Lắng nghe gió về luồn qua những thung khe ở sườn núi, len dần lên đỉnh qua tán thông tạo ra âm thanh u…u… như tiếng chuông đang thỉnh. Lên đỉnh núi vãn cảnh đền Dành, sơn thủy hữu tình, không khí trong lành, trong tiếng chuông và tiếng chim chóc trong tán lá rừng… chợt thấy lòng thanh tịnh.

Giữa dải đồi lúp xúp như bát úp men theo dòng sông Thương, núi Dành đột ngột nhô cao. Từ ngàn đời nay, người dân các làng Hậu xã Liên Chung, Um Ngò, Đồng Sen xã Việt Lập vẫn gọi đây là núi Chung Sơn, tức núi Chuông.

Trên địa bàn huyện Tân Yên có hai quả núi lớn, đó là núi Đót xã Phúc Sơn và núi Dành xã Liên Sơn đều cao hơn 120 m. So với nhiều quả núi khác thì độ cao này rất khiêm tốn. Nhưng cổ nhân từng nói: "Núi không cần cao, trên núi có tiên ở khắc linh; đầm không cần sâu, dưới có rồng ở khắc thiêng”. Ý nói về linh vật và núi Dành có điều đó, đây cũng là lý do để đền Dành, núi Dành thêm linh thiêng.

< Đền Dành.

Trên đỉnh núi Dành, có ngôi đền nhỏ tọa lạc là đền Dành, thờ Cao Sơn Quí Minh. Đền luôn gắn với lễ hội Bảo Lộc Sơn, hay còn gọi là hội Tứ Đình xã Việt Lập ở phía nam núi và lễ hội Dành, hay còn gọi hội Tam đình xã Liên Chung phía đối diện. Trung tâm hội Tứ Đình hay hội Bảo Lộc Sơn tại đình Um Ngò xây dựng năm 1775.

Vào hội, ngày 16 tháng Giêng, dân ba làng lân cận rước kiệu về đình Um Ngò rồi cùng rước lên đền Hạ. Trung tâm hội ba đình xã Liên Chung bắt đầu từ ngôi đình Vường thôn Hậu có niên đại thế kỷ XVIII. Vào hội, ngày 18 tháng Giêng, các làng: Hậu, Hương, Sấu Bến cùng tụ tập về và rước kiệu lên đền Thượng trên đỉnh núi.


< Biểu diễn Hát ví, Hát ống truyền thống của xã Liên Chung tại Lễ hội núi Dành.

Xung quanh núi Dành có nhiều những câu chuyện dân gian. Với đền Dành chuyện kể rằng, qua một thời kỳ vàng son, đến chiến tranh trận mạc, đền Dành xuống cấp, hoang phế chìm dần vào trong cây cỏ. Khi đó có một gia đình nghèo khó dưới chân núi thường lên núi Dành hái củi để bán. Một lần họ dừng chân trước phế tích của ngôi đền, không cầm lòng trước vẻ hoang tàn liền thưa rằng: "Nếu các ngài phù hộ cho chúng tôi khấm khá, chúng tôi nguyện sẽ sửa lại ngôi đền”. Sau đó không lâu, gia cảnh của nhà nọ trở nên giàu có. Nhớ lại lời hứa năm xưa, họ đã bỏ tiền của hưng công dựng lại ngôi đền, cột tròn làm bằng đá vôi.

Trong khởi nghĩa Yên Thế, tổng Bảo Lộc Sơn (khu vực xã Liên Chung ngày nay) là địa bàn hoạt động của nghĩa quân. Sau thời kỳ tiền khởi nghĩa, rồi giặc Pháp xâm lược trở lại, núi Dành khi đó là điểm tiền tiêu của căn cứ cách mạng, từ đây có thể bao quát cả vùng Phủ Lạng Thương xưa (TP Bắc Giang ngày nay) và Lạng Giang, Việt Yên. Giặc Pháp bắn pháo dữ dội lên núi, hai chiến sĩ du kích đã hy sinh và ngôi đền Dành lại một lần nữa bị tàn phá, núi Dành trơ trụi. Mãi cho đến về sau này, khi HTX nông nghiệp thời kỳ hưng vượng, xã viên đưa thông lên núi trồng, sau đó người dân tự góp công dựng lại ngôi đền, mộ của hai liệt sĩ được đặt ngay đầu núi, cách đền không xa. Mười lăm năm trước, đường lên núi Dành chỉ là con đường mòn nhỏ, len giữa cây bụi và đá, nhưng du khách thập phương đã tụ về rất đông.

< Đường lên Núi Dành.

Những năm 2002- 2004 bà con nhân dân xã Liên Chung, Việt Lập mà nòng cốt là Hội Người cao tuổi hưng công làm đường, gánh gạch, cát, xi măng và nước từ chân núi lên, xây hàng trăm bậc gạch. Lại trồng thêm hàng ngàn cây keo, núi Dành đã xanh trở lại. Dưới chân núi, xây lại đền Trình, sửa lại Giếng Tiên. Hội núi Dành cũng dược nâng cấp, trở thành một trong bốn lễ hội trọng điểm của huyện Tân Yên.

