(TQĐT) - Đến nhà đồng bào Tày ở huyện vùng cao Lâm Bình, khi khách bước qua những bậc thang lên nhà sàn, chủ nhà mời khách ngồi bên bếp lửa ở giữa nhà để uống nước. Không giống như người Kinh, người Dao hay pha chè xanh mời khách, người Tày ở Lâm Bình lại đãi khách bằng thứ nước có màu đỏ hương rất thơm, nhấp vào miệng một ngụm thấy ngọt dịu ở đầu lưỡi. Đó chính là nước cây Phang độc đáo mà hiếm vùng đất nào có được.

Tương truyền, nước cây Phang được người Tày ở các xã Hồng Quang, Lăng Can, Bình An, Thổ Bình... dùng làm thứ nước uống thay trà từ nhiều đời nay. Loại nước này được chế biến từ thân cây Phang và củ cây Rác toóc (hai loại cây quý theo tên gọi tiếng Tày).

Cây Phang cho màu đỏ và vị ngọt; cây Rác toóc cho mùi thơm. Nước Phang ngoài vị thơm và ngọt ra còn có nhiều công dụng khác như bổ thận, mát gan và thanh lọc chất độc trong cơ thể. Trong rất nhiều bài thuốc nam dân gian của người Tày ở Lâm Bình, hai loại cây này đều xuất hiện với vai trò là thành phần quan trọng không thể thiếu được.

Bà Ma Thị Ti, dân tộc Tày ở thôn Nà Nghè, xã Hồng Quang cho biết: Từ khi bà sinh ra đã được các cụ truyền lại cho cách thức nhận biết hai loại cây này và cách chế biến nước Phang để dùng trong sinh hoạt hằng ngày. Theo bà thì cây Phang thuần tính hơn nên đã được thuần hóa và đem về trồng ở vườn nhà để chủ động hơn trong việc sử dụng. Trái ngược lại, cây Rác toóc lại là loại cây khó trồng, chủ yếu vẫn phải đi kiếm ở trong rừng già và đòi hỏi phải có kinh nghiệm mới nhận biết được.

Theo cách chế biến của người Tày, cây Phang sau khi đã đến thời kỳ trưởng thành thì chặt lấy thân, sau đó rồi băm nhỏ và đem phơi thật khô dưới ánh nắng gắt. Đối với cây Rác toóc, sau khi lấy ở rừng về, cây cũng được băm nhỏ, phơi khô và trộn với cây Phang theo tỉ lệ 1/3. Sau khi sơ chế xong, người dân đóng gói kĩ và cất trên gác bếp giữa nhà cho khô thoáng để tích trữ và sử dụng dần trong một thời gian dài.

Ngồi bên bếp lửa hồng, chủ nhà chất củi đun siêu nước sôi sình sịch, nóng bỏng rồi rót vào ấm hãm đã được bỏ sẵn một nhúm cây Phang là có thứ nước ngon tuyệt. Câu chuyện về làm ăn, về cuộc sống cũng bắt đầu sau khi chén nước thơm được rót ra trong không gian giản dị mà ấm cúng, rất đỗi thân thiện và chân thành của gia chủ người Tày. Điều này đã trở thành một trong những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày ở Tuyên Quang.

Theo Báo Tuyên Quang
Du lịch, GO!