cơm nguội với mấy con cá khô cho khách dùng...

Chứng kiến hàng trăm lượt khách kéo nhau chạy vào con đường đất ngoằn ngoèo dẫn vào những vườn cây ở xã Phú An, tôi lại chạnh lòng khi nghĩ đến địa danh nổi tiếng một thời: Cầu Ngang, Lái Thiêu. Trong khi những mảnh vườn nằm tận nơi heo hút ở làng quê Phú An, Bến Cát, khách lũ lượt kéo đến thì mấy năm nay Sở VH-TT&DL Bình Dương và người dân An Thạnh, An Sơn, Hưng Định lại phải vất vả tổ chức những chương trình lễ hội trái cây để lôi kéo khách đến Cầu Ngang nhưng cây cầu Ngang dẫn lối vào các khu vườn cây vẫn đìu hiu khách.

Vui vẻ, thân thiện, gần gũi, không “chặt chém”. Mua, bán theo đúng kiểu cây nhà lá vườn. Những người dân nhà vườn ở xã Phú An, Bến Cát đã tạo nên một điểm đến quen thuộc cho du khách.

Theo Lê Ngọc Hạnh (báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!