Núi Dành có linh vật là sâm nam. Thời nay, chưa nhiều người biết tới nhưng nó đã được nhắc đến cách đây trên trăm năm. Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn có chép rằng: "Núi Chung Sơn ở xã Bảo Lộc, thuộc địa giới Yên Thế sản xuất ra sâm nam và cỏ thi…”.

< Múa lân trong hội đền Dành.

Truyền thuyết sâm núi Dành được người dân trong vùng kể lại: Xưa có chàng mồ côi cha nghèo khó, mẹ ốm nặng không có tiền mua thuốc. Một hôm nằm mơ thấy tiên ông chỉ đường lên một ngọn núi cao để đào cây thuốc về sắc cho mẹ uống. Bà mẹ uống thuốc đó liền khỏi bệnh. Từ đó, anh rất chăm chỉ trồng và tìm kiếm cây thuốc này cứu chữa cho nhiều người trong vùng.

Lại có chuyện rằng: Xưa có mẹ vua bỗng dưng loà mắt, các thầy thuốc chạy chữa bao năm không khỏi, có người dâng sâm nam núi Dành làm thuốc chữa cho mắt mẹ vua bỗng sáng lại như thường. Vì thế dân gian có câu: "Sâm nam nổi tiếng núi Dành/ Chữa loà cho mắt lại lành như xưa”.

Những năm 50 của thế kỷ trước, khi núi Dành trơ trụi, sâm nam núi Dành mất dạng, từ đó không còn ai biết củ sâm, cây sâm nam ra sao và đều nghĩ linh vật này đã tuyệt diệt. Nhưng thật may mắn, theo điều tra năm 2007 tại đây vẫn còn vài ba gốc sâm nam được người dân giấu kín. Từ một đề án khoa học triển khai năm 2012- 2013 đến nay sâm nam đã có gần nghìn gốc. Tại đỉnh núi Dành, nơi ngôi đền tọa lạc, sâm nam cũng đã mọc trở lại.

Được biết UBND huyện Tân Yên đã có kế hoạch xây dựng Khu di tích núi Dành phát triển thành khu du lịch sinh thái tâm linh, công việc đang được triển khai. Núi Dành và đền Dành đã và đang trở thành địa chỉ được nhiều người biết đến và lui tới.

Theo Châu Giang (báo Bắc Giang)

Hiểu thêm thắng cảnh núi Dành

Núi Dành hay còn gọi là núi Chung Sơn – một ngọn núi cao, phong cảnh đẹp nổi tiếng thuộc địa phận hai xã Việt Lập và Liên Chung. Đường từ chân núi lên là những bậc đá rêu phong, thi thoảng lại có những đoạn được lát bằng gạch chỉ, khi bằng phẳng, khi thoai thoải, hoặc đột ngột dựng cao; hai bên đường xung quanh là những đồi thông, bạch đàn, rừng keo xanh tốt.

Núi Chung Sơn có nghĩa là ngọn núi tựa như một quả chuông lớn đặt ở phía nam của huyện. Cận kề ngọn núi ấy có hai dòng sông lớn là sông Thương và sông Nhâm Ngao. Thế núi uốn lượn, uyển chuyển quanh năm soi bóng xuống sông Thương xanh trong tạo nên một khung cảnh sơn thuỷ hữu tình. Trên núi có nhiều thông xanh, cảnh sắc thâm u, tĩnh mịch, mát mẻ, gió reo vi vút quanh năm. Núi Dành là ngọn núi quý của vùng, chung đúc được nhiều khí thiêng của trời đất, sản sinh ra hai loài thảo mộc: sâm núi Dành và hành Liên Bộ. Từ lâu, dân gian vẫn có câu ca rằng:

Sâm Nam nổi tiếng núi Dành,
Chợ đầy nhan nhản những hành Chung Sơn.
Sông Thương uốn khúc lượn quanh,
Cá nhiều tôm sẵn Lãn Tranh giỏi chài.

Quanh núi Dành còn có nhiều di tích cổ, điển hình như: lăng đá quan Thái Bảo, chùa Thú, chùa không Bụt, chùa Chàng, đình Nguyễn, đình Vường, đình chùa Lãn Tranh, mộ quan Nguyễn Đắc Thọ, đền Núi Dành… Hàng năm vào dịp đầu xuân, hệ thống các di tích ấy lại tưng bừng mở hội thật long trọng. Trong hội  lệ có tế lễ, rước kiệu thờ uy nghi, cùng với hàng loạt các trò chơi dân gian độc đáo (cướp cầu, vật, chọi gà, cờ tướng, leo cầu kiều…) thu hút rất đông người đến tham dự. Trong tiết trời xuân ấm áp, được cùng người thân, bạn bè trẩy hội, leo núi, ngắm cảnh núi Dành thông xanh bát ngát thì thật không gì vui sướng hơn.

Núi Dành Phong cảnh hữu tình, lại có những dấu tích cổ xưa, chính là thế mạnh để trở thành khu du lịch sinh thái của huyện Tân Yên. Trong tương lai, nếu đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng du lịch cho hệ thống khu di tích quanh núi Dành thì chắc rằng lượng khách đến thăm quan sẽ ngày càng nhiều.
(Phùng Thị Mai Anh)

Du lịch, GO!